(Baothanhhoa.vn) - Đầu năm 2015, tôi được nhà nghiên cứu, nhà sử học Phạm Tấn mời lên làng Yên Hoành chụp ảnh để minh họa cho cuốn địa chí Làng Hoành.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Nơi ấy là chiến trường” - những áng văn Phạm Quang Nghị viết trong lửa đạn

Đầu năm 2015, tôi được nhà nghiên cứu, nhà sử học Phạm Tấn mời lên làng Yên Hoành chụp ảnh để minh họa cho cuốn địa chí Làng Hoành.

“Nơi ấy là chiến trường” - những áng văn Phạm Quang Nghị viết trong lửa đạn

Ông Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội và tác phẩm. Ảnh: T.Đ

Tôi có chút ngạc nhiên. Trong lịch sử địa chí hiện đại, chưa có nơi nào trên đất nước này làm địa chí làng. Nhưng khi lên làng Yên Hoành, tiếp xúc với nhóm sưu tầm có đến 6 cụ gốc làng Hoành, mới biết làng Hoành thật đáng có một pho địa chí. Đây là một làng hình thành từ công cuộc khai hoang do công chúa Phương Hoa sáng lập vào cuối thời Trần. Cái làng mà từ thời nhà Trần đã có nhiều người là mệnh quan của triều đình và trong thời đại Hồ Chí Minh cũng có không ít người là cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước. Làng Hoành đẹp như một bức tranh, trên bến dưới thuyền tấp nập, đường ngang, ngõ xóm phong quang, làng mà có nhiều nghề thủ công, nhiều nơi buôn bán sầm uất, nhiều cây, con đặc sản là một làng giàu có.

Làng này lâu nay chỉ biết ông Phạm Quang Nghị từng là Bộ trưởng, là Ủy viên Bộ Chính trị, là Bí thư Thành ủy Hà Nội, là cán bộ cao cấp của Đảng, ít ai biết ông có một tâm hồn văn chương từ khi còn thanh niên, một sinh viên vừa tốt nghiệp đại học tình nguyện vào chiến trường chiến đấu và làm công tác tuyên huấn của Đảng.

Cũng đã có nhiều tác phẩm có tầm cỡ của ông được xuất bản, như: “Công cuộc đổi mới, động lực phát triển lý luận và văn hóa” (năm 2005); “Thăng Long - Hà Nội - Truyền thống, tầm nhìn, động lực vươn tới” (năm 2012); Thủ đô Hà Nội - tầm vóc mới, vị thế mới” (năm 2016)... Nhưng mãi đến khi ông xuất bản tập thơ “Nỗi nhớ vùng ven” và “Nơi ấy là chiến trường” (tập nhật ký ghi chép thời ông ở chiến trường), người ta mới nhận ra một Phạm Quang Nghị ngoài tố chất lãnh đạo còn là người bình dị, một hồn thơ và một chất lính.

Được ông tặng sách, tôi háo hức đọc đi, đọc lại mấy lần mới thẩm thấu chất văn chương, chất người, chất chân, thiện, mỹ trong tác phẩm dày gần năm trăm trang. Phải nói rằng nhật ký chiến trường thì đã xuất hiện nhiều, kể cả phía bên kia. Nổi lên một thời và đã thành phim ảnh là “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, “Nhật ký Chu Cẩm Phong”, “Nhật ký Dương Thị Xuân Quý”... Nhưng khi đọc “Nơi ấy là chiến trường” cứ làm tôi rưng rưng: Mỗi trang viết của ông làm tôi sống lại thời trai trẻ hừng hực khí thế chống Mỹ, cứu nước.

Từ cái dấu mốc 17-4-1971 đến 6 giờ 30 phút ngày 23-9-1975 - 4 năm ở chiến trường với gần 500 trang viết, gói gọn trong tám chương, tuần tự một cuộc hành trình trong khói lửa bom đạn, trong tấc gang giữa cái sống và cái chết, trong tình cảm yêu thương đùm bọc, che chở hết lòng của nhân dân, cả trong khung trời thơ mộng giữa hai chiến tuyến và có cả tình yêu...

