(Baothanhhoa.vn) - Nằm ở ranh giới 3 huyện: Nông Cống, Triệu Sơn và Đông Sơn, có một tòa thành kỳ vĩ của chủ quân Nguyễn Chích từng được xây dựng để chống giặc Minh xâm lược. Có nhiều giai đoạn, di tích này gần như bị lãng quên, những đoạn thành đất bị khai thác để làm vật liệu xây dựng, cộng với thời gian hơn 600 năm có lẻ đã làm mai một và hư hỏng nhiều đoạn công trình lịch sử này. Tuy nhiên, một số nền móng của tòa thành đất đắp tựa theo dãy núi Hoàng Nghiêu hiện vẫn còn nhiều dấu tích.

Tìm lại dấu tích thành Hoàng Nghiêu chống giặc Minh xâm lược

Nằm ở ranh giới 3 huyện: Nông Cống, Triệu Sơn và Đông Sơn, có một tòa thành kỳ vĩ của chủ quân Nguyễn Chích từng được xây dựng để chống giặc Minh xâm lược. Có nhiều giai đoạn, di tích này gần như bị lãng quên, những đoạn thành đất bị khai thác để làm vật liệu xây dựng, cộng với thời gian hơn 600 năm có lẻ đã làm mai một và hư hỏng nhiều đoạn công trình lịch sử này. Tuy nhiên, một số nền móng của tòa thành đất đắp tựa theo dãy núi Hoàng Nghiêu hiện vẫn còn nhiều dấu tích.

Tìm lại dấu tích thành Hoàng Nghiêu chống giặc Minh xâm lược

Một đoạn tường thành bằng đất còn lại ở thôn Yên Mỗ, xã Hoàng Sơn (Nông Cống).

Trong quá trình tìm hiểu các cứ liệu lịch sử, chúng tôi may mắn tiếp cận được nhiều kết quả nghiên cứu và thu thập trong dân gian của cố nhà nghiên cứu văn hóa – lịch sử Hoàng Tuấn Phổ. Nhiều tài liệu trong số đó đã được tác giả chuyển thể thành một số bài viết từ nhiều năm trước, số còn lại được người con trai Hoàng Tuấn Công đồng ý chia sẻ. Theo đó, khoảng năm 1415, tướng quân Nguyễn Chích người làng Vạn Lộc, huyện Đông Sơn, đã xây dựng căn cứ Hoàng Nghiêu Sơn để khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược (trước thời điểm Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa Lam Sơn khoảng 3 đến 4 năm). Nguyễn Chích chiêu binh và cho đắp thành Hoàng Nghiêu, xây đá nối các ngọn núi Mũi Bạc, Đá Bạc, Ba Bò, Thung Thuyền, Thung Giếng, Thung Táo, Thung Dài, Núi Cấm, Núi Am... tạo thành tòa thành đá hùng vĩ có một không hai trong lịch sử đấu tranh chống xâm lược của dân tộc. Sau năm 1945, vẫn còn lại một số đoạn tường thành làm chứng tích lịch sử. Nhiều đoạn tường thành dẫu bị hủy hoại, nhưng các móng đá dường như bất diệt. Thành đá Hoàng Nghiêu Sơn của tướng quân Nguyễn Chích là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo trong kiến trúc xây dựng thành đá dựa vào thiên nhiên, lợi dụng núi non hùng vĩ của tạo hóa để thay sức người hữu hạn trong thế giới vô hạn. Cửa thành đá Hoàng Nghiêu Sơn mở hướng Đông; lấy sông rộng dòng sâu làm hào, nghĩa quân ra vào chủ yếu bằng thuyền nan và Thung Thuyền là một kho thuyền lớn nhỏ xếp đầy hang chuẩn bị cho hành quân xa.

