(Baothanhhoa.vn) - Câu lạc bộ (CLB) văn hóa, văn nghệ dân gian xã Hoằng Thái được xem như “mái nhà chung” cho những con người có chung niềm đam mê, nhiệt huyết. Thông qua các buổi sinh hoạt, gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với đội bạn, nhiều người được rèn luyện, bồi dưỡng trở thành những hạt nhân văn nghệ quần chúng tiêu biểu.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nơi ươm mầm những “hạt nhân” văn nghệ quần chúng

Câu lạc bộ (CLB) văn hóa, văn nghệ dân gian xã Hoằng Thái được xem như “mái nhà chung” cho những con người có chung niềm đam mê, nhiệt huyết. Thông qua các buổi sinh hoạt, gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với đội bạn, nhiều người được rèn luyện, bồi dưỡng trở thành những hạt nhân văn nghệ quần chúng tiêu biểu.

Nơi ươm mầm những “hạt nhân” văn nghệ quần chúng

Các thành viên CLB văn hóa, văn nghệ dân gian xã Hoằng Thái biểu diễn trong một sự kiện của địa phương.

Nương theo từng lời ca, tiếng hát chèo khi thì khoan thai, dìu dặt lúc lại lảnh lót, ngân vang, chúng tôi tìm gặp bà Lại Thị Thể - Chủ nhiệm CLB văn hóa, văn nghệ dân gian xã Hoằng Thái để được nghe nhiều hơn những câu chuyện về tình yêu, niềm đam mê và đóng góp của các thành viên nơi đây đối với phong trào văn nghệ quần chúng của địa phương. Từng có thời gian công tác tại Phòng Giáo dục huyện Hoằng Hóa, nhiều năm đứng trên bục giảng sau đó về nghỉ hưu, nay đã ở vào độ tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng bà Thể không muốn quanh quẩn vào ra nơi góc sân, mảnh vườn. Bà mong được sống vui – khỏe – có ích, tiếp tục cống hiến cho quê hương. Bởi thái độ sống tích cực ấy, bà Thể rất tâm huyết, nhiệt tình với hoạt động của CLB. Bà chính là một trong những nhân tố tiêu biểu góp phần “vực dậy” truyền thống, phong trào văn nghệ quần chúng của xã Hoằng Thái. Bà chân thành chia sẻ: “Từ xa xưa, cũng như các địa phương khác ở huyện Hoằng Hóa nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung, xã Hoằng Thái có truyền thống về văn nghệ dân gian. Tuy nhiên, theo dòng chảy của thời gian, biến động lịch sử, truyền thống ấy dần mai một, có thời điểm tưởng như đã hoàn toàn bị quên lãng, “xóa sổ”.

Lúc bấy giờ, điều kiện kinh tế - xã hội của xã Hoằng Thái còn hạn chế, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn nên cũng chưa lo nghĩ, chăm chút được nhiều cho đời sống tinh thần. Bà Thể vẫn cùng một số chị em trong xã trò chuyện, trăn trở: “Xã mình vốn có truyền thống, phong trào như thế mà để mất đi thì quả thực rất đáng tiếc”. Từ nhận thức đến hành động, nghĩ là bắt tay vào làm ngay, bà Thể và một số chị em tâm huyết đã xây dựng ý tưởng, động viên nhau đi đến từng hộ gia đình, vận động những người có niềm yêu thích, năng khiếu văn nghệ tham gia sinh hoạt, tập luyện. “Những bước đi đầu tiên bao giờ cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, thử thách. Tâm lý mọi người thường hay e dè, ngại ngần này khác. Mặt khác, họ cũng còn nhiều mối lo toan, bận tâm trong cuộc sống nên chưa nhiệt tình hưởng ứng” – bà Thể nói. Tuy nhiên, chính tinh thần nhiệt huyết, lòng chân thành của những người như bà Thể đã trở thành chất xúc tác, kết nối, thổi bùng lên ngọn lửa đam mê trong lòng mỗi người dân nơi đây. Bất ngờ, vui sướng xen lẫn niềm hạnh phúc khi những buổi sinh hoạt, tập luyện, giao lưu văn nghệ dân gian của nhóm bà Thể ngày càng thu hút đông đảo thành viên tham gia.

Nhằm mục đích xây dựng một tổ chức, “mái nhà chung” cho các thành viên, lan tỏa các hoạt động này thành phong trào văn nghệ quần chúng, dân gian sôi nổi của xã, từ đó góp phần tích cực trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, CLB văn hóa, văn nghệ dân gian xã Hoằng Thái được thành lập theo Quyết định số 07 ngày 24-5-2013 của Chủ tịch UBND xã Hoằng Thái. Từ đây, CLB không đơn thuần là sân chơi của những người có cùng đam mê, sở thích mà còn là nơi tập hợp, bồi dưỡng, chắp cánh cho những “hạt nhân” văn hóa, văn nghệ dân gian tiêu biểu, trực tiếp đóng góp vào sự phát triển của phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng tại địa phương và là lực lượng xung kích, đại diện cho xã tham gia các hội thi, hội diễn của huyện, tỉnh. Ban đầu, CLB hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực hát chèo, lâu dần có thử nghiệm một số bộ môn nghệ thuật truyền thống, dân gian khác như hát văn, hầu đồng. “Ngày ấy, CLB chẳng có gì ngoài niềm đam mê, nhiệt tình của các hội viên làm động lực phấn đấu” – bà Thể nói.

