(Baothanhhoa.vn) - Từ cầu Đò Lèn trên Quốc lộ 1A, đi ngược về phía Tây men theo triền đê sông Lèn để lên ngã ba Bông, chỉ một quãng đường chừng 10 km nhưng là cả một vùng thắng cảnh, văn hóa tâm linh gắn liền với những địa danh di tích cấp tỉnh và quốc gia. Trên nền văn hóa – lịch sử ấy, song hành cùng lịch sử hình thành và phát triển làng xã, biết bao thế hệ cháu con nơi đây luôn không ngừng nỗ lực phấn đấu nhằm góp phần xây dựng, đổi mới quê hương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Về nơi “một tiếng gà gáy sáu huyện cùng nghe”

Về nơi “một tiếng gà gáy sáu huyện cùng nghe”

Nét trầm mặc, linh thiêng của đền cô Bơ (xã Hà Sơn, Hà Trung). Ảnh: Hương Thảo

Từ cầu Đò Lèn trên Quốc lộ 1A, đi ngược về phía Tây men theo triền đê sông Lèn để lên ngã ba Bông, chỉ một quãng đường chừng 10 km nhưng là cả một vùng thắng cảnh, văn hóa tâm linh gắn liền với những địa danh di tích cấp tỉnh và quốc gia. Trên nền văn hóa – lịch sử ấy, song hành cùng lịch sử hình thành và phát triển làng xã, biết bao thế hệ cháu con nơi đây luôn không ngừng nỗ lực phấn đấu nhằm góp phần xây dựng, đổi mới quê hương.

Miền văn hóa tâm linh

Vượt qua bao thác ghềnh nơi thượng nguồn, con sông Mã dần bớt đi nét kiêu bạc, hoang dã để tình tự, dịu dàng trở về với mẹ biển bao la. Càng về xuôi, sông Mã càng long lanh nét đẹp êm đềm, thơ mộng, vị ngọt phù sa bồi đắp nên những xóm làng trù phú, bãi mía, đồng ngô xanh một màu xanh no ấm. Trên con đường thiên lý ấy, sông Mã nhiều lần phân chia, tách dòng để lại những vùng ngã ba sông mênh mông sóng nước, thấm đượm giá trị văn hóa - lịch sử - tâm linh. Ngã ba Bông - nơi con sông Mã tách dòng, phân nhánh thành sông Lèn, giáp ranh giữa nhiều miền quê mà dân gian vẫn lưu truyền câu nói quen thuộc: “Một tiếng gà gáy năm huyện cùng nghe” (do những thay đổi về địa giới hành chính, giờ đây, vùng ngã ba Bông là nơi giáp ranh giữa 6 huyện: Hà Trung, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa). Từ lâu vùng ngã ba Bông đã nổi danh bởi cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, sơn thủy hữu tình, miền văn hóa tâm linh đặc sắc.

Về nơi “một tiếng gà gáy sáu huyện cùng nghe”

Một vùng sóng nước mênh mang nơi ngã ba Bông.

Quả thực, chẳng phải là nói quá khi ví von rằng: Con đường dẫn đến vùng ngã ba Bông là con đường của di tích. Rong ruổi trên con đường làng nối liền hai xã: Hà Ngọc, Hà Sơn, quay mặt phía nào cũng thấy rộn lên niềm vui sướng, yêu thích bởi cảnh sắc làng quê yên ả, thanh bình, phảng phất chút trầm mặc, cổ kính. Một trong những điểm đặc biệt, thu hút nhất khi đến với ngã ba Bông là hình ảnh di tích nối liền di tích. Chùa Linh Xứng trầm mặc trên cao, hòa cùng sự rêu phong, cổ kính của đền thờ Lý Thường Kiệt - vị danh nhân tiêu biểu của dân tộc với mười chín năm làm Tổng trấn Thanh Hóa đã mở ra những háo hức, say mê trong lòng du khách khi lên đền Cây Thị, chùa Quảng Phúc Tự, đền Chầu Đệ Tứ... Địa danh tiêu biểu cho văn hóa - tín ngưỡng ở xã Hà Sơn và các vùng lân cận là Cụm di tích Hàn Sơn. Cụm di tích trải dài hơn 3 km, bao gồm: chùa Ngọc Sơn, đền Hàn, đền Cô Bơ và những thắng cảnh liên quan. Đền Hàn Sơn thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh, đền cô Bơ thờ Mẫu thoải (mẹ nước).

Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, cô Bơ (Mẫu thoải thủy cung) được thờ ở nhiều nơi trong cả nước. Tuy nhiên, địa danh đền cô Bơ ở xã Hà Sơn mới là nơi phát tích: “Đệ nhất thượng thiên/ Đệ nhị thượng ngàn/ Đệ tam Thoải phủ”. Cô hóa hiện các cõi, phù dân hộ quốc, gắn liền với các vị anh hùng, tướng lĩnh của dân tộc như: vua Lê Lợi, tướng quân Lê Thọ Vực. Cô có lòng thương người, cứu chúng sinh thoát khỏi tai ương, bệnh tật, oan khiên, tình duyên lận đận... Quyền năng của cô được dân gian đặc biệt ca tụng, sùng bái là chữa bệnh cứu người, giúp đỡ những người tình duyên lận đận: “Ba Bông chính quán quê nhà/ Vì đời bẻ lái vượt qua thác ghềnh/ Thuyền lan rẽ nước xinh xinh/ Cứu người vì nước, vì tình non sông/ Hàn Sơn, Phong Mục, Bơ Bông/ Ấy nơi đón khách thoát vòng gian nguy”. Trân trọng, cảm phục tấm lòng phổ độ chúng sinh, sự linh thiêng của cô Bơ, từ xa xưa, du khách thập phương vẫn thường “hành hương” về đền dâng nén hương thơm, bày tỏ lòng thành, mong cô chứng giám mà ban cho phước lành, may mắn, sức khỏe, tình duyên đẹp.

Đặc biệt, vào thời điểm diễn ra lễ hội, hoạt động tín ngưỡng, tâm linh ở Cụm di tích Hàn Sơn sôi động, độc đáo, ăn sâu vào tiềm thức dân gian: “Dù ai buôn đâu bán đâu/ Mười hai tháng sáu rủ nhau mà về/ Dù ai buôn bán trăm nghề/ Mười hai tháng sáu cũng về Hàn Sơn”. Theo đó, hằng năm, từ mùng 1 đến 12–6 (âm lịch), dân các làng ở Hà Sơn lại náo nức, long trọng tổ chức lễ hội đền Hàn, thu hút đông đảo du khách thập phương tham dự. Cứ đến ngày lễ, dân làng mua sắm các lễ vật cúng, tế, lễ và tổ chức nhiều hoạt động tín ngưỡng, tâm linh khác, như: trình chầu, hầu đồng... và phần hội diễn ra nhiều trò chơi dân gian như đánh cờ người, đánh vật, kéo co... Đặc sắc nhất trong lễ hội đền Hàn là nghi lễ rước kiệu từ đền cô Bơ lên đền Hàn với ý nghĩa rước cô sang bái yết Thánh mẫu Đệ tam. Quy mô đoàn rước khoảng vài trăm người với kiệu long đình, kiệu bát cống, kiệu võng, cờ bay rợp trời hòa cùng tiếng nhạc tạo nên không khí linh liêng, trang trọng. Đây là nét đẹp của văn hóa tín ngưỡng dân gian truyền thống. Các hoạt động trong lễ hội là dịp để du khách thập phương được giao lưu, kết nối và hiểu hơn về giá trị văn hóa cổ truyền của quê hương, đất nước.

Đổi thay từ những nỗ lực, phấn đấu

Thanh bình, trầm lắng là thế nhưng tình hình kinh tế - xã hội, đời sống của người dân vùng ngã ba Bông khi xưa còn khó khăn, vất vả nhiều. Địa hình đồi núi chia cắt, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, hạn hán và úng lụt thường xảy ra trong khi bà con trong vùng chủ yếu làm nghề nông nghiệp nên cũng chật vật. Một số hộ gia đình mưu sinh trên vùng sông nước, cố gắng cải thiện cho gia đình bữa cơm ngon, thêm manh áo mới nhưng cũng vất vả trăm bề.

