(Baothanhhoa.vn) - Trong mắt trẻ thơ thì Tết Trung thu vào ngày rằm tháng tám âm lịch hàng năm là đêm rằm vui nhất, đẹp nhất. Mặt trăng tròn trịa viên mãn. Ánh trăng sáng vằng vặc chiếu sáng muôn nơi. Dưới ánh trăng sáng tỏ, em thơ tưng bừng ca hát, rước đèn, phá cỗ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tết Trung thu giữa đại dịch COVID-19

Trong mắt trẻ thơ thì Tết Trung thu vào ngày rằm tháng tám âm lịch hàng năm là đêm rằm vui nhất, đẹp nhất. Mặt trăng tròn trịa viên mãn. Ánh trăng sáng vằng vặc chiếu sáng muôn nơi. Dưới ánh trăng sáng tỏ, em thơ tưng bừng ca hát, rước đèn, phá cỗ.

Tết Trung thu giữa đại dịch COVID-19

Phụ huynh và giáo viên tổ chức trung thu tại lớp cho học sinh (năm học 2020-2021).

Tết Trung thu ở Việt Nam không biết bắt nguồn từ đâu và có từ bao giờ. Nhưng theo từ điển Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, các nhà khảo cổ học đã cho rằng Tết Trung thu ở Việt Nam có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Còn theo văn bia chùa Đọi năm 1121 thì từ đời nhà Lý, Tết Trung thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đến đời Lê - Trịnh, Tết Trung thu đã được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa Trịnh Sâm mà “Tang thương ngẫu lục” của tác giả Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án đã miêu tả.

Trải qua hàng ngàn năm, người Việt Nam luôn cho rằng có mối liên hệ gắn bó giữa cuộc đời và vầng trăng. Trăng tròn và trăng khuyết gắn liền với niềm vui nỗi buồn, sự đoàn tụ, sum họp hay chia tay. Cũng từ đó, trăng tròn là biểu tượng của sum họp và Tết Trung thu cũng được gọi là Tết đoàn viên. Trong ngày vui này, theo phong tục người Việt, tất cả các thành viên trong gia đình đều mong muốn quây quần bên nhau cùng làm cỗ cúng gia tiên. Khi đêm xuống, mặt đất ngập tràn ánh trăng vàng, nhà nhà cùng nhau sum họp uống nước chè xanh, ăn bánh, ngắm trăng và bày hoa quả, bánh kẹo cho trẻ em vui chơi, rước đèn, múa sư tử, múa lân, trông trăng, phá cỗ...

Những năm trước đây, khi đại dịch COVID-19 chưa bùng phát, mới đầu tháng 8 âm lịch, từ các cửa hiệu nơi phố phường sầm uất, đến các quán hàng tạp hóa trong thôn xóm hẻo lánh đều bày la liệt bánh trung thu và đồ chơi các loại cho trẻ em, nào đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân,... đa dạng về kích cỡ, kiểu dáng và màu sắc rực rỡ. Không khí phố phường thêm nhộn nhịp vui tươi bởi sau giờ đi làm về, trẻ em ríu rít theo bố mẹ đi chọn đồ chơi. Bố mẹ cũng tranh thủ mua bánh để biếu người thân, bạn bè bởi Tết Trung thu còn là tết của tình thân.

Mỗi năm, vào dịp Tết Trung thu, các tổ chức đoàn thể nơi khu phố, thôn xóm đều chung tay góp sức để tổ chức cho thiếu nhi đón tết vui vẻ. Vì vậy, ngay từ đầu tháng, các cô, bác trong hội phụ nữ đã đi đến từng nhà để vận động, quyên góp lấy quỹ tổ chức cho các cháu. Đoàn thanh niên làm đèn ông sao to, sửa đầu lân, dọn dẹp nhà văn hóa để các cháu thiếu nhi rước đèn, múa lân, phá cỗ... Tranh thủ khi học bài xong, các bạn nhỏ tập múa lân, tiếng trống thùng thình, cắc tùng rộn rã khắp đường thôn, ngõ phố. Ở vùng quê các mẹ gói những chiếc bánh chưng xinh xắn, chọn các loại quả trong vườn nhà: bưởi, na, hồng, thị,... bày mâm cỗ trông thật vui mắt.

Trong trường học, thầy cô và phụ huynh hàng năm cũng tổ chức Tết Trung thu cho học sinh: có trường tổ chức thi gói và nấu bánh chưng, bày cỗ chấm điểm; có trường thi văn nghệ, kể chuyện sự tích chú Cuội, chị Hằng, xem múa lân, phá cỗ... sau buổi học. Dưới bàn tay khéo léo của các cô cậu học trò những quả bưởi được tỉa thành hình chú cún con, thỏ con trông rất ngộ nghĩnh. Quả dưa hấu được cắt tỉa công phu thành những bông hoa xinh xắn... Mâm cỗ trung thu do tự tay các em trang trí trông thật vui mắt. Không khí trường học trong dịp Tết Trung thu vui vẻ, rộn rã hẳn lên.

