(Baothanhhoa.vn) - Theo tôi biết, Phạm Khang được đào tạo bài bản về văn chương ở nước Nga (Liên Xô cũ), sau đó về nước trực tiếp làm công tác biên tập tác phẩm văn học. Anh đọc nhiều, đi nhiều, với vốn liếng tích lũy được trong cuộc sống cùng khối kiến thức đồ sộ đã tiếp thu trong nhà trường và thực tiễn, anh đã cho ra đời 14 tác phẩm gồm: 9 tập thơ, 3 tiểu thuyết, 1 truyện vừa và 1 bút ký. Quá trình đó, anh đã được nhận 4 giải thưởng văn học Lê Thánh Tông và một số giải thưởng khác về thơ văn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phạm Khang với “Vết chân của ngày”

Theo tôi biết, Phạm Khang được đào tạo bài bản về văn chương ở nước Nga (Liên Xô cũ), sau đó về nước trực tiếp làm công tác biên tập tác phẩm văn học. Anh đọc nhiều, đi nhiều, với vốn liếng tích lũy được trong cuộc sống cùng khối kiến thức đồ sộ đã tiếp thu trong nhà trường và thực tiễn, anh đã cho ra đời 14 tác phẩm gồm: 9 tập thơ, 3 tiểu thuyết, 1 truyện vừa và 1 bút ký. Quá trình đó, anh đã được nhận 4 giải thưởng văn học Lê Thánh Tông và một số giải thưởng khác về thơ văn.

Phạm Khang với “Vết chân của ngày”

Cầm trên tay tập thơ: “Vết chân của ngày” do anh tặng, tôi đọng lại cơ man suy tư về những vần thơ của anh đang hiện hữu trên từng trang giấy.

Đọc: “Vết chân của ngày” như vẫn nghe tiếng vó ngựa, gươm khua từ thuở tiền nhân:

Nghe gươm khua một thuở

ngựa loang máu tiền nhân

quân quan hòa chén rượu...

Cho:

Đại Việt sạch làu bóng giặc...

(Bên tượng Bình Định Vương)

Và đây:

Đây đỉnh Ngàn Nưa hào hùng quân binh Triệu Ẩu

giặc Hán kinh hồn bạt vía tiếng gươm khua...

Lịch sử mãi còn đây dấu tích

người con gái anh hùng cưỡi voi một ngà đánh giặc...

(Uống rượu với bạn trên đỉnh Ngàn Nưa)

Những vần thơ trên đã nhắc nhớ về một thuở cha ông kiên cường đấu tranh chống lại ngoại bang để giữ gìn đất Việt. Những vần thơ lắng đọng trầm tích với thời gian, khắc họa chân dung những anh hùng áo vải nước Nam đã tạc vào lịch sử những giai thoại trầm hùng không thể nào quên. Không chỉ có thế, tiếp nối mạch thơ hoài niệm đó, Phạm Khang đưa ta lên biên ải phía Bắc nơi đời đời lưu giữ oán hận núi sông:

... oán hận những vương triều bạo ngược

bông hoa và lưỡi kiếm

súng ống và bom đạn

Mục Nam Quan đã bao lần chứng kiến...

Từ cực Bắc, nhà thơ đưa chúng ta xuống cực Nam đất nước, khi:

Ôi Nguyễn Kim

sự nghiệp của ông vẫy gọi Nguyễn Hoàng

thanh gươm và chí lớn

về Nam!

về Nam!

ta đi mở cõi

nghìn năm sau non nước mãi ơn đầy...

(Bên nhà thờ Nguyễn Kim)

Như vậy chỉ với ít bài thơ ngắn, Phạm Khang đã tạc lại hình dáng những tiền nhân đất Việt từng lên voi, xuống ngựa, cầm quân xông pha trận mạc để giữ gìn non sông chống lại kẻ xâm lấn phương Bắc trong nhiều thập kỷ, mang gươm đi mở cõi phía Nam để có hình hài đất Việt như ngày nay. Tác giả đã khéo léo ghi lại, tả lại, kể lại thật sinh động thiên lịch sử hào hùng của cha ông bằng những vần thơ đắt giá.

Vọng nhớ cố nhân, biết ơn tiên tổ để chúng ta tiếp tục xây đắp tình yêu quê hương, đất nước, con người đất Việt, tác giả viết:

Ôi đất nước bốn nghìn năm trận mạc

Dậy hồn thiêng hào khí Tiến quân ca...

