(Baothanhhoa.vn) - Thu sang, tiết trời mát mẻ nhanh chóng làm dịu vơi những ngày hè nắng gắt, oi nồng. Hòa chung niềm vui của người dân cả nước chào mừng kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, các nghệ sĩ xứ Thanh cũng vô cùng vinh dự tự hào khi được đón nhận các danh hiệu cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Niềm vui lớn của các nghệ sĩ xứ Thanh

Niềm vui lớn của các nghệ sĩ xứ Thanh

NSND Trương Hải Thọ đạt giải đạo diễn xuất sắc vở “Tấm lòng vàng”.

Thu sang, tiết trời mát mẻ nhanh chóng làm dịu vơi những ngày hè nắng gắt, oi nồng. Hòa chung niềm vui của người dân cả nước chào mừng kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, các nghệ sĩ xứ Thanh cũng vô cùng vinh dự tự hào khi được đón nhận các danh hiệu cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng.

Chiều ngày 29-8, Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) đã được tổ chức trang trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Cùng với hàng trăm nghệ sĩ tên tuổi trên khắp mọi miền đất nước, các nghệ sĩ của xứ Thanh cũng góp mặt về thủ đô trong niềm hân hoan ngày hội tôn vinh những người có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa của dân tộc. Trước đó, ngày 12-8-2019, Chủ tịch nước đã ký các Quyết định số 1358/QĐ-CTN, 1359/QĐ-CTN, chính thức truy tặng, phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho 391 nghệ sĩ, trong đó có 84 NSND và 307 NSƯT. Đây là đợt xét phong tặng, truy tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 9 của Đảng và Nhà nước dành cho các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. NSND là danh hiệu cao nhất Nhà nước trao tặng cho các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Nhà nước từng tổ chức 8 đợt xét duyệt vào các năm 1984, 1988, 1993, 1997, 2001, 2007, 2011, 2015. Người được trao danh hiệu NSND phải có ít nhất 20 năm kinh nghiệm, đã được tặng danh hiệu NSƯT từ 5 năm trở lên, được tặng ít nhất hai giải vàng hoặc một giải vàng và hai giải bạc tại các liên hoan, hội diễn nghệ thuật cấp quốc gia, khu vực hoặc quốc tế và các hội văn học nghệ thuật Trung ương từ khi được trao danh hiệu NSƯT.

Trong số 391 nghệ sĩ được vinh danh lần này, Thanh Hóa có 12 nghệ sĩ, trong đó có 3 NSND và 9 NSƯT, bao gồm: NSND Trương Hải Thọ (lĩnh vực chèo), NSND Nguyễn Thị Mai Lan và NSND Nguyễn Ngọc Quyền (lĩnh vực tuồng) đều thuộc đơn vị Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa; NSƯT Trịnh Đình Dũng và NSƯT Trương Quốc Chiến - Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa (lĩnh vực chèo); NSƯT Nguyễn Văn Ngàn, NSƯT Nguyễn Hữu Chính và NSƯT Lê Thị Thúy Hường - Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa (lĩnh vực tuồng); NSƯT Nguyễn Thị Hải và NSƯT Hoàng Văn Châu - Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn (lĩnh vực kịch nói); NSƯT Nguyễn Thị Băng Thanh và NSƯT Lê Anh Tuấn - Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn (lĩnh vực ca múa). Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến thời điểm này Thanh Hóa có 7 NSND và 41 NSƯT.

Với kinh nghiệm 25 năm làm đạo diễn nghệ thuật chèo, NSND Trương Hải Thọ từng tham gia chỉ đạo nghệ thuật vở “Vẹt” đạt Huy chương Bạc; được tặng giải đạo diễn xuất sắc vở “Tấm lòng vàng” tại cuộc thi nghệ thuật sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2016 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao tặng; vở diễn này cũng đạt Huy chương Vàng tại cuộc thi nói trên. Ngoài ra, anh còn được tặng thưởng nhiều Bằng khen, Giấy khen của các bộ, ngành Trung ương và địa phương... Là một trong 12 nghệ sĩ của Thanh Hóa được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần này, NSND Trương Hải Thọ chia sẻ: “Các nghệ sĩ đã phấn đấu nỗ lực hết mình làm tròn trách nhiệm của người nghệ sĩ. Hôm nay được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu, các nghệ sĩ rất vui mừng phấn khởi và hạnh phúc. Những nghệ sĩ xứ Thanh coi đây là niềm vinh dự to lớn, là nguồn động viên, khích lệ để tiếp tục có những đóng góp nhiều hơn nữa, xứng đáng với danh hiệu cao quý mà Đảng, Nhà nước đã trao tặng”.