Cũng theo cố nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ, lúc cao điểm, lực lượng của tướng Nguyễn Chích có tới hơn 1.000 người. Các thung lũng trong thành được vỡ đất cấy lúa và trồng màu, tự túc phần nào lương thực cho nghĩa quân, phòng khi bị khó khăn do nguồn cung cấp từ làng gần xóm xa. Sau này, tướng giặc Lương Nhữ Hốt chia quân quấy phá vùng Đông Sơn, Quảng Xương, Nông Cống, hòng cắt đứt nguồn tiếp tế của Nhân dân cho nghĩa quân Hoàng Nghiêu Sơn rồi siết chặt dần vòng vây để buộc phải ra hàng. Nguyễn Chích biết âm mưu địch, liệu thế mình tiến thoái lưỡng nan, nghĩ cách truyền tin báo hiệu, cho quân mang trống lớn lên thành đá thay nhau đánh ngũ liên, âm thanh vang trời, đồng thời đốt phân súc vật làm khói. Bà Nguyễn Thị Bành là vợ Nguyễn Chích ở Vạn Lộc biết nghĩa quân Hoàng Nghiêu Sơn đang bị bao vây, liền kêu gọi Nhân dân trong vùng Vạn Lộc tập hợp thành đội quân năm, sáu trăm người tiến bước trong đêm với câu liêm, vũ khí thô sơ rồi tiến về thành hô vang. Trong đêm tối mờ tỏ, Lương Nhữ Hốt bị bất ngờ, hoảng sợ, nghĩ rằng quân cứu viện Lam Sơn đã tới, trong đánh ra, ngoài đánh vào nên buộc phải ra lệnh rút quân... Nghĩa quân Hoàng Nghiêu Sơn cùng nữ binh bà Bành phối hợp truy kích địch. Lương Nhữ Hốt rút về đồn Cổ Vô, bị nghĩa quân bao vây phá đồn, chạy trốn thoát lên thành Tây Đô. Toàn quân Nguyễn Chích đại thắng. Giặc dùng tiền bạc, chức tước dụ dỗ ông về với triều đình nhà Minh, Nguyễn Chích đều từ chối. Ông nghĩ lực lượng mình yếu, đóng giữ một tòa thành đá cô đơn, khó phát triển, dễ bị bao vây nên bàn với tướng sĩ đem toàn bộ nghĩa quân gia nhập đại quân Lam Sơn binh hùng tướng giỏi.

Tài liệu lịch sử chính thống như sách “Đại Nam nhất thống chí” cũng chép: “Thành Nguyễn Chích bên núi Hoàng Sơn, ở địa phận xã Châu Chuế, huyện Nông Cống, Thanh Hóa, ven con sông nhỏ Hoàng Giang, bên kia sông là động Nghiêu Sơn. Hai bên tả hữu dựa vào núi làm thành, chỗ nào núi đứt đoạn ra thì đắp đất làm lũy... Nay dấu cũ thành ấy vẫn còn”. Nhiều tài liệu khác đã được in thành sách của Ban Quản lý Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, có các đoạn viết về danh tướng Nguyễn Chích: “Nguyễn Chích sinh năm Nhâm Tuất (1383) trên mảnh đất Đông Sơn, Thanh Hóa. Xuất thân trong một gia đình từ đời ông (Nguyễn Bái), đến đời cha (Nguyễn Liêu) đều là những người nông dân hiền lành chất phác. Ông sớm mồ côi cha, mẹ, các em mất sớm, nên ngay từ nhỏ, Nguyễn Chích đã phải đi ở đợ làm nghề chăn trâu ở vùng Hoàng Sơn, Nghiêu Sơn. Nhưng chính điều đó đã hun đúc ông thành con người có ý chí và bản lĩnh từ thuở thiếu thời. Tháng 11-1406, nhà Minh dưới triều Minh Thành tổ đã huy động 80 vạn đại binh ào ạt tiến đánh nước ta. Với bản chất tàn bạo của đạo quân xâm lược, giặc Minh đã gây ra biết bao tội ác tày trời đối với Nhân dân ta. Những tội ác giặc Minh gây ra cho Nhân dân ta, đất nước ta thực là “trời không dung, đất không tha, lòng người căm hận”. Sinh ra trong thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi gian nan, đứng trước thảm cảnh nước mất nhà tan, từ một người nông dân hiền lành chân đất, ít nói, ít cười trên đất Đông Sơn, Nguyễn Chích đã đứng lên chiêu mộ, tập hợp Nhân dân các huyện đồng bằng miền Nam Thanh Hóa lập các căn cứ chống giặc. Sử gọi là căn cứ Hoàng Nghiêu. Khi nghe tin Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa trên đất Lam Sơn, Nguyễn Chích rất hứng khởi. Nghĩa quân của Lê Lợi và Nguyễn Chích đã nhanh chóng phối hợp với nhau cùng chống kẻ thù. Đến tháng 10-1420, ông cùng vợ là Nguyễn Thị Bành và nghĩa quân theo về với Lê Lợi và tự nguyện đặt dưới quyền chỉ huy chung của Lê Lợi. Ngay sau khi gia nhập cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Chích đã nhanh chóng khẳng định tài năng và uy tín của mình trong những trận đụng đầu với giặc, những trận tấn công trực diện với kẻ thù. Ông đã nhanh chóng vươn lên và trở thành một tướng lĩnh cao cấp trong bộ chỉ huy Lam Sơn. Ông được Lê Lợi phong làm Thiết Đột Hữu Vệ, Đồng Tổng Đốc Chu Quân và trực tiếp chỉ huy một đạo quân quan trọng của Lam Sơn. Đối với bộ chỉ huy Lam Sơn, thêm Nguyễn Chích không phải chỉ đơn giản là thêm một người giàu nghĩa khí, mà thực sự là thêm một dũng tướng dày dặn kinh nghiệm chiến trường, thêm một bộ óc chiến lược tài ba.

