Vì sao Đại lễ Vesak được LHQ công nhận là ngày lễ văn hóa tôn giáo quốc tế?
Đại lễ Phật đản, hay còn gọi là Vesak, là ngày kỷ niệm Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh vào thế kỷ 6 trước Công nguyên. Tuy nhiên, điều đặc biệt là ngày này không chỉ có ý nghĩa với cộng đồng Phật tử mà còn trở thành biểu tượng của hòa bình, nhân ái và trí tuệ cho nhân loại.
Chư tăng và các đại biểu thả bóng bay cầu nguyện hòa bình trong Lễ Phật đản 2024. (Ảnh: Hồng Thái/TTXVN)
Vesak - Biểu tượng văn hóa tôn giáo toàn cầu
Năm 1999, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chính thức công nhận Đại lễ Vesak là ngày lễ văn hóa tôn giáo quốc tế, tổ chức thường niên tại trụ sở chính ở New York (Mỹ) và các văn phòng khu vực. Lý do bởi giáo lý Phật giáo đề cao hòa bình, tôn trọng sự sống, giải thoát con người khỏi khổ đau, góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững của xã hội hiện đại.
Giáo lý của Đức Phật không chỉ dành cho người xuất gia mà hướng đến tất cả con người, với những lời dạy vượt thời gian về tình thương, lòng từ bi, sự buông bỏ và trí tuệ, giúp kiến tạo một thế giới an lạc, hòa hợp.
Chính những giá trị nhân văn ấy đã khiến Vesak trở thành sự kiện tôn giáo đầu tiên và duy nhất tính đến hiện tại, được Liên hợp quốc chính thức công nhận và tổ chức kỷ niệm ở quy mô toàn cầu.
Nguồn gốc và ý nghĩa ngày Phật đản
Theo lịch sử Phật giáo, Đức Phật sinh ra vào ngày Trăng tròn tháng Vesak, tức là tháng Tư âm lịch. Tuy nhiên, vì có sự khác biệt trong các phương pháp tính lịch giữa các trường phái Phật giáo, ngày Phật đản thường được tổ chức vào các thời điểm khác nhau tại các quốc gia, nhưng phổ biến nhất là vào tháng Tư hoặc tháng Năm dương lịch.
Các đại biểu và Phật tử làm Lễ tắm Phật (Mộc Dục) tại Lễ Phật đản 2024. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Tương truyền khi Đức Phật đản sinh, ngài bước đi 7 bước và dưới mỗi bước chân nở một đóa sen. Theo giáo lý nhà Phật, hoa sen biểu trưng cho sự thuần khiết, 7 bước chân là biểu tượng của chân lý vượt thời gian, không gian và lục đạo luân hồi. Đó là lời nhắc nhở mỗi người cần sống hướng thiện, biết buông bỏ tham-sân-si để tìm về sự bình an nội tâm và ý nghĩa đích thực của cuộc sống.
Ngày Phật đản không chỉ là dịp tôn vinh Đức Phật mà còn là cơ hội để ôn lại những giáo lý sâu sắc mà Ngài đã truyền dạy. Lý tưởng về hòa bình, từ bi, và sự giải thoát khỏi khổ đau vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến hàng triệu người trên khắp thế giới.
Sự kiện này cũng được tổ chức trang trọng tại các chùa, đền thờ và các trung tâm Phật giáo, với những nghi thức như lễ rước Phật, thắp đèn và cúng dường hoa quả.
Lễ Phật đản trong đời sống văn hóa Việt
Tại Việt Nam, từ năm 1950, Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới chính thức chọn ngày Rằm tháng Tư âm lịch làm ngày kỷ niệm Đức Phật đản sinh. Từ đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức mùa Phật đản kéo dài từ mùng 8 đến Rằm tháng Tư hàng năm với nhiều hoạt động nghi lễ và văn hóa Phật giáo.
Bên cạnh các nghi lễ truyền thống như tụng kinh, lễ tắm Phật, lễ cầu nguyện quốc thái dân an, diễu hành xe hoa..., Đại lễ Phật Đản còn là dịp tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi..., thể hiện tinh thần từ bi, cứu khổ cứu nạn của đạo Phật.
Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc lần thứ 20 và dấu ấn Việt Nam
Từ ngày 6-8/5 tới, Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc lần thứ 20 sẽ diễn ra tại Học viện Phật giáo Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là lần thứ tư Việt Nam đăng cai sự kiện quốc tế đặc biệt này, sau các kỳ tổ chức tại Hà Nội (2008), Ninh Bình (2014) và Hà Nam (2019).
Toàn cảnh khai mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc lần thứ 16 - Vesak 2019 tại Hà Nam. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)
Dự kiến, Đại lễ Vesak năm nay thu hút sự tham gia của đại diện Phật giáo và các tổ chức quốc tế đến từ hơn 80 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Chủ đề chính của Đại lễ là “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững.” Thông điệp này không chỉ đề cao giá trị từ bi và trí tuệ của Phật giáo, mà còn nhấn mạnh vai trò của tinh thần đoàn kết, bao dung trong thế giới hiện đại đầy biến động.
Việc Việt Nam tiếp tục đăng cai tổ chức sự kiện văn hóa tâm linh quốc tế lần thứ 20 mang nhiều ý nghĩa quan trọng trong quá trình hội nhập, toàn cầu hóa; là cầu nối hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước trên thế giới; đặc biệt là khẳng định được vị thế, trách nhiệm của Việt Nam đối với Liên hợp quốc, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, góp phần tăng cường vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ mới./.
Theo TTXVN
{name} - {time}
-
2025-05-04 09:13:00
Đề xuất bảo tồn tại chỗ thuyền cổ độc nhất vô nhị tại Việt Nam
-
2025-05-04 09:11:00
Thiếu niên tự kỷ người Nigeria lập kỷ lục thế giới về hội họa
-
2025-05-03 20:48:00
Sự độc đáo trong việc tôn tượng Phật lớn nhất thế giới cao tới 167,5m tại Thanh Hóa
[Podcast] Truyện ngắn: Lời thì thầm của sóng
Ngọc Lặc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống
Quan tâm tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa
Tạo động lực mới cho văn học - nghệ thuật phát triển
“Ăn” đồng nghĩa với “uống”
Sức sống của dân ca, dân vũ trong xã hội hiện đại
[E-Magazine] – Tháng năm khe khẽ thầm thì
Phim về Anh trai vượt ngàn chông gai có tên gọi chính thức