(Baothanhhoa.vn) - Cứ mỗi độ tháng 3 về, dãy Nghĩa Lĩnh sừng sững mấy ngàn năm bồi tụ khí thiêng non nước lại đón hàng vạn người trẩy hội đền Hùng và thực hành tín ngưỡng thờ Tổ linh thiêng, độc đáo và có tầm ảnh hưởng sâu rộng bậc nhất ở nước ta hiện nay. Để rồi, như một lẽ tất yếu, cuộc hành hương tháng 3 về miền đất Tổ ấy, cũng là cuộc hành hương của niềm xác tín tâm linh trong mỗi người dân thiết tha yêu nước và tự hào về cội nguồn dân tộc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương: Khẳng định sự tự tôn và niềm tự hào dân tộc

Cứ mỗi độ tháng 3 về, dãy Nghĩa Lĩnh sừng sững mấy ngàn năm bồi tụ khí thiêng non nước lại đón hàng vạn người trẩy hội đền Hùng và thực hành tín ngưỡng thờ Tổ linh thiêng, độc đáo và có tầm ảnh hưởng sâu rộng bậc nhất ở nước ta hiện nay. Để rồi, như một lẽ tất yếu, cuộc hành hương tháng 3 về miền đất Tổ ấy, cũng là cuộc hành hương của niềm xác tín tâm linh trong mỗi người dân thiết tha yêu nước và tự hào về cội nguồn dân tộc.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương: Khẳng định sự tự tôn và niềm tự hào dân tộc

Thi nấu bánh chưng, giã bánh dầy tại Khu di tích Lịch sử quốc gia Đền Hùng.

Văn hóa là gương mặt của một quốc gia - dân tộc, hay một là tấm gương phản chiếu chiều sâu lịch sử, bề dày truyền thống và cả những giá trị đặc sắc làm nên sự khác biệt giữa các quốc gia, khi mà thế giới đang ngày càng trở nên “phẳng” hơn. Đối với người Việt và dân tộc Việt, để chọn ra một đại diện tiêu biểu nhất, đặc sắc nhất, độc đáo nhất và giàu giá trị nhất cho văn hóa dân tộc, thậm chí có khả năng đại diện cho nhân loại, thì tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sự lựa chọn đầu tiên và xứng đáng hơn cả.

Nguồn gốc dân tộc và sự ra đời của nhà nước Văn Lang đã được bộ chính sử Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại khá sơ lược, song cũng đủ để hình dung về thủy tổ người Việt. Kinh Dương vương là con của Đế Minh (cháu ba đời của Viêm đế Thần Nông thị) là bậc thánh trí thông minh và được Đế Minh phong làm vương để trị đất phương Nam (nước Xích Quỷ). Kinh Dương vương lấy con gái Động Đình Quân sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ sinh ra trăm con (tục truyền sinh ra trăm trứng) và được xem là thủy tổ của Bách Việt. Sau bởi “thủy hỏa khắc nhau, khó lòng đoàn tụ”, bèn chia 50 người con theo mẹ về núi, 50 người con theo cha về miền Nam Hải và phong con trưởng làm Hùng Vương. Hùng Vương lên ngôi đóng đô ở Châu Phong, đặt Quốc hiệu là nước Văn Lang, chia nước làm 15 bộ, đặt chư hầu để làm phên dậu, ngôi vua đời đời cha truyền con nối.

Như lời tiền nhân đã răn, bởi “vật gốc ở trời, người gốc ở tổ” và “đất có thịnh thì cây mới tốt, nguồn có sâu thì nước mới dài”. Vậy nên, bề dày lịch sử cũng chính là cái “nguồn sâu” làm bệ đỡ cho sự trường tồn của dân tộc. Đồng thời, hướng về nguồn cội bằng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, chính là cơ sở để tạo nên mối liên hệ vô hình nhưng bền chặt, xuyên suốt từ thời đại Vua Hùng đến thời đại Hồ Chí Minh và công cuộc xây dựng đất nước ngày nay. Có một triết lý nhân văn sâu sắc, được đúc kết trong các nghi thức thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Đó là tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc và đặc biệt là cách con dân đất Việt một lòng hướng về tiên tổ, để ngưỡng vọng, để tự hào, để tìm thấy điểm tựa tinh thần và thức dậy những tình cảm đẹp đang ẩn sâu trong lòng mỗi người. Cũng nhờ vậy mà tâm hồn con người mới không trở thành cái cây bị bứt khỏi mặt đất và ném lên sa mạc khô cằn của mọi sự bon chen vật chất, của lợi ích cá nhân, của địa vị tiền tài, danh vọng..., những điều dường như đang dần trở thành một loại thước đo giá trị con người trong thời buổi này.

Tục thờ cúng Hùng Vương nghi thức tôn nghiêm và linh thiêng, không chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng của người Việt, mà còn tôn vinh dân tộc hay khẳng định những giá trị trường tồn, bất biến của bản lĩnh dân tộc, văn hóa dân tộc, đạo lý dân tộc, mà nhờ đó, lớp lớp thế hệ nối tiếp nhau đã đi qua hàng nghìn năm tranh đấu giành, giữ nền độc lập và dựng xây non sông gấm vóc ngày càng đàng hoàng, tươi đẹp. Tục lệ ấy được nâng thành một tín ngưỡng - dù không có học thuyết hay giáo hội - nhưng đã cắm rất sâu, rất chặt vào đời sống tinh thần, tâm linh người Việt; đặc biệt khi nó gần gũi với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên – một tín ngưỡng gốc, có sức mạnh và tầm ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống vật chất và văn hóa - tinh thần dân tộc.

Thờ cúng Hùng Vương là tín ngưỡng không biên giới, có sức sống mãnh liệt và giàu giá trị. Tín ngưỡng ấy đang góp phần gắn kết con người Việt Nam bằng niềm tự hào con Lạc cháu Hồng chung một nguồn cội và bằng tinh thần thời đại đã được Bác Hồ khẳng định “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”!

Bài và ảnh: Khôi Nguyên


Bài Và Ảnh: Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]