Vì mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển
Phổ cập giáo dục (PCGD), xóa mù chữ là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển của quê hương, đất nước. Từ ý nghĩa đó, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành giáo dục Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao công tác PCGD và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Cô, trò Trường Mầm non Thiệu Hợp (Thiệu Hóa) trong giờ học.
Để mục tiêu PCGD đúng độ tuổi, đúng lộ trình, ngành giáo dục huyện Thiệu Hóa đã chỉ đạo các trường học xây dựng kế hoạch thực hiện theo từng năm học, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền vận động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số học sinh... Đồng thời, tích cực tham mưu cho chính quyền địa phương cũng như huy động xã hội hóa giáo dục đầu tư xây dựng, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, học tập; không ngừng chuẩn hóa về trình độ của giáo viên; thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho giáo viên, học sinh... Đến nay 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thiệu Hóa đã đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ em 5 tuổi; đạt PCGD tiểu học và PCGD THCS mức độ 3. Thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện cho thấy, nhiều năm qua, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp, trẻ 6 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non trong toàn huyện luôn đạt 100%. Đối với bậc học tiểu học, công tác PCGD đúng độ tuổi, chống mù chữ được giữ vững; chất lượng học tập của học sinh có chuyển biến tốt. Đối với cấp THCS, tỷ lệ thanh niên, thiếu niên trong độ tuổi từ 15 - 18 tuổi tốt nghiệp THCS đạt gần 99%; tỷ lệ thanh niên, thiếu niên trong độ tuổi từ 15 - 18 tuổi đang học chương trình giáo dục phổ thông (giáo dục thường xuyên) cấp THPT hoặc giáo dục nghề nghiệp đạt gần 97%.
Theo thầy giáo Nguyễn Lạnh Đông, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thiệu Hóa, đây là kết quả của sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành đoàn thể; sự nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ, giáo viên toàn ngành giáo dục huyện. Cùng với đó là nhận thức của người dân trong việc cho con đến trường; vị trí, tầm quan trọng của công tác PCGD được nâng lên. Đặc biệt, phòng giáo dục đã tích cực tham mưu cho UBND huyện xây dựng hệ thống trường lớp, cải thiện cơ sở vật chất theo hướng kiên cố và hiện đại hóa; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên bảo đảm về số lượng, cơ cấu, có trình độ chuyên môn cao, tận tụy, tâm huyết với nghề, có ý thức trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy.
Tại nhiều địa phương khác như các huyện Lang Chánh, Quảng Xương, Hoằng Hóa, thị xã Nghi Sơn..., nhờ sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp, ban, ngành, địa phương và người dân trong huy động và duy trì trẻ đi học đúng độ tuổi, công tác PCGD cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Được biết, từ năm 2017, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn thị xã Nghi Sơn đã đạt PCGD tiểu học mức độ 3. Những năm gần đây, tỷ lệ huy động học sinh 6 tuổi vào lớp 1 trong toàn thị xã luôn đạt 100%; trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt gần 100%; sĩ số học sinh luôn duy trì 100%, không có học sinh trong độ tuổi bỏ học... Đối với huyện miền núi Lang Chánh, riêng cấp học mầm non, từ năm 2013 huyện đã hoàn thành PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi và được các đơn vị trường trong huyện duy trì, giữ vững qua từng năm học. Cô giáo Lê Thị Ngọc, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Lang Chánh II (Lang Chánh) chia sẻ: "Nhà trường hoàn thành PCGD mầm non trẻ 5 tuổi từ năm 2013. Từ đó đến nay, nhà trường vẫn giữ vững và duy trì với tỷ lệ trẻ 5 tuổi ra lớp hằng năm luôn đạt 100%. Để giữ vững kết quả này, hằng năm, trước khi bước vào năm học mới, Ban giám hiệu nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức điều tra, rà soát trẻ trong độ tuổi đến trường trên địa bàn. Trên cơ sở đó, phân công giáo viên phụ trách từng tổ dân phố, đến từng hộ gia đình vận động tuyên truyền phụ huynh đưa con em ra lớp. Cùng với đó, nhà trường tích cực tham mưu cho chính quyền địa phương quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học bảo đảm yêu cầu đổi mới giáo dục".
Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, công tác PCGD ở các cấp học, bậc học ở các địa phương trên địa bàn tỉnh trong những năm qua luôn được duy trì, giữ vững. Trong đó 100% xã, phường, thị trấn thuộc 27 huyện, thị xã, thành phố đã đạt PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi. PCGD tiểu học đã đạt mức độ 3 và là tỉnh thứ 15 của cả nước đạt mức độ 3 - mức độ cao nhất hiện nay. Đối với công tác PCGD THCS, từ trước năm 2012, Thanh Hóa đã được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn PCGD THCS. Sau nhiều năm nỗ lực, cố gắng đến nay toàn tỉnh đã đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 2 và là tỉnh thứ 12 trong cả nước đạt chuẩn mức độ 2. Đây vừa là điều kiện và cũng là nền tảng quan trọng để toàn ngành giáo dục nói chung, mỗi đơn vị trường nói riêng tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng GD&ĐT cũng như đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH quê hương, đất nước.
Bài và ảnh: Phong Sắc
{name} - {time}
-
2025-01-12 17:03:00
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chính thức trở thành Đại học Kinh tế Quốc dân
-
2025-01-12 11:05:00
Thiết thực ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2025
-
2024-06-09 19:10:00
Thanh Hóa có 3 học sinh đoạt huy chương Olympic Vật lí Châu Á (APhO) năm 2024
Điểm sáng xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh
Xây dựng mô hình “Công dân học tập”
Hôm nay, hơn 105.000 thí sinh Hà Nội bắt đầu làm bài thi vào lớp 10
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục VN điều chỉnh mục tiêu
Công bố điểm chuẩn vào Trường THPT chuyên Lam Sơn
Đại học Việt Nam tăng bậc trong Bảng xếp hạng đại học thế giới năm 2025 của QS
[Infographics] – Thanh Hóa có hơn 46.000 thí sinh thi vào lớp 10 THPT năm học 2024 -2025
Phúc khảo điểm thi vào Trường THPT chuyên Lam Sơn từ 1 điểm lên 9 điểm: Lỗi từ khâu lên điểm
Nâng chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT của các trung tâm GDNN-GDTX