(Baothanhhoa.vn) - Hạc Thành xưa - TP Thanh Hóa nay là vùng đất hội tụ khí thiêng sông núi của xứ Thanh, nơi nền văn minh của người Việt cổ ra đời và phát triển trải qua hàng nghìn năm. Qua bao thăng trầm của lịch sử, quá trình bền bỉ lao động sáng tạo, truyền thống lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước đã lắng đọng, bồi đắp nên tinh hoa văn hóa của đất và người Hạc Thành.

TP Thanh Hóa: Vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử (Bài 1): Núi Đọ - lắng đọng trầm tích văn hóa

Hạc Thành xưa - TP Thanh Hóa nay là vùng đất hội tụ khí thiêng sông núi của xứ Thanh, nơi nền văn minh của người Việt cổ ra đời và phát triển trải qua hàng nghìn năm. Qua bao thăng trầm của lịch sử, quá trình bền bỉ lao động sáng tạo, truyền thống lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước đã lắng đọng, bồi đắp nên tinh hoa văn hóa của đất và người Hạc Thành.

TP Thanh Hóa: Vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử (Bài 1): Núi Đọ - lắng đọng trầm tích văn hóaTrống đồng Đông Sơn được trưng bày ở làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng phục vụ khách tham quan. Ảnh: P.V

Từ cái nôi của người Việt cổ

Không phải ngẫu nhiên mà vùng đất Hạc Thành được coi là cái nôi của người Việt cổ. Bởi, cách đây hơn 62 năm, các nhà khảo cổ học tiến hành một cuộc khảo cổ tại núi Đọ và chứng minh, nơi đây đã tồn tại một nền văn hóa sơ kỳ thời đại đá cũ. Cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 10km, nằm ở nơi giao nhau của sông Mã - sông Chu, núi Đọ là một trong những cảnh đẹp của “Bàn A thập cảnh” và cũng là di chỉ khảo cổ học thời đại đá cũ. Ngọn núi nằm trải rộng trên địa phận xã Thiệu Tân (nay là xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa) và phường Thiệu Khánh có độ cao khoảng 158m. Nhìn từ xa núi Đọ giống hình một con rùa khổng lồ, màu đen sẫm. Bởi vậy, sách Đại Nam nhất thống chí lại ví núi Đọ là “Linh quy hý thủy”. Tấm màn bí mật về nền văn minh của người Việt cổ đã ra đời và phát triển trải qua hàng chục vạn năm ở núi Đọ chỉ được sáng tỏ khi các nhà khảo cổ học trẻ tuổi Việt Nam cùng với giáo sư P.I.Boriskovski (Liên Xô cũ) tiến hành khảo cổ vào cuối năm 1960. Cũng từ đó đến nay, núi Đọ đã trải qua 4 lần nghiên cứu, thám sát, khai quật của các nhà khảo cổ trong và ngoài nước, tìm thấy khoảng 2.500 hiện vật bằng đá các loại. Dựa vào loại hình, kỹ thuật chế tác công cụ lao động bằng đá của người nguyên thủy, như: Hạch đá, mảnh tước, rìu tay,... các nhà khảo cổ cho rằng người nguyên thủy tối cổ đã từng sinh sống ở núi Đọ, cách ngày nay khoảng 30 - 40 vạn năm. Vì vậy, các nhà khảo cổ học đã gọi Di tích núi Đọ là một “di chỉ xưởng”.

