(Baothanhhoa.vn) - Đời người đẹp nhất là tuổi trẻ; đất trời đẹp nhất vào độ xuân sang. Xuân bắt đầu từ ngày từng cánh én theo nhau về điểm những nét chấm phá lên nền trời cao vợi. Hay nàng xuân đã chạm gót trần gian trong rực rỡ sắc hoa, mơn mởn chồi non lộc biếc? Và có thể lắm chứ, những cơn mưa bụi ẩm ướt đã dẫn dụ hồn xuân. Là tất cả nhưng có khi chẳng vì điều gì, xuân cứ thế nhẹ nhàng, ấm áp đến bên đời; như lẽ tự nhiên vĩnh hằng của vũ trụ bao la, huyền bí. Cội nguồn của mùa xuân, đi đâu để tìm thấy? Chỉ thấy một nỗi bồi hồi, xao xuyến luôn song hành, hiện hữu cùng xuân với tên gọi thân thương: Tháng Giêng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xúc cảm... tháng Giêng!

Đời người đẹp nhất là tuổi trẻ; đất trời đẹp nhất vào độ xuân sang. Xuân bắt đầu từ ngày từng cánh én theo nhau về điểm những nét chấm phá lên nền trời cao vợi. Hay nàng xuân đã chạm gót trần gian trong rực rỡ sắc hoa, mơn mởn chồi non lộc biếc? Và có thể lắm chứ, những cơn mưa bụi ẩm ướt đã dẫn dụ hồn xuân. Là tất cả nhưng có khi chẳng vì điều gì, xuân cứ thế nhẹ nhàng, ấm áp đến bên đời; như lẽ tự nhiên vĩnh hằng của vũ trụ bao la, huyền bí. Cội nguồn của mùa xuân, đi đâu để tìm thấy? Chỉ thấy một nỗi bồi hồi, xao xuyến luôn song hành, hiện hữu cùng xuân với tên gọi thân thương: Tháng Giêng.

Xúc cảm... tháng Giêng!

Du khách tìm về Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) mỗi dịp tết đến, xuân về.

Là thời điểm vẻ đẹp của mùa xuân thăng hoa nhất, tháng Giêng đẹp như nàng thiếu nữ thanh tân. Một chút dịu dàng, e ấp của nắng xuân. Một chút ve vuốt, mơn man của những làn gió thoảng. Một chút lả lơi, ướt át của mưa bụi phất phơ... Tất cả như hòa quyện vào nhau, ướp đượm hương tình, căng tràn nhịp đập yêu thương. Chính xúc cảm dâng đầy trong ý nghĩ đã khiến cho “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu không thể kìm lòng mà bật lên tiếng thơ: “Của ong bướm này đây tuần tháng mật/ Này đây hoa của đồng nội xanh rì/ Này đây lá của cành tơ phơ phất/ Của yến anh này đây khúc tình si/ Và này đây ánh sáng chớp hàng mi/ Mỗi buổi sớm thần vui hằng gõ cửa/ Tháng giêng ngon như một cặp môi gần” (Vội vàng). Xuân Diệu dùng ngôn ngữ thơ để viết nên một khúc ca trong trẻo, ngọt ngào về tháng Giêng. Ông viết như đang trút từng nỗi niềm hân hoan, rạo rực trước vẻ đẹp giao hòa của trời đất. “Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần” là câu thơ thể hiện sự thăng hoa, táo bạo của nhà thơ trong cảm xúc cũng như nghệ thuật. Cái đẹp, cái thi vị của tháng Giêng không thể cảm nhận theo những cách thông thường. Bằng tất cả say mê, háo hức, tinh tế, phá cách, Xuân Diệu thức tỉnh mọi giác quan để được nhấm nháp từng chút một vẻ đẹp của tháng Giêng. Hình ảnh so sánh khiến người đọc có cảm giác Xuân Diệu đang tận hưởng hương thơm, sự mềm mượt, ấp áp trên đôi môi ngọt ngào của người tình ngàn năm. Vì lẽ đó, câu thơ đã trở thành biểu tượng, ghi dấu ấn mạnh mẽ, ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ độc giả. Để rồi mỗi khi tháng Giêng về, câu thơ ấy như đốt lên trong lòng mỗi người những xúc cảm lâng lâng ngây ngất.

