Thổi cơm thi ngày xuân
Việt Nam nói chung và xứ Thanh nói riêng là cư dân nông nghiệp gắn liền với nền văn minh lúa nước. Hạt gạo được coi như là “hạt ngọc” nuôi sống con người. Có cơm ăn và nguồn thực phẩm đủ đầy luôn là niềm mong ước: “Bao giờ cho đến tháng mười/ Bát cơm đầy cời, con cá bắc ngang”. Hạt lúa, bát cơm phản ánh thành quả lao động, biểu hiện của tình yêu, hạnh phúc mộc mạc, chân thành của người dân lao động: “Bao giờ lúa chín bông vàng/ Để anh đi gặt cho nàng mang cơm”.
Thổi cơm thi ngày xuân quê Thanh. (Ảnh minh họa)
Cảm tạ đất trời, tri ân tiền nhân khai sơn, phá thạch để có ruộng lúa, nương ngô xanh mướt, mùa màng bội thu, cuộc đời no ấm là đạo lý, nét đẹp ở đời, trở thành văn hóa tâm linh của người dân lao động. Hàng năm, sau vụ thu hoạch đồng bào dâng những bát cơm đầu tiên còn thơm hương lúa mới lên thần linh, tiên tổ và cầu mong đến vụ sau cho bông to, hạt mẩy. Tri ân đất trời, tiền nhân và mong ước cuộc sống sung túc, đủ đầy gắn với mỹ tục thổi cơm thi của cư dân nông nghiệp.
Thổi cơm thi ở xứ Thanh diễn ra với nhiều hình thức, ví dụ như ở làng Quỳ Chữ, xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa) tổ chức “Cơm thi cá giải” trên thuyền, vừa chèo thuyền câu cá vừa nấu cơm. Ở một số làng thuộc xã Phú Lộc (Hậu Lộc) thi nấu cơm bằng bàn xoay. Ở làng Mom, xã Quảng Nham (Quảng Xương);làng Trinh Hà, xã Hoằng Trung (Hoằng Hóa); làng Thượng Bắc, làng Khánh Vân, xã Hải Nhân (thị xã Nghi Sơn)... thì nấu cơm thi bằng cách vừa gánh vừa châm đóm để đun. Các thao tác giã lúa, sàng gạo, thổi cơm, dâng cơm... đều theo hiệu trống và có hát phụ hoạ.
Thổi cơm thi phản ánh đậm nét môi trường sinh thái và sinh hoạt trong cuộc sống của cư dân trồng lúa xứ Thanh. Mỹ tục này thể hiện lòng thành kính trước thần linh và sự tài khéo, đảm đang của người dân lao động.
So với một số địa phương ở Thanh Hóa có tục cơm thi, thì mỹ tục thổi cơm thi trong những ngày xuân ở làng Trung Đức, xã Nga Trung, huyện Nga Sơn, xưa thuộc làng Sở, Trung Nghĩa Đoài, tổng Thạch Giản khá đặc sắc. Làng Sở xưa thờ Thành hoàng tại đình, là người đã có công bảo vệ vùng đất nơi đầu sóng của miền duyên hải Nga Sơn.
Truyền thuyết xưa truyền lại: Có một bô lão tay cầm thanh kiếm lớn, đăm chiêu nhìn ra biển rộng nghĩ suy về vận nước với lẽ đời. Người đi qua gạn hỏi ông lão lặng im không nói. Đến khi quân giặc xâm phạm bờ cõi, vua cùng quân sĩ trên đường hành binh bắt gặp và hỏi ông lão về kế sách chống giặc. Vị bô lão cầm thanh kiếm viết thành hàng chữ hiện lên trên nền cát: “Dục bình thiên hạ dã đảo ngã linh từ”.
Theo sự chỉ bảo của cụ, nhà vua liền tập hợp tướng sĩ và xung trận, quả nhiên quân giặc thua to, khi quay lại thì chẳng thấy cụ đâu nữa. Nhà vua và bách tính ghi nhớ công ơn, liền dựng ngôi đình thờ phụng, trong hậu cung có đôi câu đối: “Bình Ngô công cao thiên giáng lão/ Phù Lê công đức kỹ khiêm sương”. Về sau, mỗi khi có việc lớn, triều đình đến thỉnh cầu và đều linh nghiệm. Tri ân cụ già và ngôi đình thiêng, nhà vua đã cho mở rộng, xây dựng thêm to đẹp và đôi câu đối ghi công nghiệp của thần: “Bình Ngô uy linh tồn vũ trụ/ Phù Lê công đức kỹ khiêm sương”. Hàng năm, làng mở hội tế xuân, đúng ngày rằm tháng giêng. Cùng với phần tế lễ, phần hội có tục thổi cơm thi để dâng cúng, tri ân cụ già phò vua, giúp nước và là Thành hoàng bảo trợ cuộc sống cho bách tính và dân làng.
