(Baothanhhoa.vn) - Dẫu biết rằng, mọi truyền thuyết, huyền thoại đều được thêu dệt nên từ những ước vọng ngàn đời của dân gian về một cuộc sống yên bình, hạnh phúc, người yêu nhau sẽ được trọn đời bên nhau... Nhưng chính huyền thoại ấy đã tạc vào dáng hình đá, thổi vào đó linh hồn khiến sự vật tưởng như vô tri vô giác bỗng có nguồn cội, đời sống riêng. Quan trọng hơn tất thảy, chính huyền thoại dân gian đã khảm sâu vào đá nét đẹp nhân văn sâu sắc, góp phần làm nên thương hiệu di tích văn hóa lịch sử độc đáo.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những “thiên tình sử” xứ Thanh

Dẫu biết rằng, mọi truyền thuyết, huyền thoại đều được thêu dệt nên từ những ước vọng ngàn đời của dân gian về một cuộc sống yên bình, hạnh phúc, người yêu nhau sẽ được trọn đời bên nhau... Nhưng chính huyền thoại ấy đã tạc vào dáng hình đá, thổi vào đó linh hồn khiến sự vật tưởng như vô tri vô giác bỗng có nguồn cội, đời sống riêng. Quan trọng hơn tất thảy, chính huyền thoại dân gian đã khảm sâu vào đá nét đẹp nhân văn sâu sắc, góp phần làm nên thương hiệu di tích văn hóa lịch sử độc đáo.

Những “thiên tình sử” xứ Thanh

Lễ hội Pồn Pôông. Ảnh: CTV

Xuân Diệu – “ông hoàng thơ tình” trong “bài thơ tuổi nhỏ” đã từng thổ lộ: “Làm sao sống được mà không yêu/ Không nhớ không thương một kẻ nào?”. Tình yêu tự muôn đời đã tồn tại như một lẽ sống. Chẳng có gì dễ dàng lấy nước mắt của ai đó như một câu chuyện yêu đương trắc trở. Và cũng chẳng có điều gì tồn tại lâu bền như những câu chuyện tình cảm động đã ghi tạc vào rêu phong di tích, rộn ràng lễ hội, phong phú văn học dân gian và song hành tồn tại cùng sự phát triển của thôn xóm, bản làng. Đi suốt dọc dài mảnh đất xứ Thanh, chẳng khó để có thể bắt gặp được những bản làng, di tích văn hóa lịch sử, lễ hội hay các câu chuyện kể dân gian khởi nguyên từ những “thiên tình sử” như thế.

Sự tích cây bông và nét đẹp văn hóa Mường

Từ vùng Mường Ống xa xôi của huyện miền núi Bá Thước, nơi đồi Lai Li Lai Láng còn ngơ ngẩn kiếm tìm “cây chu đá lá chu đồng bông thau quả thiếc”, trên núi Làn Ai bao đời nay đã lưu truyền câu chuyện tình lay động lòng người giữa nàng Ờm và chàng Bông Hương gắn với sự tích về loài hoa sử quân tử (hoa Bông Trăng) đẹp mĩ miều. Truyện thơ Mường “Nàng Ờm chàng Bông Hương” kể rằng: Xưa có chàng Bông Hương và nàng Ờm yêu thương nhau nhưng bị mẹ cha cấm cản. Mẹ nàng Ờm cậy gia đình mình giàu có, “có xanh chín vạc mười/ có cồng vui súng tốt”, thấy gia cảnh chàng Bông Hương “cửa khó nhà nghèo/ thân neo côi cút/ Xống rách như lá nứa/ Áo rách như lá sắn rừng” mà chê bai, nhất quyết không cho đôi trẻ đến với nhau.

Nhưng cái bụng đã ưng nhau lấy gì cấm cản nổi. Hai người vẫn giấu cha, giấu mẹ hẹn hò với nhau trên núi Làn Ai. Chuyện vỡ lở, nàng bị cha mẹ đánh, “chân tay, thân vóc mềm nhũn như tàu khoai môn gặp lửa”, những giọt máu từ kẽ sàn chảy xuống. Chàng Bông Hương nấp dưới sàn tay hứng lấy từng giọt máu của nàng Ờm mà xót thương. Khi nàng Ờm bị cha mẹ ném ra ngoài cửa vóng, chàng Bông Hương lao tới, vội vã cõng nàng chạy ra khỏi nhà, chạy lên ngọn núi Làn Ai tránh sự truy đuổi của quan binh nhà lang mường. Vừa chạy chàng Bông Hương vừa lấy khăn lau máu cho nàng Ờm. Trên ngọn núi này, mặc cho chàng Bông Hương hết lòng khuyên ngăn, trong cơn tuyệt vọng, nàng Ờm đã ăn lá ngón tự kết liễu đời mình. Thương xót người yêu, chàng Bông Hương theo nàng Ờm ăn lá ngón, nguyện được chết cùng đôi.

Tương truyền, chiếc khăn mà chàng Bông Hương dùng để lau máu cho nàng Ờm được vắt lên cây chạng bạng. Cây chạng bạng luyến tiếc đôi tình nhân trẻ vì yêu mà nguyện thề sống chết bên nhau nên đã nâng niu chiếc khăn và biến chiếc khăn của chàng Bông Hương thành dây hoa Bông Trăng quấn quýt bên cây. Sau này, loài cây ấy vào tiết trời tháng ba đều nở ra những bông hoa thơm ngát khắp núi rừng: “Chiếc khăn đã biến thành đóa Bông Trăng/ Rồi trời mưa hoa nở trắng/ Trời nắng hoa nở đỏ/ Trên núi Làn Ai”. Điều đặc biệt hơn nữa mà người dân vùng Mường Ống vẫn truyền tai nhau cho đến tận hôm nay, ai hái lá của cây chạng bạng mà chàng Bông Hương từng treo chiếc khăn có dính máu của nàng Ờm trao cho người mình yêu thương đều sẽ được đáp lại bằng tình yêu chân thành.

