(Baothanhhoa.vn) - Người đàn ông gầy gò, thấp bé, mái tóc dài chấm vai đứng trước mặt tôi lúc này là họa sĩ Đỗ Chung – tác giả của Triển lãm hội họa “Mây ngàn” vừa diễn ra tại Trung tâm Triển lãm, Hội chợ và Quảng cáo tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những nét vẽ của “mây ngàn”

Những nét vẽ của “mây ngàn”

Không khí thân mật, ấm áp trong buổi lễ khai mạc Triển lãm hội họa “Mây ngàn” của họa sĩ Đỗ Chung.

Người đàn ông gầy gò, thấp bé, mái tóc dài chấm vai đứng trước mặt tôi lúc này là họa sĩ Đỗ Chung – tác giả của Triển lãm hội họa “Mây ngàn” vừa diễn ra tại Trung tâm Triển lãm, Hội chợ và Quảng cáo tỉnh.

Chính triển lãm này đã bắc nhịp cầu thân ái, kết nối hai con người vốn chừng xa lạ, nay ngồi lại cùng nhau chia sẻ nhiều điều về đời, về nghề, sức hấp dẫn từ hội họa trừu tượng và sự tận hiến của một người nghệ sĩ cho cuộc chơi sắc màu đầy mê hoặc, dẫn dụ ấy.

Họa sĩ Đỗ Chung sinh năm 1947, tại làng Bái Trạch, xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân – ngôi làng giàu truyền thống văn hóa – lịch sử. Từ nhỏ, ông đã sớm bộc lộ năng khiếu hội họa. Theo tiếng gọi của niềm đam mê, ông thi đỗ vào Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, ông mang theo những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được trở về quê hương lập nghiệp và gắn bó với xứ Thanh cho đến ngày hôm nay.

Từ những năm 80, họa sĩ Đỗ Chung đã giành được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Đó là tiền đề để ông được Trung tâm Văn hóa Pháp – Việt mời đích danh tổ chức triển lãm mỹ thuật cá nhân và tham gia nghiên cứu mỹ thuật thế giới tại Paris... Ông có cơ hội đi nhiều, tiếp xúc với những nền văn hóa – mỹ thuật Tây phương. Ở bất kỳ nơi nào mình đặt chân đến, ông cũng cố gắng tìm tòi, khám phá, học hỏi qua trải nghiệm của bản thân và kiến thức trên sách vở. Vậy nên, không chỉ là người họa sĩ tài danh, Đỗ Chung còn là nhà nghiên cứu mỹ thuật có tiếng ở xứ Thanh. Ông là tác giả của cuốn sách “Nghệ thuật trống đồng Thanh Hóa”...

Điểm qua những dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của họa sĩ Đỗ Chung để nhấn mạnh một điều rằng, cả cuộc đời ông đã lao động miệt mài, cống hiến hết mình cho niềm đam mê hội họa. Trái tim ấy không ngừng khao khát bước đi trên con đường nghệ thuật. Sáng tạo là chân lý, là cội nguồn và đích đến cuối cùng mà mỗi người nghệ sĩ chân chính khao khát kiếm tìm. Họa sĩ Đỗ Chung cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Điều đó lý giải vì sao, hành trình nghệ thuật của ông là hành trình của sự sáng tạo trong nỗ lực luôn làm mới mình, cố gắng vượt thoát ra khỏi khuôn khổ, giới hạn. Vốn là người ham học hỏi, ông dành nhiều thời gian nghiên cứu về các trường phái hội họa. Trải qua nhiều cuộc chơi khác nhau, cuối cùng, người nghệ sĩ ấy cũng đã tìm được cho mình một “chân ái” để gắn bó, để say sưa cống hiến, dâng hiến trọn vẹn cả sức lực, tinh thần, trí tuệ và tâm hồn. Đó là hội họa trừu tượng.

