(Baothanhhoa.vn) - Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục, nhiều trường dân tộc nội trú trên địa bàn các huyện miền núi trong tỉnh đã kết hợp việc đưa nét đẹp văn hóa truyền thống vào tiết học cũng như các hoạt động của nhà trường, góp phần nâng cao ý thức cho học sinh trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Vai trò của trường dân tộc nội trú trong giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống

Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục, nhiều trường dân tộc nội trú trên địa bàn các huyện miền núi trong tỉnh đã kết hợp việc đưa nét đẹp văn hóa truyền thống vào tiết học cũng như các hoạt động của nhà trường, góp phần nâng cao ý thức cho học sinh trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Vai trò của trường dân tộc nội trú trong giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thốngCác em học sinh Trường THCS Dân tộc nội trú tỉnh trong ngày hội gói bánh chưng, được nhà trường tổ chức dịp Tết Nguyên đán 2020.

Điểm qua một số trường dân tộc nội trú có thể thấy, mỗi trường đều có một quy định chung, đó là học sinh phải có trang phục của dân tộc mình để mặc vào ngày thứ hai chào cờ đầu tuần, những ngày lễ, sự kiện quan trọng của nhà trường, địa phương...

Điển hình như Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Thường Xuân đã đưa nội dung giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Thái vào các chương trình hoạt động ngoại khóa cho các em học sinh. Khi tuyển sinh đầu cấp, nhà trường đã yêu cầu mỗi học sinh nữ người dân tộc Thái đều phải chuẩn bị một bộ váy truyền thống. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức cho các em tập hát những làn điệu dân ca, các trò chơi dân gian, như: đánh cồng chiêng, ném còn, nhảy sạp, bắn nỏ, dệt thổ cẩm, trình diễn trang phục dân tộc Thái; thành lập đội văn nghệ; tổ chức các hội thi ẩm thực...

Trong khuôn viên của Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Lang Chánh lại được thiết kế xây dựng nhà sàn truyền thống để lưu giữ, trưng bày nhiều vật dụng sinh hoạt, công cụ lao động của người Mường, Thái. Vào các ngày lễ, hội, nhà trường đều tổ chức hội thi, hội diễn truyền thống, trong đó có nhiều hoạt động bổ ích, như: ném còn, đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, nhảy dây, chơi quay, ô ăn quan, nấu cơm lam, thịt nướng, gói các loại bánh ú, bánh ít, các trò chơi, trò diễn truyền thống. Ngoài việc giáo dục cho học sinh gìn giữ nét văn hóa truyền thống, nhà trường còn chú trọng tới việc dạy tiếng dân tộc cho học sinh, từng bước đưa giáo dục tiếng dân tộc thành môn học trong nhà trường...

Việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cũng được Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Quan Hóa quy định học sinh phải chuẩn bị quần áo của dân tộc mình để mặc vào các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt tập thể và các ngày lễ lớn trong năm. Cùng với đó là tổ chức cho các em tham gia các trò chơi dân gian, như: nhảy sạp, bắn nỏ, dệt thổ cẩm, tò mắc lẹ, khua luống, cồng chiêng, thổi khèn dân tộc Mông; tổ chức lễ hội sắc màu dân tộc, hội thi trang phục, các trò chơi, trò diễn, nấu ăn, trưng bày gian hàng truyền thống...

Có thể khẳng định, thông qua các hoạt động tại các trường dân tộc nội trú, đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, qua đó giúp các em học sinh bồi đắp thêm tình yêu văn hóa của dân tộc mình.

Bài và ảnh: Gia Bảo



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]