(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở các xã “vùng khó” khu vực miền núi được triển khai hiệu quả, để lại nhiều “dấu ấn” với những thay đổi về diện mạo nông thôn và nếp sống văn minh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xây dựng đời sống văn hóa ở các xã “vùng khó”

Những năm qua, phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở các xã “vùng khó” khu vực miền núi được triển khai hiệu quả, để lại nhiều “dấu ấn” với những thay đổi về diện mạo nông thôn và nếp sống văn minh.

Xây dựng đời sống văn hóa ở các xã “vùng khó”

Diện mạo đường làng, ngõ xóm ở thôn Cây Nghia, xã Xuân Thái (Như Thanh) ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Đã thành thông lệ, mỗi tháng một lần, ông Dương Đình Cương, trưởng thôn Cây Nghia, xã Xuân Thái (Như Thanh), lại đến từng hộ dân để tuyên truyền bà con thực hiện các hương ước, quy ước của thôn. Nhờ đó, người dân trong thôn đã nắm rõ hơn chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chủ động, tích cực tham gia xây dựng thôn trở thành điểm sáng trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Ông Cương chia sẻ: Thôn hiện có 124 hộ, trong đó dân tộc Mường chiếm tới 70%. Khi mới bắt tay vào thực hiện xây dựng đời sống văn hóa, thôn gặp không ít thách thức, do những yếu kém về đời sống kinh tế; hủ tục còn “ăn sâu bám rễ”; đường sá, giao thông đi lại khó khăn; thiết chế văn hóa còn đơn sơ... Do đó, ban lãnh đạo thôn luôn xác định, chỉ có thông qua các cuộc họp thôn định kỳ, cùng với việc đến từng nhà để tuyên truyền về công tác xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, thì nhận thức của bà con mới từng bước thay đổi. Đồng thời, những cách làm hay, mô hình hiệu quả trong phát triển kinh tế cũng được phổ biến để giúp người dân nâng cao đời sống kinh tế. Nhờ đó, đến nay thôn chỉ còn 7 hộ nghèo; các danh hiệu văn hóa luôn được thôn giữ gìn và phát huy qua từng năm.

Dạo quanh các thôn trên địa bàn xã Xuân Thái, có thể dễ dàng nhận thấy sự đổi thay tích cực của diện mạo nông thôn từ những con đường bê tông sạch đẹp, những ngôi nhà kiên cố, khang trang. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa, cùng với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đem tới sự đổi thay đáng kể cho vùng đất này. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Trung Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thái, cho biết: Vốn là xã 135, lại có 3 dân tộc Thái, Mường, Kinh cùng sinh sống, nên bước đầu triển khai phong trào xã đã xây dựng các chỉ tiêu cụ thể về gia đình văn hóa, thôn văn hóa, xã văn hóa phù hợp với đặc thù địa phương; lồng ghép các nội dụng của phong trào với thực hiện xây dựng nếp sống văn minh, đẩy lùi tệ nạn xã hội và hủ tục; đồng thời quan tâm xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân. Đến nay, các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao của xã đều phát triển mạnh; đã xây dựng được các đội văn nghệ, thường xuyên luyện tập phục vụ cho các hoạt động của địa phương. Toàn xã có 7/10 thôn được công nhận và giữ vững danh hiệu thôn văn hóa qua các năm; 658/987 hộ gia đình được công nhận văn hóa. Kinh tế từng bước phát triển, đời sống tinh thần ngày một nâng lên; môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; tình làng, nghĩa xóm thêm gắn kết.

Những năm qua, huyện Như Thanh luôn xác định công tác tuyên truyền phải được thực hiện thường xuyên, có điểm nhấn và đặc biệt là việc nêu gương, nhân rộng mô hình, tổ chức học tập kinh nghiệm, nhất là ở các xã “vùng khó”... Ông Nguyễn Văn Cương, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Như Thanh, chia sẻ: “Chúng tôi chú trọng công tác khen thưởng những người dân làm tốt phong trào, vừa trân trọng thành quả của họ, vừa tạo sự hứng khởi, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục cùng địa phương giữ gìn, nâng chất lượng các phong trào. Cùng với đó là việc hướng dẫn kiểm tra, đánh giá các tiêu chí văn hóa... phải thật sự đủ chuẩn mới công nhận. Đồng thời, chú trọng đến việc giữ gìn bản sắc, tổ chức các lễ hội truyền thống cho bà con”...

Là một trong những xã khó khăn của huyện Như Xuân, những năm qua, để phong trào xây dựng đời sống văn hóa lan tỏa sâu rộng trong Nhân dân, cấp ủy, chính quyền xã Thanh Lâm đã có nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Ông Lê Đình Huấn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Với 98% đồng bào sinh sống trên địa bàn là dân tộc Thái, nên xã tập trung vào các nội dung xây dựng đời sống văn hóa và giữ gìn bản sắc dân tộc; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào về việc thực hiện nếp sống văn hóa mới trong việc cưới, việc tang và lễ hội... Đến nay, cả 6/6 thôn đều xây dựng được nhà văn hóa khang trang, mua sắm đầy đủ trang thiết bị; tỷ lệ gia đình văn hóa hàng năm đạt trên 75%; xã đã thành lập được câu lạc bộ dệt thổ cẩm thu hút được 28 thành viên tham gia; các giá trị văn hóa, lễ hội truyền thống... đều được giữ gìn và phát huy.

Ông Cao Tiến Dũng, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Như Xuân, cho biết: Vốn là địa bàn miền núi, người dân chiếm đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, để phong trào xây dựng đời sống văn hóa tạo được “hiệu ứng” tốt, đặc biệt là ở các xã vùng xa, khó khăn, huyện xác định, trước tiên phải tuyên truyền cho người dân bằng nhiều cách, để họ hiểu và đồng hành cùng phong trào. Bên cạnh đó, những cán bộ tuyên truyền cũng phải tâm huyết, nhiệt tình bám thôn, bám bản. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá việc củng cố, nâng cao chất lượng phong trào theo từng năm. Hiện, huyện đã có 99/127 thôn, khu phố đạt danh hiệu văn hóa; 70% số gia đình đạt danh hiệu văn hóa.

Thực tế, những năm qua cho thấy, không chỉ các xã ở huyện Như Thanh, Như Xuân, mà nhiều địa phương khác như Quan Sơn, Mường Lát, Bá Thước... phong trào xây dựng đời sống văn hóa đã từng bước đi vào chiều sâu, những tập tục lạc hậu như tảo hôn, thách cưới được xóa bỏ, các hủ tục mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi, môi trường văn hóa lành mạnh, cảnh quan sạch, đẹp đang được đồng bào cùng chung sức xây dựng. Qua đó, tạo nên diện mạo mới trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, góp phần đẩy mạnh các mục tiêu kinh tế, văn hóa - xã hội ở địa phương.

Những cố gắng và nỗ lực trong xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa... của đồng bào dân tộc thiểu số ở “vùng khó” khu vực miền núi thời gian qua là không thể phủ nhận. Song, nhiều ý kiến cho rằng, để nâng cao chất lượng phong trào cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân để thấy được ý nghĩa tốt đẹp, lợi ích thiết thực của phong trào đối với cộng đồng và mỗi gia đình; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ văn hóa; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, thường xuyên bình xét phân loại, công nhận và khen thưởng danh hiệu văn hóa, tạo động lực để đẩy mạnh, nhân rộng, nâng cao chất lượng và bảo đảm tính bền vững của phong trào.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt


Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]