(Baothanhhoa.vn) - Xứ Thanh - mảnh đất “địa linh nhân kiệt”! Tự bao đời nay, mảnh đất này là nơi sinh thành, nuôi dưỡng nhiều hiền tài cho đất nước. Lật dở từng trang lịch sử dân tộc, dấu ấn các anh hùng, hào kiệt xứ Thanh vẫn mãi tỏa sáng rạng ngời cùng những chiến công hiển hách. Trong hằng hà những anh hùng, hào kiệt xứ Thanh được lịch sử điểm mặt, gọi tên thì Thượng tướng quân Trần Khát Chân - vị danh tướng có công dẹp giặc Chiêm Thành, giữ yên bờ cõi là một minh chứng chân thực, sinh động.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Về thăm đền Trần Khát Chân, nghe chuyện danh tướng của Thành Tây Đô

Xứ Thanh - mảnh đất “địa linh nhân kiệt”! Tự bao đời nay, mảnh đất này là nơi sinh thành, nuôi dưỡng nhiều hiền tài cho đất nước. Lật dở từng trang lịch sử dân tộc, dấu ấn các anh hùng, hào kiệt xứ Thanh vẫn mãi tỏa sáng rạng ngời cùng những chiến công hiển hách. Trong hằng hà những anh hùng, hào kiệt xứ Thanh được lịch sử điểm mặt, gọi tên thì Thượng tướng quân Trần Khát Chân - vị danh tướng có công dẹp giặc Chiêm Thành, giữ yên bờ cõi là một minh chứng chân thực, sinh động.

Về thăm đền Trần Khát Chân, nghe chuyện danh tướng của Thành Tây Đô

Đền Trần Khát Chân (thị trấn Vĩnh Lộc) – di tích lịch sử cấp quốc gia.

Mang theo niềm ngưỡng vọng, mượn khói hương thành kính ghé thăm ngôi đền thiêng mang tên vị danh tướng lẫy lừng để được lắng nghe nhiều hơn những câu chuyện gắn liền với cuộc đời, công trạng của ông. Nằm về phía Đông Bắc của Đốn Sơn, thuộc địa bàn thị trấn Vĩnh Lộc, cách Thành Nhà Hồ về phía Đông Nam khoảng hơn 2km, Di tích lịch sử cấp quốc gia – đền thờ Trần Khát Chân yên bình nép mình dưới tán cây xanh mướt mát. Theo sách Thanh Hóa chư thần lục, trên địa bàn toàn tỉnh có nhiều nơi thờ Thượng tướng quân Trần Khát Chân; trong đó, riêng tại huyện Vĩnh Lộc cũng có tới 3 nơi thờ tự là: thị trấn Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Tiến và xã Vĩnh Thịnh. Tuy nhiên, đền Trần Khát Chân tọa lạc dưới chân Đốn sơn (thuộc thị trấn Vĩnh Lộc) là nơi thờ chính; còn đền thờ ở các nơi khác chỉ là thờ vọng.

Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam nhất thống chí, Việt Nam sử lược, đều ghi: “Trần Khát Chân người làng Hà Lãng, huyện Vĩnh Ninh, ba đời làm Thượng tướng quân”. Ông là hậu duệ của Bảo vương Trần Bình Trọng với câu nói bất hủ “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”. Tuy nhiên, một số chi tiết về năm sinh, gia thế của ông, nhiều tư liệu lịch sử ghi chép khác nhau. Ví như, theo “Cổ Mai bi ký”, Trần Khát Chân sinh năm 1370, có cha là Trần Hữu Nhân, mẹ là Đặng Thị Ngọc Thục người làng Nột Dương, xã Kim Động, phủ Kiến Xương, trấn Sơn Nam, sau đó mới đến sinh sống ở Hà Lãng. Mặt khác, sách Danh nhân Thanh Hóa của Ban Nghiên cứu và Biên soạn lịch sử Thanh Hóa – NXB Thanh Hóa năm 2005 viết: Trần Khát Chân sinh năm Bính Tuất (1366), mẹ là Nguyễn Thị Điếm quê ở huyện Đông Sơn, Thanh Hóa.

