(Baothanhhoa.vn) - Với những cách làm linh hoạt, sáng tạo, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở như nhà văn hóa (NVH), sân chơi bãi tập, trung tâm văn hóa - thể thao (TTVH - TT) xã... trên địa bàn huyện Thường Xuân đang ngày càng được “phủ sóng” ở hầu khắp các thôn, bản, tổ dân phố. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân.

Thực hiện tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa: Cách làm ở huyện Thường Xuân

Với những cách làm linh hoạt, sáng tạo, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở như nhà văn hóa (NVH), sân chơi bãi tập, trung tâm văn hóa - thể thao (TTVH - TT) xã... trên địa bàn huyện Thường Xuân đang ngày càng được “phủ sóng” ở hầu khắp các thôn, bản, tổ dân phố. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân.

Thực hiện tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa: Cách làm ở huyện Thường XuânNhà văn hóa thôn Thông, xã Xuân Chinh được xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân.

Ấn tượng của chúng tôi khi về thăm xã Thọ Thanh không chỉ là sự thay đổi rõ rệt về diện mạo mảnh đất này, mà còn là sự đồng bộ, hoàn chỉnh hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ NVH, trang thiết bị đến sân chơi, bãi tập... Anh Lê Sỹ Nam, cán bộ văn hóa xã Thọ Thanh, cho biết: Thực tế, việc hoàn thành các tiêu chí về văn hóa, nhất là tiêu chí số 6, là điều không dễ dàng đối với địa phương khi điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Để “gỡ khó”, địa phương luôn xác định đây là tiêu chí cần sự đồng thuận, quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân. Vì vậy, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, xã đã chủ động phát huy các nguồn lực trong dân, tự khai thác, tự tạo nguồn kinh phí bằng việc huy động xã hội hóa như tiền của, ngày công, vật liệu. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền xã đã đề ra những chính sách thiết thực như hỗ trợ 100 triệu đồng đối với NVH xây dựng mới; 50 triệu đồng cho NVH sửa chữa, nâng cấp; đẩy mạnh quy hoạch, chuyển đổi quỹ đất để xây dựng NVH; đưa các chỉ tiêu, nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, trong đó có việc xây dựng các thiết chế văn hóa, vào nghị quyết của cấp ủy, kế hoạch hoạt động hàng năm của chính quyền. Do đó, phong trào không chỉ nhận được sự ủng hộ của đông đảo bà con, mà còn tạo ra khí thế thi đua sôi nổi trong từng thôn. Đến nay, 7/7 thôn trong xã đều có NVH; TTVH-TT xã đã được xây dựng năm 2018 với tổng kinh phí là 2,4 tỷ đồng (trong đó huyện hỗ trợ 70%, còn lại là ngân sách xã). Hệ thống cơ sở vật chất văn hóa tương đối đầy đủ, không chỉ đưa các phong trào văn hóa phát triển mạnh mà còn hướng người dân đến việc xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới.

Là xã luôn được nhắc đến với cái tên “vùng đất khó”, bởi đồng bào dân tộc thiểu số ở đây chiếm tới 98%; đời sống kinh tế của người dân còn gặp nhiều khó khăn; tư tưởng trông chờ, ỷ lại còn “ăn sâu, bám rễ” trong một bộ phận dân cư... nên khi bắt tay vào thực hiện tiêu chí số 6, Xuân Chinh đã gặp không ít khó khăn, thách thức. Anh Cầm Bá Thoát, cán bộ văn hóa xã, cho biết: Để bà con hiểu được ý nghĩa của việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, xã không chỉ đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các cuộc họp, hệ thống loa truyền thanh... mà còn quan tâm đến việc phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở, công khai thu chi minh bạch từ khi bắt đầu thực hiện đến khi kết thúc, nên đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo người dân. Ngoài đóng góp tiền mặt, các hộ còn tham gia góp ngày công lao động, chỉnh trang khuôn viên, mua sắm trang thiết bị bên trong NVH. Hiện xã đã có 5/6 thôn có NVH (sau sáp nhập), trong đó 2 thôn có NVH xây mới đó là thôn Thông và thôn Giang; còn 3 thôn cải tạo từ điểm lẻ của trường mầm non, tiểu học thành NVH là thôn Xeo, thôn Chinh và thôn Hành. Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước nên năm 2019, TTVH - TT xã được xây dựng khang trang, với tổng trị giá hơn 4 tỷ đồng. Kể từ khi các thiết chế văn hóa được đầu tư, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao trong xã phát triển rất nhanh. Hàng năm, xã tổ chức nhiều chương trình giao lưu văn nghệ, giải đấu thể thao nhân dịp các ngày lễ lớn, ngày kỷ niệm. Cũng từ đây, các “hạt nhân” văn nghệ, hạt giống thể thao được phát hiện và đóng góp vào phong trào văn hóa thể thao của huyện.