Anh ghi chép tỉ mỉ tên người, tên đất, sự việc, trời mưa hay nắng, khi ở rừng tràm xanh mướt, khi ở đồng nước mênh mông... cứ thủng thẳng thật thà, chân chất ghi hết sự việc diễn ra trong ngày. Nhưng cũng có lúc lời văn lấp lánh trong một phóng sự dài đến mấy trang khi anh và đồng đội vượt qua Đồng Tháp trong cảnh: “Trời mênh mông, đất cũng mênh mông, nhìn ra bốn hướng xa xăm bát ngát, tôi chưa biết hôm nay xuồng sẽ đi theo hướng nào” và cũng thật lãng mạn: “Tôi chăm chú phóng tầm mắt về phía trước, vẫn vệt sao sáng chảy dài theo dòng kênh xanh mầu cẩm thạch, xung quanh hoàn toàn vắng lặng...”. Nhưng cũng có lúc thót tim khi anh vượt qua lộ 4 để về R. Một ông già Nam bộ rót ly rượu đưa anh và nói: “Chú em uống ly rượu này để lát nữa qua lộ chạy cho vững chân, mà rủi có chết, cũng chết khi đã được uống rượu của người dân Hữu đạo” (trang 242). Phạm Quang Nghị không chết vì có sự cưu mang đùm bọc của người dân Nam bộ, một tình cảm chân thành lớn lao như thế.

Cũng có lúc dòng nhật ký ghi sự việc đau quặn thắt. Đó là vào tối 10-2-1971: “Khoảng 7 giờ 20 phút, Nguyễn Văn Kim đã trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh. Kim ơi! Trong mấy ngày qua, tao đã hết sức chăm sóc mày. Tất cả đều mong sao mày mau khỏi, nào ngờ mày đã vĩnh biệt cuộc đời ở tuổi 22...”.

Cũng có lúc dòng nhật ký của anh là một bài thơ. Đó là ngày 22-9-1972:

“Chim rừng lảnh lót sớm mai

Ngọn cây đơm nắng, riêng ai ngồi buồn

Nặng lòng thương nhớ nước non

Lửa bom cháy ngút, đời còn đau thương

Đêm đêm vọng tiếng quê hương

Sáng ngày giục bước lên đường hành quân”.

Có lúc nhớ nhà, nhớ quê hương, anh viết:

“Sông quê có lúc vơi đầy

Lòng ta như biển không ngày nào vơi”

Tôi rất nể phục khi Phạm Quang Nghị mới hơn 22 tuổi mà anh đã có giọng thơ tình rất già dặn gửi cho người yêu trong mơ là cô P. nào đó:

“Giấc mơ đêm qua trong tầm pháo giặc

Anh lại gặp em, mắt nhìn trong mắt

Mà sao em chẳng nói điều chi

Kỷ niệm giận hờn, em hãy quên đi

Giấc mơ huy hoàng thêm kỷ niệm

Cuộc sống vẫn là cuộc sống

Một nửa quê hương còn trong lửa bỏng

Một nửa tình yêu chín mọng, cách xa

Anh nhớ em trong nỗi nhớ quê nhà

Có hương cau, có mẹ già mong đợi

Anh yêu em trong tình yêu vời vợi

Đất nước mình còn phải cách ngăn”. (trang 388)

Nhật ký là ghi chép một cách trung thực những gì diễn ra trong ngày, những gì ta nghĩ suy, và có cả những vần thơ cũng đi vào nhật ký như thế. Phải nói rằng đây là nhật ký chiến tranh. Vì thế ta thấy người lính Phạm Quang Nghị lúc ấy tâm hồn lãng mạn, tình yêu của người lính trong trận mạc thật giản dị và lạc quan sau những loạt súng nổ.

Đọc kỹ nhật ký “Nơi ấy là chiến trường” ta thấy quyết tâm dấn thân của chàng trai trẻ Phạm Quang Nghị để thực hiện một lý tưởng cao đẹp. Để thực hiện được lẽ sống cao đẹp ấy, anh phải chiến thắng, phải tự vượt lên chính mình. Tự mình vượt qua những cơn đau ốm, sốt rét có khi cả vài chục ngày. Rồi bom đạn kẻ thù, rồi đói ăn đến mức mấy anh em chia nhau một quả cam rừng nhỏ xíu. Rồi cái lạnh thấu xương giữa rừng trên cánh võng dẫn đến nỗi nhớ mẹ, nhớ quê da diết. Có lẽ bài học đầu tiên tôi nhận ra trong cuốn nhật ký này chính là sự quyết tâm vượt lên, chiến thắng chính bản thân mình.