Sinh ra và lớn lên giữa cảnh đất nước loạn lạc, Thượng tướng quân Trần Khát Chân sớm đã bộc lộ tư chất thông minh hơn người, giỏi võ, lắm cơ mưu. Năm 1388 (năm Mậu Thìn), ông thi đỗ Thái học sinh; sau đó được triều đình trọng dụng phong làm tướng quân chỉ huy đội quân Long Tiệp. Vào các năm 1371, 1377, 1378, vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga nhiều phen kéo quân sang nước ta gây ra cảnh cướp bóc, lầm than khiến lòng dân vô cùng oán hận. Tháng 11 năm Kỷ Tỵ (1389), quân Chiêm Thành do Chế Bồng Nga dẫn đầu tiến đánh Thanh Hóa, đánh vào hương Cổ Vô, Hồ Quý Ly được vua lệnh cho đem quân chống giữ. Quân Chiêm Thành đắp ngăn dòng sông ở thượng lưu, quan quân nhà Trần đóng nhiều cọc ở hạ lưu để đối địch. Quân địch bày mưu tính kế, giả vờ bỏ trại rút lui nhưng thực chất đã bố trí quân mai phục. Hồ Quý Ly chọn những quân tinh khỏe gọi là quân cảm tử, đuổi theo để đánh. Giặc bèn phá đập chắn nước, cho voi xông ra khiến quân ta bại trận, nhiều tướng bị quân giặc bắt giữ. Hồ Quý Ly chạy về kinh đô, xin thêm thuyền ra tiếp ứng nhưng không được chấp thuận. Quân giặc thừa thắng xông lên, vận nước lâm nguy, Trần Khát Chân, một đô tướng trẻ tuổi đã khẳng khái nhận lệnh, lãnh binh xuất trận.

Đại Việt sử ký toàn thư viết: Năm 1390, đô tướng Trần Khát Chân đại thắng quân Chiêm Thành ở Hải Triều. Khi ấy, Chế Bồng Nga cùng Nguyên Diệu dẫn hơn 100 chiến thuyền đến dò xét cách bài binh bố trận của quân Đại Việt. Chiến thuyền giặc chưa kịp ổn định hàng ngũ thì có tên bề tôi nhỏ của Bồng Nga là Ba Lậu Kê, vì bị Bồng Nga trách phạt, sợ bị giết, đã chạy sang trại quân của ta, chỉ vào chiến thuyền sơn màu xanh, nói rằng đó là thuyền của vua nước hắn. Đô tướng Trần Khát Chân hạ lệnh cho quân sĩ, nhất tề nhả đạn. Thuyền của Chế Bồng Nga bị lủng ván, Chế Bồng Nga trúng đạn mà chết. Người trong thuyền hắn kêu khóc ầm ĩ. Nguyên Diệu vội cắt lấy đầu của Chế Bồng Nga chạy về quan quân (để mong được tha tội), nhưng bị tướng Phạm Nhữ Lặc và Dương Ngang giết, chiếm lấy đầu của Bồng Nga. Quân giặc liền tan vỡ. Đô tướng Trần Khát Chân liền sai viên Giám quân là Lê Khắc Khiêm bỏ đầu Chế Bồng Nga vào hòm, chạy thuyền gấp về Bình Than để báo tin thắng trận. Bấy giờ, đồng hồ đã điểm canh ba, thượng hoàng đang ngủ say, giật mình tỉnh giấc, cứ ngỡ là quân giặc đã đánh vào tận ngự doanh. Đến khi nghe tin thắng trận, lại lấy được cả đầu của Bồng Nga, thì rất vui mừng, liền cho gọi các quan đến để xem cho kỹ. Các quan mặc triều phục hô “vạn tuế”. Lúc đó Thượng hoàng vui mừng nói: “Ta với Bồng Nga cầm cự với nhau đã lâu ngày nay mới được thấy mặt, khác gì Hán Cao tổ thấy đầu Hạng Vũ. Thiên hạ yên rồi”. Do có công lớn diệt giặc Chiêm Thành, Trần Khát Chân được phong làm Long Tiệp Phụng Thần Nội vệ Thượng tướng quân, tước Vũ Tiết Quan Nội Hầu và cấp đất đai, lập ấp ở phía Nam thành Thăng Long (Hà Nội).