“Thiên tình sử” bi ai giữa nàng Ờm và chàng Bông Hương góp phần không nhỏ làm nên vẻ đẹp của đá núi Mường Ai thăm thẳm, ngàn đời sau còn nhắc mãi. Câu chuyện tình cảm động ấy từ lâu đã được các thế hệ người Mường xứ Thanh gắn liền với truyền thuyết cây bông trong lễ hội Pồn Pôông - lễ hội chơi hoa, thưởng hoa đặc sắc, thường được tổ chức vào mùa xuân. Không chỉ bày tỏ mong ước về mùa màng bội thu, bản làng no ấm, theo quan niệm của người Mường, lễ hội Pồn Pôông diễn ra như lời cầu chúc cho mối tình thủy chung giữa nàng Ờm và chàng Bông Hương. Giữa khí xuân, tiết xuân, sắc xuân hòa cùng tiếng nhạc rộn ràng, các trò diễn xướng diễn ra quanh cây bông, mô phỏng một cách sinh động phong tục tập quán, phản ánh đời sống tâm linh, văn hóa tinh thần phong phú của đồng bào Mường. Trong đó, cây bông được xem như linh hồn lễ hội, là biểu tượng của vũ trụ bao la, hội tụ đầy đủ vạn vật chúng sinh.

Từ huyền thoại biển xanh đến sản phẩm du lịch độc đáo

Khu du lịch biển Sầm Sơn không chỉ được biết đến với bãi cát dài hoang hoải, ôm ấp làn nước trong xanh; dãy Trường Lệ xanh mướt mát dưới tán thông vi vút hoan ca trước gió hay sự bề thế, sang trọng của Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC. Sầm Sơn có sức hấp dẫn đặc biệt bởi nơi đây còn là vùng đất của huyền thoại, truyền thuyết dân gian. Về Sầm Sơn nghe biển thì thầm kể chuyện chàng Độc Cước xẻ thân mình giúp người dân đánh tan loài quỷ biển, bảo vệ bình yên cho xóm, làng, biển trời quê hương. Và trong lời hát của đá núi ngày hôm nay chẳng thể nào thiếu được khúc ca tình yêu nhuốm sắc màu huyền thoại - Hòn Trống Mái. Câu chuyện tình nghĩa phu thê son sắt, thủy chung của đôi vợ chồng nghèo sống chết có nhau trong cơn đại hồng thủy ở Sầm Sơn thuở nào khiến trời xanh cảm động, hóa phép cho họ thành đôi chim đêm ngày quấn quýt bên nhau nhưng đến kỳ hạn phải từ bỏ nhân gian cùng nhau bay về trời. Không nỡ rời xa xóm làng, một lòng gắn bó với núi non biển cả, đôi chim nguyện ý hóa đá để được ở lại cõi trần. Chiều theo ý nguyện của hai vợ chồng, thần tiên hóa phép cho họ được hóa kiếp thành đá, đời đời gối đầu vào nhau, trường tồn cùng tuế nguyệt.

Những “thiên tình sử” xứ Thanh

Lễ hội tình yêu “Đá hát khúc tình ca” được tổ chức tại Lễ hội khai trương hè Sầm Sơn 2019 nhằm tôn vinh giá trị văn hóa lịch sử của Hòn Trống Mái. Ảnh: Hương Thảo

Dẫu biết rằng, mọi truyền thuyết, huyền thoại đều được thêu dệt nên từ những ước vọng ngàn đời của dân gian về một cuộc sống yên bình, hạnh phúc, người yêu nhau sẽ được trọn đời bên nhau... Nhưng chính huyền thoại ấy đã tạc vào dáng hình đá, thổi vào đó linh hồn khiến sự vật tưởng như vô tri vô giác bỗng có nguồn cội, đời sống riêng. Quan trọng hơn tất thảy, chính huyền thoại dân gian đã khảm sâu vào đá nét đẹp nhân văn sâu sắc, góp phần làm nên thương hiệu di tích văn hóa lịch sử độc đáo. Giờ đây, cùng với sự quan tâm, đầu tư của lãnh đạo TP Sầm Sơn, Hòn Trống Mái không đơn thuần chỉ là một danh thắng nằm trong quần thể Di tích lịch sử văn hóa và danh thắng núi Trường Lệ mà trở thành sản phẩm du lịch thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan, vãn cảnh, lắng lòng nghe đá thủ thỉ kể câu chuyện tình lay động lòng người.

Đâu chỉ có chuyện tình nàng Ờm – chàng Bông Hương hay huyền thoại Hòn Trống Mái, di tích, lễ hội, văn học dân gian xứ Thanh kể sao cho hết những “thiên tình sử” bao đời nay vẫn mãi lưu truyền. Từ miền non cao cho đến vùng đồng bằng, ven biển có chuyện tình nào mà không xót xa. Nào là chuyện nàng Nga – đạo Hai Mối, nàng Út Lót – đạo Hồ Lưu, chàng Lá Li – nàng Lá Nọi, chuyện chàng Từ Thức gặp tiên... Trong tiếng lòng thổn thức, tất cả đã hòa quyện với nhau cùng dệt nên những giá trị nhân văn sâu sắc, vững bền sức sống giữa mênh mang dòng chảy văn hóa – lịch sử quê hương.

Nguyên Linh


Nguyên Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]