Khi đêm về, dưới ánh trăng rằm, tiếng trống múa lân, múa sư tử hòa lẫn trong tiếng cười trong trẻo của trẻ thơ rộn ràng khắp nơi nơi. Đường phố nhộn nhịp người qua lại, vui cười hớn hở. Dưới ánh đèn lung linh, các bạn nhỏ cùng nhau phá cỗ, người lớn ăn bánh, uống nước chè ngắm ánh trăng khuya.

Năm nay, ngày Tết Trung thu đang cận kề nhưng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 mà các cửa hàng bày bán bánh trung thu và đồ chơi không nhiều như năm trước. Những địa phương đang thực hiện Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, toàn dân nghiêm túc thực hiện giãn cách xã hội để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho mọi người. Các bạn nhỏ không được tập trung để xem múa lân, rước đèn, phá cỗ nhưng không phải vì thế mà làm giảm đi niềm vui háo hức của trẻ thơ. Để con trẻ được đón Tết Trung thu trong mùa dịch các bà mẹ tranh thủ mua quà và đồ chơi, dự trữ sẵn nguyên liệu trong tủ lạnh rồi trổ tài nấu nướng để làm những món ăn cho con. Thay vì đèo con ra phố mua đèn ông sao, đồ chơi,... như mọi năm, các ông bố hì hụi làm những chiếc đèn ông sao, đèn con cá... Tuy những chiếc đèn ấy không rực rỡ, lộng lẫy bằng những chiếc đèn bày bán sẵn giống mọi năm nhưng nó đã đem lại nụ cười rạng rỡ trên gương mặt trẻ thơ.

Một buổi tối đầu tháng 8 âm lịch, trời mưa xối xả, con gái gọi zalo cho tôi nói chuyện với cháu trai gần 4 tuổi ở Hà Nội. Vừa nhìn thấy bà cu cậu đã reo lên và khoe về chiếc bánh trung thu nhỏ đang cầm trên tay. Mẹ cháu kể chuyện vì nhà ở gần “vùng đỏ” nên hạn chế ra ngoài mà ship hàng cũng rất khó. Chiều nay, đến ngày đi mua hàng con gái mua luôn cho cháu một chiếc bánh nướng nhỏ của hãng Tràng An. Cậu bé thích lắm cứ ôm khư khư. Mẹ bảo ăn cơm xong mới được ăn bánh và cất lên cao thế là cháu cứ đi khắp phòng và nói: “Trong thu ơi! Trong thu đâu rồi? Trong thu đâu rồi?”, làm 2 vợ chồng con gái đang làm việc online cũng phải bật cười. Rồi cu cậu luôn miệng hỏi mẹ bao giờ thì con được đi chơi Tết Trung thu.

Tết Trung thu đang đến gần, em thơ nuối tiếc một mùa tết bị COVID-19 quấy rối làm cho mẹ không đi chợ mua đèn ông sao, đồ chơi, bánh trung thu... Đường thôn, góc phố không có tiếng trống múa sư tử, múa lân rộn ràng. Dẫu dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nhưng trong lòng trẻ thơ vẫn háo hức chờ mong được đón Tết Trung thu với đêm trăng sáng đẹp bên những người thân yêu, dù cho mâm cỗ không được đủ đầy, dù không được xem múa lân, đi rước đèn, phá cỗ cùng bạn bè... Đó đây, trong từng ngõ phố hay thôn xóm hẻo lánh, giai điệu rộn rã, vui tươi: “Tết Trung thu rước đèn đi chơi/ Em rước đèn đi khắp phố phường...” vẫn ngân vang trong những ngôi nhà nhỏ giữa đại dịch COVID-19 làm ấm áp lòng người.

Bài và ảnh: Trịnh Thị Hường


Bài và ảnh: Trịnh Thị Hường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

2 bình luận

 Lê Thị Hoa - 19:58 19/09/21

 Trả lời

Bài vết rất hay. Vì dịch bệnh mà trẻ em không được vui chơi thoả thích. Mong dịch bệnh chóng qua để mọi hoạt động trở lại như thường.

 Lê Phương Thuận - 23:15 18/09/21

 Trả lời

Em rất thích những bài viết của chị, nhẹ nhàng, gần gũi với cuộc sống. Cảm xúc tự nhiên, chân thành. Chúc chị ngày càng nhiều tác phẩm xuất sắc ạ!

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]