Theo thời gian, cùng với sự phát triển chung của đời sống xã hội, đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu, năng động, sáng tạo, chung sức đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Hà Sơn, tình hình kinh tế - xã hội, đời sống của người dân nơi đây đã và đang đổi thay từng ngày. Với phương châm “làm tới đâu, chắc tới đó”, xã Hà Sơn là địa phương “cán đích” nông thôn mới sớm 2 năm so với kế hoạch. Đến nay, xã đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 48,1 triệu đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ; diện tích đất nông nghiệp được tích tụ tập trung để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao đạt 6 ha; sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản đạt 285 tấn, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1%; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 93,8%; tỷ lệ khu dân cư đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh trật tự đạt 100%.

Xác định thế mạnh của địa phương là phát triển du lịch văn hóa tâm linh, Đảng ủy xã Hà Sơn đã xây dựng Kế hoạch số 39-KHĐU về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025. Theo đó, xã tập trung nguồn lực, đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất phục vụ du lịch; quy hoạch mở rộng một số hạng mục trong đền cô Bơ, như: nhà chính điện, tả vu, hữu vu, lầu cô, lầu cậu; đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư, phát triển du lịch... Hiện nay, xã đã tổ chức khảo sát, quy hoạch Khu du lịch sinh thái hồ Sun (cách di tích đền Hàn, đền cô Bơ hơn 1 km). Đặc biệt, kể từ khi tuyến du lịch “ngược xuôi sông Mã” được đưa vào khai thác, đền cô Bơ - vùng ngã ba Bông là một điểm đến hấp dẫn trên hành trình tạo động lực cho du lịch nơi đây ngày càng phát triển, không chỉ đóng góp đáng kể vào nguồn ngân sách địa phương mà góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân trong vùng, nhất là các hộ gia đình sống gần các điểm di tích.

Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển du lịch, xã Hà Sơn còn tập trung quan tâm, đầu tư phát triển kinh tế trang trại, kinh tế rừng. Phát triển kinh tế trang trại kết hợp du lịch đã và đang là hướng đi đúng đắn, được chứng minh bằng thực tiễn tại xã Hà Sơn. Được biết, hiện nay, toàn xã Hà Sơn có 120 ha đất trang trại với hơn 30 hộ tham gia. Nhiều trang trại đã cho thấy hiệu quả bước đầu. Ví như mô hình tổng hợp của gia đình chị Trần Thị Thanh (40 tuổi, thôn Chí Phúc) trước đây vốn là đất ruộng canh tác kém hiệu quả. Tuy nhiên, nhận thấy tiềm năng, lợi thế nhất định nên khi huyện Hà Trung và xã Hà Sơn có chủ trương quy hoạch, gia đình đã làm đơn xin nhận thầu đất, xây dựng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp ở khu vực này. Với diện tích khoảng 4 ha, tổng kinh phí đầu tư khoảng 3 tỷ đồng, vượt qua nhiều khó khăn, vất vả, hiện nay, trang trại của gia đình chị Thanh tập trung chăn nuôi lợn rừng, ếch, cá, ốc nhồi và trồng các loại cây ăn quả (ổi, mít Thái, bưởi Diễn, bưởi da xanh, dừa xiêm...), xen canh hoa huệ và một số cây trồng khác. Lợi nhuận ước đạt 300 - 500 triệu đồng/năm. Trang trại giải quyết việc làm cho 15 - 20 lao động thời vụ, mức thu nhập từ 150 - 160 nghìn đồng/người/ngày; 6 lao động thường xuyên, mức thu nhập khoảng từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Không sợ khó, sợ khổ, mong mỏi lớn nhất của gia đình chị Thanh và nhiều hộ gia đình tham gia phát triển trang trại tại xã Hà Sơn là các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện nâng cao mức vay vốn để tiếp tục đầu tư, phát triển quy mô, sản xuất.

Một vùng văn hóa tâm linh ngã ba Bông, nơi “một tiếng gà gáy sáu huyện cùng nghe” đã và đang đổi thay từng ngày. Với một vùng đất “địa linh” - nguồn nội lực, điểm tựa tinh thần vững chắc như vậy, nỗ lực phấn đấu, năng động, đổi mới, dám nghĩ dám làm chính là kim chỉ nam hành động, đưa đến sự phát triển, đổi thay hơn nữa trong tương lai.

Hương Thảo


Hương Thảo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]