(Baothanhhoa.vn) - Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, Việt Nam và Lào đã có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó từ lâu đời. Truyền thống tốt đẹp đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay Xỏn Phôm Vi Hản kính yêu kế thừa, phát huy; đồng thời, được các thế hệ lãnh đạo và Nhân dân hai nước dày công vun đắp và nâng lên một tầm cao mới. Để rồi, lịch sử 60 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào đã thực sự trở thành một tấm gương mẫu mực, thủy chung, trong sáng, bền vững chưa từng có trong quan hệ giữa các dân tộc trên thế giới.

Kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5-9-1962 - 5-9-2022)

“Việt Lào hai nước chúng ta - Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”!

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, Việt Nam và Lào đã có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó từ lâu đời. Truyền thống tốt đẹp đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay Xỏn Phôm Vi Hản kính yêu kế thừa, phát huy; đồng thời, được các thế hệ lãnh đạo và Nhân dân hai nước dày công vun đắp và nâng lên một tầm cao mới. Để rồi, lịch sử 60 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào đã thực sự trở thành một tấm gương mẫu mực, thủy chung, trong sáng, bền vững chưa từng có trong quan hệ giữa các dân tộc trên thế giới.

“Việt Lào hai nước chúng ta - Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”!

Chương trình nghệ thuật đặc biệt do các nghệ sĩ hai nước Việt Nam - Lào biểu diễn nhân kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (được tổ chức tại Thanh Hóa ngày 25-8-2022). Ảnh: Minh Hiếu

Quy luật phát triển chung của cả hai dân tộc

Quan hệ đoàn kết Việt Nam - Lào là mối quan hệ thấm đẫm tinh thần hữu nghị và thủy chung, trong sáng hiếm có. Khi bàn về mối quan hệ rất đặc biệt này, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, quan hệ Việt Nam - Lào không phải do ý muốn chủ quan của bất kỳ bên nào, mà bắt nguồn từ vị trí địa - chiến lược của hai nước; từ bản chất nhân văn, nương tựa lẫn nhau của hai dân tộc có cùng lợi ích cơ bản về độc lập, tự chủ và nguyện vọng chính đáng thiết tha về hòa bình và phát triển.

Việt Nam và Lào có vị trí địa - chiến lược quan trọng ở vùng Đông Nam Á, do nằm kề con đường giao thương hàng hải hàng đầu thế giới, nối liền Đông Bắc Á, Nam Á qua Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Dãy Trường Sơn - “biên giới tự nhiên” giữa Việt Nam và Lào là “bức tường thành” hiểm yếu, tạo điều kiện cho hai nước tựa lưng vào nhau, phối hợp giúp đỡ lẫn nhau trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước. Trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, có nhiều vị trí chiến lược khống chế những địa bàn then chốt về kinh tế và quốc phòng rộng lớn của cả hai nước, có thể trở thành điểm tựa vững chắc cho Việt Nam và Lào trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Việt Nam và Lào đều là những quốc gia đa dân tộc, có lịch sử phát triển lâu đời trên bán đảo Đông Dương. Quá trình cộng cư hoặc sinh sống xen cài của những cư dân Việt Nam và cư dân Lào trên địa bàn biên giới của hai nước đã phản ánh sinh động, liên tục mối quan hệ cội nguồn và quan hệ tiếp xúc từ xa xưa của Nhân dân hai nước. Đặc biệt, Nhân dân hai nước giàu lòng nhân ái, bao dung và văn hóa của hai dân tộc có nhiều nét tương đồng. Sự tương đồng giữa văn hóa của người Việt và người Lào bắt nguồn từ chính nền tảng chung của văn minh nông nghiệp lúa nước ở Đông Nam Á. Trong đối nhân xử thế, Nhân dân Việt Nam và Nhân dân Lào bao giờ cũng nêu cao những phẩm chất yêu thương và hướng thiện. Đồng thời, sự hài hòa giữa lòng nhân ái và tinh thần cộng đồng đã trở thành một nét đặc sắc trong triết lý nhân sinh của người Việt Nam cũng như người Lào. Ví như, các nền văn hóa nghệ thuật truyền thống của Việt Nam và Lào dễ dàng tìm thấy sự đồng cảm lẫn nhau, chia sẻ tâm hồn chung về các giá trị cộng đồng, coi trọng luật tục, tôn kính người già...

