(Baothanhhoa.vn) - Tục làm vía là nét văn hóa tín ngưỡng đặc sắc, thể hiện quan niệm về thế giới tâm linh của cộng đồng dân tộc Thái ở Thanh Hóa. Thông qua sợi chỉ buộc tay, anh em họ hàng động viên, khích lệ người được làm vía để họ phấn chấn, vui vẻ vượt qua những tai ương trong cuộc sống. Ngoài ý nghĩa tâm linh, tục làm vía còn mang một ý nghĩa hết sức to lớn, đó là tính cố kết cộng đồng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Về bản Thái “hóng” chuyện gọi vía

Tục làm vía là nét văn hóa tín ngưỡng đặc sắc, thể hiện quan niệm về thế giới tâm linh của cộng đồng dân tộc Thái ở Thanh Hóa. Thông qua sợi chỉ buộc tay, anh em họ hàng động viên, khích lệ người được làm vía để họ phấn chấn, vui vẻ vượt qua những tai ương trong cuộc sống. Ngoài ý nghĩa tâm linh, tục làm vía còn mang một ý nghĩa hết sức to lớn, đó là tính cố kết cộng đồng.

Về bản Thái “hóng” chuyện gọi vía

Thầy mo làm lễ xong, từng người sẽ chia nhau những sợi chỉ đã chuẩn bị sẵn trên mâm cúng trước đó, để buộc vào cổ tay người được làm vía tượng trưng cho việc đã buộc hồn vía lại với thân thể (ảnh minh họa)

Hiểu đúng về tục làm vía

Một lần lên thăm 3 bản Son, Bá, Mười trên đỉnh Cao Sơn, xã Lũng Cao (Bá Thước), tôi may mắn được tham dự lễ “gọi vía”, nghi thức đầy thiêng liêng và trang trọng của gia đình cụ Vi Thị Ắng, 92 tuổi, bản Mười.

Theo anh Bùi Văn Cư, con trai cụ Ắng, từ đầu năm tới nay, cụ Ắng thường xuyên đau ốm, phải nằm Bệnh viện Đa khoa huyện Bá Thước nhiều tháng. Cụ mới ra viện được vài ngày, gia đình thống nhất tổ chức làm vía nhằm động viên và giúp cụ lấy lại tinh thần để sống vui, sống khỏe cùng con cháu. Bởi, khi một sự việc xảy đến dù vui hay buồn, mỗi người đều cần được sẻ chia.

Cụ Ắng chia sẻ: “Mặc dù chỉ là một hình thức tâm linh nhưng tôi rất vui khi được con cháu tổ chức “cầm vía” cho, bởi tôi cảm thấy lúc nào cũng được con cháu quan tâm và động viên nên mọi đau đớn, bệnh tật đều vơi bớt đi nhiều”.

Trước khi làm vía, gia đình anh Cư đã chọn ngày lành tháng tốt và chuẩn bị trước một cái túi vải dệt đựng áo của người được làm vía, bởi người dân tộc Thái quan niệm vía người ở trong cái áo thường mặc, đặc biệt chú ý không dùng áo có màu trắng để làm lễ. Trong túi có một quả trứng luộc, một con cá nướng chín gói lại và một cái vợt xúc cá, một bó đóm dài gần bằng sải tay. “Buổi lễ thực sự là một chuyến đi trong cõi tâm linh” – ông Bùi Văn Hến, bản Mười, thầy mo tổ chức buổi lễ chia sẻ.

Bắt đầu làm lễ, thầy mo đeo cái túi trên vai, tay cầm vợt xúc cá, tay cầm bó đuốc đốt ngồi xuống gọi vía ở chân cầu thang lên xuống cho đến khi bài khấn gọi vía kết thúc. Sau khi làm xong các thủ tục gọi vía ở chân cầu thang, gia chủ người được làm vía chuẩn bị sẵn con gà luộc hoặc con lợn luộc chín. Trong mâm làm lễ còn có một bát gạo, một gói xôi, 6 chén rượu trắng, một bát hương, có hoa quả, bánh chưng, bánh kẹo, một bát nước luộc thịt, thịt gà hoặc lợn đều có đủ lục phủ ngũ tạng để gọi vía đến ăn.

Sau khi gọi đủ từng vía, thầy mo mời mỗi người trong gia đình tới ăn một miếng nhỏ để hưởng lộc. Và sau đó, từng người sẽ chia nhau những sợi chỉ đã chuẩn bị sẵn trên mâm cúng trước đó, để buộc vào cổ tay cụ bà tượng trưng cho việc đã buộc hồn vía lại với thân thể và nói những lời chúc tốt đẹp nhất dành cho cụ. Cụ bà phải giữ lấy chỉ buộc vía này, không được bứt đi mà chỉ để nó tự đứt đi. Phần lễ kết thúc, mọi người cùng chung vui quanh mâm cơm, cùng nâng chén rượu mừng. Ai cũng tin rằng, sau khi được làm lễ “cầm vía” như vậy thì hồn vía cụ sẽ không lang thang rong chơi nữa, cũng không bị con ma nào quấy chọc nữa mà sẽ khỏe mạnh và bình an.

