(Baothanhhoa.vn) - Lê Anh Tuấn là một chàng trai đam mê ca hát từ nhỏ, bên cạnh năng khiếu bơi lội. Một lần tình cờ được người anh trai của anh rể là nghệ sĩ Đoàn Minh làm ở Đoàn ca múa Thanh Hóa, thấy anh có dáng người cao ráo, khuôn mặt thanh tú, nên muốn kéo về đoàn làm diễn viên múa. Không bỏ lỡ cơ hội này, năm 1978, anh quyết định thi vào Đoàn ca múa Thanh Hóa (nay là Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn) và theo nghiệp ca hát từ đó.

Tin liên quan

Đọc nhiều

NSƯT Lê Anh Tuấn - người chiến sĩ cũng là ca sĩ

Lê Anh Tuấn là một chàng trai đam mê ca hát từ nhỏ, bên cạnh năng khiếu bơi lội. Một lần tình cờ được người anh trai của anh rể là nghệ sĩ Đoàn Minh làm ở Đoàn ca múa Thanh Hóa, thấy anh có dáng người cao ráo, khuôn mặt thanh tú, nên muốn kéo về đoàn làm diễn viên múa. Không bỏ lỡ cơ hội này, năm 1978, anh quyết định thi vào Đoàn ca múa Thanh Hóa (nay là Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn) và theo nghiệp ca hát từ đó.

NSƯT Lê Anh Tuấn - người chiến sĩ cũng là ca sĩ

NSƯT Lê Anh Tuấn vẫn hát với tất cả tấm lòng của người chiến sĩ.

Về Đoàn ca múa Thanh Hóa làm diễn viên múa được 2 năm, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1980, Lê Anh Tuấn khoác ba lô lên đường nhập ngũ, tham gia lực lượng quân tình nguyện chiến đấu giúp nước bạn Lào. Anh được điều làm công tác tuyên huấn, là chiến sĩ của đội văn nghệ thuộc Trung đoàn 79, Binh đoàn 12 Trường Sơn. Cuộc đời binh nghiệp của anh đã trải qua những “mưa rừng”, “cơm nắm”, “nằm võng” nhưng vẫn son sắt niềm tin, lạc quan yêu đời. “Tiếng hát át tiếng bom”. Thông qua những tiết mục văn nghệ về tình yêu quê hương, đất nước, về cách mạng; bám sát đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của quân đội để tuyên truyền, động viên bộ đội chiến đấu, sản xuất giỏi. Những bài ca đi cùng năm tháng, như: “Bài ca Trường Sơn”, “Lá đỏ”, “Đất nước tôi”, “Màu tím hoa sim”, “Người mẹ của tôi”..., đã theo bước chân anh suốt dặm dài đất nước. Những ca khúc ấy, cho dù là hát về cách mạng, về quê hương, đất nước hay hát về xứ Thanh thân yêu, thì ở anh vẫn mang một chất giọng đầy tự hào chen lẫn cảm xúc trữ tình da diết.

Năm 1985, hoàn thành xong nghĩa vụ quân sự, anh trở về Đoàn ca múa Thanh Hóa tiếp tục làm diễn viên múa. Trong quá trình công tác, anh bộc lộ khả năng ca hát trội hơn múa, lãnh đạo Đoàn ca múa Thanh Hóa đã quyết định chuyển anh sang diễn viên ca hát. Từ năm 1993 đến 1997, anh theo học thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, anh lại về Đoàn ca múa Thanh Hóa công tác, chuyên tâm vào ca hát và tham gia giảng dạy tại khoa âm nhạc Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thanh Hóa (nay là Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa), theo sự điều động của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. Cho đến năm 2017, anh nghỉ dạy ở trường (20 năm) và năm 2020, nghỉ hưu ở Đoàn ca múa Thanh Hóa.

Những năm tháng ở trong quân ngũ đã rèn giũa cho anh có thêm ý chí và bản lĩnh để cống hiến nhiều hơn cho nghệ thuật. Trở về từ chiến trường, “chân cứng, đá mềm”, anh lại tiếp tục cuộc hành trình lên miền rẻo cao, ra hải đảo xa xôi, mang lời ca tiếng hát đi xây đời ấm no, hạnh phúc.

Một chuyến đi lưu diễn ở huyện Mường Lát cuối những năm 90 đã để lại cho anh những ấn tượng khó quên. Ngày ấy, đường sá đi lại còn khó khăn, tốp diễn viên, nhạc công của anh phải đi bộ, vượt qua không biết bao nhiêu cánh rừng, bao nhiêu quả đồi, dừng chân cắm bản rồi lại đi tiếp. Anh em trong đoàn cứ thế thay nhau vận chuyển loa đài, máy phát điện và các dụng cụ biểu diễn, lội suối, băng rừng đến từng bản nhỏ phục vụ bà con. Thấy bà con hồ hởi như đón người thân đi xa lâu ngày trở về, anh cũng như mọi người trong đoàn cảm thấy ấm lòng, như xua tan hết mệt nhọc. Những bài hát ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ, ca ngợi quê hương, đất nước, các điệu múa dân tộc của các nghệ sĩ dưới xuôi mang lên trở thành món quà giá trị với bà con. Trân quý hơn là tình cảm giữa các nghệ sĩ và bà con dân bản thêm phần gắn bó keo sơn. Các nghệ sĩ được bà con đùm bọc, yêu thương như con trong một nhà. Sau một đêm diễn, sáng sớm bà con lên nương làm rẫy, còn các nghệ sĩ thức dậy đã có chõ xôi nóng hổi trên bếp, ăn xong rồi lại khăn gói lên đường. Chính tình cảm ấy là liều thuốc tinh thần vô giá tiếp thêm động lực để các nghệ sĩ cống hiến, mang văn hóa đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa.