Anh đã viết: “Đấu tranh thắng bản thân mình là khó hơn tất cả. Biết bao công việc, biết bao trở ngại gian lao bên ngoài ta đã từng gặp và đã vượt qua. Nhưng nhiều khi mình không thắng nổi mình trong những tình cảm mến yêu, những tính toán cá nhân không tốt. Bởi thế ta nghĩ câu: “Thắng trời dễ hơn thắng người, thắng người dễ hơn thắng mình” là đúng. Có lẽ vì thế Khổng Tử mới nói Tu - Tề - Trị - Bình. Tự thân là trên hết, trước hết và quyết định hết thảy, không tu thân không làm gì thành công được. Phải như vậy”.

Anh viết như để tự răn mình:

“Không a dua, không bè phái, không là lãnh tụ của ai, song cũng không bao giờ chịu làm vật lệ thuộc người khác. Sống như thế mới thấy được ta là ta, ta làm chủ hoàn cảnh. Ta đề ra cái đúng để làm, tự động chống lại cái ngây ngô sai trái. Sống vì lẽ phải và lòng chính trực”.

Đó là những triết lý làm người sâu sắc mà Phạm Quang Nghị tâm đắc, đinh ninh trong dạ, làm kim chỉ nam cho anh ngay từ khi còn trẻ.

Ngày 30-4-1975 giải phóng Sài Gòn, Phạm Quang Nghị và đồng đội vẫn còn mãi trong rừng. Các anh vui sướng trong niềm vui bất tận của cả nước. Dòng nhật ký của Phạm Quang Nghị lại nhắc đến Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung và tung hô thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngòi bút ấy đã nhìn về lịch sử dân tộc, đất nước, cha ông khi đã chiến thắng hoàn toàn quân xâm lược. Cuộc chiến tranh kết thúc. Những dòng nhật ký cũng dừng lại. Trang cuối cùng của Phạm Quang Nghị đã làm tôi khóc. Tôi khóc vì hình dung một bức tranh “Nước mắt dành cho ngày độc lập” của một họa sĩ nào đó thật ấn tượng. Anh viết “...Hôm nay tôi trở về, trên vai cũng một chiếc ba lô, cũ hơn, bạc màu. Đồ dùng ít và nhẹ hơn rất nhiều, chiếc ba lô đã theo tôi vượt Trường Sơn”.

... Đứng trước căn phòng nơi mẹ cha tôi đang ở, tôi kìm nén sự hồi hộp và sung sướng đang dâng trào trong tim, vừa gõ cửa và gọi:

- Mẹ ơi, mẹ ơi! Con đây. Con đã về đây! Khi cánh cửa vừa hé mở, tôi nhìn mẹ, mẹ nhìn tôi. Khuôn mặt, ánh mắt mẹ tôi lộ vẻ ngạc nhiên và sung sướng đến sững sờ. Hai mẹ con không ai nói được lời nào và có lẽ cũng không có lời nào có thể thốt lên vào cái giây phút thiêng liêng sau bao năm chờ mong khắc khoải. Tôi cảm thấy hai chân như muốn khuỵu xuống. Phải một phút sau, mẹ tôi mới quýnh quáng, kêu thật to:

Ông ơi! ới ông ơi! Thằng Nghị đã về rồi ông ơi!

Đứa con trai duy nhất của một cán bộ đã ra đi, chiến đấu và trở về như thế. Trong ba lô và trong trái tim anh đã mang về cho gia đình và Tổ quốc những dòng tâm huyết cuộn chảy, để “Nơi ấy là chiến trường” sẽ sống mãi với thời gian và nó luôn nhắc nhở chúng ta không được quên một thời hào hùng của dân tộc.

Mùa xuân Kỷ Hợi 2019

Trần Đàm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]