(Tưởng nhớ Văn Cao)

Nhà thơ đã thể hiện nỗi niềm trước thiên tai đang ập xuống:

Mưa lũ miền Trung xóa nát trái tim ta

một ao máu đỏ dòng sông Lạc Việt

thương phận đầu đen ngập trôi nước xiết...

(Thương về miền Trung)

Những vần thơ đã khắc họa rất đậm nét bao đau thương, mất mát của Nhân dân miền Trung khi những cơn bão lũ lịch sử tràn về. Nhưng từ trong gian nan, hoạn nạn đã toát lên tinh thần tương thân tương ái, đồng bào cưu mang đùm bọc lẫn nhau, cùng chia cơm sẻ áo. Đấy chính là cốt cách Việt Nam, tinh thần Việt đã trở thành sức mạnh được hun đúc, đắp xây tự nghìn năm truyền thống. Vì thế, dù có đi đâu, làm gì, chúng ta cũng không thể quên được ơn nghĩa tổ tiên, cha ông, tình sâu nặng nơi đã sinh ra và nuôi ta lớn lên với:

Ta đã đi qua bao biến động ngất trời...

ta vội chạy về vào một ngày giông bão

gặp cây đa bến nước sân đình

cha đã khuất

mẹ bóng gầy tóc bạc...

ta ào vào tay mẹ khóc rưng rưng...

(Bài học thuộc lòng)

Chính tình yêu với cha mẹ, với quê hương đã nuôi dưỡng cho tình yêu đất nước biến thành ý chí kiên cường và sức mạnh để chúng ta quyết giữ trọn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, khát vọng phát triển bền vững và thịnh vượng, Nhân dân ngày càng hạnh phúc để: hát mãi bài ca đất nước/ xanh ngời trong câu hát mẹ ru...! (Mục Nam Quan).

Để rồi Phạm Khang đã có nhiều bài thơ cảnh tỉnh, cảnh báo về những hiện tượng tha hóa trong đời sống xã hội. Thực tế của cái được, mất: “Chao ôi cái ván bài của thời hội nhập/ cái gì cũng được đổi trao và quảng cáo đắt hàng (Những cảnh giới không được báo trước). Rồi:

nhân phẩm bán rao vỉa hè quán nhậu

cò mồi

chỉ điểm

dự án cha chung không ai khóc

đạo văn

đạo thi

đạo bằng

đạo cấp...

(Phố phường thời@)

Cùng với những đề tài xã hội, nhà thơ Phạm Khang đề cập đến nhiều mảng đời, thân phận đang diễn ra trên thực tế, đặc biệt là những người phụ nữ: Người đàn bà đã mất chồng và hai con trong một tai nạn máy bay.../ người đàn bà bỗng dưng tay trắng... (Người đàn bà ngồi trong công viên); có người phu chữ cuối đời héo hon nỗi niềm/ bỏ lại làng quê xa tít chân trời/ bỏ lại cuộc tình hồn sông hoa cúc/ bướm vàng bay khắc khoải trong lòng... (Phu chữ).

Tuy nhiên, nếu không đề cập đến tình yêu trong tập thơ “Vết chân của ngày” sẽ là đáng tiếc. Đó là tình yêu chân chất, đồng quê:

Người hẹn một ngày đôi chim thêu gối

gối tình tang em hẹn góc làng...

(Quê ta mùa tháng ba)

đến những mối tình lãng đãng trong hoàng hôn:

Người đàn bà đi trong hoàng hôn

Nàng khép áo hình như trời se lạnh

...

Người đàn bà của ai trong đời

...

Cho bâng khuâng lòng

Cho tím mãi hoàng hôn...

(Người đàn bà đi trong hoàng hôn)

Và rồi tình yêu dạt dào say đắm khi:

Em dẫn anh đi tìm đam mê

Dạt dào con sóng...

...

Ta ôm siết đêm đầy buông thả đắm say...

(Nha Trang ơi mùa biển anh về)

Chậm thôi nào

và cứ thế em yêu

...

êm đềm lời yêu không có tuổi...

(Valse)

Có người nói, thơ Phạm Khang rất kén người đọc. Điều ấy có thể đúng. Nhưng hãy đọc, đọc kỹ và suy ngẫm sẽ nghiệm được thật nhiều điều.

Minh Trang


Minh Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]