Trong không khí ngày xuân rạo rực, dân làng tụ hợp trước ngôi đình cổ để dự hội thổi cơm thi. Hội cơm thi ở làng Sở theo từng cặp. Khi trống lệnh vang lên, nam thanh nữ tú dự thi lần lượt bước ra sân trình làng. Trống điểm ba tiếng thì cuộc thi bắt đầu. Từng đôi một đi theo nhịp trống. Hiện ra giữa sân đình là 4 chàng trai trẻ trong vai người lái đò, ăn mặc áo nâu quần thụng, trong tay cầm bai chèo, cùng lúc xuất hiện 4 thiếu nữ trong trang phục yếm đào, váy lãnh duyên dáng gánh thóc đi vòng đủ 3 lượt quanh sân. Trông thấy các cô gánh lúa, 4 chàng trai khom lưng vừa làm động tác chèo thuyền, vừa cất lời hát: “Ông lái tôi buôn từ xứ Nghệ buôn ra/ Thấy gái làng đẹp như là hoa hiên/ Trai thanh lịch, gái mỹ miều/ Gần xa trông thấy ai mà chẳng yêu”...
Bốn cô gái khi nghe ông lái ngỏ lời tán tỉnh thì tươi cười đối đáp: “Lúa này sánh tựa vàng mười/ Mẹ cha chưa bán cho người cõi tiên/ Lúa này không bán lấy tiền/ Cầm bằng duyên hợp giao nguyền kết đôi”...
Thổi cơm nhưng chỉ mới có thóc nên buộc người dự thi phải giã, giần sàng để có hạt gạo trắng thơm, tốp nam thanh, nữ tú ai vào việc nấy, người giã gạo, sàng gạo, kẻ nhóm lửa, lấy nước... thổi cơm. Những thôn nữ vừa múc nước từ giếng đình cho vào nồi đồng điếu đem về để nổi lửa nấu cơm vừa hát: “Anh về giã gạo ba giăng/ Để em gánh nước Cao Bằng về ngâm/ Nước trong hạt gạo trắng ngần/ Tựa như hạt ngọc để dâng thánh thần”...
Các chàng trai giã gạo xong thì cất tiếng hát: “Em ơi, gạo đã trắng rồi/ Mau mau đổ nước vào nồi nấu cơm”...
Thi nấu cơm được chia làm 4 bếp, mỗi bếp do từng cặp nam nữ đảm nhiệm. Bốn niêu cơm ghi 4 chữ: Giáp, ất, bính, đinh để phân biệt giữa các tốp thi. Trong khi các chàng trai cô gái vào cuộc, dân làng vừa theo dõi cuộc thi vừa hát phụ hoạ: ... “Mau mau bốn giáp trai tân/ Đua nhau tài lực xa gần quản chi/ Trai đua mạnh, gái dịu dàng/ Ra tay cắt kéo lửa vàng thổi cơm”...
Trước khi kéo lửa, họ hát lời giáo lửa và chàng trai dùng hai thanh tre cọ vào nhau để phát ra lửa bén vào bùi nhùi rồi châm cho bó đóm cháy để nấu cơm. Cô gái đầu đội hộp đựng trầu cau, tay cầm quạt, trên vai mang cần nấu cơm bằng cây tre uốn cong. Cần nấu cơm khoác chéo qua vai, đầu cần (đầu rồng) treo chiếc gióng đặt chiếc niêu đồng. Vừa thao tác công việc họ vừa cất lời ca hòa với dàn đồng ca của người xem đứng vòng trong vòng ngoài: “Bốn niêu bắc lên bốn cần/ Long phi quấn thủy thời dân dồi dào/ Cơm thơm hương tỏa ngạt ngào”...
