(Baothanhhoa.vn) - Đọc sách là đọc được suy nghĩ thuần của chính tác giả, không bị tư duy lối mòn, bị pha trộn hay ảnh hưởng của suy nghĩ đám đông. Cùng một chủ đề nhưng nội dung sách cũ viết rất nhẹ nhàng, phóng khoáng...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sách cũ - dòng chảy ngầm của văn hóa đọc

Đọc sách là đọc được suy nghĩ thuần của chính tác giả, không bị tư duy lối mòn, bị pha trộn hay ảnh hưởng của suy nghĩ đám đông. Cùng một chủ đề nhưng nội dung sách cũ viết rất nhẹ nhàng, phóng khoáng...

Một cửa hàng bán sách cũ trên đường Dương Đình Nghệ, phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa).

Sách cũ cũng có một đời sống riêng, khi là khúc vĩ thanh, cũng có lúc chỉ là một nốt trầm xao xuyến... vì có một thời gian dài, sách cũ dường như không có chỗ đứng trong lòng giới trẻ, trong nhiều cửa hàng sự hiện diện của sách cũ cũng rất mờ nhạt, họa chăng chỉ người lớn tuổi tìm mua. Thế nhưng vài năm trở lại đây, sách cũ lại được giới trẻ săn lùng, tìm kiếm khi họ phần nào hiểu được giá trị tri thức mà nó mang lại.

Những tưởng thị trường sách mới đồ sộ và đa dạng như hiện nay sẽ áp đảo khiến sách cũ chênh vênh tồn tại. Nhưng không, khi văn hóa đọc của người trẻ được cải thiện, sách cũ đã có một chỗ đứng vững chắc hơn. Trên các diễn đàn, các bạn trẻ gọi sách cũ là một thế hệ sách mà ở đó lưu giữ những giá trị văn hóa, giá trị tri thức vô giá. Nếu như người lớn tuổi lựa chọn các đầu sách về lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh thì giới trẻ lại tìm cho mình những cuốn sách về văn học, ngôn ngữ, khoa học để làm tài liệu tham khảo, nghiên cứu. Bạn Nguyễn Thị Anh, sinh viên Khoa Khoa học xã hội (Đại học Hồng Đức), tâm sự: Tôi thích sách cũ từ năm thứ 2 đại học, mỗi khi có thời gian rảnh tôi lại tìm đến các cửa hàng sách cũ để mua những cuốn sách làm tài liệu tham khảo. Theo bạn Anh: Sách cũ có rất nhiều điều hay, không chỉ gặp trên đó những kỷ niệm của chủ nhân cũ hoặc của cả các tác giả cuốn sách, mà bên cạnh đó, cách dịch, cách viết của người xưa cũng rất gần gũi, chân phương. Có những phong cách viết mà hiện nay rất ít gặp. Nói đoạn, Anh đưa tôi xem quyển “Óc sáng suốt” (loại sách học làm người) của tác giả Nguyễn Duy Cần (NXB Khai trí - XB năm 1951), và nói “cách viết này giờ hiếm gặp lắm”! Cũng giống như bạn Anh, bạn Nguyễn Thị Hoa, phường Quảng Hưng (TP Thanh Hóa) cho biết: Bọn mình học biên dịch nên nhu cầu đọc rất lớn, nhất là các tiểu thuyết nước ngoài được dịch lại bằng tiếng Việt để học hỏi cách viết, bổ sung cách thức, phương thức dịch. Mà đâu phải ai cũng có khả năng mua hết tất cả các đầu sách? Do đó thay vì bỏ ra vài trăm nghìn đồng để mua một quyển tiểu thuyết mới, mình thường mua lại ở hiệu sách cũ với giá chỉ bằng 1/3.

Theo nhiều người mê sách cũ, sách cũ là sản phẩm ra đời từ khi chưa có internet nên đọc sách là đọc được suy nghĩ thuần của chính tác giả, nó không bị tư duy lối mòn, bị pha trộn hay ảnh hưởng của suy nghĩ đám đông. Cùng một chủ đề nhưng nội dung sách cũ viết rất nhẹ nhàng, phóng khoáng mà vẫn truyền tải đủ kiến thức cho người đọc. Bà Nguyễn Thị Hà, chủ cửa hàng sách trên đường Dương Đình Nghệ, phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa) chia sẻ: Sách cũ không có giá, cái giá là nằm ở cách nhìn nhận về cuốn sách của người mua. Mấy năm nay các cháu học sinh, sinh viên ghé tới cửa hàng sách cũ của tôi rất nhiều. Các cháu đã biết lựa những cuốn sách hay thay vì đi tìm những cuốn sách ngôn tình như trước đây. Gặp những bạn trẻ như vậy, tôi thường tính giá kiểu vừa bán vừa tặng. Biết rằng tính thành tiền thì sách cũ rẻ lắm nhưng cái quý ở giá trị tri thức mà các cháu đang đón nhận.