Với những cách làm khác nhau, song ở hầu hết các thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn huyện hệ thống thiết chế văn hóa được nâng cấp, xây dựng đã thổi một luồng gió mới, đưa các hoạt động phong trào của địa phương phát triển. Ông Cầm Bá Huyến, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thường Xuân, cho biết: Thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở rất phong phú, đa dạng, song huyện xác định “hạt nhân” cơ bản là NVH, TTVH - TT ở cơ sở. Chính vì vậy, hoàn thiện hệ thống thiết chế NVH, TTVH -TT là một trong những mục tiêu được địa phương quan tâm. Mặc dù gặp không ít khó khăn khi bắt tay vào thực hiện, như nhận thức của bà con dân tộc thiểu số còn hạn chế; nguồn lực đầu tư cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng chưa tập trung; địa bàn các thôn nhất là ở vùng sâu, vùng xa tương đối rộng nên việc quy hoạch quỹ đất còn khó khăn... Song với quyết tâm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, bất cập, nhằm tìm ra giải pháp hữu hiệu trong quá trình xây dựng; quan tâm đến công tác quy hoạch quỹ đất và đầu tư nâng cấp; ban hành nhiều cơ chế, chính sách đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao như hỗ trợ kinh phí và huy động xã hội hóa để đầu tư xây dựng và sửa chữa NVH, mua sắm trang thiết bị; tuyên truyền, vận động người dân đóng góp tiền, ngày công, hiến đất xây dựng các công trình công cộng... nên đến nay hệ thống thiết chế văn hóa của huyện tương đối hoàn chỉnh với 101/124 thôn, bản, tổ dân phố có NVH; 16/16 xã có TTVH - TT; 1 TTVH - TT cấp huyện; các trang thiết bị, sân chơi, bãi tập đa số đáp ứng được nhu cầu của người dân. Việc khai thác sử dụng hệ thống thiết chế văn hóa đã “tạo đà” cho phong trào văn nghệ quần chúng phát triển; tỷ lệ các danh hiệu văn hóa không ngừng tăng qua các năm. Tính đến năm 2020, toàn huyện có trên 72% gia đình văn hóa; 85/124 thôn, bản, tổ dân phố được công nhận văn hóa.

“Tuy vậy, trên địa bàn huyện hiện còn nhiều NVH được xây dựng từ khá lâu nên quy mô nhỏ; trang thiết bị còn thiếu và xuống cấp; nhiều NVH chưa có địa điểm vui chơi cho trẻ em và người cao tuổi; việc khai thác, quản lý, sử dụng của một số thiết chế văn hóa vẫn chỉ dừng lại ở hội họp, chưa tổ chức được nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Thực trạng này đang đặt ra yêu cầu cho địa phương trong việc tiếp tục tìm giải pháp khắc phục. Từ đó tiếp tục khẳng định vai trò của hệ thống thiết chế văn hóa thể thao trong công tác xây dựng đời sống văn hóa mới trên địa bàn”, ông Huyến chia sẻ thêm.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]