Ông Hến chia sẻ: “Theo quan niệm tâm linh của cộng đồng Thái, vía còn gọi là linh hồn. Mỗi người có đến hàng chục, thậm chí hàng trăm phần vía. Mỗi khi hồn vía đi lạc sẽ khiến thân xác bệnh tật, ốm đau triền miên. Vì thế, “làm vía”, “cầm vía” hay “gọi vía” là gọi hồn vía trở về nhà bố mẹ, vợ con, trở về với thể xác, để vía không đi lang thang nơi đất người, nơi bờ suối, bờ sông, bờ vực hay tránh xa các loài vật nguy hiểm trong rừng...”.

“Trẻ con và người già là những người thường được làm vía nhiều hơn cả. Nếu người ốm là trẻ con thì lễ buộc vía tổ chức phạm vi nhỏ trong gia đình. Lễ vật cúng là xôi gà, rượu, cá nướng... Người cúng là thầy mo “nhỏ” trong bản. Nhưng nếu người ốm là người già như cha mẹ, ông bà thì lễ buộc vía phải làm to. Con cái buộc vía cho cha mẹ với mục đích là để an ủi cha mẹ, cầu mong cha mẹ sống lâu, bình an, đồng thời cũng để tỏ lòng biết ơn công nuôi dưỡng, sinh thành của cha mẹ, vì chẳng bao lâu nữa cha mẹ sẽ về với tổ tiên. Và lễ làm vía này nhất thiết phải cúng lợn, xôi, cá nướng, rượu..., phải mời Mo lớn về cúng. Gia chủ phải mời anh em, họ hàng, bà con trong bản về dự đông đủ. Cuộc buộc vía này, tùy từng người cụ thể, có người thì chỉ là buộc vía đơn thuần, có người nếu xem là bị hạn, thì đây là lễ giải hạn. Cũng có gia chủ cho rằng, cha mẹ, ông bà sẽ không qua khỏi và cảm thấy mình có lỗi về mặt đạo lý với người bệnh nên đã tổ chức lễ cầm vía này đặc biệt thành kính, chu đáo, để “chuộc lỗi” với cha mẹ, ông bà, mong các “vị” xá lỗi, nếu chết thành ma thì cũng đừng về quấy phá, “đòi nợ” con cháu - ông Hến giải thích thêm.

Những lần “gọi vía” trong đời

Đối với đứa bé mới được sinh ra: 7 ngày với bé trai hoặc 9 ngày với bé gái, thầy mo cúng báo cáo với các đấng siêu nhiên và tổ tiên sự hiện diện của đứa bé trên cõi đời và cầu xin các đấng siêu nhiên bảo trợ cho bé, ban cho bé hay ăn, chóng lớn và mạnh khỏe, giỏi giang. Tuy nhiên, nếu trẻ sinh ra vào giờ không tốt rất dễ bị ma vãng vong bắt để đòi chuộc, khi đã bị bắt thì trẻ thường ốm đau và hay quấy khóc, bố mẹ phải làm lễ chuộc hồn cho con. Lễ chuộc hồn thường được tổ chức ngoài trời. Trước đó, để chuộc hồn cho trẻ, bố mẹ đưa áo cháu bé đến nhà thầy mo để thầy xem hồn đứa bé bị ma nào bắt, ma đó đòi ăn gì. Nếu như ma đòi ăn thịt chó thì làm thịt chó, đòi ăn gà thì làm gà, muốn ăn vịt thì làm vịt... để làm cúng chuộc hồn vía. Lễ này có 4 bước: Thứ nhất mời ma về, thứ 2 mời ma ăn cỗ, ma đã ăn cỗ xong thầy mo xin chuộc hồn vía cho cháu bé, cuối cùng thầy sẽ xua đuổi ma đi. Ngoài thịt chó hoặc thịt gà cúng ma, lễ vật để chuộc hồn còn có 2 tấm vải trắng, 2 nén bạc, 2 vòng bạc, 8 miếng trầu. Khi trở về, thầy mo báo cáo với ma nhà và làm vía cho cả gia đình. Mâm cúng gồm 2 con gà luộc, 2 cốc nước, 2 chén rượu và 2 quả trứng cùng tiền bạc tượng trưng. Đứa trẻ được thầy mo làm lễ chuộc hồn trong vòng tay của mọi người. Trong lễ làm vía, thầy mo sẽ buộc chỉ cổ tay cho đứa trẻ vừa được chuộc hồn về để mong cho cháu khỏe mạnh, mọi bệnh tật tiêu tan.