Trong khi thổi cơm cả hai người phải phối hợp với nhau thật ăn khớp. Chàng trai giữ lửa cho khéo để lửa cháy đều, không bịt tắt hoặc gió tạt, cô gái vừa giữ thăng bằng niêu cơm, vừa phải quạt và phân phối lửa cho đúng lúc để có được cơm ngon, kịp thời gian. Khi cơm đã cạn thì chàng trai bớt lửa kẻo cơm cháy bằng cách xoay trở bó đuốc hoặc tiến lùi bước chân. Trong khi nấu, họ vừa phải di chuyển theo sự điều khiển của ông hiệu phất cờ đỏ, không đi chệch hình chữ vạn thọ đã được vạch sẵn ở sân đình. Theo kinh nghiệm trước khi thổi cơm thi những người thi tài đã dắt sẵn trong người một miếng kỳ nam để tránh việc đi tiểu, đại tiện ảnh hưởng tới công việc.
Cuộc thi kéo dài trong một tuần hương, sau khi từng cặp thổi cơm đi hết hai chữ “vạn thọ”, cùng lúc tiếng trống hiệu báo cuộc thi kết thúc, tức thì 4 cặp thi tài để nguyên cả cần và niêu cơm múa một vòng trước sân rồi mới mang cơm vừa nấu chín đưa lên các cụ cao niên để chấm giải. Đội nào nấu cơm ngon nhất thì sẽ được ban giám khảo cho điểm cao và làng tặng thưởng. Niêu cơm nào đoạt giải thì đó là niềm vinh dự cho giáp ấy, bởi vì niêu cơm được dâng lên Thành hoàng và các vị thánh thần để “xuân qua, hạ lại, sang thu/ Thánh thần bảo hộ dân ta sang giàu/ Sang giàu, bạo khỏe, sống lâu”. Phần thưởng là 3 quan tiền và 3 mét vải lụa.
Cùng với thổi cơm thi, trong ngày hội còn diễn ra nhiều trò chơi hấp dẫn khác như thi đấu vật, đánh cờ, trình nghề... vui nhộn. Trong mỗi cuộc vui đều có bài giáo đầu. Với trò trình nghề, khi nói về nghề thợ mộc thường có yếu tố hài, gây cười làm cho ngày hội thêm vui: ...”Chúng tôi đánh đục, rèn cưa/ Mười năm làm thợ nhưng chưa làm nhà/ Làm lều thì cũng làm qua/ Dăm ba cái lạt với vài que tre/ Nói ra lại bảo nói khoe/ Cắt kèo, lựa cột chỉ e... phải đền”.
Thổi cơm thi trong dịp đầu xuân ở làng Sở xưa, làng Trung Đức, xã Nga Trung, huyện Nga Sơn ngày nay phản ánh nghề nghiệp và đời sống tinh thần của cư dân nông nghiệp tỉnh Thanh, thể hiện lòng quý trọng lúa gạo, trọng nghề làm ruộng, trọng người nông dân, trau dồi thao tác chế biến sản phẩm nông nghiệp. Nấu cơm thi còn đề cao sự khéo léo, siêng năng cần cù, sự sáng tạo và tinh thần cố kết cộng đồng, gắn bó keo sơn trong tình làng nghĩa xóm. Thổi cơm thi là nét đẹp truyền thống trong làng xã xứ Thanh, di sản văn hóa phi vật thể gắn liền với nền văn minh lúa nước của người Việt, ngày nay cần phải tiếp tục khôi phục, bảo tồn và phát huy trong cuộc sống gắn với phát triển du lịch.
Hoàng Minh Tường
- 2024-11-13 10:38:00
Ứng dụng AI trong điện ảnh: Cơ hội và thách thức với các nhà làm phim Việt Nam
- 2024-11-13 07:33:00
Công bố 9 nhà khoa học tiêu biểu nhận giải thưởng Khuê Văn Các 2024
- 2024-03-03 10:59:00
Gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống ở các khu dân cư tiêu biểu
Thị xã Nghi Sơn bảo tồn các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch
[E-Magazine] – Bình minh từ cánh đồng xuân
Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Thị Lợi: Người “tạc hồn” nơi sóng biển khơi
“Mai” lập kỷ lục, Trấn Thành trở thành đạo diễn “nghìn tỷ” đầu tiên của Việt Nam
TP Sầm Sơn: Từng bước đưa du lịch tâm linh trở thành thế mạnh
Lễ hội mùa xuân - nét đẹp cần gìn giữ
Truyền thông Đài Loan ca ngợi Phú Quốc và show diễn “Kiss of the Sea”
Việt Nam đón hơn 3 triệu lượt khách quốc tế trong 2 tháng qua
Đưa nghệ thuật sân khấu đến với thiếu nhi