(Baothanhhoa.vn) - Mỗi làng quê, mỗi vùng miền đều có những nét văn hóa đặc sắc riêng và người dân miền biển cũng vậy. Cuộc sống của họ gắn bó với biển cả, sóng nước nên cách đón tết và vui xuân của người dân nơi đây cũng mang đậm “Dấu ấn biển”. Nét đẹp này đã ăn sâu bám rễ vào trong mỗi người dân biển giúp họ có thêm sức mạnh, niềm tin, đoàn kết để thực hiện những dự định, cố gắng của mình trong cả năm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tết đến, xuân về cùng ngư dân vui hội

Mỗi làng quê, mỗi vùng miền đều có những nét văn hóa đặc sắc riêng và người dân miền biển cũng vậy. Cuộc sống của họ gắn bó với biển cả, sóng nước nên cách đón tết và vui xuân của người dân nơi đây cũng mang đậm “Dấu ấn biển”. Nét đẹp này đã ăn sâu bám rễ vào trong mỗi người dân biển giúp họ có thêm sức mạnh, niềm tin, đoàn kết để thực hiện những dự định, cố gắng của mình trong cả năm.

Tết đến, xuân về cùng ngư dân vui hội

Rước thuyền Long Châu trong lễ hội Cầu Ngư (di sản văn hóa phi vật thể). Ảnh: Trọng Thắng

Chốn tâm linh nơi cửa biển

Dưới nắng xuân hanh nồng, chúng tôi trở về những làng quê ven biển để cảm nhận vị mặn mòi của gió, cùng không khí rộn ràng của các tập tục và lễ hội làng biển. Với ngư dân, sau những chuyến đánh bắt xa bờ trở về nặng đầy sản vật, họ lại cùng nhau chuẩn bị những vật phẩm thành kính dâng lên các vị thần. Đối với họ, đó là dịp để thể hiện lòng thành kính của mình với tổ tiên, đất trời và sum vầy bên nhau chào đón năm mới.

Trong tín ngưỡng dân gian của ngư dân vùng biển, các thần linh được thờ phụng rất đa dạng và phong phú. Đối với người dân vùng biển Hậu Lộc họ thờ Cá Ông - vị “thần hộ mệnh” luôn sát cánh cùng họ mỗi khi ra khơi, bám biển. Nhưng tục thờ Cá Ông không phải là thực thể tồn tại tách biệt, đơn lập. Nó nằm trong mối liên hệ khăng khít cùng hệ thống di tích, tín ngưỡng khác gọi là Cụm di tích nghè - chùa - phủ - miếu Diêm Phố, bao gồm: Nghè Thánh Cả (thờ tứ vị thánh Nương), chùa Liên Hoa, đền thờ thần Cá Ông (Ngọc Lân thần), miếu kỷ niệm năm bão gõ (thờ 334 ngư dân của làng tử nạn trên biển năm 1931), đền thờ Nẹ Sơn (thờ đức vua Thông Thủy Nẹ Sơn)... Tất cả các di tích đều tọa lạc trên một hệ thống khuôn viên rộng khoảng 1.000m2, nằm trên địa bàn xã Đa Lộc, hướng ra cửa biển như vị thần dõi mắt trông theo để độ trì cho tàu cá xuất bến vươn khơi. Đối với ngư dân làng biển Hậu Lộc, nơi đây được xem là “cõi thiêng” và rất được trân trọng, giữ gìn. Do vậy, vào các ngày lễ tết, dân làng đều đến đây tổ chức các nghi lễ cúng tế cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, được mùa cá tôm.

Nhiều năm nay, cứ vào sáng mùng 1 tết, ông Trần Văn Hạnh, người trông coi đền thờ thần Cá Ông và miếu thờ 344 người tử nạn năm 1931, cùng các bậc cao niên và người dân thành kính dâng lễ vật lên ban thờ. Hương trầm thơm ngát thoảng bay theo gió xuân se lạnh, lẫn trong tiếng chuông ngân dài. Ông Hạnh chia sẻ: “Hằng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, khi những lạch, luồng đầy ắp những con tàu về neo đậu để sum họp, ngư dân các xã ven biển Hậu Lộc lại rục rịch chuẩn bị cho một mùa lễ hội cầu ngư đầu năm mới. Để tự tin vươn khơi, bám biển, ngư dân trong vùng thường đến đền thờ thần Cá Ông thắp hương, cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, được mùa cá tôm”.

