(Baothanhhoa.vn) - Đâu chỉ hấp dẫn bởi cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, chiều sâu lịch sử - văn hóa, hệ thống di tích độc đáo, điệu hò mênh mang bên sóng nước Mã giang..., văn hóa ẩm thực đa dạng, phong phú cũng là một trong những điều ghi đậm dấu ấn, gợi thương gợi nhớ với du khách thập phương mỗi dịp về với xứ Thanh.

Quảng bá, lan tỏa, phát huy giá trị văn hóa ẩm thực xứ Thanh

Đâu chỉ hấp dẫn bởi cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, chiều sâu lịch sử - văn hóa, hệ thống di tích độc đáo, điệu hò mênh mang bên sóng nước Mã giang..., văn hóa ẩm thực đa dạng, phong phú cũng là một trong những điều ghi đậm dấu ấn, gợi thương gợi nhớ với du khách thập phương mỗi dịp về với xứ Thanh.

Quảng bá, lan tỏa, phát huy giá trị văn hóa ẩm thực xứ Thanh

Hương vị món cá gỏi gợi thương, gợi nhớ về vùng đất biển Diêm Phố - Hậu Lộc.

Thúc đẩy giao lưu, gian hàng giới thiệu ẩm thực

Nếu ví du lịch là hành trình của sự ấn tượng thì văn hóa ẩm thực góp phần quan trọng làm nên sự thăng hoa trọn vẹn của cảm xúc. Chính bởi vậy, những định hướng thúc đẩy du lịch phát triển không thể tách rời nỗ lực quảng bá, nâng tầm giá trị văn hóa ẩm thực địa phương. Trong đó, việc lồng ghép giao lưu ẩm thực, tổ chức hội chợ ẩm thực, gian trưng bày sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương tại các sự kiện chính trị, văn hóa, các khu, điểm du lịch... mang lại hiệu quả thiết thực.

Như đã thành thông lệ, mỗi dịp “Tuần văn hóa TP Thanh Hóa - TP Hội An” được tổ chức tại Công viên Hội An, gia đình chị Mai Thị Đào (TP Thanh Hóa) lại háo hức tham dự. Ngoài việc cả gia đình cùng nhau chụp ảnh lưu niệm, vui chơi, trải nghiệm các hoạt động, chị Đào và gia đình rất hào hứng với việc được thưởng thức các món đặc sản của TP Thanh Hóa, TP Hội An bày bán tại đây. Chị Đào tâm sự: “Chưa có dịp đến với TP Hội An nhưng có thể thưởng thức các món đặc sản của Hội An giữa lòng xứ Thanh như: cao lầu, chè ngô, bánh đậu xanh... cũng có cảm giác phấn khích như đang được đi du lịch thực sự vậy”. Đối với các món đặc sản của TP Thanh Hóa như: cháo lươn, bánh cuốn, chả tôm..., dẫu có ăn biết bao nhiêu lần chị Đào vẫn cảm thấy ngon, hấp dẫn. Chị Đào vừa vui vẻ gắp miếng chả tôm vàng ruộm chấm vào bát nước mắm chua ngọt vừa hào hứng chia sẻ: “Quen thuộc đấy nhưng khi được thưởng thức các món ăn này trong không gian lễ hội vẫn thấy mới lạ, thích thú vô cùng”. Có lẽ, nhiều du khách khi đến với Tuần văn hóa TP Thanh Hóa - TP Hội An đều có chung suy nghĩ, cảm nhận như chị Đào nên các hàng, quán bán các món ăn, đồ uống đặc sản của hai vùng lúc nào cũng đông kín khách mua mang về hoặc thưởng thức tại chỗ.

Không chỉ tại các sự kiện chính trị, văn hóa của tỉnh, văn hóa ẩm thực xứ Thanh đã tự tin tỏa sáng tại nhiều liên hoan, lễ hội ẩm thực tại các tỉnh, thành khác trong cả nước. Vừa qua, tại Lễ hội bánh dân gian Nam bộ lần thứ IX - năm 2022, với sự nỗ lực, cố gắng, tình yêu, tâm huyết, đoàn nghệ nhân Thanh Hóa do Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức đã xuất sắc vượt qua hơn 170 nghệ nhân thuộc 31 tỉnh, thành trên cả nước giành 1 Huy chương Vàng và 2 Huy chương Bạc. Chẳng cầu kỳ, kiểu cách, sản vật mà đoàn nghệ nhân Thanh Hóa mang tới tham dự lễ hội là những món ăn dân dã, quen thuộc của người dân xứ Thanh như: bánh cuốn, chả tôm, bánh lá răng bừa, bánh khoái tép... Bên cạnh đó, trong không gian trưng bày, trình diễn quy trình làm các loại bánh của xứ Thanh còn có nem chua, bánh Trung thu gia truyền Thuận Nhàn, bánh gai tứ trụ... như càng làm phong phú, đa dạng, vẹn tròn hơn bức tranh ẩm thực xứ Thanh nơi đất khách.

Nổi bật giữa 207 gian hàng trưng bày với gần 100 món bánh đến từ các vùng, miền khác nhau, những chiếc bánh lá răng bừa Nam Hương (2 nghệ nhân Trịnh Duy Nam và Hoàng Thị Hương, thôn 5, xã Định Long, huyện Yên Định thực hiện) như thức tỉnh mọi giác quan, dẫn dụ thực khách về với cội nguồn, xứ sở. Đó là màu xanh mướt của lá dong; hạt gạo chắc mẩy thấm đượm tinh hoa đất trời; thịt lợn băm xào cùng hành khô, nước mắm, tiêu... thơm lừng gian bếp. Bàn tay khéo léo cùng kinh nghiệm của người làm bánh lâu năm ước lượng tỉ lệ nước và bột cho thật vừa vặn, bột đạt độ sánh, dẻo, nhân xào chín tới ngon ngọt, gói bánh đều tay, đẹp mắt. Bánh lá răng bừa vừa hấp xong, còn hơi nóng đem chấm cùng nước mắm cốt thì thật say lòng người thưởng thức, lưu luyến mãi không quên.

Du lịch qua miền ẩm thực xứ Thanh

Trong cuốn sách “Văn hóa ẩm thực Thanh Hóa” của nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Ngôn đã sâu sắc nhận định: Thiên nhiên Thanh Hóa giàu có và tươi đẹp là cội nguồn sinh thành nên văn hóa ẩm thực xứ Thanh. Được ví như một “Việt Nam thu nhỏ”, Thanh Hóa có đầy đủ các loại địa hình, các hệ sinh thái, đó là: đồng bằng, miền núi, trung du và ven biển, mỗi vùng đều có những đặc điểm riêng, mỗi vùng đều có sản vật riêng, độc đáo hữu dụng. Văn hóa ẩm thực Thanh Hóa uống chung mạch nguồn văn hóa ẩm thực của dân tộc, được duy trì tiếp biến và phát triển mạnh mẽ bởi hai yếu tố: yếu tố truyền thống và yếu tố địa tự nhiên lịch sử, chính trị, văn hóa trong sức sáng tạo vô tận của các thế hệ người dân nơi đây.

Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh tự nhiên, lịch sử - văn hóa phục vụ phát triển du lịch, xuyên suốt thời gian xây dựng và phát triển của mình, Trung tâm Phát triển du lịch sông Mã (Công ty Quản lý đường thủy nội địa và xây dựng giao thông Thanh Hóa) đã luôn tìm tòi, trăn trở, dành nhiều tâm huyết để giới thiệu văn hóa ẩm thực sông Mã. Chị Mai Thị Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển du lịch sông Mã, chia sẻ: “Trước khi là những người làm du lịch, chúng tôi đều là những người con xứ Thanh, đều có chung niềm tự hào về văn hóa sông Mã độc đáo, hấp dẫn. Vì lẽ đó, trong quá trình khai thác, phát triển du lịch sông Mã, chúng tôi luôn mong muốn được chia sẻ niềm yêu thích, tự hào ấy đến với đông đảo du khách”.

