Việc cần huy động
Tôi yêu quê mình, nhưng nhiều khi ngại về làng. Nhất là mỗi khi có điện thoại của bác trưởng làng, tôi thường phải trì hoãn thật lâu để tính kế. Bởi tôi biết kiểu gì cuộc hội thoại cũng sẽ kết thúc bằng thông tin huy động kinh phí.
Tôi biết ở một vùng quê còn nghèo, để có công trình lớn nào, thì việc trông chờ nguồn kinh phí từ con em xa quê là lẽ đương nhiên. Nhưng việc huy động trở nên quá mức, thì không chỉ tôi, mà nhiều người làng sống trên thành phố cũng phàn nàn.
Xây dựng nông thôn mới đòi hỏi phải có thêm những công trình văn hóa, thể thao, các hạ tầng kỹ thuật thiết yếu. Nhưng không phải nói có là phải có ngay được. Ngay cả những làng xã có điều kiện kinh tế khá giả, ban quản trị làng cũng phải tính toán xem làm công trình nào trước, công trình nào sau, và làm ở mức độ nào. Không thể cứ thấy làng trên có cổng làng rồi làng mình cũng phải làm. Thấy làng bên có giếng làng cũng đốc thúc dân làng, huy động con em xa quê hỗ trợ kinh phí, là chuyện không phù hợp. Xây dựng nông thôn mới phải là quá trình lâu dài, lấy sự hài lòng của người dân làm mục tiêu phấn đấu. Những đứa con xa làng, yêu quê hương, nhưng lại có cảm giác giật mình khi nhận được tin nhắn từ làng. Biết đây không phải là điều bắt buộc, nhưng không tham gia cũng thấy ngại trong lòng.
Mấy ngày trước, bác trưởng làng lại gọi khiến tôi lo lắng. Tết nhất mua sắm nhiều, mà còn phải ủng hộ kinh phí cho làng nữa, quả là không dễ dàng gì. Phải tới cuộc điện thoại thứ ba tôi mới bốc máy, giọng thiếu tự tin. Vẫn là cách khơi gợi quen thuộc, bác trưởng làng kể về sự vươn lên mạnh mẽ của làng, kể về những công trình ở làng đang phát huy tác dụng tới cỡ nào. Bác khẳng định đó là công quả của những người xa quê như tôi cả đấy. Có chút cảm động, nhưng chưa thể vợi nỗi lo. Và đúng như suy đoán, phần cuối cuộc điện thoại vẫn chốt lại là huy động kinh phí.
Bác trưởng làng nói rằng việc học của làng ta xem ra thua kém lắm. Mấy năm nay chẳng có cháu nào vào được trường đại học tốp đầu. Nhiều đứa tính chuyện bỏ học, vì biết có học rồi cũng thế thôi, khó mà thoát ly được mảnh đồng làng. Bác chốt hạ rằng, phải có một quỹ khuyến học để góp phần vực lại sự học ở làng. Bác trình bày ý tưởng xây dựng quỹ, cách quản lý và sử dụng nguồn quỹ. Có lẽ bác đã tham khảo ở đâu đó, nên mọi việc khá khoa học.
Một gia đình, dòng họ, lớn hơn là một làng, một xã, muốn phát triển được phải có nội lực tiềm tàng, mà một trong số đó chính là sự học. Lứa chúng tôi nhiều người ham học, gia đình dù khó khăn nhưng vẫn quyết tâm cho con đi học. Vậy nên mỗi năm làng có gần chục học sinh học lên cao, thoát ly mảnh vườn nhà, nhiều người thành đạt, rồi cùng hướng về làng quê bằng những phần vật chất.
Có lẽ cả chục năm qua, nhỏ bé là từng gia đình, lớn hơn là dòng họ, xóm, làng đã mải mê với cái mục tiêu làm cho làng quê trở nên to đẹp để sánh với xóm dưới, làng trên. Một việc làm tốt, nhưng quá mải mê, sa đà vào việc huy động kinh phí cho mục tiêu đầu tư hạ tầng nên bỏ bê đi nhiều chuyện trong đó có việc khuyến học.
Người ta nhìn vào chiếc cổng làng đồ sộ để đánh giá đẳng cấp hiện tại một khu dân cư. Còn để nhìn vào tương lai của khu dân cư ấy phải là việc học hành của con trẻ, sự chăm lo của người lớn đối với sự nghiệp khuyến học. Cổng làng rồi sẽ cũ đi, lứa con em xa quê rồi cũng già đi. Khi ấy ai sẽ là người tiếp tục đáp ứng việc huy động kinh phí? Rõ ràng phải là những đứa trẻ hôm nay. Nhưng những học sinh ở làng đang bằng lòng với việc học cho xong để đi làm công nhân, để kế tục sự nghiệp ruộng vườn, thì có thể trông đợi được bao nhiêu phần. Chỉ có xem trọng việc học thì mới có những đứa trẻ vượt qua được lối mòn trên con đường làng, thành công, quay về hỗ trợ làng quê.
Dù đã ít nhiều suy giảm niềm tin từ việc huy động kinh phí của bác trưởng làng, nhưng tôi vẫn thấy vui vì lần đặt vấn đề này của bác rất trúng vấn đề. Tôi nhận lời mùng 4 tết này sẽ về quê tham gia tết khuyến học đầu tiên của làng, và định bụng sẽ bớt một phần sắm tết để đóng góp vào quỹ.
Hạnh Nhiên
{name} - {time}
-
2025-01-15 15:11:00
Công ty CP Mía đường Lam Sơn thăm, tặng quà tại các Trung tâm bảo trợ xã hội dịp Tết 2025
-
2025-01-15 15:04:00
Tặng quà tết hộ nghèo huyện Nga Sơn
-
2024-02-03 13:17:00
Ấm áp chương trình Xuân Tình nguyện năm 2024
TP Thanh Hóa rực rỡ cờ hoa mừng Đảng, mừng Xuân
Những phần quà ý nghĩa đến với Trung tâm Bảo trợ Xã hội số 2 Thanh Hoá
Trao tặng 67 suất quà cho hộ có hoàn cảnh khó khăn tại xã Hoằng Phong
“Tết sum vầy - Xuân chia sẻ” dành cho đoàn viên, người lao động huyện Thiệu Hóa
Mường Lát rộn ràng vào tết
Xã Ngọc Trạo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân
Vận động gần 6,9 tỷ đồng trao quà tết cho hội viên, phụ nữ nghèo, gia đình chính sách, trẻ mồ côi
Nét đẹp ngày thả cá chép tiễn ông Công ông Táo về trời
Những vùng chuyên rau sản xuất theo hướng an toàn