Không nằm ở vị trí đắc địa, không ồn ào với những mặc cả bán – mua, những cửa hàng sách cũ trên đường Dương Đình Nghệ, hơn chục năm qua vẫn thu hút lượng khách quen thân thiết hàng ngày. Tuy diện tích không lớn nhưng ở đây cũng không ít những cuốn sách cũ nổi tiếng như cuốn “Mắt những người đã khuất” của M.A.Axturiax (NXB Văn học 1986), “Thao thức” của Alêchxănđrơkrôn (NXB Tác phẩm mới 1983), “Một ngày dài hơn thế kỷ” của A.J. Tmatov (NXB Lemzdat 1982)... Những cuốn sách đã ố màu thời gian, vàng úa, thậm chí đã bị mối mọt này vẫn được nhiều người mua với sự trân trọng. Nơi đây, đã trở thành địa chỉ quen thuộc cho những ai còn lưu luyến với sách xưa. Còn ở trên đường Lê Lai, phường Đông Sơn (TP Thanh Hóa), hơn 20 năm nay, nhà sách Thành Vẹn vẫn bền bỉ mở cửa để phục vụ những người yêu sách. Hàng nghìn cuốn sách với đủ thể loại: Văn học, Sử học, Địa lý, ngoại văn... được bày bán, tất cả đều là sách cũ, có những cuốn ra đời cách đây đã vài chục năm. Chị Nguyễn Thị Vẹn, chủ nhà sách Thành Vẹn, cho biết: “Rất nhiều người tìm mua những cuốn sách màu đen, có một số người gặp may khi mà họ mua một lúc được nhiều cuốn đang cần mà thị trường đã không còn, thậm chí nhiều sách không xuất bản nữa. Trong số khách đến mua sách cũ của chị Vẹn, có người ở các huyện trong tỉnh, có người ở tận Hà Nội, Nam Định cũng đã tìm về đây. Chị Phạm Thị Hoa, ở phường Đông Hải (TP Thanh Hóa) chia sẻ: “Tôi đã đi tìm mua cuốn giáo trình Dân tộc học nửa năm nay mà không thấy, ngay cả các quầy sách cũ ở Hà Nội, Nam Định. Đến quầy sách của chị Vẹn cũng là đến chơi thôi chứ không hy vọng lại có cuốn tôi đang cần. Khi tìm thấy, tôi đã đứng lặng một lúc lâu, sau đó tôi có nói với chị Vẹn là lấy bao nhiêu cũng gửi, nhưng chủ nhà sách chỉ lấy tôi 60 nghìn cuốn giáo trình ấy”.

Cũng nằm trên trục đường Lê Lai, ngoài nhà sách của chị Vẹn, còn có 5 nhà bán sách cũ. Mỗi một nhà sách lưu một lượng sách cũ dường như không giống nhau, có chăng chung nhất vẫn là sách giáo khoa. Đấy cũng là những bộ sách giáo khoa trong năm học cũ được mua lại. Và đây cũng được xem là những cuốn sách “mới” nhất ở những nhà sách này. Các chủ nhà sách cho biết, vào đầu năm học mới, sách giáo khoa cũ bán vẫn “chạy” nhất. Nếu sách cũ các loại bán theo cân thì những bộ sách giáo khoa cũ lại được bán giảm giá từ 40- 50% so với sách giáo khoa mới.

Đến với sách cũ đó là một tín hiệu vui cho thấy giá trị của nó vẫn đang được lan tỏa, góp phần nuôi bền sức sống văn hóa đọc trong thời đại số. Bởi, bể học là vô tận, người ta có thể học ở giữa đời, học từ những con người nhưng đối với sách, luôn là một kho tàng khổng lồ. Sự tồn tại của những cửa hàng sách cũ như để chứng minh một điều rằng, văn hóa đọc vẫn là cái mạch ngầm đang chảy và mạch sống tri thức không thể tuột đi một cách dễ dàng, sách cũ vẫn là một chân trời văn hóa, một bến bờ kiến thức mà nhiều người kiếm tìm. Những hiệu sách cũ như thế, dù mộc mạc giản dị nhưng là nơi lưu giữ một tình yêu với sách, một nét văn hóa thanh lịch và đáng quý của người dân xứ Thanh.


Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

1 bình luận

 Nghi - 16:14 01/01/20

 Trả lời

Tôi biết có 1 tang web cũng có một số loại sách xưa https://sachxuasaigon.com/

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]