Ngày nay, trên sườn phía Ðông và phía Tây Nam núi Ðọ, vẫn còn nhiều mảnh tước, mảnh ghè nằm rải rác. Việc phát hiện di chỉ núi Đọ của các nhà khảo cổ đã tạo nên tiếng vang lớn. Đồng thời, cũng khẳng định Thanh Hóa là nơi xuất hiện và chứng kiến buổi bình minh của lịch sử dân tộc. Kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học từ năm 1960 cũng cho thấy Đông Khối - nay thuộc phường Đông Cương là nơi cư trú, là một trung tâm chế tác công cụ đá đạt trình độ kỹ thuật đỉnh cao, với diện tích rộng khoảng 160.000m2. Ngoài các loại công cụ bằng đá, ở núi Đọ còn có những khối đá lớn với những vết lõm có hình thù, độ nông sâu khác nhau có công năng như những chiếc cối giã. Quá trình khai quật, nghiên cứu của các nhà khảo cổ học còn phát hiện nhiều di chỉ của nền văn hóa Đông Sơn, văn hóa Chu Đậu, Phù Lãng của thời các vua Hùng dựng nước với rất nhiều trống đồng, thạp đồng. Nói về những kết quả khảo cổ ở núi Đọ, PGS.TS Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khoa học khảo cổ - Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam từng khẳng định: “Hơn 62 năm qua, những kết quả khảo cổ ở địa danh núi Đọ của Viện Khoa học khảo cổ với các chuyên gia Liên Xô (cũ) đến nay chưa ai phản bác. Chúng ta cần phải nhấn mạnh giá trị toàn cầu của núi Đọ - Đông Sơn, Hàm Rồng - sông Mã. Trong đó, núi Đọ - Đông Sơn là di sản về văn hóa khảo cổ học, Hàm Rồng - sông Mã là di sản về lịch sử cách mạng và danh thắng. Núi Đọ là nơi bầy người nguyên thủy tụ cư và buổi đầu bình minh của lịch sử dân tộc. Đây là những yếu tố để chúng ta khai thác du lịch di sản thời kỳ tiền sử”.

Núi Đọ giờ đây không chỉ mang biểu trưng cho một nền văn hóa đặc sắc riêng có - văn hóa núi Đọ, mà còn là minh chứng rõ nét cho cuộc hành trình du cư vĩ đại của cộng đồng người nguyên thủy từ các hang động miền sơn cước xuống đồng bằng, chiến đấu với thiên nhiên khắc nghiệt, sáng chế công cụ lao động để kiến tạo cuộc sống. Xuất hiện từ thủa bình minh của loài người, nền văn hóa núi Đọ làm tiền đề cho những bước tiến hóa tiếp theo khi con người thoát khỏi thời đại đồ đá bước thời đại chế tác gốm và kim khí. Cũng từ đây, văn hóa Đông Sơn - một trong những nền văn hóa phát triển rực rỡ nhất của nhân loại, với đỉnh cao là kỹ nghệ chế tác đồng thau mà tiêu biểu phải kể đến di vật trồng đồng Đông Sơn đã được khai sinh trên vùng đất xứ Thanh địa linh, nhân kiệt.

... đến nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ

Cách núi Đọ không xa là làng cổ Đông Sơn, thuộc phường Hàm Rồng. Ngôi làng nằm gọn trong thung lũng, được bao quanh bởi hệ thống núi đá vôi với nhiều hang động và một bên là dòng sông Mã. Năm 1924, ông Nguyễn Văn Lắm, một nông dân ở xóm Nghĩa trong làng, đi câu dọc bờ sông Mã đã phát hiện và thu được các hiện vật bằng đồng, gồm: Bộ ấm chén pha trà, trống đồng. Sau phát hiện của ông Lắm, một người Pháp có tên là L.Paijot được ủy nhiệm tiến hành khảo cổ học di tích Đông Sơn. Những cổ vật đã tìm thấy được học giả người Pháp là V.Golubew công bố năm 1929 đã gây tiếng vang lớn, khiến các học giả thời đó vô cùng sửng sốt, xác nhận rằng các di vật đó thuộc về một nền văn hóa riêng biệt. Năm 1933, học giả người Áo là R.Heine – Geldern đề nghị đặt tên nền văn hóa này là Văn hóa Đông Sơn. Kể từ đó, thuật ngữ Văn hóa Đông Sơn được dùng phổ biến trên thế giới để chỉ thời kỳ văn minh đầu tiên của người Việt cổ - mốc thời gian ra đời của Nhà nước Văn Lang - Đại Việt - Việt Nam. Tên của ngôi làng nhỏ Đông Sơn đã trở thành tên của một nền văn hóa rực rỡ cách đây từ 2.000 đến gần 3.000 năm. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, các tầng văn hóa khai quật được đã thể hiện rõ ngôi làng có lịch sử định cư liên tục của con người từ thời cổ cho đến nay. PGS.TS Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khoa học khảo cổ - Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam chia sẻ: “Địa danh làng cổ Đông Sơn tiêu biểu cho nên văn hóa Đông Sơn, hiện nay còn nhiều dấu vết nguyên trạng thể hiện tính toàn vẹn đang nằm dưới lòng đất của Nhà máy Phân lân Hàm Rồng. Giá trị toàn cầu của văn hóa Đông Sơn đã được chứng minh, từ khảo cổ tàu đắm ở Dung Quất cho thấy văn hóa Đông Sơn có ảnh hưởng, giao lưu với văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Đông Nam Á và văn hóa Nam Trung Hoa”.

