(Baothanhhoa.vn) - Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, có đoạn tả chị em Thúy Kiều - Thúy Vân đi chơi hội “đạp thanh”:

“Nức” hay “Nước” trong câu Kiều “Ngựa xe như nước áo quần như nêm”

Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, có đoạn tả chị em Thúy Kiều - Thúy Vân đi chơi hội “đạp thanh”:

“Nức” hay “Nước” trong câu Kiều “Ngựa xe như nước áo quần như nêm”

Ảnh nguồn Interner

Thanh minh trong tiết tháng ba

Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh

Gần xa nô nức yến anh

Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân

Dập dìu tài tử giai nhân

Ngựa xe như nước áo quần như nêm.

Hội “đạp thanh” trong “Kim Vân Kiều truyện” có nguồn gốc từ lễ Thượng Tị (lễ cúng tổ tiên gắn với tảo mộ) có từ đời Hiên Viên Hoàng Đế của Trung Quốc. Đến đời Tống, lễ Thượng Tị chuyển thành ngày nam nữ du xuân gọi là hội “đạp thanh” (chữ “đạp” vừa có nghĩa là dẫm, vừa có nghĩa du ngoạn; chữ “thanh” vừa có nghĩa là cỏ, vừa có nghĩa là thanh khiết, trong lành). “Dập dìu tài tử giai nhân”, tín hiệu gặp gỡ, hẹn hò lứa đôi được Nguyễn Tiên Điền hé lộ nôm na mà tinh tế trong hai chữ “dập dìu”. Góp phần lột tả không khí hội “đạp thanh” còn phải kể đến câu: Ngựa xe như nước áo quần như nêm.

Tuy nhiên, đây cũng là câu gây nên những băn khoăn trong cách dịch và mọi chú ý từ trước đến nay đổ dồn vào từ “nêm”. Theo Đào Duy Anh, tác giả Từ điển Truyện Kiều, ông chú giải từ “nen” thay cho từ “nêm” vì cho rằng hai từ này đồng nghĩa. Cũng theo Đào Duy Anh, nghĩa của từ “nen” là “len, chen, chen chúc”. Tuy nhiên, theo thiển nghĩ, nếu giải thích “nen” tức là “len” và nghĩa là “chen”, “chen chúc” thì thật không ổn. Đánh đồng “len” với “nen” thì chỉ có thể là nói ngọng. Bản thân từ “len” có nghĩa là “chen chúc, chen lấn”. Nếu các nam thanh nữ tú, “tài tử giai nhân” đi hội mà đi với tâm thế “chen lấn” xô đẩy thì quả không hợp tí nào, nhất là họ không đi bộ mà đi bằng xe ngựa thì việc len/chen lại càng không thể. Vậy, “nen” không thể là “len” mà chính là “nêm”, nghĩa của “nêm” là “chật, chặt, chèn chặt” (nêm cối). “Áo quần như nêm”, diễn tả người đi hội đông đến mức các tà áo như “nêm” vào nhau, chật/chặt cứng. Nếu dòng người bị nêm chặt như thế thì nửa đầu của câu sẽ diễn tả điều gì cho tương ứng? “Ngựa xe như nước” (!) Vế này hầu như không thấy có hoài nghi, thắc mắc, bởi, hầu như đều bị thuyết phục từ cách giải thích, ý xuất phát từ thành ngữ “xa thủy mã long” (xe chạy như nước chảy). Song, nếu để hai vế của câu “Ngựa xe như nước, áo quần như nen” thì cách diễn đạt như bị “sái”, một đằng, diễn tả phương tiện thì bóng bẩy, hào hoa; một đằng, diễn tả dòng người thì nôm na, thô kệch (len, chen lấn). Bút pháp Nguyễn Du chắc chắn không phải thế, không thể khập khễnh thế. Vậy, nút thắt ở đâu?

Theo tôi, nếu chữ “nêm” có nghĩa đích thực là gợi tả người đi hội đông đến nỗi như bị nêm chặt lại, song, vẫn ngay ngắn, trật tự chứ không phải chen lấn. Vậy, có thể vế đầu của câu sẽ là: Ngựa xe như nức! Nguyễn Du là bậc thầy ngôn từ, bản Truyện Kiều được viết bằng chữ Nôm. Nếu Nguyễn Tiên Điền đã dùng “nêm” để diễn tả mức độ đông đúc của người đi hội thì ắt hẳn người sẽ dùng “nức” để diễn tả số nhiều của phương tiện. “Nức” và “nêm” đều là những từ cổ, gắn với làm các đồ vật dụng bằng tre nứa như: rổ, rá, thúng, mủng, dần, sàng, cối xay... “Nức” là công đoạn cuối hoàn thiện sản phẩm, nức rổ, nức rá là kéo cho các nan khít chặt lại với nhau, để tạo nên vành miệng rổ rá, vừa tạo độ chắc chắn.

Như vậy, “nức” đồng nghĩa với “chặt, khít”. “Ngựa xe như nức” là hình ảnh những cỗ ngựa xe đi hội nhiều, đông đến nỗi có cảm giác chúng bị ken chặt lại với nhau. Hai động từ đã được chuyển thành danh từ với sắc thái của tính từ để nhấn mạnh độ đông đúc, hấp dẫn của lễ hội đạp thanh. Lễ tảo mộ, tri ân trùng khít với lễ hội tình nhân, tiếng là giáo dục lòng hiếu đễ, tưởng nhớ cội nguồn, nhưng thực chất là cuộc giao duyên, trùng phùng của các tài tử giai nhân, vì vậy, không khí hào hứng, rộn ràng, nhộn nhịp là có thật. Bậc thầy chữ Nôm Nguyễn Tiên Điền đã Việt hóa không khí hội đạp thanh thành hội du xuân thuần Việt qua ngôn ngữ thuần Việt. Mùa xuân với người Việt cũng là mùa lễ hội, vào tiết thanh minh, không còn những trận mưa phùn lâm thâm buốt giá, màu trời cũng đã hửng sáng, lộc non đã nhú đầu cành, các loài hoa bung nở... Sức sống tràn trề của thiên nhiên lan nhập vào lòng người. Khắp nơi, trong các vùng thôn quê diễn ra các lễ hội để con người kết giao với trời đất, cầu ước được che chở, sung túc, gửi gắm niềm hy vọng bình an, hạnh phúc.

Chữ Nôm vào tay Nguyễn Du trở nên sắc sảo và tinh tế đến mức, người dịch luôn tìm cách chuyển nghĩa bằng vốn ngôn từ bác học mà quên mất rằng Nguyễn Tiên Điền chủ trương chọn chữ nôm để dịch Kim Vân Kiều với dụng ý “lời quê góp nhặt dông dài”. Tác giả dùng “lời quê” để kể, để thán, để tâm sự và cảm thông với phận người, với chính mình. Vì vậy, nên chăng, có lúc, có chỗ cần giải mã tinh thần của Truyện Kiều bằng ngôn ngữ “lời quê” như ý đồ của chủ nhân mách bảo, biết đâu lại là tri âm?

Hỏa Diệu Thúy


Hỏa Diệu Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]