Về Khu Kinh tế Nghi Sơn và các KCN: Cần có tầm nhìn mới, hành động mạnh mẽ hơn
Là một trong 8 khu kinh tế trọng điểm quốc gia, Khu Kinh tế Nghi Sơn đã minh chứng vai trò “đầu tàu” kinh tế, tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng GRDP và ngân sách tỉnh. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, tính lan tỏa của các dự án quy mô lớn đến cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn hạn chế.
Các chỉ tiêu quan trọng của Chương trình trọng tâm phát triển Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp giai đoạn 2021-2025 chưa đạt như kỳ vọng; đặc biệt là việc thu hút mới các dự án có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến chế tạo theo định hướng phát triển. Hạ tầng kỹ thuật - xã hội trong Khu Kinh tế Nghi Sơn vẫn bộc lộ những “điểm nghẽn” như hệ thống logistics chưa đồng bộ, thiếu các trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao. Cải cách thủ tục hành chính có cải thiện nhưng chưa tạo bứt phá đủ mạnh để nâng cao niềm tin của nhà đầu tư.
Do đó, tại mục B của phần thứ nhất - Hạn chế, yếu kém và nguyên nhân (trang 21-25), Dự thảo Báo cáo Chính trị cần phân tích rõ hơn nguyên nhân khách và chủ quan. Từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm về công tác quy hoạch, quản lý, thu hút đầu tư và xây dựng hạ tầng.
Đặc biệt, tại phần thứ hai, mục B - phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ chủ yếu, các chỉ tiêu kinh tế Thanh Hóa đặt ra cho nhiệm kỳ tới như GRDP tăng trưởng 11% trở lên, thu hút đầu tư 700.000 tỷ đồng trở lên; tốc độ tăng thu ngân sách bình quân hằng năm đạt 7%... Mục tiêu này tiếp tục đặt trọng trách lên “vai” các “đầu não” kinh tế lớn của tỉnh.
Do đó, tại mục C - nhiệm vụ và giải pháp, dự thảo cần bổ sung các giải pháp có tính đột phá, rõ ràng và đặc thù nhằm khắc phục những hạn chế của nhiệm kỳ trước, phát huy tối đa lợi thế và vai trò “hạt nhân tăng trưởng” của Khu Kinh tế Nghi Sơn như: Ưu tiên nguồn lực hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, nhất là giao thông kết nối liên vùng, cảng biển, năng lượng sạch và logistics để tăng sức hấp dẫn đầu tư; xây dựng cơ chế ưu đãi đặc thù để thu hút các tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao và logistics. Bên cạnh đó, tỉnh cần đẩy nhanh hình thành hệ sinh thái doanh nghiệp phụ trợ và dịch vụ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các ngành công nghiệp hiện đại.
Đỗ Đình Hiệu
Giám đốc VCCI Chi nhánh Thanh Hóa - Ninh Bình
{name} - {time}
-
2025-07-13 14:52:00
Giải quyết triệt để các vụ việc phức tạp, không để hình thành “điểm nóng” về an ninh trật tự
-
2025-07-13 14:50:00
Nâng cao vai trò người đứng đầu trong thực hiện bộ máy hành chính mới
-
2025-07-12 13:42:00
Tăng cường đầu tư cho văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực