(Baothanhhoa.vn) - Nằm giữa con phố tương đối náo nhiệt và sầm uất, thế nhưng, phía sau cánh cổng tòa kiến trúc thời Pháp này, người xem có cảm giác như đã bước vào một không gian khác - xanh mướt và trầm lắng. Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa ví như nét phác họa tĩnh vật trong bức tranh thành phố ngày càng sôi động, mà vẻ đẹp và những ẩn ý vẫn chưa được khám phá hết.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Pho tư liệu” quý cần đẩy mạnh khai thác và phát huy giá trị

Nằm giữa con phố tương đối náo nhiệt và sầm uất, thế nhưng, phía sau cánh cổng tòa kiến trúc thời Pháp này, người xem có cảm giác như đã bước vào một không gian khác - xanh mướt và trầm lắng. Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa ví như nét phác họa tĩnh vật trong bức tranh thành phố ngày càng sôi động, mà vẻ đẹp và những ẩn ý vẫn chưa được khám phá hết.

Bảo tàng tỉnh đang trưng bày nhiều hiện vật quý về lịch sử – văn hóa xứ Thanh.

Được xếp hạng II chỉ sau một số bảo tàng lớn quốc gia và là một trong những bảo tàng cấp tỉnh có số lượng hiện vật, cùng nhiều bộ sưu tập hiện vật của các nền văn hóa tiêu biểu, đặc sắc nhất, Bảo tàng tỉnh đã và đang cho thấy vai trò không thể thay thế của nó trong đời sống văn hóa - xã hội, gắn với việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Các hiện vật quý là minh chứng cho các giai đoạn, thời kỳ lịch sử đang được gìn giữ, bảo tồn và trao truyền tại bảo tàng sẽ là pho tư liệu quý, mang đến cho công chúng cách tiếp cận xuyên suốt tiến trình lịch sử Thanh Hóa, từ thời tiền sử, sơ sử đến thời đại ngày nay. Nhờ chú trọng công tác sưu tầm, nghiên cứu, bổ sung, bảo quản và tổ chức trưng bày ngay từ những ngày đầu thành lập, đến nay, Bảo tàng tỉnh đã có một “gia tài” đáng kể với hệ thống hiện vật phong phú, đa dạng gồm hơn 27.000 đơn vị hiện vật trên tất cả các chất liệu. Đặc biệt, năm 2013, Bảo tàng tỉnh đã trình và được Chính phủ công nhận 3 bảo vật quốc gia là Kiếm ngắn núi Nưa, Trống đồng Cẩm Giang và Vạc đồng Cẩm Thủy. Nhờ đó, giá trị của hệ thống hiện vật được trưng bày tại bảo tàng cũng được nâng cao một bậc.

Bảo tàng tỉnh hiện có 7 phòng trưng bày, được đầu tư chỉnh lý và đưa vào hoạt động, gồm phòng Trưng bày cổ vật Thanh Hóa; phòng Văn hóa Đông Sơn và Trống đồng phát hiện ở Thanh Hóa; phòng Truyền thống cách mạng Thanh Hóa (giai đoạn 1858 – 1945); phòng Thanh Hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (giai đoạn 1945 – 1975); phòng trưng bày dân tộc Mường; phòng trưng bày dân tộc Thái. Cùng với trưng bày cố định, bảo tàng cũng tổ chức trưng bày theo chuyên đề phục vụ nhiệm vụ chính trị, như “Trống đồng phát hiện ở Thanh Hóa”, “Thanh Hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn 1945 – 1975”, “Âm vang Điện Biên”, “Văn hóa Đông Sơn – rực rỡ nền văn minh Việt cổ”... Để liên tục bổ sung các hiện vật, cũng như góp phần làm sáng tỏ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, từ năm 2002 – 2010, bảo tàng đã tập trung sưu tầm và tham gia cùng Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành nghiên cứu khảo cổ các di tích lịch sử - văn hóa trọng điểm của Thanh Hóa như Đông Sơn, Hoa Lộc, Đàn tế Nam Giao, Thành Nhà Hồ, Lam Kinh, Lăng miếu Triệu Tường, chùa Linh Xứng, núi và đền Đồng Cổ...

Nhằm tạo thuận lợi cho công tác nghiên cứu, tra cứu và quản lý các hiện vật, bảo tàng đã triển khai ứng dụng phần mềm tin học “Quản lý thông tin hiện vật tại các bảo tàng và di tích lịch sử văn hóa” và nhập được hơn 12.000 bộ hồ sơ hiện vật. Đặc biệt, năm 2010, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt đề án “Sưu tầm, bảo quản và chỉnh lý nội dung, hình thức trưng bày giai đoạn 2010 – 2020” của Bảo tàng tỉnh, nhằm khảo sát, đánh giá toàn diện cơ sở vật chất và hệ thống hiện vật hiện có. Đồng thời, phân loại, sắp xếp hiện vật theo chất liệu, loại hình và tiến trình lịch sử, phục vụ hiệu quả công tác nghiên cứu, tra cứu thông tin. Hiện Bảo tàng tỉnh đang tiếp tục triển khai thực hiện đề án, trong đó, việc bảo quản hiện vật theo định kỳ và thuê chuyên gia có kinh nghiệm nghiên cứu bảo quản theo đúng quy trình, bảo đảm an toàn và độ bền vững lâu dài cho các hiện vật.

