(Baothanhhoa.vn) - Hoạt động bảo tồn, phát huy hiệu quả các di tích từ lâu đã được nhận định như là một trong những nhiệm vụ chiến lược trong phát triển du lịch, song vẫn còn những ứng xử chưa đạt chuẩn với các di tích. Thực tế diễn ra xung quanh di tích căn cứ Hoàng Nghiêu (xã Hoàng Sơn, Nông Cống) là một trong những minh chứng rõ ràng nhất.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển du lịch – nhìn từ văn hóa ứng xử với di tích

Phát triển du lịch – nhìn từ văn hóa ứng xử với di tích

Khu Di tích Hoàng Nghiêu với một phần của dải núi dài hơn 10km chạy qua xã Hoàng Sơn (Nông Cống).

Hoạt động bảo tồn, phát huy hiệu quả các di tích từ lâu đã được nhận định như là một trong những nhiệm vụ chiến lược trong phát triển du lịch, song vẫn còn những ứng xử chưa đạt chuẩn với các di tích. Thực tế diễn ra xung quanh di tích căn cứ Hoàng Nghiêu (xã Hoàng Sơn, Nông Cống) là một trong những minh chứng rõ ràng nhất.

Hoàng Nghiêu là nơi mà người anh hùng Lê Chích (vốn là họ Nguyễn, được Lê Thái tổ ban quốc tính – người con ưu tú của mảnh đất xứ Thanh đã lựa chọn làm nơi xây dựng căn cứ dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược vào đầu thế kỷ XV. Sách Đại Nam nhất thống chí – tỉnh Thanh Hóa (tập Thượng) đã có những đoạn ghi chép mang tính khái quát chung về thành Hoàng Nghiêu: “Ở lườn núi Hoàng Sơn, thuộc xã Châu Suyết, huyện Nông Cống. Thành này liền với con sông con, lại qua sông là cái động Nghiêu Sơn, thuộc xã Xích Lộ, huyện Đông Sơn. Cả hai đều là thành cũ cả. Bên tả, bên hữu liền núi làm thành, chỗ nào khuyết núi thì đắp đất làm lũy. Trong có thung lũng, đất rộng chừng vài trăm mẫu. Có 1 tòa bia đá, lâu năm chữ mờ không đọc rõ. Hiện di tích vẫn còn. Tương truyền ngày xưa vào cuối thời Trần sang Lê, Lê Chích kháng cự với quân Minh ở đó”. Không chỉ nổi danh với căn cứ quân sự thành Hoàng Nghiêu khiến giặc Minh bao phen điêu đứng, tướng Lê Chích còn được biết đến như là một trong khai quốc công thần nhà Lê. Toàn bộ sự nghiệp của ông tập trung vào công cuộc giải phóng đất nước và bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia. Ông xứng đáng là một danh tướng, một nhà chiến lược quân sự, một người anh hùng đã góp phần làm nên thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Có một lần về với dãy Hoàng Nghiêu để tận mắt ngắm nhìn những dấu tích còn sót lại của trường thành xưa mới cảm nhận hết được nét đẹp giao thoa giữa cảnh sắc thiên nhiên và những câu chuyện văn hóa – lịch sử thấm đẫm trong mạch nguồn di tích. Khu di tích căn cứ Hoàng Nghiêu với quần thể núi, sông, hang động, thành lũy nằm ở vị trí giáp ranh giữa 3 huyện: Nông Cống, Đông Sơn, Quảng Xương. Con sông Hoàng Giang dòng nước quanh năm ngầu đỏ, lên xuống theo từng đợt thủy triều dâng. Bên ngoài thành, hai đầu sông tạo thành 2 ngã ba với mạn phía Nam, sông Yên từ xã Quảng Yên, Quảng Xương chảy về, hợp với Hoàng Giang, tạo nên ngã ba Vực Thần, rồi xuôi chảy vào cứ địa Hoàng Nghiêu. Ở mạn phía Bắc, một nhánh sông Chu từ huyện Thiệu Hóa, qua xã Vạn Lộc, Triệu Sơn chảy xuống, hợp với Hoàng Giang tạo nên ngã ba Hón Ó. Những ngã ba sông tạo nên cảnh quan mênh mông sóng nước bao quanh thành. Tựa lưng vào chân núi, các làng: Hồi Cù, Nhâm Cát, Ó... dần hiện ra trong những nếp nhà mộc mạc, bình yên. Núi Hoàng Nghiêu hai bên vách đá dựng đứng, phía Đông còn dấu vết một lối ra vào, tục gọi là Cửa Tiền. Lối ra vào thành men theo chân núi. Nghĩa quân ra vào chủ yếu bằng thuyền nan và thung thuyền là một kho thuyền lớn nhỏ xếp đầy hang chuẩn bị cho hành quân xa. Theo các cụ cao niên trong làng Nhâm Cát (xã Hoàng Sơn) truyền kể lại, mỗi một địa danh ở Hoàng Nghiêu Sơn này đều gắn liền với những năm tháng lịch sử vất vả xây thành, dựng lũy chống giặc của người anh hùng Lê Chích như: Thung Dinh là nơi tướng Lê Chích ở; Thung Đình là nơi các tướng sĩ họp bàn đại sự; Thung Chanh, Thung Ổi là nơi quân sĩ tập kết nghỉ ngơi; Đồi Chiêu Nghĩa là nơi tướng Lê Chích và anh hùng hào kiệt bốn phương về tụ nghĩa... Nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Tuấn Phổ khi thực hiện điền dã và tổng hợp từ cứ liệu lịch sử đã đánh giá về căn cứ Hoàng Nghiêu: “Thành đá Hoàng Nghiêu Sơn của tướng quân Lê Chích là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo trong kiến trúc xây dựng thành đá dựa vào thiên nhiên, lợi dụng một công trình núi non hùng vĩ của tạo hóa để thay sức người hữu hạn trong thế giới vô hạn”. Trong báo cáo tổng kết hội thảo Danh nhân Lê Chích và căn cứ Hoàng Nghiêu, GS.Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã khẳng định: “Căn cứ Hoàng Nghiêu là một căn cứ khởi nghĩa và kháng chiến rất lợi hại”.

