(Baothanhhoa.vn) - Huyện Quan Sơn có 4 dân tộc anh em Kinh, Thái, Mường, Mông cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc Thái chiếm 80,44% dân số. Bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Thái được đồng bào gìn giữ, tiêu biểu là nét đẹp trang phục truyền thống của phụ nữ Thái.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Thái ở Quan Sơn

Trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Thái ở Quan Sơn

Trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Thái ở xã Trung Hạ.

Huyện Quan Sơn có 4 dân tộc anh em Kinh, Thái, Mường, Mông cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc Thái chiếm 80,44% dân số. Bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Thái được đồng bào gìn giữ, tiêu biểu là nét đẹp trang phục truyền thống của phụ nữ Thái.

Từ xa xưa, người Thái ở Quan Sơn đã biết trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải để may trang phục. Với sự cần cù và trí tưởng tượng phong phú, phụ nữ Thái ở đây đã tự tạo nên những bộ trang phục giàu tính nghệ thuật, thể hiện qua những nét hoa văn mang tín ngưỡng văn hóa độc đáo. Bộ trang phục của phụ nữ Thái huyện Quan Sơn bao gồm: áo, váy, thắt lưng, khăn xéo và các loại trang sức kèm theo như hoa tai, vòng cổ, vòng tay bằng bạc... Áo cóm là một loại áo xẻ vai chui đầu, thân áo ngắn ngang lưng, chỉ có một khuy hoặc buộc dây vải, tay áo dài đến cổ tay. Áo cóm có nhiều màu đen, xanh, trắng, hồng... bó sát lấy thân hình, làm nổi bật lên nét đẹp về hình thể, sự mềm mại, duyên dáng của người phụ nữ. Dải thắt khăn xanh (có gài vài sợi dây bạc) quấn chặt cạp trên nhưng thả lỏng cạp váy dưới. Váy được chia làm 3 phần, gồm: cạp váy, thân váy, chân váy. Riêng chân váy có màu chàm đen, thêu hoa văn cầu kỳ ở phần dưới - đây là sự khác biệt rõ nét nhất giữa trang phục của phụ nữ Thái huyện Quan Sơn với các huyện Bá Thước, Quan Hóa, Mường Lát, Thường Xuân, Như Xuân. Cạp váy được dệt bằng vải bông, dệt hình con rồng (hua hung), màu sắc chủ yếu là màu đen, vàng, hồng. Mỗi khi các cô gái nhẹ nhàng bước đi, cạp váy uyển chuyển như sóng lúa trên nương rẫy.

Nói về bộ trang phục nữ Thái ở Quan Sơn không thể thiếu chiếc khăn piêu. Chiếc khăn piêu thường được các cô gái Thái thêu đơn giản với hoa văn ở hai đầu khăn, được đội theo cách quàng qua trước trán rồi vắt chéo hai đầu khăn ra phía sau, thắt lại gọn gàng, chắc chắn. Ngoài ra, phụ nữ Thái rất thích đeo các đồ trang sức, như: Vòng cổ, vòng tay, hoa tai, trâm cài tóc trên đầu, xà tích và cả cúc bạc... đã góp phần tạo nên sắc thái riêng trong trang phục truyền thống của người phụ nữ Thái ở Quan Sơn.

Ông Lê Văn Thơ, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quan Sơn, cho biết: Để bảo tồn trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện nói chung, trang phục truyền thống dân tộc Thái nói riêng, thời gian qua huyện Quan Sơn đã triển khai công tác kiểm kê, lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, trong đó có dân tộc Thái. Qua kiểm kê, cho thấy hiện nay phụ nữ dân tộc Thái trong độ tuổi trung niên sinh sống trong các bản vẫn thường xuyên mặc trang phục truyền thống hằng ngày, còn đa phần phụ nữ đều mặc trang phục truyền thống vào các ngày lễ, tết. Trong thời gian tới, huyện Quan Sơn tiếp tục tuyên truyền, vận động đồng bào thường xuyên duy trì mặc trang phục truyền thống. Bên cạnh đó, có giải pháp để khôi phục nghề dệt thổ cẩm; tổ chức sưu tầm trang phục truyền thống phục vụ cho công tác quản lý, lưu giữ, bảo tồn để giới thiệu; có quy định học sinh từ bậc tiểu học đến THPT là người dân tộc thiểu số phải mặc trang phục truyền thống các ngày học đầu tuần...

Khánh Linh


Khánh Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]