(Baothanhhoa.vn) - Quê tôi vùng trung du của huyện miền núi Thạch Thành. Vùng đất được mệnh danh là “thủ phủ” của cây mía tím. Mía tím Kim Tân – từ lâu được nhiều người biết đến là đặc sản, bởi cây mía có thân vừa tròn đều, vàng óng lấm tấm sắc mật, ăn vào mềm, ngọt độc đáo, thơm quyến rũ. Vào mỗi dịp Tết đến Xuân về, ngoài mâm ngũ quả, câu đối đỏ, hai bên bàn thờ gia tiên của mỗi gia đình quê tôi đều không thể thiếu cây mía tím. Cây mía tím có mặt trong cuộc sống đời thường và bên bàn thờ gia tiên mỗi độ xuân về.

Thiêng liêng cây mía tím bên bàn thờ ngày Tết

Quê tôi vùng trung du của huyện miền núi Thạch Thành. Vùng đất được mệnh danh là “thủ phủ” của cây mía tím. Mía tím Kim Tân – từ lâu được nhiều người biết đến là đặc sản, bởi cây mía có thân vừa tròn đều, vàng óng lấm tấm sắc mật, ăn vào mềm, ngọt độc đáo, thơm quyến rũ. Vào mỗi dịp Tết đến Xuân về, ngoài mâm ngũ quả, câu đối đỏ, hai bên bàn thờ gia tiên của mỗi gia đình quê tôi đều không thể thiếu cây mía tím. Cây mía tím có mặt trong cuộc sống đời thường và bên bàn thờ gia tiên mỗi độ xuân về.

Thiêng liêng cây mía tím bên bàn thờ ngày Tết

Hai bên bàn thờ của mỗi gia đình người Việt thường được đặt trang trọng hai cây mía tím nhằm gửi gắm những mong ước cho cuộc sống luôn ngọt ngào, may mắn trong năm mới.

Còn nhớ, khi tôi còn bé, trước nhà, mẹ thường dành khoảng vườn nhỏ để trồng mía tím. Quê tôi, hầu như nhà nào cũng trồng mía. Vườn mía sau nhà, trước nhà. Đến độ gần tết, mía trắng được chặt và đem đi nhập cho nhà máy đường, còn mía tím thường để dành cho dịp tết. Quê tôi, chợ phiên vào ngày 27 và ngày 29 tháng Chạp. Mẹ sẽ đem những cây mía tím vào chợ bán hoặc khi có khách đến chơi nhà hay họ hàng qua thăm, mẹ ra vườn, chọn những cây mía đẹp để biếu. Thường thì mẹ tôi sẽ ngắm nghía cả dãy mía tìm rồi chọn cây đẹp nhất rồi cẩn thận lấy dây buộc đánh dấu để dành cho tết. Vào ngày 29 Tết, mẹ sẽ bày mâm ngũ quả, treo câu đối, đôi mía tím ngoài vườn được mẹ chọn cẩn thận, đẹp nhất, mập mạp, tán lá xanh mướt, mẹ lau từng óng mía cho sạch sẽ rồi cẩn thận để hai bên bàn thờ gia tiên. Bố tôi ngắm nghía bàn thờ gia tiên được sắp đặt tươm tất rồi gật gù ưng bụng.

Thiêng liêng cây mía tím bên bàn thờ ngày Tết

Mía tím Kim Tân – từ lâu được nhiều người biết đến là đặc sản, bởi cây mía có thân vừa tròn đều, vàng óng lấm tấm sắc mật, ăn vào mềm, ngọt độc đáo, thơm quyến rũ. Ảnh minh họa

Vốn là một đứa trẻ hay tò mò, tôi thường hỏi mẹ những điều chưa tỏ. Đặc biệt, thấy mẹ cẩn thận chọn mía, chặt mía rồi trang trọng đặt hai bên bàn thờ gia tiên. Tôi hỏi mẹ vì sao mẹ lại chọn cây mía để bên bàn thờ? Mẹ tôi vốn là người nhẹ nhàng nên bao giờ mẹ cũng kiên nhẫn trả lời những câu hỏi mà tôi thường đặt ra. Mẹ nói: Cây mía chính là biểu tượng của sự giao hòa trời – đất, kết nối hai thế giới âm – dương. Tán lá tượng trưng cho mây, trời. Gốc rễ tượng trưng cho đất, cho gốc cội gia đình. Những óng mía như những bậc thang nối liền đất – trời, âm – dương dẫn đón ông bà tổ tiên về sum vầy bên con cháu vào dịp tết. Rồi cho đến mùng 3 Tết, cây mía cũng là “vật dụng” đưa ông bà tổ tiên trở về được thuận lợi. Bởi vậy, cây mía được đặt trang trọng hai bên bàn thờ. Cùng với điều thiêng liêng ấy, cây mía vốn là sản phẩm nông nghiệp mang lại vị ngọt cho cuộc sống, bởi vậy từ xa xưa ông bà đã chọn cây mía làm sản vật thờ cúng nhằm gửi gắm những mong ước cho cuộc sống luôn ngọt ngào, may mắn trong năm mới.

Ấy vậy, những điều giản dị mà mẹ tôi thường giải thích luôn làm tôi nhớ lâu. Sau này, gia đình tôi đã bớt khốn khó, mẹ không phải trồng mía tím để bán vào dịp tết. Giờ chỉ còn mía nguyên liệu nhập cho nhà máy đường. Vào ngày 27 hoặc 29 tháng Chạp là phiên chợ tết quê tôi, mẹ sẽ vào chợ vác về một đôi mía tím.

Trong kí ức tuổi thơ của nhiều người hay ngay cả bây giờ, chắc hẳn hình ảnh cây mía tím bên bàn thờ tổ tiên vẫn là hình ảnh thiêng liêng. Khi những giá trị hiện đại đang dần len lỏi vào mọi khía cạnh của cuộc sống thì hình ảnh các bà, các mẹ, các chị ra chợ cẩn thận lựa chọn những cây mía đẹp nhất đem về nhà để đặt hai bên bàn thờ gia tiên bỗng thấy thật ý nghĩa, thân thương.

Chiều nay, ra phố mua sắm đồ. Tôi cũng chọn cho gia đình mình một đôi mía tím. Bất giác tôi nhớ đến mẹ. Chắc hẳn ở quê, mẹ cũng đã đi chợ và mua về một đôi mía tím đẹp nhất để hai bên bàn thờ. Bố tôi đã về với tổ tiên được gần 6 năm. Nếu còn sống, chắc hẳn bố sẽ gật gù với những gì mẹ tôi mua sắm vào dịp tết…

Tôi cẩn thận dựng đôi mía tím mới mua trước sân nhà. Thấy mẹ về, cô con gái nhỏ xăng xái chạy ra. Cô bé cũng hỏi tôi về cây mía tím mà tôi mới đem về. Hình ảnh của tôi thủa xưa đang hiện hữu trong con gái tôi. Bất giác nhớ đến những điều mẹ từng giải thích cho tôi về cây mía tím. Đã đến lúc tôi giải thích cho con về ý nghĩa của cây mía tím. Kể về mảnh đất quê hương tôi. Hương vị ngọt ngào và những điều thiêng liêng. Hương vị của quê hương. Hương vị của tết cổ truyền.

Ngọc Huấn


Ngọc Huấn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]