Lúc này, triều Trần đã ở trong giai đoạn suy vi. Vua quan bắt đầu sống sa đọa, chính sự rối ren. Hồ Quý Ly với tư cách là quan đầu triều và là bố đẻ của Hoàng hậu nên lộng quyền lấn át vua Trần. Năm Quang Thái thứ 10 (1397) Hồ Quý Ly cho dời đô về động An Tôn và cho xây dựng Thành Tây Đô (hay còn gọi là Thành Tây Giai, Thành Nhà Hồ), thực hiện hàng loạt các cải cách xã hội, ép Vua Thuận tông nhường ngôi cho thái tử tuổi còn quá nhỏ, sau đó ép vua phải chết. Mọi quyền lực cai trị đất nước rơi vào tay Hồ Quý Ly. Những việc làm của Hồ Quý Ly đã làm cho một số quan lại trung thành với họ Trần càng thêm bất mãn. Họ cấu kết với nhau tìm cách mưu sát Hồ Quý Ly; trong số đó có Thượng tướng Trần Khát Chân. Sự việc không thành, 370 người đã bị hành quyết sau thất bại đó ngay tại Đốn sơn, ngày 24 tháng 4 năm Kỷ Mão (1399). Thư tịch của dòng họ ghi chép lại: Đời truyền khi ông Khát Chân bị lâm hình, lúc bấy giờ trên Đốn sơn vang lên 3 tiếng hét lớn. Ông qua đời được 3 ngày nhưng khuôn mặt vẫn nhuận sắc... Nhân dân trong vùng vô cùng thương tiếc và khâm phục tấm lòng của một bề tôi trung nghĩa nên đã lập đền thờ ông trên Đốn sơn vào khoảng cuối thế kỷ XV - đầu thế kỷ thứ XVI và tôn ông là thành hoàng của ba tổng: tổng Bỉnh, tổng Cao, tổng Hồ (Quang Biểu, Cao Mật, Hồ Nam) ngày nay thuộc huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hóa. Tương truyền, ông có công chỉ đạo xây đắp lũy Thành Tây Đô.

Theo các cụ cao niên trong làng, khu đền thiêng được xây dựng theo kiến trúc “thượng sàng hạ mộ”, ngay dưới bóng mát của một quần thể cây đại thụ như: Cây trôi, cây sộp, bồ đề, vải, đa, si, sung... Kiến trúc của đền bao gồm: Nghinh môn, tiền đường, trung đường và hậu cung. Ngoài ra còn các công trình phụ khác như: Lầu Ngư dội, nhà sắm lễ... Mặc dù trải qua quá trình tôn tạo, tu bổ nhưng do ý thức gìn giữ, bảo quản của chính quyền và nhân dân địa phương, hiện nay, trong đền còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị, nhất là sắc phong của các đời vua triều Nguyễn ca ngợi công đức của Thượng tướng quân. Hằng năm, Nhân dân địa phương tổ chức ngày kỵ của Thượng tướng quân cũng là ngày lễ hội quan trọng của làng tại đền (23-24 tháng tư âm lịch). Đây là dịp để chính quyền và bà con Nhân dân, du khách tưởng nhớ công lao của ông, giáo dục tinh thần yêu quê hương, đất nước, ý thức bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

“Rất tiếc là ông đủ tài năng và dũng khí để giết Chế Bồng Nga nhưng lại không sao có thể bảo toàn được tấm thân trước những biến cố phức tạp của triều Trần” – lời nhận định mà Nguyễn Khắc Thuần viết trong cuốn Danh tướng Việt Nam cũng chính là nỗi niềm tiếc thương vô hạn của quần chúng Nhân dân trước tài năng, nhân cách của một vị tướng tài, trung thần nhưng không gặp thời. Dẫu vậy, câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của ông vẫn mãi là khúc ca đẹp về tinh thần kiên trung bất khuất, tấm gương sáng ngời được truyền tụng và noi theo đến muôn đời sau.

Bài và ảnh: Thảo Linh


Bài Và Ảnh: Thảo Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]