Đâu chỉ đẹp trong thơ, tháng Giêng được xem như thời điểm khởi phát của một năm; tháng mở ra biết bao điều ước vọng. Có lẽ bởi vậy nên bắt đầu từ Tết Nguyên đán – kỳ nghỉ đặc biệt nhất trong năm, kéo dài đến tháng Giêng, tháng hai, tháng ba âm lịch, trên khắp mọi miền Tổ quốc, muôn vàn lễ hội tưng bừng mở ra. Vượt qua biên độ làng, xã, vươn đến vùng, miền, lễ hội đã trở thành nét văn hóa tiêu biểu, món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân đất Việt mỗi dịp tết đến, xuân về. Trong đó, nhiều hơn cả là những lễ tế kỳ phúc và các cuộc hành hương về với các địa điểm tâm linh. Nào lễ hội chùa Hương (Hà Nội), lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), lễ hội đền Trần (Nam Định), lễ hội núi Bà Đen (Tây Ninh)... Như một quy luật tất yếu của lòng người, “ra giêng”, “ra hai”, người người nhà nhà du xuân trẩy hội. Xứ Thanh tươi đẹp cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Với hơn 300 lễ hội truyền thống, xứ Thanh tựa hồ như một sân khấu văn hóa dân gian đặc sắc, thấm đượm hồn dân tộc. Như đã thành thông lệ, mỗi độ hoa mai, hoa đào bung nở, người dân xứ Thanh lại nô nức sửa soạn lên đường vui xuân, vui lễ hội với hành trình “lên rừng xuống biển”, tìm về những địa điểm được coi là linh thiêng bậc nhất trong tỉnh để thắp nén tâm nhang tưởng nhớ những người anh hùng đã có công xây dựng, bảo vệ đất nước, che chở cho cuộc sống người dân và cầu mong sức khỏe, bình an, may mắn, hạnh phúc nhân dịp đầu năm mới.

Tháng Giêng - mùa lễ hội. Lễ hội là sự thăng hoa của cộng đồng; là thành tố cấu thành bản sắc văn hóa vùng miền, dân tộc. Tuy nhiên, lằn ranh giữa những mỹ tục và hủ tục, văn hóa và phản văn hóa trong không gian thực hành lễ hội rất mong manh nếu bản thân mỗi người tham gia và các cấp quản lý thiếu nhận thức, buông lỏng trách nhiệm của mình. Nhìn dòng người đổ về các điểm du lịch tâm linh với tất tưởi cơ man hành lý, đồ lễ tế, nghi ngút khói hương khiến chúng ta không khỏi đặt ra câu hỏi nghi vấn: Trong hàng nghìn, hàng vạn con người ấy, liệu có được bao nhiêu tấm lòng thành tâm chiêm bái, hiểu được giá trị căn bản của văn hóa tâm linh? Băn khoăn ấy là điều có căn cứ khi mà trong không gian thờ tự linh thiêng, thành kính vẫn còn tồn tại đâu đó những tệ nạn mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, trộm cắp, chen lấn, tranh cướp... được hình thành từ lòng tham, sự ích kỉ, thiếu ý thức của con người. Hơn thế, nỗi niềm băn khoăn ấy còn thể hiện rõ trong “muôn hình vạn trạng” những mong cầu mà những người đi lễ thành tâm giãi bày trước các đấng thần, thánh, Phật... Bên cạnh những mong cầu về sức khỏe, bình an, hạnh phúc, tài lộc đơn thuần như một cách tạo nên nguồn động lực, niềm tin tốt lành để nỗ lực phấn đấu, nhiều người tìm đến các đấng thần, thánh, Phật để mong cầu những điều phi lý: “Cầu cho buôn may bán đắt”, “mua 1 bán 10”, “cầu cho có con trai”, “cầu cho những kẻ làm hại mình phải gặp trắc trở, đen đủi”, “cầu cho đường quan lộ hanh thông”... Song có mấy ai tự hỏi, khi đối diện với niềm tin và khát vọng của “thập loại chúng sinh”, các đấng thần linh có bao giờ cảm thấy áp lực, mệt mỏi hay không? Mong cầu nhiều, ước vọng lớn nhưng thế giới tâm linh chỉ là điểm tựa của niềm tin, đâu phải là cõi vạn năng để thay chúng ta giải quyết tất cả mọi khó khăn, vấp ngã trong cuộc đời?

“Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua”, qua tháng Giêng này là tháng ngày đằng đẵng của lộ trình một năm mới lại bắt đầu. Để tồn tại và phát triển, mỗi người đều phải tự mình phấn đấu, nỗ lực hoàn thiện chính mình: “Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó/ Sao ta không tròn ngay tự trong tâm” (Tự sự - Lưu Quang Vũ). Đừng biến tháng Giêng trở thành cái cớ, chịu tiếng oan ức là “tháng ăn chơi”. Hãy để những xúc cảm mà tháng Giêng mang lại luôn dấy lên trong lòng chúng ta dư vị ngọt lành, ấm áp.

Bài và ảnh: Thảo Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]