Mấy chục năm ca hát, anh đã trải qua những thăng trầm của cuộc đời và những “sống còn” của nghề. Có những thời kỳ văn hóa, văn nghệ “lên ngôi”, sân khấu “đỏ đèn”, người dân chen nhau xếp hàng mua vé vào xem. Nhưng đến khoảng những năm 2000 trở đi, các loại hình nghệ thuật khác bắt đầu du nhập và phát triển, nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân bão hòa, khiến cho sân khấu truyền thống khó cạnh tranh và tồn tại. Một số nghệ sĩ đã phải bỏ nghề, vì thiếu vắng khán giả, đời sống không đảm bảo. Nhưng cũng có nhiều nghệ sĩ như Lê Anh Tuấn vì đam mê, nhiệt huyết vẫn kiên cường bám trụ với nghề. Để thích ứng với thị hiếu lúc bấy giờ, Đoàn ca múa Thanh Hóa buộc phải dừng bán vé, chuyển sang hình thức hợp đồng với các địa phương, đơn vị, xí nghiệp để biểu diễn theo yêu cầu của họ. Rồi có những giai đoạn mất khoảng 10 năm “chuyển làn” từ ca múa sang kịch hát để thích nghi với thị hiếu khán giả, song cuối cùng ca múa vẫn quay về với chức năng của nó như thuở ban đầu.

Nghề chọn người và nghề cũng không phụ lòng người, bên cạnh những chuyến lưu diễn, Lê Anh Tuấn bắt đầu khẳng định mình ở các cuộc thi, hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc. Đầu tiên, phải kể đến ca khúc “Nổi trống đồng lên” của nhạc sĩ Lê Đăng Khoa, giành Huy chương Bạc năm 2005 ở TP Vinh (Nghệ An). Ca khúc mang âm hưởng hào hùng của sông Mã, nhất là hình ảnh “Nổi trống đồng lên” như một lời hiệu triệu, một tiếng sấm rền, thôi thúc lòng tự hào dân tộc của mỗi người con xứ Thanh.

Ca khúc thứ hai là “Nơi neo đậu hồn tôi” của nhạc sĩ An Thuyên, giành Huy chương Vàng tại Buôn Mê Thuột năm 2009. Chọn ca khúc này, Lê Anh Tuấn muốn chuyển tải tới người nghe tấm lòng của người con Thanh Hóa đối với quê hương. Đó là nỗi nhớ cồn cào, mộc mạc, chân tình gắn với những địa danh sông Mã, Hàm Rồng, mở rộng ra là vùng đất, con người xứ Thanh oai hùng lịch sử, trù phú thơ ca. Anh cũng là người đầu tiên đưa ca khúc này đến với khán giả, về sau ca khúc được nhạc sĩ An Thuyên đổi tên là “Câu hát tỉnh Thanh”, với ý nghĩa có địa danh cụ thể, nghe là nhớ, nhớ là thuộc, thuộc là yêu, là thêm quý mảnh đất này.

Đem về cho anh chiếc Huy chương Vàng thứ ba tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2017 là ca khúc “Địa khúc giao hòa” của nhạc sĩ Quang Vinh. Với ca khúc này, anh cùng với con dâu là ca sĩ Vi Thiên Thanh đã hoàn toàn thuyết phục được ban giám khảo, bởi tài năng và sự phối hợp nhuần nhuyễn của hai người nghệ sĩ và cũng là hai bố con. Năm 2019, Lê Anh Tuấn vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, sau hơn 40 năm gắn bó và cống hiến không nhỏ cho hoạt động nghệ thuật tỉnh nhà và của cả nước.

Giờ đây về nghỉ hưu, Lê Anh Tuấn luôn cảm thấy hạnh phúc, tự hào bởi các thành viên trong gia đình đều là những nghệ sĩ tài năng của Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn. Họ không chỉ là người cùng một nhà, đi chung trên đường đời, mà còn là đồng nghiệp, bạn diễn ăn ý của nhau trên sân khấu. Mong muốn với gia đình nghệ sĩ Lê Anh Tuấn, thế hệ cha trước con sau sẽ luôn vun đắp cho “cây đời” và “cây nghệ thuật” mãi mãi xanh tươi, bền vững.

Bài và ảnh: Ngọc Anh


Bài và ảnh: Ngọc Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]