(Baothanhhoa.vn) - Mường Khoòng là một vùng đất cổ. Trong lịch sử, mường Khoòng là mường lớn nhất nhì huyện Bá Thước, từng là mường có luật lệ chặt chẽ, được dân mường tuân thủ, quyền lực được đề cao, thế lực mạnh, mọi công việc được thực hiện quy củ, có nhiều mường khác đã đến mường Khoòng học tập, làm theo trong cách quản lý mường bản. Nơi đây cũng là trung tâm của các giá trị văn hóa truyền thống mang nét đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái hiện còn được bảo tồn, lưu giữ cho đến ngày nay.

Về mường Khoòng nghe chuyện bảo tồn giá trị văn hóa Thái

Mường Khoòng là một vùng đất cổ. Trong lịch sử, mường Khoòng là mường lớn nhất nhì huyện Bá Thước, từng là mường có luật lệ chặt chẽ, được dân mường tuân thủ, quyền lực được đề cao, thế lực mạnh, mọi công việc được thực hiện quy củ, có nhiều mường khác đã đến mường Khoòng học tập, làm theo trong cách quản lý mường bản. Nơi đây cũng là trung tâm của các giá trị văn hóa truyền thống mang nét đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái hiện còn được bảo tồn, lưu giữ cho đến ngày nay.

Về mường Khoòng nghe chuyện bảo tồn giá trị văn hóa TháiMột tiết mục múa hát của Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa mường Khoòng, xã Cổ Lũng.

Trong không gian ấm áp tại nhà văn hóa mường Khoòng, ở thôn Phìa, xã Cổ Lũng, theo thông lệ cứ vào thứ 7 hàng tuần, các thành viên Câu lạc bộ (CLB) bảo tồn văn hóa mường Khoòng lại tụ họp về đây để sinh hoạt định kỳ. Bác Lò Văn Tin, Chủ nhiệm CLB cho chúng tôi biết: Tháng 5-2020, CLB bảo tồn văn hóa mường Khoòng chính thức đi vào hoạt động, với 32 hội viên tham gia. Mục đích của CLB thành lập ra là nhằm bảo tồn những nét đẹp, nếp sống văn hóa của ông cha xưa truyền lại cho con cháu để không bị mai một. Từ ngày thành lập đến nay, CLB đã đánh thức tiềm năng các hình thức sinh hoạt văn hóa dân tộc bản địa để bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống, góp phần phục vụ đời sống cộng đồng, xây dựng nông thôn mới và đáp ứng nhu cầu du lịch cộng đồng trên địa bàn. Phục hồi các hình thức, nội dung tiết mục văn nghệ truyền thống thuộc loại hình ca, múa, nhạc; chọn lọc, cải biên và truyền dạy liên thế hệ. Phát triển các làn điệu dân ca, múa hát, các loại nhạc cụ truyền thống dân tộc bản địa. Vận động và kết nạp thêm hội viên có hiểu biết và năng khiếu về bản sắc văn hóa, văn nghệ; truyền dạy cho thế hệ trẻ học tập và tham gia CLB.

Hỏi chuyện bác Hà Sơn Tinh, một thành viên sử dụng khèn bè thành thạo của CLB, bác chia sẻ: Nói đến nhạc cụ của dân tộc Thái trên đất mường Khoòng, có các nhạc cụ cơ bản, gồm khèn bè, khua luống, cồng chiêng... Tuy nhiên, hiện nay còn rất ít người biết sử dụng các loại nhạc cụ này. Vì vậy, thông qua CLB, tôi đã cố gắng duy trì tập luyện, giao lưu học hỏi những người đi trước; đồng thời hướng dẫn cho khoảng 5 - 6 người biết sử dụng các loại nhạc cụ như tôi. Mặc dù còn eo hẹp về kinh phí, thiếu nhiều nhạc cụ, nhưng bằng niềm đam mê yêu nghề, chúng tôi vẫn cố gắng duy trì hoạt động của CLB để góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Vừa nói, bác Hà Sơn Tinh vừa giơ chiếc khèn bè trên tay, chỉ cho chúng tôi vài nét cơ bản: Khèn bè là một loại nhạc cụ độc đáo của người Thái, thường có cấu tạo ống theo số chẵn. Tùy theo đó mà nó có 6, 8 hoặc 10 ống nứa tép (mạy páo). Những ống này xếp thành 2 hàng cạnh nhau. Bầu khèn làm bằng gỗ nhẹ, dẻo có thớ vặn nên khó nứt. Ở đầu bầu khèn có một lỗ gọi là lỗ thổi, những ống páo xuyên qua bầu và được trét sáp ong ruồi để làm kín các khe hở. Thông thường khèn bè được xếp 2 ống trong một hàng có chiều dài bằng nhau để tạo dáng cân đối. Có thể nói, đây là cách quy định về làm chiếc khèn bè, các ống ngắn thì tiếng thanh, ống dài thì tiếng trầm hơn. Người chơi chỉnh âm ở phía trong cây páo. Khèn bè có âm sắc giòn, mảnh và hơi rè. Mỗi ống phát ra một âm nhất định, bên trong ống páo có lưỡi gà bằng đồng, hay bạc hoặc nấu đồng và bạc thành lưỡng kim có chất lượng tốt hơn. Khèn bè là nhạc cụ đa thanh, âm vực rộng, có đủ 7 nốt nhạc. Theo truyền thống, nam giới sử dụng nhạc cụ này để đệm hát, khặp, ngoài ra còn sử dụng với một số nhạc cụ khác để hòa tấu...

