(Baothanhhoa.vn) - Tháng 5-2019, con tàu KN – 490 đưa chúng tôi đến với Trường Sa, Nhà giàn DK1/14 Tư Chính. Sau vài ngày lênh đênh trên biển, đảo Song Tử Tây – điểm đầu tiên của hải trình hiện ra bằng một chấm xanh lá nổi bật giữa màu xanh biển cả. Chuyến xuồng đầu tiên chở nhóm nhà báo rời tàu vào đảo, loa phát thanh vang lên câu hát: “Nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ/ Bên đồng đội yêu thương...”

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trường Sa thương nhớ muôn trùng

Tháng 5-2019, con tàu KN – 490 đưa chúng tôi đến với Trường Sa, Nhà giàn DK1/14 Tư Chính. Sau vài ngày lênh đênh trên biển, đảo Song Tử Tây – điểm đầu tiên của hải trình hiện ra bằng một chấm xanh lá nổi bật giữa màu xanh biển cả. Chuyến xuồng đầu tiên chở nhóm nhà báo rời tàu vào đảo, loa phát thanh vang lên câu hát: “Nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ/ Bên đồng đội yêu thương...”

Trường Sa thương nhớ muôn trùng

Cán bộ, chiến sĩ đảo Song Tử Tây luyện tập đội ngũ. Ảnh: Lữ Mai

Bấy giờ, tất cả những ai có mặt trên xuồng đều xúc động đến đỏ mắt. Đảo nhỏ của Tổ quốc ta kìa, cái chấm nhỏ xanh xanh đang dần rõ nét. Trên cầu tàu, hai dãy dài bộ đội hải quân vẫy tay chào, sát mép sóng lại thêm một nhóm chục người lính lội cả xuống nước chờ xuồng ném dây để bắt lấy, kéo xuồng cập đảo. Một số người bị say đất, ngã ngay khi vừa chạm chân xuống bờ cát, ngay lập tức họ được bộ đội nâng đỡ, hỗ trợ. Chính giữa mùa khô, nước ngọt trên đảo quý hiếm lắm, thế mà ở cầu tàu, hàng chục thau nước trong veo đặt lên giá đỡ, trên có khung treo những chiếc khăn mặt mới tinh được đảo chuẩn bị sẵn cho khách rửa mặt.

Sau những nghi thức đón tiếp đoàn, chào cờ, diễu duyệt đội ngũ... là tiết mục được chờ mong nhất: Liên hoan văn nghệ. Đoàn văn công đến từ thành phố cảng Hải Phòng biểu diễn những tiết mục thật sôi động. Bên dưới sân khấu, cả rừng cánh tay đưa lên theo nhịp điệu bài hát. Tôi chợt thấy một chàng tân binh chừng mười tám tuổi không ra xem văn công cứ đứng xa xa, dưới gốc cây bàng vuông. Hỏi chuyện, cậu hơi bẽn lẽn đáp: “Em chả thích đến gần, ở đây ngó ngó, cũng thấy vui lạ lùng”. Rồi người lính trẻ đưa chúng tôi dạo quanh đảo. Cậu tự hào giới thiệu: “Kia là hàng cây tuổi trẻ, ở đảo xa, vào mùa khô như thế này, nếu cắt giảm nước thì con người sẽ cắt đầu tiên, sau đó mới là vật nuôi, cây cối. Có như vậy mới giữ được màu xanh như các anh chị đang thấy. Kia là hàng hoa giấy được các đoàn đại biểu mang ra từ đất liền. Loài hoa này chịu được hạn hán nhưng vẫn phải chăm sóc tốt mới ra hoa đẹp. Đảo hiếm hoa lắm, thường chỉ mỗi hoa giấy thôi nhưng mỗi khi có đoàn khách ra, chỉ huy vẫn cho phép bộ đội hái những khóm đẹp nhất để tặng”. Chẳng riêng gì đảo Song Tử Tây, toàn bộ quần đảo Trường Sa đã quá nửa năm chưa mưa. Trên đảo Sơn Ca hai cây quất Văn Giang vẫn đơm hoa kết trái. Mỗi ngày, sư thầy chùa Sơn Ca đều dùng phần nước ngọt hiếm hoi của mình tưới cho cây. Thầy xuýt xoa, đảo mà có được cây trái thì quý lắm. Nơi đá mặn, nắng rang, cây trái luôn mang lời thầm thì về sức sống, kỷ niệm gói trọn bao niềm thương nhớ, bâng khuâng.