Trong thời kỳ phong kiến, đặc điểm nổi bật về quan hệ giữa Nhân dân hai nước là thân thiện, hữu hảo. Nhân dân hai nước, nhất là ở vùng biên, đã thường xuyên nương tựa vào nhau, cưu mang đùm bọc lẫn nhau trong cuộc sống hằng ngày cũng như mỗi khi có thiên tai, địch họa. Hai nước luôn giữ mối quan hệ bang giao hòa hiếu, đặc biệt thông qua quan hệ hôn nhân giữa hoàng tộc và lãnh chúa địa phương ở cả hai nước. Đến cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp tiến hành xâm lược và đặt ách đô hộ lên Việt Nam, Lào và Campuchia. Do có cùng một kẻ thù và chung một cảnh ngộ bị xâm lược và áp bức, phát huy truyền thống đoàn kết hữu nghị sẵn có, Nhân dân 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia dễ dàng đồng cảm, liên kết tự nhiên với nhau và tự nguyện phối hợp với nhau trong một sứ mệnh chung đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập, tự do.

Có thể nói, trong lịch sử thế giới đã xuất hiện nhiều hình thức liên minh, đồng minh, hợp tác hoặc hình thành các cộng đồng quốc gia. Song xét về mọi phương diện, chỉ có mối quan hệ Việt Nam - Lào mang đầy đủ các yếu tố ưu việt về cách mạng và nhân văn dựa trên cơ sở lý luận đúng đắn và nguyên tắc, phương pháp hợp lý về xây dựng phát triển mối quan hệ quốc gia - quốc tế, được lãnh đạo hai Đảng, Nhà nước và Nhân dân hai nước đồng thuận, cùng chung sức thực hiện, mang lại những thành tựu to lớn và tiến bộ vượt bậc về mọi mặt cho cả hai dân tộc. Đó là mối quan hệ đặc biệt, gắn với truyền thống lâu đời và đã trở thành một tấm gương mẫu mực, thủy chung, trong sáng, vững bền chưa từng có trong quan hệ giữa các dân tộc đấu tranh vì độc lập, tự do, hòa bình và tiến bộ xã hội.

Suốt nhiều thập kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, tiếp đến là Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào dù đã trải qua vô vàn thử thách khắc nghiệt. Song như nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định, thì tất cả đã trở thành quy luật sống còn và sức mạnh kỳ diệu tạo nên những thắng lợi vĩ đại của Việt Nam và Lào trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ đất nước. Đồng thời, quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào cũng được coi là lẽ sống, là tài sản vô giá của cả hai dân tộc, thậm chí đã trở thành quy luật phát triển chung của cả hai dân tộc trên con đường phát triển đất nước phồn vinh, ấm no, hạnh phúc.

Dấu mốc ngoại giao đặc biệt

Cách đây 60 năm, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân Việt Nam và Lào bước vào giai đoạn cam go, ác liệt, ngày 5-9-1962, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Vương quốc Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Đại sứ Việt Nam Lê Văn Hiến và Đại sứ Lào Thạo Pheng là những sứ giả đầu tiên của hai nước. Việc hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao đánh dấu bước phát triển mới của quan hệ đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam và Lào. Đầu năm 1963 vua Lào Xri Xa Văng Vá Tha Na dẫn đầu đoàn đại biểu Hoàng gia Lào thăm Việt Nam. Trong buổi chiêu đãi vua Lào, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Hai dân tộc Việt và Lào sống bên nhau trên cùng một dải đất, cùng có chung một dãy núi Trường Sơn. Hai dân tộc chúng ta đã nương tựa vào nhau, giúp đỡ lẫn nhau như anh em... Ngày nay, chúng ta lại đang giúp đỡ nhau để xây dựng một cuộc sống mới. Tình nghĩa láng giềng anh em Việt - Lào thật là thắm thiết không bao giờ phai nhạt được”.