Sau khi thành lập, để nâng cao chất lượng hoạt động của CLB, ban chủ nhiệm đã cất công đi “tầm sư học đạo”, mời những người có chuyên môn, hiểu biết sâu sắc, vững nghề truyền dạy cho các làn điệu chèo cổ. Với sự đồng hành của ông Nguyễn Như Chi – một người có tiếng tăm, uy tín trong lĩnh vực hát chèo và các phong trào văn nghệ quần chúng của huyện Hoằng Hóa tận tình chỉ bảo, đồng hành, các thành viên CLB đã luyện tập thuần thục, nhuần nhuyễn, có hồn cốt, có nét độc đáo riêng biệt nhiều làn điệu chèo như: “Luyện năm cung”, “lới lơ”, “đào liễu”, “sử xuân”... Không dừng lại ở đó, một số thành viên trong CLB cùng thầy Nguyễn Như Chi chẳng quản vất vả, nhọc nhằn lặn lội sang các huyện Quảng Xương, Hậu Lộc... tìm những người am hiểu các làn điệu chèo cổ, ghi chép, thu băng đĩa về làm tư liệu tham khảo, luyện tập. Do đó, chất lượng hoạt động của CLB ngày càng được nâng cao. CLB thường xuyên được mời giao lưu, biểu diễn trong các dịp lễ, tết, hội làng, hội hè hay các sự kiện quan trọng, các cuộc thi, liên hoan, hội diễn của xã, huyện và gặt hái được kết quả đáng ghi nhận, được công chúng đón nhận, biểu dương. Đặc biệt, nhiều năm liền, CLB tham gia biểu diễn trong đêm khai trương du lịch biển Hải Tiến, đóng góp vào thành công chung của chương trình.

Từ những ngày đầu thành lập, đến nay, CLB có 18 thành viên tham gia; độ tuổi của các thành viên từ 35 – 70 tuổi. Mặc dù hầu hết các thành viên đều là lao động chân tay, làm nông nghiệp, nặng gánh mưu sinh nhưng vẫn rất nhiệt tình, đam mê, cố gắng duy trì nền nếp sinh hoạt, định kỳ 1 lần/tháng. Riêng vào các đợt có hội thi, hội diễn, thời gian luyện tập được diễn ra hằng ngày, nhất là vào các buổi tối. Cô Bùi Thị Huê (xã Hoằng Thái) cho biết: “Cô tập tành hát chèo từ năm 15 tuổi. Bất kể ở đâu thấy có hát múa chèo là lăn vào nghe bằng hết. Lúc mệt nhọc, lúc buồn, lao động sản xuất mệt nhọc chỉ cần cất tiếng hát chèo là thấy đời thêm vui”.

Các tiết mục văn nghệ của CLB ngoài sức hút từ những động tác múa uyển chuyển, nhịp nhàng, phối hợp ăn ý, nhuần nhuyễn, giọng hát hay, truyền cảm, thấm đẫm sắc thái văn hóa dân tộc. Bám sát thực tế vận động, phát triển của cuộc sống và yêu cầu, nhiệm vụ của quê hương, đất nước trong tình hình mới, CLB đã rất linh hoạt, sáng tạo, nhạy bén khi kết hợp âm nhạc dân gian theo dòng sự kiện một cách thiết thực, ý nghĩa như: Ca ngợi Đảng, Bác Hồ quang vinh, ca ngợi những thành tích đạt được của phong trào xây dựng nông thôn mới, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc... Chính điều đó đã làm nên thành công của nhiều vở chèo do CLB biểu diễn như: “Xây dựng nông thôn mới”, “những nẻo đường quê hương”... Làn điệu chèo “luyện năm cung” tha thiết, trữ tình đã trở thành kênh tuyên truyền hiệu quả, nâng cao nhận thức, khơi dậy niềm tự hào và ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong việc chung sức đồng lòng thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: “Thôn xóm êm đềm/ Trong tiếng hát giao duyên/ Cứ đêm đêm cung đàn khúc nhạc cất lên rộn ràng/ Đường về trăm nơi nắng trải tơ vàng/ Sông núi huy hoàng, ôi đất nước Việt Nam/ Nơi nơi đời đổi mới cùng chung ý chung lòng/ Nông thôn với đô thành/ Vươn mình như sải cánh chim bằng trời xanh”.

Một CLB văn hóa, văn nghệ dân gian với cơ cấu thành viên chỉ có duy nhất 1 nam, nhiều người cao tuổi và phần lớn là những người lao động chân tay, làm nông nghiệp đã gắn bó, đồng hành cùng nhau xây dựng và phát triển phong trào văn nghệ quần chúng tại địa phương suốt hơn 7 năm – đó quả thực là điều đáng trân trọng. Nếu không phải là tình yêu, lòng nhiệt huyết, chân thành thì có lẽ chẳng thể nào tạo nên chất keo gắn kết bền chặt như thế. Chính CLB đã tạo điều kiện, cơ hội, sân chơi cho những “hạt nhân” văn nghệ được thỏa sức cống hiến và sống trọn vẹn cho niềm đam mê. Bà Thể chia sẻ: “Kể từ khi thành lập đến nay, CLB luôn hướng tới mục tiêu sẽ là nơi tụ họp, ươm mầm, chấp cánh cho những người có niềm đam mê cùng một chút năng khiếu văn nghệ phát triển, nhất là thế hệ trẻ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan, hạn chế khiến các bạn trẻ đến với CLB chúng tôi nói riêng và phần lớn các CLB văn hóa, văn nghệ dân gian nói chung chưa nhiều. Vì vậy, chúng tôi hy vọng rằng thông qua hoạt động của CLB có thể lan tỏa sâu rộng giá trị của các bộ môn nghệ thuật dân gian đến đông đảo công chúng. Mặt khác, chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành có sự quan tâm, động viên kịp thời hơn nữa đối với các hoạt động phong trào văn hóa, nghệ thuật quần chúng”.

Bài và ảnh: Thảo Linh


Bài và ảnh: Thảo Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]