Cách Cụm di tích nghè - chùa - phủ - miếu Diêm Phố chừng hơn 50km, di tích đền Phúc, xã Quảng Nham (Quảng Xương) cũng rộn ràng sắc xuân. Đối với người dân xã Quảng Nham, đền Phúc không chỉ là chốn tâm linh thờ cúng những người có công với nước mà đây còn là mái nhà chung để tình làng, nghĩa xóm được thắt chặt, đoàn kết. Mọi người chung tay thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng quê hương Quảng Nham.

Đã thành thông lệ ngày 29 tháng chạp, tất cả già trẻ, gái trai trong làng đều tụ họp đông đủ tại đình làng để làm lễ cúng tế. Theo lời kể, vào đúng ngày 29 tháng chạp, cách đây 228 năm về trước, vua Quang Trung - Nguyễn Huệ trên đường hành quân ra Bắc đã dừng chân tại vùng đất Quảng Nham để dâng hương và ra chỉ dụ trước ba quân, thể hiện quyết tâm đánh thắng quân Thanh, giải phóng Thăng Long. Để tưởng nhớ sự kiện này, chính quyền, nhân dân xã Quảng Nham đã khôi phục, bảo tồn lại di tích đền Phúc và hàng năm tổ chức lễ hội, nhằm phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, khơi dậy lòng tự hào dân tộc; đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của nhân dân trong toàn xã. Ông Hà Thế Anh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Nham, cho biết: “Đây là đại lễ lớn đầu năm của người dân Quảng Nham. Sáng sớm ngày 29 tháng chạp, các bô lão của làng với áo dài, khăn đóng đến cúng viếng ở đình làng cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa...”.

Trước đó, các hoạt động văn hóa - thể thao cũng được tổ chức hết sức sôi động như: Trẩy mã, tế đại đình, tế Nam Giao, hát giao duyên cửa đình, thi đấu cờ người, đá bóng... Nhưng đặc sắc nhất phải kể đến hội đua thuyền chải trên sông Yên, thường diễn ra vào ngày mùng 2 tết.

Rộn ràng lễ hội

Vào ngày đó, khúc sông Yên sẽ được khoác lên mình một chiếc áo mới rực rỡ sắc màu và sắc thanh với những hồi trống rộn rã, cùng hàng nghìn người tập trung tại khu vực thi đấu để cổ vũ. Những con thuyền xanh, đỏ dập dềnh trên sóng nước như chiến mã nhịp chân trước giờ xung trận. Nếu may mắn có mặt ở đó, chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy vô cùng ấn tượng. Khoảnh khắc xuất phát và thời điểm tăng tốc về đích luôn diễn ra hết sức gay cấn và náo nhiệt. Dưới bến, các thủ thuyền dốc sức khua chèo, lướt sóng theo nhịp trống. Trên bờ, cha mẹ, vợ con và đông đảo bà con dân làng sát cánh bên nhau, khua chiêng, gõ mõ hối thúc đội nhà, làm huyên náo cả một vùng sông nước...

Ông Hà Thế Anh chia sẻ: “Đối với người dân Quảng Nham, lễ hội là dịp thắt chặt tình đoàn kết cộng đồng, cùng nhau rèn luyện sức khỏe, xây dựng đời sống mới. Bởi vậy, nó luôn diễn ra với không khí sôi nổi, đoàn kết, thân ái và đầy tinh thần thượng võ. Tuy nhiên, năm nay vì một vài lý do khách quan, lễ hội đua thuyền chải trên sông Yên sẽ tạm hoãn, nhân dân địa phương vẫn vui hội đền Phúc bình thường”.

Hòa chung không khí đón chào năm mới, lễ hội Cầu Ngư, xã Ngư Lộc (Hậu Lộc) được tổ chức vào tháng 2 (âm lịch) hằng năm. Lễ hội này thường được lồng ghép cùng lễ tế Cá Ông và ra quân đánh bắt vụ cá nam. Nếu về Ngư Lộc trong dịp diễn ra lễ hội Cầu Ngư, chúng ta sẽ có điều kiện để hiểu và cảm nhận rõ nhất tính cách và nếp sống của con người nơi đây. Trong những bộ quần áo chỉnh tề, họ hòa mình vào tiếng trống, chiêng cùng những bài khấn linh thiêng trước Cụm di tích nghè -chùa - phủ - miếu Diêm Phố, hướng mặt ra biển. Bởi, lễ hội là dịp để cộng đồng dân cư khẩn nguyện thần linh phù hộ, giúp đỡ: Cầu cho khởi đầu năm mới vươn khơi bám biển bình an, may mắn, lộc biển đầy khoang, vượt qua hoạn nạn, đời sống no đủ, ấm êm. “Trong tâm linh của người dân miền biển, lễ hội cầu ngư chiếm vị thế vô cùng quan trọng. Bởi hơn ai hết họ hiểu được sự nguy hiểm luôn luôn rình rập tàu thuyền và ngư phủ trong mỗi chuyến ra khơi. Ở đó chứa đựng những khát vọng, tinh thần hướng biển của ngư dân cần được gìn giữ và bảo tồn” - ông Nguyễn Hải Năm, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, “đúc kết”.

Cũng theo ông Năm, lễ hội cầu ngư của ngư dân xã biển Ngư Lộc là hoạt động mang tính cộng đồng cao. Trước kia và bây giờ, tất cả người làm nghề biển và ở vùng biển đều coi trọng và tham gia lễ hội này. Lễ hội có hai phần, phần lễ và phần hội, trong đó phần lễ rất được coi trọng với các nghi thức cúng tế tại Cụm di tích nghè - chùa - phủ - miếu Diêm Phố. Kiệu sẽ được rước từ cụm di tích về địa điểm Long Châu và từ Long Châu về khu vực lễ đàn. Bên cạnh rước kiệu, tế lễ, thuyền Long Châu được hóa ngay bên bờ biển trước sự chứng kiến của nhân dân, du khách trong niềm hân hoan cùng những khát vọng. Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, các dòng họ trong xã đến trước thuyền Long Châu cầu khấn mong cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, cầu một mùa đánh bắt hải sản thắng lợi, đời sống ngư dân ấm no, hạnh phúc. Đến nay, cho dù đã giản lược một số khâu, song ý nghĩa và các nghi thức diễn tế của lễ hội cầu ngư vẫn được tổ chức rất trang trọng.

Nếu phần lễ mang lại cho con người những phút giây thiêng liêng thì phần hội giúp họ cảm thấy thoải mái, trút bỏ những lo toan đời thường để hòa mình vào không khí vui tươi, hứng khởi với các phần thi: Câu mực, kéo lưới, thi cờ tướng, hát giao duyên, biểu diễn nhạc lưu thủy... Lễ hội Cầu Ngư không chỉ là nét đẹp tín ngưỡng của người dân làm nghề biển, nó hấp dẫn và thu hút cả người dân các địa phương trong và ngoài tỉnh, trở thành một sự kiện văn hóa. Năm 2018, UBND huyện Hậu Lộc đã tổ chức đón nhận bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với lễ hội Cầu Ngư. Việc này sẽ góp phần tích cực trong công tác bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống; đồng thời tạo ra một sản phẩm văn hóa đặc sắc, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch biển của tỉnh.

Với người dân miền biển, sau những ngày đón tết, vui xuân, ngư dân lại nhộn nhịp sửa soạn cho một vụ cá mới. Bên chân sóng rì rào, các ngư dân hướng về cõi tâm linh để khói hương cầu khấn thần biển, mong một mùa đánh bắt bội thu.

Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]