TP Thanh Hóa: Vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử (Bài 1): Núi Đọ - lắng đọng trầm tích văn hóaDu khách đến tham quan làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng. Ảnh: P.V

Theo dòng chảy của lịch sử, mùa xuân năm 1804, Vua Gia Long chỉ dụ dời trấn thành Thanh Hoa từ làng Dương Xá, xã Thiệu Dương về làng Thọ Hạc. Sau đó, công việc xây dựng trấn thành được gấp rút triển khai. Trấn thành được xây dựng theo hình lục lăng, có hào bao quanh mặt ngoài với 4 cửa gồm: Cửa Tiền phía Nam, cửa Hậu phía Bắc, cửa Tả phía Đông Nam và cửa Hữu phía Tây Nam. Bởi vậy, tên gọi là Hạc Thành xuất hiện từ đó. Năm 1841, Vua Thiệu Trị đổi tên trấn thành Thanh Hoa thành Thanh Hóa. Sau những biến cố thăng trầm của lịch sử và tự nhiên, dấu ấn của trấn thành Thanh Hoa chỉ còn lưu đọng trong những trang sử cũ. Hầu hết các dấu tích đã nằm sâu trong lòng đất thuộc khu vực Hồ Thành. Nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng TP Thanh Hóa trở thành thành phố thông minh, văn minh, hiện đại, là 1 trong 5 thành phố trực thuộc tỉnh dẫn đầu cả nước, một động lực góp phần quan trọng đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc vào năm 2030, ngày 17-12-2019, Chủ tịch UBND đã ký Quyết định số 5348/QĐ-UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực Hồ Thành, TP Thanh Hóa. Khu vực Hồ Thành sẽ là khu trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa, thương mại, dịch vụ cấp tỉnh; khu dân cư cao cấp thuộc nội thành TP Thanh Hóa. Có chức năng là khu trung tâm hành chính, chính trị; khu thương mại - dịch vụ; khu văn phòng; khu dân cư mới; khu dân cư hiện trạng, chỉnh trang; khu vực lịch sử, văn hóa; quảng trường, cây xanh, mặt nước. Trong tương lai, khi được triển khai xây dựng, khu vực Hồ Thành sẽ có sự kết hợp giữa văn hóa, lịch sử và hiện tại, hướng tới tương lai. Trong đó, một số công trình trong khu vực sẽ được thiết kế mang dấu ấn hoài cổ về Hạc Thành xưa, đặc biệt là việc khôi phục lại 4 cổng thành.

TP Thanh Hóa - vùng đất của lịch sử. Từ buổi bình minh của loài người, “Thành phố bên bờ sông Mã” không chỉ mang trong mình một nền văn hóa rực rỡ với bản sắc riêng - văn hóa Đông Sơn, mà còn là nơi hội tụ khí thiêng sông núi. Chính bởi những giá trị văn hóa, lịch sử lắng đọng, bồi đắp qua hàng ngàn năm ấy, trong định hướng phát triển du lịch, TP Thanh Hóa đã và đang tập trung nghiên cứu, quy hoạch, kêu gọi đầu tư xây dựng Hàm Rồng - núi Đọ đạt tầm vóc quốc gia, quốc tế; trở thành khu di tích quốc gia đặc biệt, tiến tới trở thành di sản văn hóa thế giới. Trong đó, thành phố luôn coi trọng giữ gìn những nét hoang sơ, tự nhiên của khu vực Hàm Rồng - núi Đọ. Đây là những giá trị khác biệt tạo nên sức hấp dẫn của khu vực Hàm Rồng - núi Đọ, nhằm phục vụ phát triển du lịch. Vùng đất cổ này đang ngày càng trở nên hấp dẫn hơn với du khách bởi những tinh hoa văn hóa riêng có, truyền thống lịch sử vẻ vang trong đấu tranh dựng nước, giữ nước và bởi cái hồn hậu, hào sảng, quyến rũ của đất và người Hạc Thành.

Nhóm PV Chính trị - Xã hội

Bài 2: Mạch nguồn sông Mã - Hàm Rồng.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]