(Baothanhhoa.vn) - Đọc “Thơ và trường ca” của tác giả Lê Khắc Tuế, làng - cái tên gọi, danh xưng thân thuộc, khởi đầu của ngọn nguồn yêu thương ấy cứ ám ảnh, lắng đọng mãi trong lòng độc giả. Nếu thơ ca là “tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn” thì nó cũng chính là tấm gương soi trong vắt và phản ánh chân thực nhất tình yêu tha thiết, sự gắn bó thủy chung, sâu sắc của tác giả với mảnh hồn làng ấp ủ trong tim.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thơ và trường ca Lê Khắc Tuế: Tấm gương soi mảnh hồn làng

Đọc “Thơ và trường ca” của tác giả Lê Khắc Tuế, làng - cái tên gọi, danh xưng thân thuộc, khởi đầu của ngọn nguồn yêu thương ấy cứ ám ảnh, lắng đọng mãi trong lòng độc giả. Nếu thơ ca là “tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn” thì nó cũng chính là tấm gương soi trong vắt và phản ánh chân thực nhất tình yêu tha thiết, sự gắn bó thủy chung, sâu sắc của tác giả với mảnh hồn làng ấp ủ trong tim.

Thơ và trường ca Lê Khắc Tuế: Tấm gương soi mảnh hồn làng

Cuốn sách “Thơ và trường ca” của tác giả Lê Khắc Tuế.

Một tiếng thơ giản dị

Thơ Lê Khắc Tuế đậm chất quê, đượm hồn làng. Đó là cái “tình quê” dạt dào, chân thành, giản dị, như bức tranh “ngày mùa”, “ký ức làng”...

Sinh ra từ làng, Lê Khắc Tuế cũng từng trải qua những năm tháng nhọc nhằn, vất vả với đồng ruộng quê hương, gắn bó với những gương mặt người lam lũ. Và rồi, những gương mặt, bóng hình ấy trở thành hình mẫu đặc biệt trong thơ ông. Đó là bóng người lam lũ, tảo tần, chịu thương chịu khó: “Núi Mắt Voi, Đá Dựng bàng hoàng/ Tháng ba người lên đào củ từ chống đói/ Tháng tám đi hái sim, lấy ổi/ Đoàn người xiêu vẹo gánh củi trên vai”.

Cũng từ quê mùa, lam lũ mà trưởng thành nên Lê Khắc Tuế không chỉ hiểu, đồng cảm với khó khăn, vất vả mà còn có cái nhìn rất khác về những con người lam lũ ấy. Viết về người bán chiếu rong, Lê Khắc Tuế phác thảo hình ảnh thơ gợi lên phong thái ung dung, tự tại, phóng khoáng của người lao động chứ không gắn với cảnh nhọc nhằn, lam lũ, lay lắt quen thuộc khi viết về người yếu thế: “Bước chân len lỏi vào từng ngõ/ Tiếng rao mời như một lời ca” hay “Bóng tròn gốc cây dừng chân nghỉ/ Ngả lưng trên thảm cỏ thảnh thơi/ Không nỡ cả gối đầu lên chiếu/ Để dành phần tinh khiết cho đời”. “Chị tôi” với gánh lá chuối – một sản phẩm xem chừng chẳng mang lại quá nhiều lợi ích kinh tế giữa cái thời buổi kinh tế thị trường này nhưng cũng rất “khí phách”, “oanh liệt” như bất kỳ một người buôn to bán lớn nào: “Chị tôi bước thấp bước cao/ Quảy gánh lá chuối bước vào chợ đông” (Chị tôi và gánh lá chuối).

