(Baothanhhoa.vn) - Các sản phẩm lưu niệm luôn có sức hấp dẫn du khách, bởi đây là một cách họ lưu giữ hình ảnh và ấn tượng về vùng đất hay điểm đến mới lạ. Cũng vì lẽ đó, phát triển các sản phẩm lưu niệm độc đáo, gắn liền với không gian văn hóa làng nghề, sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển sản phẩm lưu niệm gắn với làng nghề truyền thống

Phát triển sản phẩm lưu niệm gắn với làng nghề truyền thống

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của làng nghề đúc đồng Trà Đông.

Các sản phẩm lưu niệm luôn có sức hấp dẫn du khách, bởi đây là một cách họ lưu giữ hình ảnh và ấn tượng về vùng đất hay điểm đến mới lạ. Cũng vì lẽ đó, phát triển các sản phẩm lưu niệm độc đáo, gắn liền với không gian văn hóa làng nghề, sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị.

Thanh Hóa có hàng trăm làng nghề và nghề truyền thống lâu đời, với nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo, chứa đựng chiều sâu văn hóa và tính thẩm mỹ cao. Trong đó không thể không kể đến nghề đúc đồng Trà Đông (xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa). Cái nghề nhuộm đầy khói bụi, than lửa và đòi hỏi nhiều nhẫn nại, tỉ mẫn của người nghệ nhân, để thu lại và chạm lên mỗi món đồ đồng tất cả vẻ đẹp của đất và người. Vô số mặt hàng thủ công giá trị đã ra đời từ đôi tay tài hoa và sức lao động bền bỉ, đã có tiếng từ xưa. Ngày nay, nói đến làng Trà Đông là nói đến trống đồng – một tặng phẩm giàu ý nghĩa và rất đặc trưng của xứ Thanh gửi đến bè bạn. Bên cạnh các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, thì các mặt hàng bánh kẹo, trái cây sấy khô... cũng rất được lòng du khách. Theo đó, Thanh Hóa hiện có nhiều làng nghề truyền thống đáp ứng các mặt hàng phục vụ nhu cầu du khách. Chẳng hạn nem chua, bánh gai, chè lam, nước mắm...

Hình thành và tồn tại qua hàng trăm năm, các làng nghề truyền thống không đơn thuần là một tổ hợp kinh tế, mà kết tinh trong không gian tồn tại của nó là văn hóa sản xuất, văn hóa tinh thần, là nếp ăn nếp ở, phong tục tập quán... Đồng thời, mỗi sản phẩm làm ra là tổng hòa của kỹ thuật, nghệ thuật, sự tinh tế, khéo léo và độc đáo. Làng nghề cũng là nơi tôi luyện nên những nghệ nhân tài hoa – những người giữ nghề và truyền nghề hay gìn giữ vốn tri thức dân gian, được đúc kết trong các sản phẩm thủ công tinh xảo. Có thể nói, mỗi làng nghề là một không gian văn hóa giàu bản sắc hay một bức tranh thu nhỏ về văn hóa làng Việt. Do đó, gắn các sản phẩm lưu niệm với phát triển du lịch làng nghề đang trở thành hướng đi của nhiều địa phương và ngày càng nhận được sự quan tâm của du khách, đặc biệt là khách quốc tế.

Tuy nhiên, cũng cần khách quan nhìn nhận, việc gắn kết giữa sản xuất mặt hàng lưu niệm với làng nghề, để tạo ra sản phẩm du lịch hoàn chỉnh ở tỉnh ta, hiện vẫn đang ở những bước “khởi động”. Trong thực tế, ở hầu hết các khu, điểm du lịch trên địa bàn hiện vẫn khó để tìm thấy những mặt hàng lưu niệm vừa khác biệt, độc đáo và mang đậm dấu ấn văn hóa xứ Thanh. Còn thiếu kết nối giữa điểm đến với làng nghề/sản phẩm làng nghề, hay giữa nơi sản xuất với thị trường tiêu thụ. Sản phẩm làm ra chưa có nơi trưng bày, giới thiệu đến khách du lịch. Đó là chưa kể, mẫu mã sản phẩm chưa thích ứng nhu cầu thị trường và các cơ sở sản xuất còn nhỏ lẻ, thiếu tập trung... Điều đó khiến cho khách du lịch khi đến tham quan các khu, điểm du lịch lớn như Lam Kinh, Thành Nhà Hồ cũng thường “tay trắng” ra về. Thậm chí, ngay cả các khu du lịch biển sôi động như Sầm Sơn, Hải Tiến cũng khó tìm được các mặt hàng lưu niệm đặc trưng, hay có thể mang đi xa trong nhiều ngày.

Phát triển các làng nghề truyền thống gắn với sản xuất các mặt hàng lưu niệm, sẽ tạo ra một sản phẩm du lịch bổ trợ đắc lực cho các sản phẩm mũi nhọn (nghỉ dưỡng biển), sản phẩm thế mạnh (văn hóa tâm linh). Đồng thời, góp phần nâng cao tính cạnh tranh cho du lịch, khi làng nghề và các sản phẩm từ làng nghề thường mang yếu tố độc đáo và riêng có. Chính yếu tố này là căn cơ để phát triển loại hình du lịch sáng tạo - vốn nhấn mạnh và đòi hỏi tính “đặc trưng”, “khác biệt” của văn hóa bản địa. Cùng với đó, phát triển các sản phẩm lưu niệm gắn với không gian làng nghề, cũng góp phần phát triển du lịch một cách bền vững. Bởi nó yêu cầu cả người dân và du khách phải đề cao tính trách nhiệm trong việc gìn giữ nghề truyền thống - với tri thức, kinh nghiệm và nghệ thuật dân gian; cũng như bảo vệ môi trường, cảnh quan làng nghề nhằm tạo nên một không gian văn hóa đậm đà bản sắc.

Hoàng Xuân


Hoàng Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]