(Baothanhhoa.vn) - Ê-xê-nhin là nhà thơ chuyên viết về tình yêu thiên nhiên, đất nước và con người của nước Nga. Những tác phẩm thơ của ông mãi đến năm ông lên 18 tuổi mới được đông đảo công chúng yêu thơ nước Nga biết đến.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tình yêu mẹ sâu nặng qua một bức thư

Ê-xê-nhin là nhà thơ chuyên viết về tình yêu thiên nhiên, đất nước và con người của nước Nga. Những tác phẩm thơ của ông mãi đến năm ông lên 18 tuổi mới được đông đảo công chúng yêu thơ nước Nga biết đến.

Những bài thơ về mẹ, về làng quê Nga được đặc biệt hâm mộ đúng như điều ông khẳng định với mẹ mình bằng thơ: Ngày mai mẹ thức con dậy sớm/ Mở cửa ra cho ánh sáng vào nhà/ Người ta bảo con sắp thành thi sĩ/ Nổi tiếng và một thi sĩ người Nga”.

Có một điều khẳng định rằng thơ Ê-xê-nhin chúng ta càng đọc, càng say. Có lẽ những bức ảnh thiên nhiên và tình yêu con người mà nhà thơ chụp lại bằng ngôn ngữ rất gần gũi với cảnh và người Việt Nam. Thi sĩ xuất thân từ nông thôn, do vậy thơ của ông thấm đẫm hơi thở đời sống nông dân và cảnh vật làng quê êm đềm. Đặc biệt, hình ảnh người mẹ trong bài thơ: “Thư gửi mẹ” có nhiều đức tính rất giống người mẹ Việt Nam. Bức thư ông gửi cho mẹ bằng những lời thơ tha thiết nói lên tình yêu sâu nặng của mình đối với mẹ và trong bức thư này, hình ảnh ngôi nhà, cảnh vật, ánh mặt trời... tất cả như một bức tranh khắc họa tâm trạng của đứa con xa xứ nhớ về mẹ già thân yêu:

Mẹ có còn sống chăng thưa mẹ?

Con cũng còn sống đây. Xin chào mẹ của con!

Ánh sáng diệu kỳ vào lúc chiều hôm

Xin cứ tỏa trên mái nhà của mẹ.

Hẳn những ai sống ở vùng nông thôn sẽ hơn một lần ngắm ánh chiều tà khi hoàng hôn buông xuống những mái nhà. Có điều gì đó thật thiêng liêng, thanh bình của cuộc hòa nhập vũ trụ với những con người bình dị nhất thông qua những ánh sáng thiên di của mặt trời. Nhà thơ gọi tên mẹ trong nỗi nhớ được trám bằng thứ ánh sáng “diệu kỳ”, có lẽ bởi nhà thơ đã đặt tình yêu mẹ mình lên một ngôi cao nhất, mong muốn những gì đẹp nhất của lòng mình, của thiên nhiên hãy dành cho mẹ: “Ánh sáng diệu kỳ vào lúc chiều hôm/ Xin cứ tỏa trên mái nhà của mẹ”.

Hình ảnh, tấm lòng và tình thương yêu con vô bờ của người mẹ dần hiện lên qua khổ thơ thứ hai và đây cũng là khổ thơ cho chúng ta thấy sự gần gũi về hình ảnh, tấm lòng người mẹ Nga với người mẹ Việt Nam:

Người ta viết cho con rằng mẹ

Phiền muộn lo âu quá đỗi về con

Rằng mẹ thường đi đi lại lại trên đường

Khoác tấm áo choàng xưa cũ nát.

Bốn câu thơ trong khổ thơ trên đủ cho chúng ta thấy người mẹ đặt tất cả niềm tin, hy vọng, sự quan tâm lo lắng cho con. Bằng tình yêu và linh cảm, bà lo nghĩ về đứa con yêu trước những tai họa bất ngờ, hoặc những bất hạnh đang rình rập. Nỗi lòng người mẹ trào lên bao thương yêu là cũng dâng lên bấy nhiêu lo lắng, bồn chồn. Người phụ nữ mẫn cảm ấy không thể cứ ngồi mãi trong căn nhà “xưa cũ” để chờ con về. Ngoài kia cho dù bóng chiều hôm đã dần tắt mà tin tức về đứa con yêu của mẹ vẫn chưa thấy đâu. Kệ cho ngoài trời giá rét, bà khoác tấm áo choàng “cũ nát” đi ra ngoài đường để trông ngóng tin con. Viết đến đây tôi nhớ lại lời ca sĩ Ngọc Sơn hát bài “Lòng mẹ” có đoạn: “Đường xưa mẹ già ra đứng ngóng, mòn mỏi trông con đến bao giờ. Lặng nhìn chiều thu lòng nhớ thương ai? Gió đưa man mác gợi những âu sầu. Đường xưa nghe lá thu rơi, chiều nay ra đứng nơi đây. Gió lạnh lùng mang nỗi nhớ, mẹ già chờ con ngồi đếm lá rơi. Đếm bao nhiêu lá mà con chưa về...”. Khi lo lắng cho con, người mẹ không thể an lòng. Mẹ hình dung, tưởng tượng ra trăm mối lo về con. Sự thái quá này của người mẹ được Ê-xê-nhin phác họa khiến chúng ta càng kính yêu mẹ:

Trong bóng tối chiều hôm xanh ngắt

Mẹ mãi hình dung chỉ một cảnh hãi hùng...

Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa hai người mẹ Nga – Việt mà nhà thơ Ê-xê-nhin đã khắc họa tài tình là khi nỗi nhớ thương, lo âu về đứa con xa nhà tràn ngập lòng mẹ. Mẹ ra đứng ngóng, một người “đi đi, lại lại trên đường”, một người “ngồi đếm lá rơi”. Hai bức hình này ở hai đất nước xa xôi nhưng chính sự đồng cảm tâm hồn và chung điểm xuất phát từ tình mẫu tử lớn lao, tình yêu vô bờ của mẹ với đứa con xa nhà mà hình ảnh hai người mẹ trở nên như một. Và rồi không nỡ làm mẹ lo lắng, trong thư Ê-xê-nhin nói rõ thời gian mình sẽ trở về. Đây có lẽ là điều mẹ nhà thơ mong đợi nhất:

Con vẫn như xưa đằm thắm dịu dàng

Vẫn như xưa chỉ một niềm mong ước

Sớm thoát khỏi nỗi buồn đau trĩu nặng

Để trở về với mái nhà xưa.

Ê-xê-nhin là thi sĩ hàng đầu nước Nga viết về vẻ đẹp thiên nhiên và tình yêu con người chạm sâu tới tâm hồn người đọc không chỉ nước Nga mà còn ở nhiều nước khác, trong đó có công chúng Việt Nam:

Con sẽ trở về khi độ xuân sang

Mảnh vườn ta trắng cây cành nảy lộc

Chỉ có điều, mẹ nhé, mỗi ban mai

Đừng gọi con như tám năm về trước.

Vẫn với những lời thơ tha thiết, dịu dàng, Ê-xê-nhin nhắn gửi mẹ rằng, bước chân ông đã chạm tới nhiều nỗi buồn cuộc sống, ông đã trưởng thành trong những va đập, trải nghiệm và ngoài ngôi nhà của mẹ, ông không thấy ở đâu bình yên như nơi đó nữa. Nếu gợi lại chỉ làm ông nuối tiếc những năm tháng sống trong tình yêu bao la, vô bờ của mẹ thân yêu:

Đừng thức dậy những giấc mơ đã mất

Đừng gợi chi những mộng đẹp không thành

Đời con nay đã thấm nỗi nhọc nhằn

Đã sớm chịu bao điều mất mát.

Tình yêu bất biến, vĩnh cửu và cao đẹp của mẹ đối với con lại được nhà thơ Ê-xê-nhin khẳng định thêm một lần nữa bằng những ngôn ngữ đẹp nhất, mà chỉ có thể lấy nguyên liệu đó từ vũ trụ để so sánh thì mới xứng với tình yêu mẹ dành cho ông, đó là chủ đích của nhà thơ khi chọn lựa những ngôn ngữ đặc biệt để gửi tặng trong thư về cho mẹ:

Cũng đừng dạy con nguyện cầu. Vô ích!

Với cái cũ xưa, không quay lại làm chi.

Chỉ mẹ là nguồn vui, ánh sáng diệu kỳ

Chỉ mình mẹ giúp đời con vững bước.

Chúng ta luôn hỏi vì sao thơ Ê-xê-nhin có sức sống mãnh liệt, được nhiều người yêu thích không kể màu da và mãi đi cùng năm tháng? Là bởi thơ ông viết về thiên nhiên, về những niềm vui, hạnh phúc và cả nỗi buồn đau, thất vọng của con người và đặc biệt là tình người. Đó chẳng phải là những điều bất biến luôn hiện hữu trong đời sống con người chúng ta hay sao?!

Hình ảnh người mẹ nông thôn vô cùng giản dị nhưng được lặp đi lặp trong bức thư thay cho lời kết bằng khổ thơ cuối trong “Thư gửi mẹ” của Ê-xê-nhin, một lần nữa cho chúng ta thấy tình yêu sâu nặng của người con đi xa dành cho mẹ và qua đó hình ảnh người mẹ cũng được nhà thơ phác họa bằng những ngôn ngữ chứa đựng sức mạnh, lòng kính trọng và tình yêu thương mẹ vô cùng sâu nặng.

Hãy quên đi những lo âu, mẹ nhé

Đừng buồn phiền quá đỗi về con

Mẹ chớ đi đi lại lại trên đường

Khoác tấm áo choàng xưa cũ nát. (*)

(*): Bản dịch thơ của Anh Ngọc


Lan Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]