Có thể nói, dấu mốc 1962 là sự kiện lịch sử trọng đại, mở ra bước phát triển mới trong quan hệ của hai nước, khẳng định sự gắn bó vận mệnh của hai dân tộc trong chiến đấu chống kẻ thù chung, giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. Đồng thời, khẳng định Nhân dân hai nước Việt - Lào luôn đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, kề vai sát cánh, giúp đỡ nhau trong công cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung, giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Mối quan hệ ấy thật đúng như ý thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thương nhau mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua/ Việt - Lào, hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”!

Từ dấu mốc 1962 đến sau năm 1975, quan hệ Việt Nam và Lào bước sang một trang hoàn toàn mới: từ liên minh chiến đấu chung một chiến hào sang hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia có độc lập, chủ quyền. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Nhân dân hai nước càng có điều kiện phát huy truyền thống tốt đẹp đã từng gắn bó keo sơn trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, xây dựng và tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện về chính trị, quốc phòng - an ninh, kinh tế, văn hóa, giáo dục... Đây chính là đặc điểm quan trọng nhất, dẫn tới sự thay đổi về chất trong nội dung, phương thức và các nguyên tắc quan hệ giữa hai quốc gia, nâng quan hệ hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai nước lên tầm cao mới.

Nâng mối quan hệ lên tầm cao mới

Khi nói về mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Hai dân tộc Việt Nam và Lào luôn kề vai, sát cánh bên nhau, đồng cam cộng khổ, xây đắp nên mối tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện, trở thành tài sản vô giá, nguồn lực quý báu và là nhân tố cực kỳ quan trọng bảo đảm sự thành công của cách mạng mỗi nước”! Trên cơ sở những kết quả hợp tác to lớn và toàn diện đã đạt được những năm qua, lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước đã thống nhất đặt ưu tiên cao nhất cùng phấn đấu nâng quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào lên tầm cao mới, theo phương châm chất lượng và hiệu quả, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, tăng trưởng kinh tế bền vững, hội nhập ngày càng sâu rộng và có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế.

Trong quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào, quan hệ chính trị tiếp tục được tăng cường và ngày càng đi vào chiều sâu, giữ vai trò nòng cốt, định hướng tổng thể trong quan hệ hai nước. Theo đó, lãnh đạo cấp cao hai nước luôn chú trọng củng cố, tăng cường sự gắn bó, tin cậy và phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trong những vấn đề có tính chiến lược giữa hai Đảng, hai Nhà nước; phát huy những cơ chế hợp tác sẵn có, song song với triển khai những cơ chế hợp tác mới. Đồng thời, duy trì thường xuyên việc trao đổi các đoàn cấp cao và các cấp dưới nhiều hình thức, góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào. Nổi bật có các chuyến thăm Lào của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và các chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Lào. Qua các cuộc gặp gỡ, hai bên đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác quan trọng giữa hai Đảng, hai Chính phủ, tạo hành lang pháp lý thuận lợi thúc đẩy quan hệ hợp tác. Đồng thời, tập trung triển khai thực hiện tốt các thỏa thuận và Tuyên bố chung được ký kết giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước, góp phần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các thỏa thuận.

Bên cạnh đó, các ban của Đảng, các bộ, ngành của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, mặt trận, đoàn thể và địa phương hai nước đều ký kết và tích cực triển khai các thỏa thuận, chương trình hợp tác song phương và thường xuyên có các chuyến thăm lẫn nhau. Qua đó, cùng chia sẻ kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế... Đặc biệt, liên quan đến các vấn đề lý luận, thực tiễn và chia sẻ kinh nghiệm về công cuộc đổi mới phát triển đất nước, từ năm 2017 đến nay, hai bên đã phối hợp tổ chức 5 cuộc hội thảo lý luận với các chủ đề: Hội nhập quốc tế: Kinh nghiệm của Việt Nam, kinh nghiệm của Lào; Phát triển nhanh, bền vững; Công tác tư tưởng trong điều kiện hiện nay: Thực trạng, vấn đề đặt ra và giải pháp; Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong tình hình mới; Những vấn đề lý luận - thực tiễn mới trong Văn kiện Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại hội XI Đảng Nhân dân Cách mạng Lào...