Người làng, dẫu sao cũng vẫn thấy hiện diện nét quê mùa, chân phương. Đọc cuốn “Thơ và trường ca” của Lê Khắc Tuế, độc giả có thể dễ dàng nhận thấy những câu thơ còn chút gì vụng về, thật như đếm: “Về Sầm Sơn giữa mùa tắm biển/ Những gương mặt người như hoa/ Bao nỗi nhọc nhằn đều tan biến/ Theo gió nồm sóng biển tan xa” (Trước biển Sầm Sơn); “Em sang bên chợ Vạn Hà/ Đi trên cầu tưởng như là đang mơ” (Hát cùng Thiệu Hóa)... Tuy nhiên, chính sự luôn trăn trở, nghĩ suy với những khía cạnh cuộc đời cùng sự chiêm nghiệm đã làm nên chiều sâu con chữ: “Đứng trước cảnh biển trời rộng mở/ Tự ngắm mình những tháng ngày qua/ Đã làm gì cho đời sinh nở/ Dẫu chỉ là một hạt phù sa” (Trước biển Sầm Sơn). Phố núi nhộn nhịp, đổi thay khiến lòng người thơ chộn rộn lên nghĩ suy: “Hàng hóa bày bán giăng giăng/ Bùi ngùi rau sắn, rau măng chợ chiều/ Người xe xuôi ngược dập dìu/ Thương áo chàm cứ quạnh hiu bên rừng/ Mế già ánh mắt rưng rưng/ Nhớ thời đong đấu, đếm thưng rõ ràng/ Cái cân thì vẫn nằm ngang/ Mà sao mua bán bẽ bàng lắm thay” (Phố núi).

Hơn tất thảy, chính cái hồn làng quyện hòa trong hồn thơ đã làm nên những dòng thơ lục bát mộc mạc, giản dị mà không kém phần sâu sắc, tinh tế. Lục bát của Lê Khắc Tuế đạt đến độ chín, nhuần nhị trong kỹ thuật, đong đầy xúc cảm: “Con nâng hạt thóc trên tay/ Như nâng lên cả đường cày của cha/ Nâng mùa bão táp mưa sa/ Có bàn tay mẹ nhợt da sớm chiều” hay “Thuyền tình chống chếnh ngoài khơi/ Thì xin sóng đỡ vào nơi bến bờ” (Thuyền tình). Sinh thời, TS. Chu Văn Sơn viết: “Lục bát là phương tiện phổ dụng để người Việt giải tỏa tâm sự, ký thác tâm trạng, thăng hoa tâm hồn. Gắn với tiếng Việt, gắn với hồn Việt, thơ lục bát đã thuộc về bản sắc dân tộc này” (Sức sống mãnh liệt của lục bát). Từ ý này, đọc thơ Lê Khắc Tuế, bỗng tự hỏi rằng: Hồn làng trong hồn thơ ông đã tự tìm đến với thể thơ lục bát này hay chính thể thơ lục bát đã bị hồn làng hấp dẫn mà đến trong mạch nguồn sáng tạo của người cầm bút?

Trường ca Tống Duy Tân – khúc ca về người chí sĩ yêu nước

Cho đến ngày hôm nay, việc định nghĩa một cách chính xác thế nào là thể loại trường ca không phải là dễ dàng. Tuy nhiên, phần lớn các ý kiến đều thống nhất rằng: Trường ca thường bắt nguồn từ cảm hứng sử thi, âm hưởng hào hùng, bi tráng gắn với những nhân vật, sự kiện lớn, có tầm ảnh hưởng.

Tống Duy Tân, vị tiến sĩ tài ba là người con ưu tú của làng Bồng Trung, tổng Biện Thượng, nay thuộc xã Minh Tân (Vĩnh Lộc), là chí sĩ yêu nước trong Phong trào Cần Vương chống Pháp vào cuối thế kỷ XIX. Sinh ra và lớn lên trên quê hương Vĩnh Lộc, tác giả Lê Khắc Tuế đã khắc họa cuộc đời và sự nghiệp của Tống Duy Tân bằng những hiểu biết sâu sắc cùng niềm yêu mến, tự hào về truyền thống, lịch sử làng, xã.