Tìm hiểu tại xã Hoàng Sơn (Nông Cống), vị trí thành cổ và câu chuyện về tướng quân Nguyễn Chích thì nhiều người thấu tỏ. Cán bộ văn hóa xã Hoàng Sơn Lê Công Hiệp và một số người dân địa phương đã dẫn chúng tôi đi tìm dấu tích thành Hoàng Nghiêu còn trên địa bàn. Chạy dọc một phần của xã là dãy núi đá chập trùng, cao khoảng từ 200 đến 400m, được xem là đoạn thành tự nhiên vững chãi. Vị trí giữa các đỉnh núi thuộc thôn Nhâm Cát, có một bãi đất bằng rộng khoảng 2 ha với tên gọi “Bãi Huấn Luyện”, hiện được người dân địa phương trồng keo xanh mướt. Theo truyền miệng của người dân ở đây, tên gọi của bãi đất trên cao khoảng 200m này là do trước đây, nghĩa quân Nguyễn Chích lấy nơi này làm địa điểm huấn luyện quân sĩ. Phía dưới chân núi, một bãi đất khác rộng chừng 5.000m2 cũng được gọi là “Bãi Nhốt Ngựa”.

Tại thôn 2 Yên Mỗ cùng xã, những đoạn thành đất tuy đã bị khai thác và san phẳng, nhưng phần chân thành hiện vẫn còn với chiều rộng khoảng 30m, cao 1 đến 2m. Trên đoạn nền chân thành còn rõ nhất hiện đã được gia đình anh Lê Sỹ Mạnh xây dựng nhà ở và hệ thống công trình phụ. Chị Lê Thị Vân, vợ anh Mạnh chia sẻ: Những năm 90 của thế kỷ trước, gia đình tôi lên vùng chân núi Hoàng Nghiêu để ở, lúc đó dải đất này cao như ngọn đồi nên phải cải tạo thấp dần để xây dựng. Nhiều gia đình lên khu mới ở chân núi này định cư cũng vậy. Khoảng 10 năm trước, đất của những đoạn thành nhân tạo này còn bị người dân địa phương lấy để đắp nền, mở rộng đường vào khu dân cư mới ven chân núi. Nhiều người dân ở xã Hoàng Sơn cũng khẳng định, những năm 80, 90 của thế kỷ trước, khi chăn trâu, bò ở khu vực này, vẫn thấy những đoạn thành đất cao gần chục mét.

Theo ông Lê Văn Thường, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Sơn, không tính những dãy núi đá được tướng quân Nguyễn Chích lợi dụng làm tường thành, thì trên địa bàn xã có ghi nhận dấu tích của 3 đoạn thành nhân tạo. Đoạn thứ nhất dài khoảng 150m thuộc thôn Yên Mỗ, đoạn thứ hai dài hàng trăm mét qua thôn Hồi Cù nhưng đến nay đã mất hiện trạng. Đoạn cuối thuộc thôn Nhâm Cát, dài khoảng 200m chạy đến giáp bờ sông Hoàng, bên kia là xã Đồng Thắng của huyện Triệu Sơn. Hàng chục năm trước, di tích này gần như bị quên lãng, cũng không được bảo vệ nên bị khai thác làm vật liệu xây dựng, thời điểm dân ra khai hoang lập nghiệp nên phá làm nhà. Khoảng gần 10 năm trở lại đây mới có một số nhà nghiên cứu xới xáo lại, tổ chức hội thảo lịch sử nên chính quyền địa phương và các ngành liên quan cũng mới vào cuộc. Tuy nhiên đến nay, thành Hoàng Nghiêu cũng chưa được công nhận di tích, địa phương cũng mới dừng ở việc đo vẽ, cắm mốc để bảo vệ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, phía xã Đông Nam (Đông Sơn), nhiều dấu tích của tường thành Hoàng Nghiêu vẫn còn, những năm trước vẫn còn bia đá ghi dấu các sự kiện liên quan. Nhiều năm gần đây, việc khai thác đá làm vật liệu xây dựng ở khu vực dãy Hoàng Nghiêu diễn ra khá mạnh mẽ, làm dấy lên lo ngại sự hủy hoại di tích. Ngoài sự lên tiếng của các nhà nghiên cứu, rất cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp chính quyền cũng như ngành văn hóa để có phương án bảo vệ cũng như công nhận di tích tầm quốc gia này.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]