Sự đa dạng và giàu giá trị các nguồn tư liệu, hiện vật tại Bảo tàng tỉnh là không thể phủ nhận. Với việc chú trọng đầu tư cải tạo, nâng cấp nội thất, bổ sung hiện vật trưng bày, những năm trở lại đây, bảo tàng đang trở thành điểm đến thường xuyên của nhiều đối tượng khách tham quan, nhất là học sinh, sinh viên và các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử trong tỉnh và cả nước. Tuy nhiên, để bảo tàng thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn đông đảo nhân dân và du khách, không ít vấn đề đang đặt ra cho đơn vị cả về nội dung và hình thức trưng bày hiện vật, cũng như việc tổ chức quảng bá cho điểm đến đặc biệt này. Trao đổi với chúng tôi về cách thức nhằm đưa bảo tàng đến gần hơn với công chúng, ông Trịnh Đình Dương, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho hay: Bên cạnh việc bổ sung hiện vật, thì đổi mới hình thức trưng bày, giới thiệu và đa dạng hóa cách thức tiếp cận thông tin, cũng như chú trọng tương tác với khách tham quan, được xem là yếu tố quyết định đến tính hấp dẫn trong công tác bảo tàng. Xu hướng trưng bày bảo tàng hiện nay là tiếp cận sát với nhu cầu công chúng, xem họ cần gì và đối tượng khách phục vụ là ai để có cách trưng bày, giới thiệu phù hợp.

Chính vì lẽ đó, thay vì trưng bày theo tiến trình lịch sử, với nội dung khá chung chung, dàn trải như nhiều năm nay, hiện Bảo tàng tỉnh đang và sẽ chú trọng trưng bày theo chuyên đề, với các chủ đề, chủ điểm nổi bật. Trong đó, lấy “hạt nhân” riêng có và đặc sắc nhất trong các nền văn hóa tiêu biểu xứ Thanh để làm tiêu điểm chính cho các phòng trưng bày. Chẳng hạn, phòng Tiền – Sơ sử thay vì trưng bày tiến trình hình thành loài người nói chung, sẽ tập trung giới thiệu về các di chỉ Hang Con Moong, Mái Đá Điều, Núi Đọ của riêng Thanh Hóa. Với phòng Văn hóa Đông Sơn, bên cạnh hiện vật trống đồng sẽ tập trung giới thiệu hệ thống di tích đậm đặc dọc 2 triền sông Mã và sông Chu. Hoặc, với phòng trưng bày về thời kỳ phong kiến, sẽ tập trung trưng bày, giới thiệu về nhà Hậu Lê – thời kỳ hưng thịnh bậc nhất của nền quân chủ và gắn chặt với vùng đất xứ Thanh... Cùng với đó, để thu hút học sinh, sinh viên – một trong những đối tượng khách quan trọng của bảo tàng, Bảo tàng tỉnh đang tiến hành thử nghiệm “phòng khám phá”, với nhiều hoạt động học tập, trải nghiệm thú vị nhằm tránh được sự khô khan, nhàm chán như in hoa văn lên mặt trống đồng, xay lúa, xay gạo, bàn nghiền, hang động người nguyên thủy... Đồng thời, chú trọng các hiện vật trưng bày, giới thiệu phù hợp với lứa tuổi, cấp học và nhu cầu tìm hiểu, mở mang kiến thức của các em.

Khách đến bảo tàng hiện có khá nhiều sự lựa chọn, hoặc tự tham quan theo nhu cầu, tự nghiên cứu để có cảm nhận riêng; hoặc có thuyết minh viên đáp ứng nhu cầu tìm hiểu chuyên sâu. Bên cạnh các hình ảnh và hiện vật trực quan, du khách cũng có thể tìm hiểu thêm tư liệu nhờ hệ thống tra cứu thông tin được đặt ở các phòng trưng bày. Bên cạnh việc cập nhật mọi thông tin liên quan đến hoạt động bảo tàng lên trang thông tin điện tử của đơn vị, để cung cấp đến du khách những “trải nghiệm” gián tiếp; Bảo tàng tỉnh còn phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo xây dựng chương trình giáo dục phù hợp, nhằm phục vụ trẻ em, học sinh, sinh viên theo đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” (Quyết định số 208/QĐ-TTg, ngày 27-1-2014 của Thủ tướng Chính phủ). Trong tương lai, khi cơ sở vật chất bảo tàng được đầu tư, việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào trưng bày sẽ phải được tính đến như một giải pháp trọng tâm và mang tính đột phá. Qua đó, đưa Bảo tàng tỉnh trở thành điểm đến tham quan, khám phá và trải nghiệm hấp dẫn của du khách khi về với xứ Thanh. Đồng thời, góp phần khai thác và phát huy giá trị pho tư liệu quý đang được lưu giữ, trưng bày tại đơn vị.


Bài và ảnh: Hoàng Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]