Với kết cấu gồm 7 chương, trường ca trải dài xuyên suốt theo từng dấu mốc cuộc đời người chí sĩ yêu nước Tống Duy Tân. Ở chương 1 và chương 2, tác giả tập trung giới thiệu về lai lịch cuộc đời cùng giai đoạn tuổi thơ nhiều vất vả, khó khăn, có phần éo le, nghiệt ngã và ý chí, nghị lực vươn lên của ông. Vì hoàn cảnh gia đình: “Năm Tân lên mười mẹ đẻ mất/ Suốt bốn năm cha ốm đau bệnh tật”, ông phải chấp nhận bỏ dở việc học để về chăm sóc cha và tự học. Nhưng cũng chính hoàn cảnh ấy đã trở thành động lực thôi thúc ông nỗ lực cố gắng hơn nữa: “Ngày ngày/ Tống Duy Tân càng kiên trì học tập/ Trau dồi tri thức/ Chờ khoa thi/ Khoa thi này chưa đỗ/ Lại chờ khoa thi sau”.

Trời không phụ người có công, khoa thi năm Ất Hợi (1875), ở độ tuổi gần 40, Tống Duy Tân đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ, được triều đình bổ nhiệm làm quan. Suốt thời gian nơi chốn quan trường, từ chức Hàn lâm viện biên tu, Thừa biện hộ Hình, phúc khảo trường thi Nam Định, Tri phủ Vĩnh Tường, Đốc học tỉnh Thanh... Tống Duy Tân luôn nêu cao tinh thần “liêm – bình – cần – cán”, được lịch sử ghi nhận với nhiều công lao, đóng góp cho đất nước, Nhân dân: “Một ông quan gắn bó với vận mệnh nước nhà/ Với đời sống Nhân dân và dân tộc/ Không bị bả vinh hoa phú quý làm đổ gục/ Lấy chữ liêm làm gương sáng đời mình”.

Vì muốn dân “bớt được cảnh bần hàn”, “bớt đi giáp hạt tháng ba ngày tám”, ông coi sóc việc đắp đê chu đáo; là người tư cách đức độ thanh cao, ông “nghiêm khắc trị tội bọn sâu mọt”... Ông đôn đốc việc tuần tra canh phòng, “xét xử nghiêm minh không để dân oan ức”. Trên cương vị là Đốc học tỉnh Thanh, ông “lấy nghề dạy chữ để gieo lòng yêu nước trong học sinh/ Cũng là để làm nền tập hợp lực lượng chống Pháp”.

Là sĩ phu yêu nước sao có thể nhắm mắt làm ngơ trước cảnh ngoại xâm. Trên mảnh đất xứ Thanh “địa linh nhân kiệt”, hưởng ứng Chiếu Cần Vương, Tống Duy Tân lập căn cứ chống Pháp. Những núi Hùng Lĩnh, Mông Cù, Cô Sơn “là hào lũy ngăn giặc”; những thung lũng Eo Miêu, Eo Thưng... là nơi luyện tập của quân sĩ, cất giấu lương thực, vũ khí... Cuộc khởi nghĩa Hùng Lĩnh được khởi xướng dưới ngọn cờ nghĩa của Tống Duy Tân, có khí thiêng của những ngọn núi, dòng sông nên có sức hiệu triệu lòng dân, thu hút nhiều người tham gia. Dưới sự lãnh đạo của Tống Duy Tân, cuộc khởi nghĩa Hùng Lĩnh đã bùng nổ nhanh chóng và trở thành một trong những trung tâm của phong trào Cần Vương chống Pháp ở Thanh Hóa.