Cũng trong 5 năm trở lại đây, hai bên đã phối hợp tổ chức nhiều sự kiện quan trọng trong quan hệ hai Đảng, hai Nhà nước với nhiều hoạt động phong phú, sâu rộng, có ý nghĩa thiết thực, có sức lan tỏa rộng khắp đến các tầng lớp Nhân dân. Đồng thời, phối hợp tuyên truyền sâu rộng về mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, nhất là trong thế hệ trẻ, nhân các sự kiện trọng đại trong quan hệ giữa hai nước; triển khai xây dựng một số công trình và tôn tạo các di tích lịch sử về quan hệ Việt Nam - Lào ở mỗi nước. Điển hình như công trình Nhà Quốc hội Lào, Tượng đài Tình đoàn kết liên minh chiến đấu Lào - Việt Nam tại tỉnh Xai Som Bo Un; Khu di tích lịch sử cách mạng Chủ tịch Cay Xỏn Phôm Vi Hản tại Khu di tích Lao Khô thuộc tỉnh Sơn La (năm 2017); dự án biên dịch các bộ sách kinh điển Mác - Ăng-ghen, Lê-nin và Hồ Chí Minh toàn tập sang tiếng Lào và bộ phim tài liệu Chủ tịch Cay Xỏn Phôm Vi Hản, Chủ tịch Xu Pha Nu Vông; tặng thưởng huân chương, huy chương cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc góp phần thúc đẩy và tăng cường quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào...

Trong chính sách đối ngoại, hai bên đã thiết lập và triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế tham vấn thường niên cấp Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; tăng cường trao đổi thông tin về tình hình thế giới và khu vực mà hai bên cùng quan tâm; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong các hoạt động tại các diễn đàn đa phương, như Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV), Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV), Tổ chức Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyarwady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS) và các cơ chế hợp tác Tiểu vùng Mekong, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của mỗi nước.

Trong mối quan hệ Việt Nam - Lào, hợp tác quốc phòng - an ninh luôn được xác định là trụ cột quan trọng. Hai bên luôn phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau nhằm bảo đảm ổn định chính trị, an ninh và trật tự, an toàn xã hội ở mỗi nước. Đặc biệt, hai bên đã hoàn thành Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào; ký 2 văn kiện pháp lý quan trọng năm 2016 là “Nghị định thư về đường biên giới và mốc giới Việt Nam - Lào” và “Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào”... Ngoài ra, hai bên cũng tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế - xã hội, với nhiều thành quả quan trọng đạt được.

Điển hình như trong lĩnh vực giao thông - vận tải, hai bên tiếp tục tập trung thực hiện Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về Chiến lược hợp tác trong lĩnh vực giao thông - vận tải giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, hai bên phối hợp nghiên cứu, thúc đẩy tìm kiếm nguồn vốn triển khai các dự án trọng điểm; triển khai Hiệp định hợp tác và đầu tư phát triển cụm bến cảng 1, 2, 3 tại cảng Vũng Áng; cơ bản hoàn thành dự án xây dựng sân bay Nỏng Khạng tại tỉnh Hủa Phăn. Hai bên ký kết Thỏa thuận về xây dựng và khai thác tuyến đường sắt Vũng Áng - Viêng Chăn; phối hợp đề nghị với Nhật Bản xem xét triển khai thực hiện dự án tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn; đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về giao thông - vận tải. Hay trong lĩnh vực năng lượng điện, hai bên đã ký kết Biên bản ghi nhớ về phát triển các dự án thủy điện tại Lào và mua bán điện giữa hai nước đến năm 2030 và Hiệp định về hợp tác phát triển các công trình năng lượng điện và mỏ; ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác mua bán điện từ các công trình điện gió...

Ngày nay, dù đứng trước nhiều thách thức mới, song hai nước Việt Nam - Lào vẫn luôn kiên định xây đắp và phát huy mối quan hệ truyền thống đặc biệt và hợp tác toàn diện. Đúng như lời khẳng định của Chủ tịch Cay Xỏn Phôm Vi Hản, đó là “Chừng nào sông Mê kông, Hồng Hà kia chưa kiệt cạn, chừng nào dãy núi Trường Sơn hùng vĩ kia chưa thành bình địa, chừng đó tình nghĩa Lào - Việt Nam anh em sẽ không bao giờ rời xa nhau”!

Khôi Nguyên


Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]