Trường Sa thương nhớ muôn trùng

Trên đảo Nam Yết, tôi từng bối rối khi một chiến sĩ bộ phận thông tin nghiêm túc từ chối phỏng vấn: “Xin lỗi đồng chí, tôi đang có nhiệm vụ trực, tôi không trả lời bất cứ điều gì đâu!”. Chiến sĩ mặc đồ rằn ri, chiếc mũ lưỡi trai che nửa mái đầu làm tối thêm khuôn mặt nước da đen cháy. Cảm tưởng cả góc phòng cùng các loại thiết bị máy móc cũng kém sáng theo. Vài giờ đồng hồ sau, tôi được chiến sĩ trẻ khác cùng bộ phận thông tin đưa trở lại căn phòng ấy, tặng khóm hoa hồng bằng ốc biển. Cậu lính mới đang loay hoay tìm cách bọc gói thì nhân vật có nước da đen cháy tiến đến gần, dáng vẻ ân cần ấm áp. “Em phải làm thế này mới được”, “Còn em, em cầm nguyên vậy lên xuồng nhé!”. Người lính bước bên tôi thật chậm, tần ngần trước giờ khắc rời xa. Chuyến xuồng đầu tiên trở về tàu bắt đầu rẽ sóng. Giữa sân khấu dưới tán bàng vuông, nữ ca sĩ trẻ còn nán lại hát cùng lính đảo: “Ôi câu hò quê hương, em hát chiều ni răng mà thương mà nhớ. Tiếng hát em vút cao, mây lẳng lặng cúi đầu...”. Tròn một tháng kể từ ngày rời tàu về đất liền, buổi tối Hà Nội oi ả, tôi nhận được cuộc gọi từ số lạ, giọng ấm áp thân quen: “Chào em, mời em mở tivi xem chương trình Chúng tôi là chiến sĩ, có đảo ta đấy em ạ!”. Từ đảo ta sao mà gần gũi, thiêng thiêng đến vậy. Nó khiến tôi cảm giác được mình và bộ đội là anh em chung một mái nhà. Trên màn hình tivi, hai người lính nước da đen cháy đang song ca cùng ca sĩ trong phần chơi Tình yêu chiến sĩ. Khác hẳn vẻ cứng cỏi, nghiêm túc hằng ngày, họ thèn thẹn, ngại ngần, hát chênh cả nhịp. “Mặn lên da là biển, mặn xuống tóc là trời. Lính đảo không trắng nổi, yêu hay đừng em ơi!”.

Cả Trường Sa đương đầu với sóng gió, bão giông nhưng chẳng đâu đặc biệt như An Bang, đảo nhỏ hình cây nấm, điểm cực Nam của quần đảo Trường Sa. Sóng nhiều khi không chỉ đến từ gió giông mà chính từ nét đặc thù địa hình. Sóng nhiều chiều dồn vào hòn đảo nhỏ, gầm gào suốt ngày đêm và mùa nào cũng thế. Cảm giác hòn đảo nhỏ chẳng phút giây được thở. Cầu tàu An Bang vì thế cũng khác lạ. Chỉ huy trưởng của đảo luôn ra tận mép nước đón từng người lên. Lính mới không ra đón xuồng, ít nhất phải là lính qua huấn luyện vài tháng. Họ đầy đủ kỹ năng bơi lội, bắt dây, căn chỉnh, nhạy bén. Thủy thủ trên xuồng ném xuống sợi dây, một chiến sĩ trên bờ nhảy lên bắt kịp, cả kíp người chập ngay vào thành sợi dây người níu chặt giữ xuồng. Sợi dây này phải lựa sóng, tránh sóng, quần thảo với sóng bằng tinh thần cảm tử. Trong một lần ngồi trên bãi cát dài ngắm cuộc chiến cam go với sóng, đập vào mắt tôi cảnh tượng những con người còng lưng tiễn đồng đội ra quân. Trên xuồng là các chiến sĩ đã hoàn thành xong nghĩa vụ, bên dưới là những đồng đội tiếp tục ở lại đảo. Ngoài dãy người trực tiếp tay đẩy mạn xuồng, còn đến vài lớp người khác tay đẩy vào lưng đồng đội để tăng thêm sức lực. Không ai nói nổi điều gì với nhau giờ phút ấy. Dưới cát bỏng, nắng nung, không muốn xa đồng đội vẫn cứ phải còng lưng đẩy chiếc xuồng. Người trên xuồng buộc phải ngồi im mà không thể giúp. Cảnh ấy trái khoáy, ngược với câu chuyện suốt năm tháng qua họ đã hành quân, tập luyện, lao động, ăn uống cùng nhau. Hò dô thật to, toàn thân dồn lực, đẩy đi một người thân, một nỗi nhớ nhung đè nặng. Cố mãi xuồng cũng nhích được vài mét, tuột thẳng ra biển. Chỉ vài mét thôi mà người trong bờ không sao chạy ra bắt tay đồng đội. Sóng biển đã ngăn cách họ rồi. Muôn cặp mắt dõi theo nhau không chớp. Mọi thứ khuất xa cảm xúc mới vỡ òa. Tôi đã tự đặt mình vào vị trí của người đẩy xuồng, người ngồi xuồng... rồi bất thình lình không dám nghĩ tiếp. Đã có biết bao cuộc chia tay như thế. Sống ở An Bang, không ra bờ kè vẫn ầm ì tiếng sóng. Xa An Bang rồi, sóng vẫn dội trong lòng bốn phương tám hướng. Sóng biển khơi và sóng của lòng người.