Bên cạnh bộ môn nghệ thuật chèo, tuồng cũng gặt hái được nhiều thành công đáng kể. NSND Nguyễn Ngọc Quyền có thời gian hàng chục năm tham gia làm đạo diễn, diễn viên và là trưởng đoàn tuồng Thanh Hóa. Anh từng tham gia chỉ đạo nghệ thuật các vở diễn: “Hùng khí sông Lương” đạt giải B của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Huy chương Bạc giải thưởng Nhà nước năm 2012; vở “Nữ kiệt biệt quân vương” đạt Huy chương Bạc và giải thưởng Nhà nước năm 2012. Khi là đạo diễn, tác giả kịch bản, anh giành được Huy chương Vàng vở diễn “Lời thề trinh nữ”; giải âm nhạc xuất sắc và các giải B, giải C dành cho các vở “Hai người mẹ”, “Vòng tay núi rừng”... Với vai trò nào anh cũng có những đóng góp xứng đáng cho nền nghệ thuật tỉnh nhà, nhất là đóng góp trong việc bảo tồn bộ môn nghệ thuật tuồng truyền thống. Anh còn truyền dạy cho 9 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSƯT, nhiều nghệ sĩ thành danh, trong đó có một số nghệ sĩ của nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng). Anh không ngừng tìm tòi nghiên cứu, sáng tạo để dàn dựng và biểu diễn một số nghi thức tế lễ, chúc văn trong các đại lễ, lễ hội của tỉnh. Anh tâm sự: “Hơn 40 năm đam mê, gắn bó, trưởng thành từ sân khấu tuồng truyền thống và 25 năm làm trưởng đoàn nghệ thuật tuồng, tôi luôn rèn luyện, học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trăn trở cùng đồng nghiệp vượt qua mọi khó khăn để lưu giữ nghệ thuật tuồng trên đất Thanh Hóa”.

Đã có một thời công chúng yêu nghệ thuật tuồng biết đến NSND Nguyễn Thị Mai Lan với vai nữ chính trong các vở tuồng, như: Vai Triệu Trinh Nương trong vở “Triệu Trinh Nương”; vai “Đào Tam Xuân” trong vở “Đào Tam Xuân”; vai Ái Nương trong vở “Trần Bình Trọng”; vai chị Ngộ trong vở “Gia đình chị Ngộ”... 28 năm tham gia diễn tuồng, 9 năm làm trưởng đoàn tuồng Thanh Hóa, bà đã dành được 4 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc cho các vai nữ chính. Dù phải đi nhiều nơi, biểu diễn trong điều kiện khắc nghiệt của chiến tranh, trong những năm tháng khó khăn nhất của đất nước, thiếu thốn đủ thứ từ phục trang đến đạo cụ..., nhưng niềm đam mê tuồng trong bà vẫn bền bỉ “cháy” mãi với thời gian. “Tôi rất mừng vì được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND trong dịp này. Đó là vinh dự cao quý mà bất kỳ người nghệ sĩ nào cũng đều mong muốn có được” - NSND Nguyễn Thị Mai Lan bộc bạch.

Niềm vui của các nghệ sĩ xứ Thanh hôm nay không chỉ là thành công của ngày hôm qua, mà còn có cả những âu lo ngày mai... Để nghệ thuật truyền thống có sức sống trường tồn, thiết nghĩ các cấp, các ngành cần có chính sách, cơ chế quan tâm đặc thù để các nghệ sĩ ngày càng có thêm đất diễn, đóng góp công sức, trí tuệ nhiều hơn. Các vở diễn cũng được công chiếu rộng rãi để nhân dân biết đến, từ đó có thái độ ứng xử tích cực và yêu thích bộ môn nghệ thuật truyền thống nhiều hơn.

Ngọc Anh


Ngọc Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]