Đến tuổi trưởng thành, những chàng trai người Thái sẽ được đánh dấu bằng buổi săn bắn và các cô gái sẽ được đánh dấu bằng lễ Tằng cẩu. Tuy nhiên, lễ cưới mới được coi là dịp để công nhận sự trưởng thành về mọi mặt của cả hai người nam và nữ. Bởi vậy nên, cùng với việc duy trì lễ Tằng cẩu và buổi săn bắn, khi hai người nam, nữ kết hôn, người Thái sẽ tiếp tục tổ chức lễ cúng vía để nhìn lại những gì đôi trẻ đã trải qua và hướng đến những điều sắp tới, cùng với một niềm tin lễ cúng sẽ góp phần giúp đôi trẻ gặp được nhiều may mắn, đầy đủ hơn trong cuộc sống. Với người Thái, đây là lễ cúng mà bất cứ ai cũng phải trải qua khi xây dựng gia đình. Theo quan niệm của người Thái, từ đây hồn vía của đôi trẻ sẽ được gọi về để nghe lại quá trình đôi trẻ gặp nhau, rồi yêu nhau và quyết định sống với nhau. Hồn vía cũng sẽ phải bắt đầu một cuộc sống mới, một nơi ở mới, đối diện với những khó khăn, vất vả mới.

Khi trở về già, trước cái tuổi được ví như ngọn đèn leo lét trước gió không biết sẽ tắt lúc nào, người Thái sẽ lại tổ chức lễ cúng vía để mừng thọ động viên, an ủi tinh thần, cầu xin những điều tốt lành cho ông bà, cha mẹ của mình được mạnh khỏe, sống lâu sum vầy bên con cháu, được hưởng phúc trọn vẹn bên người thân...

Còn khi một người già sắp qua đời, nghĩa là hồn vía họ sẽ vĩnh viễn rời khỏi cơ thể. Đây là lúc người ta cần được làm vía để linh hồn không bị lạc lối mà tìm đúng đường trở về với tổ tiên, ông bà. Đây là cách để con cháu báo hiếu cha mẹ, ông bà; làng bản đưa tiễn một người thân thiết, để hồn vía ra đi thanh thản, nhẹ nhàng.

Và còn rất nhiều lễ “cầm vía” khác nhau cho người chuẩn bị đi làm hoặc đi làm ở xa về, “cầm vía” cho người mới ốm dậy, “cầm vía” cho người gặp nạn mà tai qua nạn khỏi,... hay ông bà ngoại làm vía cho cháu khi năm hết tết đến, thậm chí là làm vía để cầu sinh được con gái, con trai... Trừ làm vía cho người sắp qua đời, những kiểu làm vía còn lại đều là vía ăn mừng để cầu mong điều tốt lành sẽ đến với người được làm vía.

Trong lễ cúng vía, bên cạnh nghi thức cầu khẩn các đấng siêu nhiên, thì thầy mo còn khuyên bảo con người phải biết sống tốt đời, đẹp đạo. Ngay trong bữa cơm thân mật với gia chủ sau lễ cúng, những người tham dự lại hát đối đáp với nội dung phù hợp với mục đích buổi cúng vía. Ví dụ, trong lễ cúng vía cho đứa trẻ hết thời gian ở cữ, hai bên nội ngoại hát chúc cho: “Thằng cu, cái hĩm đều to cao lớn đều/ Người Thái trong bản bảo nhau/ Sau này bố mẹ, ông bà sẽ được nhờ cậy cháu/ Con cháu trưởng thành lớn khôn...” và truyền nhau những kinh nghiệm nuôi dạy trẻ. Hay trong lễ cúng vía cho đôi vợ chồng trẻ ngày đầu hợp hôn, hai bên nội ngoại hát dặn đôi vợ chồng trẻ phải: “Làm vợ phải tin chồng, đừng như nghe lời vịt mà mất trứng, đừng nghe lời gà mà mất vườn”. Còn trong lễ cúng vía cho người già, mọi người lại hát tỏ lòng biết ơn với bậc sinh thành: “Có gốc mới có ngọn/ Có cây mới có cành” và chúc: “Mong cho ông bà sức khỏe, trường thọ, vía cứng cáp/ Cho con cháu được hưởng phúc lành”.

Anh Ngân Mạnh Hùng, Trưởng bản Mười, xã Lũng Cao (Bá Thước) chia sẻ: “Gạt bỏ đi những hủ tục còn tồn tại ít nhiều thì tục làm vía là tín ngưỡng tâm linh đáng quý đã có từ rất lâu đời. Làm vía thực chất là gia đình, anh em, họ hàng tổ chức động viên, khích lệ tinh thần người được làm vía, giúp họ vượt qua tai ương trong cuộc sống, thể hiện sự quan tâm lẫn nhau giữa các thành viên trong cộng đồng. Đây cũng là cách để thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó của họ hàng, làng bản”.

Có thể nói, việc tạo dựng niềm tin là con người có hồn vía đã giúp cho người Thái ở Thanh Hóa có đời sống tinh thần tốt đẹp hơn, vững tin hơn trước những khó khăn, đau khổ mà họ phải trải qua.

Bài và ảnh: Tăng Thúy


Bài Và Ảnh: Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]