Trường Sa thương nhớ muôn trùng

Cuốn sổ Tâm tình người lính đặt trên khắp các đảo, Nhà giàn DK1 mỗi cuốn có hàng trăm trang viết tay của nhiều thế hệ chiến sĩ. Có những trang nhật ký mà nếu không đọc tên dưới chữ ký của Chỉ huy trưởng Trần Văn Phúc ở đảo Đá Đông thì tôi ngỡ đó là nhật ký viết bởi một nhà văn: “Các đồng chí biết không, cuộc sống ở đảo thú vị lắm. Hàng ngày được ngắm bình minh, nghe tiếng sóng vỗ bờ “hôn đảo”. Chiều đến lại được ngắm những tia nắng vàng còn sót lại trên mặt biển và nền trời xanh của những buổi hoàng hôn buông xuống. Cuộc sống thú vị khi chúng ta đi thả lưới bắt cá cùng nhau, cả một đội hình dàn binh bố trận, người chặn đầu, người khóa đuôi... như đi đánh trận thật ấy... Rồi khi đuổi được cá vào lưới ai nấy đều quên hết mệt nhọc nhìn nhau tươi cười. Tôi nhớ những khi chúng ta quây quần bên nhau hát hò, nhảy nhót, những sự đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau, sự hòa đồng của tập thể đảo trong cuộc sống... Những điều tưởng chừng như đơn giản ấy lại rất quý giá”. Anh nhắn gửi tới các đồng chí, đồng đội của mình: “Hãy luôn giữ vững lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa biển đảo quê hương”.

Trường Sa thương nhớ muôn trùng

Trở về đất liền, tôi ngắm mãi bức ảnh loài hoa giống như hoa đậu nhưng không mang sắc tím mà hồng rực trong nắng, thân lại hệt cây rau muống biển bò lan trên cát. Món quà kèm theo câu đố của các y, bác sĩ trên đảo Trường Sa, đố nhà báo biết đấy hoa gì. Nghĩ mãi cũng chịu, tôi đành chuyển ảnh tới vài cán bộ, chiến sĩ xin lời giải đáp. Bộ đội nhắn ngay: “Các bác sĩ áo lính nhà ta tinh nghịch thật, gửi ảnh hoa đậu gieo lẫn trong bờ muống biển, sắc hoa vì nắng quá đổi màu để đánh đố nhà báo đây!”. Sau chuyến công tác Trường Sa, có người lính quân y ngại ngần đưa ra một lời ngỏ. Anh mong trước mỗi đêm gác, được gửi về đất liền cho tôi dòng tin. Có khoảnh khắc tôi từng cho đó là điều thật bình thường nhưng tình cảm trong sáng, mộc mạc ấy đã gợi lên trong tôi bao khắc khoải. Đêm nay, Trường Sa mưa lớn... Trăng Trường Sa sáng lắm nghe em... Trước phiên gác đêm nay, bỗng thấy gió ấm như từ quê mẹ... Những người lính của chúng ta, họ nghĩ về đất liền ngay trong phiên gác, gửi đi một dòng tin, không cần hồi đáp, vì chính dòng tin ấy đã là tín hiệu bình yên.

(Ghi chép của Lữ Mai)


(Ghi Chép Của Lữ Mai)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]