Hàm chứa những giá trị văn hóa – lịch sử trải suốt hơn 600 năm, một danh thắng có giá trị về cảnh quan tự nhiên gắn với tên tuổi của vị danh tướng đã sống và cống hiến hết mình cho đất nước, nhân dân nhưng cho đến thời điểm hiện tại, di tích Lê Chích gồm hai cụm chính: Mộ - bia đá – đền thờ tại thôn Vạn Lộc, xã Đông Ninh (Đông Sơn) và căn cứ Hoàng Nghiêu trên địa bàn 3 huyện: Nông Cống, Đông Sơn, Triệu Sơn vẫn chưa được quan tâm đúng mức, xứng tầm với những giá trị vốn có. Về cụm di tích Mộ - bia đá – đền thờ, tuy đã được xếp hạng di tích quốc gia năm 1992 nhưng trải qua sự biến thiên của thời gian, khu vực đền thờ đã ở trong tình trạng xuống cấp nhiều năm nay mà chưa được tu bổ, tôn tạo. Nếu không sớm được trùng tu, tôn tạo lại, di tích lịch sử cấp quốc gia này có nguy cơ trở thành phế tích.

Về căn cứ quân sự Hoàng Nghiêu, vốn là một trường thành tiếp nối, trải dài qua 3 huyện nhưng theo ông Lê Đình Thức, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Nông Cống chia sẻ: “Đến thời điểm hiện tại, trong 5 đoạn tường thành bằng đất còn lưu lại thì chỉ có 2 đoạn nằm trên địa giới hành chính xã Đông Nam (Đông Sơn) đã được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 1992, điều chỉnh năm 2004. Còn 3 đoạn nằm trên địa giới hành chính xã Hoàng Sơn (Nông Cống) vẫn chưa được công nhận di tích”. Trong khi đó, cũng tại Báo cáo tổng kết hội thảo Danh nhân Lê Chích và căn cứ Hoàng Nghiêu, GS Phan Huy Lê nhìn nhận “căn cứ Hoàng Nghiêu xứng đáng được xếp hạng quốc gia” và đã có kiến nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ báo cáo tỉnh để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng quốc gia cho di tích này. Bên cạnh đó, hiện trạng khai thác đá ngay trong vùng lõi không chỉ gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân mà đang tiềm ẩn những nguy cơ đe dọa xâm hại di tích. Được biết, liên quan đến vấn đề khoanh vùng, bảo vệ di tích thành Hoàng Nghiêu, ngày 28-2-2017, UBND tỉnh ra Quyết định số 623/QĐ – UBND về việc phê duyệt Đề cương và Dự toán lập bản đồ mốc giới và cắm mốc giới khoanh vùng bảo vệ Di tích lịch sử thành Hoàng Nghiêu – Căn cứ Nguyễn Chích các huyện: Đông Sơn, Nông Cống, Triệu Sơn và giao cho Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, anh Thức cho biết: “Sau gần 2 năm kể từ ngày có quyết định, việc triển khai thực hiện mới chỉ dừng lại ở hoạt động khảo sát”.

Thực trạng di tích đứng trước nguy cơ không còn gì do chưa được đánh giá đúng tầm, quan tâm đúng mức và đặc biệt là vấn đề xâm thực tại “vùng lõi” di tích như trường hợp của khu di tích căn cứ Hoàng Nghiêu đang trở thành vấn đề nan giải trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di tích văn hóa – lịch sử nói riêng và vấn đề phát triển du lịch nói chung. Thực trạng này phản ánh tầm nhận thức, văn hóa ứng xử với di tích của chúng ta còn nhiều hạn chế. Mỗi một di tích tồn tại đến ngày hôm nay là hiện thân của quá khứ, của lịch sử đã được đánh đổi bằng mồ hôi, máu và nước mắt cha ông mình. Và, ngược lại, quá khứ là hành trang mà lịch sử ưu ái dành tặng cho tương lai. Có quá khứ để biết ta sinh ra từ đâu và nỗ lực phát triển như thế nào. Quá khứ cũng như một tấm gương để mỗi một con người, một vùng lãnh thổ soi rọi mình trong đó, chiêm nghiệm của thất bại và thành công. Nhìn thấy thành công để nỗ lực đi tiếp, nhìn nhận thất bại để nỗ lực vươn lên. Điều quan trọng nhất và cần thiết nhất để nền du lịch của chúng ta phát triển lâu dài và bền vững là phải nâng tầm nhận thức trong mỗi cá nhân con người, bởi chỉ khi có được những nhận thức đầy đủ, sâu sắc về giá trị to lớn của các di tích văn hóa – lịch sử, về ý nghĩa tồn tại của chúng thì mới biết nâng niu, trân trọng mà gìn giữ. Và hơn tất thảy mọi điều, để làm được điều đó một cách bài bản, có chiều sâu, du lịch xứ Thanh cần sự chung tay của cả cộng đồng.

Hương Thảo


Hương Thảo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]