Sông Mã - dòng sông Mẹ bao đời tắm mát phù sa cho đồng bãi, xóm làng trù phú, ban tặng cho người xứ Thanh nhiều sản vật ngon, lạ. Trên hành trình trải nghiệm tour du lịch “Ngược xuôi sông Mã”, du khách được đắm chìm trong cảnh sắc, nét đẹp văn hóa nơi đây. Đó là những làn điệu hò mộc mạc, da diết; thăm các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa dọc hai bên bờ sông, thưởng thức các món ăn đặc sản... Các món ăn tưởng như dân dã, quen thuộc nhưng làm nổi bật đặc sắc của vùng sông Mã như: tôm sông rau má, cá kho niêu, cá bống chiên giòn, canh nha, dắt xào...

Du khách đã từng một lần trải nghiệm tour du lịch “Ngược xuôi sông Mã” của Trung tâm Phát triển du lịch sông Mã (Hoàng Long Tourism) hẳn vẫn còn nhớ ngâm nga hai câu ca: “Tôm sông chấm với xì dầu/ Quấn thêm rau má gật đầu khen ngon”. Đây là một trong những món ăn làm nên “thương hiệu” ẩm thực của Hoàng Long Tourism. Điểm đặc biệt của món ăn này nằm ở phần nguyên liệu. Tôm càng được khai thác từ dòng Mã giang, được chao dầu đến độ giòn tan. Khi thưởng thức cùng rau má chấm thêm chút xì dầu sẽ cảm nhận được trọn vẹn hương vị. Rau má được sử dụng là giống rau má bản địa, được trồng nhiều ở làng cổ Đông Sơn và các vùng ven sông Mã.

Giữa những ngày hè nóng bức, niềm vui thú, sảng khoái khi được thưởng thức món canh nha sông Mã cũng đủ ghi dấu ấn đẹp trong lòng du khách. Con nha là loài vật có hình dạng khá giống cua đồng, thường sống ở vùng sông Mã. Tương tự cách chế biến nhưng loài sinh vật này khi dùng chế biến món ăn sẽ cho vị ngọt, thanh mát, không còn vị tanh như canh cua đồng. Đây là món ăn giải nhiệt mùa hè mà chỉ khi du khách đến với sông Mã mới có điều kiện được thưởng thức.

Không chỉ có tôm sông, canh nha mà hàng trăm đặc sản, nhiều món ăn từng là đặc sản tiến vua, mang đậm dấu ấn vùng, miền đã và đang góp mặt đặt tên, dệt nên bức tranh ẩm thực xứ Thanh đa sắc màu, hương vị, thấm đượm chiều sâu lịch sử - văn hóa. Từ miền non cao với canh pịa, canh lá đắng, cơm lam, xôi ngũ sắc, cơm lam, rượu cần, cỗ lá, ốc đá, vịt Cổ Lũng,... Vùng ven biển có: nước mắm Ba Làng, nước mắm Khúc Phụ, mắm tép Hà Yên, mắm cáy, gỏi Nhệch, dê ủ trấu Nga Sơn, cá gỏi Diêm Phố, canh cá khoai... Vùng đồng bằng có bánh gai Tứ Trụ, chè lam Phủ Quảng, nem chua, bánh lá răng bừa Hà Lai, bưởi Luận Văn... Ẩm thực Thanh Hóa là tiềm năng lớn. Tuy nhiên, có thể thấy, tiềm năng ấy chưa thực sự được khai thác hiệu quả, bền vững. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Ngôn nhận định: Việc quảng bá, khai thác, nâng tầm ẩm thực xứ Thanh “còn khiêm tốn, mới chỉ dừng lại ở mức độ tự phát, nhỏ lẻ, mạnh ai người ấy làm. Những món ăn đặc sản xứ Thanh phần lớn mới được phục vụ tại chỗ, trong các cửa hàng, cửa hiệu, nhà hàng, khách sạn chứ ít có điều kiện vươn xa. Số lượng các sản vật xứ Thanh đủ sức định danh trên bản đồ ẩm thực Việt còn hạn chế. Một số đặc sản có khả năng bị “xóa sổ”, bị lãng quên do nguồn nguyên liệu khan hiếm, môi trường bị hủy hoại... Thiết nghĩ, để sản vật xứ Thanh trở thành sản phẩm hàng hóa, góp phần quan trọng thúc đẩy du lịch thì các cấp, các ngành, nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần có sự quan tâm, chung tay góp sức hơn nữa.

Bài và ảnh: Thảo Linh


Bài và ảnh: Thảo Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]