Mới tham gia được 4 tháng, nhưng chị Bùi Thị Miên đã trở thành người hát, múa “cứng” của CLB. Chị Miên trải lòng: Các tiết mục mà tôi thường hát chủ yếu như là: hát múa ném còn mùa xuân, mời anh về thăm Cổ Lũng, hát Kin chiêng boọc mạy, hát khặp... Thông qua các bài hát đó, nhằm ca ngợi bản làng, ca ngợi đất mường Khoòng yêu dấu, nhờ ơn Đảng, Nhà nước mà bà con dân tộc Thái đất mường Khoòng hôm nay đã có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Với cô Hà Thị Sinh, mặc dù hơn 60 tuổi nhưng được tham gia sinh hoạt với CLB đã hơn 1 năm nay, cô cảm thấy rất hào hứng. Các tiết mục cô tham gia đều tập luyện rất nhẹ nhàng, giống như tập dưỡng sinh, vì vậy cô cảm thấy an vui, tinh thần thoải mái, trẻ khỏe ra rất nhiều.

Còn cô Lục Thị Quyên, cùng nhóm hát múa với cô Miên, cô Sinh thì bộc bạch: Chúng tôi sáng tác nên những điệu múa, lời khặp là lấy từ trong bản sắc dân tộc mình. Nét độc đáo của các bài hát đó nhằm mô tả núi non hùng vỹ, thiên nhiên giàu đẹp của vùng đất này. Bản thân tôi cũng như các thành viên trong CLB luôn mong muốn được tạo điều kiện tìm hiểu, sáng tác nhiều tiết mục về dân tộc mình, có cơ hội giao lưu học hỏi, mang nét đẹp văn hóa của dân tộc mình đi khắp muôn nơi.

Nói về hát khặp, cô Sinh không ngần ngại cho chúng tôi hay: Trong những giá trị văn hóa tinh thần của người Thái, thì dân ca nói chung, hát khặp nói riêng là một trong những loại hình dân ca đặc sắc mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa. Khặp là lối ngâm thơ hoặc hát theo lời thơ, có thể đệm đàn và múa. Khặp cũng phản ánh mọi cung bậc tình cảm của người Thái đối với quê hương, đất nước hiện hữu trong đời sống cộng đồng.

Ông Bùi Văn Sâm, Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng cho biết: Thời gian qua, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện để CLB bảo tồn văn hóa mường Khoòng có địa điểm hoạt động; đồng thời quan tâm bảo tồn văn hóa dân tộc, trong đó có các làn điệu dân ca của dân tộc Thái. Xã cũng đang tiếp tục chỉ đạo các nghệ nhân sưu tầm các làn điệu cổ; kết hợp bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc Thái với hoạt động tại bản Hiêu để thu hút khách, phát triển du lịch trong thời gian tới.

Rời xa đất mường Khoòng, len theo những cánh rừng, ngọn núi, hàng cây, chúng tôi vẫn nghe vang vang câu hát sâu lắng, da diết của các thành viên CLB bảo tồn văn hóa mường Khoòng như mới vừa cất lên:

Mường Khoòng Cổ Lũng quê tôi

Cháu con nàng Mướn – Khăm Panh đây rồi

Nối nghiệp tiếp bước ông cha

Ta cùng xây đắp bản mường ấm no.

Bài và ảnh: Nguyễn Ngọc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]