Sẽ không là chủ quan khi nhận định rằng: chương 5 – “Khởi nghĩa Hùng Lĩnh” là một trong những chương ấn tượng nhất trường ca Tống Duy Tân của Lê Khắc Tuế. Để tái hiện lại chân thực, rõ nét diễn biến của cuộc khởi nghĩa, Lê Khắc Tuế đã khéo léo sử dụng thủ pháp liệt kê, điệp từ, điệp cấu trúc tạo nên nhịp điệu thơ hào hùng, khí thế: “Người đang cày bỏ cày/ cầm cuốc/ Người đánh lưới bỏ lưới/ cầm sào/ Người đi củi bỏ củi/ cầm dao/ Người đi chợ bỏ chợ/ cầm đòn gánh/ Xung vào nghĩa quân/ Những người nông dân/ Cần cù và chất phác/ Đồng lòng gánh vác/ Việc quân lương/ Người lên rừng đốt than/ Người thổi bể rèn giáo, mác/ Người canh gác/ Người xay lúa/ Người giã gạo/ Người nấu ăn.../ Tất cả đều không sợ khó khăn/ Không sợ nguy hiểm”. Khí thế dâng cao với quyết tâm giành thắng lợi, Bồng Trung – Đa Bút trở thành trung tâm kháng Pháp của tỉnh Thanh Hóa: “Trên bàn thờ khói hương nghi ngút/ Dao kiếm, đinh ba bày sáng choang/ Các đội quân tề chỉnh trong hàng/ Những bó đuốc tre ngâm cháy rừng rực/ Hồn thiêng núi sông cùng về hội tụ/ Bát rượu chuyền tay nhau nhấp môi nhấp ăn thề/ “Giết giặc cứu nước, giữ lấy làng quê!”/ Tiếng vang vọng như tiếng trống đồng Đa Bút”.

Hình ảnh người thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Hùng Lĩnh uy nghi đứng trước dân làng và nghĩa binh, giữa sân đình lung linh ánh đuốc dứt khoát chỉ vào con mình là Tống Nhữ Mai và nói: “Tôi xin hiến dâng đứa con trai này cho Tổ quốc” ghi tạc vào lịch sử, tạc vào lòng dân. Tống Nhữ Mai hy sinh khi đang làm nhiệm vụ, đó là niềm tự hào nhưng cũng là nỗi niềm trong thẳm sâu tâm hồn Tống Duy Tân chôn dấu.

Cuộc khởi nghĩa trên thuận ý trời, dưới hợp lòng dân, với sự chuẩn bị chu đáo, lãnh đạo tài tình của thủ lĩnh Tống Duy Tân, cuộc khởi nghĩa ngày càng gây được tiếng vang, nhiều công trạng khiến địch phải kinh hồn bạt vía: “Những trận Đa Bút – Bồng Trung, Vạn Lại/ Yên Lược, Yên Thái, làng Kẹm, núi Mưng/ Ơi những ngọn núi dòng sông/ In đậm dấu chân nghĩa quân Hùng Lĩnh/ Từ Vĩnh Lộc đến Thọ Xuân, Yên Định/ Nông Cống, Thiệu Hóa, Ngọc Lặc, Thường Xuân” cho đến các bản làng Mường Kỷ”... Tuy nhiên, do sự tương quan lực lượng, sau nhiều nỗ lực, cố gắng, trong sự chở che, đùm bọc của người dân, Tống Duy Tân và nghĩa quân Hùng Lĩnh bị quân địch vây bắt. Kẻ thù ra sức mua chuộc nhưng ông cương quyết không khuất phục, cắt tay lấy máu viết nên những vần thơ khí phách: “Nguyện tế tiên vương khu cảnh ngoại/ Thủy tri kim ngã tại lung trung” (dịch là: Nguyện tế tiên vương trừ giặc nước/ Ai hay nay lại ở trong lồng). Thất bại trước ý chí kiên cường của Tống Duy Tân, giặc Pháp đã đem ông ra xử chém. Cuộc đời và sự nghiệp của Tống Duy Tân mãi là khúc ca đẹp về tinh thần yêu nước, thương dân, ý chí phấn đấu, sống trượng nghĩa, khí phách.

Dẫu là thơ hay trường ca, Lê Khắc Tuế vẫn không xa rời chất quê mộc mạc, giản dị, viết như đang tâm sự, thổ lộ lòng mình. Bóng dáng làng qua những địa danh, gương mặt người, truyền thống lịch sử, văn hóa... đã, đang và sẽ tiếp tục khơi mạch nguồn cảm hứng để ông rộng dài bước đi trên con đường sáng tạo nghệ thuật.

Bài và ảnh: Thảo Linh


Bài và ảnh: Thảo Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]