Những nét vẽ “mây ngàn” – đó là cách mà tôi dùng để nhắc về Triển lãm hội họa “Mây ngàn” vừa qua của họa sĩ Đỗ Chung. Triển lãm trưng bày 26 tác phẩm tranh trừu tượng, được thể hiện bằng chất liệu sơn dầu trên vải toan (vải bố), gồm 11 tác phẩm khổ lớn, kích thước 2m x 5m và 15 tác phẩm khổ nhỏ, kích thước từ 1 x 2m. Được biết, đây là triển lãm cá nhân thứ 3 của họa sĩ Đỗ Chung tại Thanh Hóa. Trước đó, ông đã tổ chức hơn 10 cuộc triển lãm ở trong và ngoài nước. Dấn thân vào hội họa trừu tượng vốn đã là lựa chọn không hề dễ dàng. Để định danh trong thế giới trừu tượng và gặt hái được những “trái ngọt” như họa sĩ Đỗ Chung quả là cuộc chiến khốc liệt. Chiến đấu với ai nếu không phải là với chính mình. Đằng sau cây cọ và những bảng màu rực rỡ, vũ khí của người họa sĩ gói gọn trong niềm đam mê, sức sáng tạo, ý chí kiên trì và bền bỉ theo đuổi mục tiêu đến cùng. Bởi vậy, qua năm tháng, họa sĩ Đỗ Chung vẫn thủy chung, gắn bó, miệt mài tiến bước trên con đường chông gai, khúc khuỷu này.

Xem tranh trừu tượng của họa sĩ Đỗ Chung, dù là tranh thiên nhiên, phong cảnh, bên cạnh cái đẹp vĩnh cửu của tạo hóa, công chúng yêu nghệ thuật vẫn nhận thấy phập phồng hơi thở cuộc sống. Ở đó, con người có thể ẩn chìm nhưng tồn tại như một sự hiển nhiên bình thường; là nơi thiên nhiên tồn tại và động cựa như một thực thể hiện sinh. Tranh của họa sĩ Đỗ Chung, dù với nhiều kích thước khác nhau đã thể hiện đủ đầy đời sống hiện thực và cả những khát khao mong muốn. Hẳn đã là họa sĩ đều yêu những gì đang va đập trước mắt và cũng tin vào một cuộc sống tốt đẹp đang chờ đợi ở phía trước để rồi khơi nguồn cảm hứng sáng tạo.

Ở Triển lãm hội họa “Mây ngàn”, người xem vẫn nhận ra một Đỗ Chung quen thuộc với chất liệu sơn dầu cùng nghệ thuật trừu tượng, kỹ thuật điêu luyện, mang đậm cá tính, đặc trưng sáng tác, sự phá cách về thể loại và chất liệu. Nhà điêu khắc Đinh Thị Đền chia sẻ: “Đến với triển lãm “Mây ngàn”, tôi hoàn toàn bị hấp dẫn bởi chiều sâu trong tranh của họa sĩ Đỗ Chung từ nghệ thuật cho đến tư tưởng. Những bức tranh trừu tượng được trưng bày tại triển lãm cho thấy sự chỉn chu, nghiêm túc, hết mình của người nghệ sĩ trên con đường sáng tạo nghệ thuật”.

Thả trôi từ đề tài đến kỹ thuật, Đỗ Chung hướng đến ngôn ngữ hội họa riêng, tranh của ông tạo cảm giác mở, vượt qua giới hạn của đường viền nét. Nét vẽ mỏng mảnh, tựa như tờ giấy nhưng thăm thẳm chiều sâu về bố cục, màu sắc, không gian và tư tưởng. Sự kết hợp hài hòa và biến hóa khôn lường trong tranh của ông vừa mang lại cảm giác phóng túng mà vẫn nghiêm ngắn, góc cạnh mà dung chứa sự thăng hoa mãnh liệt của cảm xúc, bung phá mà không dễ dãi, thả trôi đấy mà lại cũng lắng đọng vô cùng. Họa sĩ Đỗ Chung tâm sự: Ông luôn bị thôi thúc, đắm chìm trong cái cảm hứng vô tận về sự mênh mông, bát ngát, tự do tự tại của không gian. Tâm hồn con người cũng vậy. Chỉ khi được thoải mái vùng vẫy, sải cánh tung bay giữa vùng tự do sáng tạo, cống hiến của mình thì mới có thể sống một cuộc đời ý nghĩa, hạnh phúc.

Bồng bềnh như mây ngàn. Thả trôi như mây ngàn. Khi thực, khi ảo như mây ngàn. Trong trẻo, thanh khiết như mây ngàn. Xuất phát từ ý tưởng, nguồn cảm hứng ấy, khi đến với triển lãm “Mây ngàn” nói riêng và hầu hết các tác phẩm tranh trừu tượng của họa sĩ Đỗ Chung nói chung, người xem thấy ông như thoát khỏi những hình thái thực tế của hiện tượng, sự vật trong đời sống. Chính những mảng màu đan xen, hòa quyện vào nhau như những vỉa tầng của cuộc sống được chắt lọc qua lăng kính chủ quan và kết đọng cùng cá tính sáng tạo người nghệ sĩ, hiện diện trên từng nét vẽ. Không định hướng người xem, tranh trừu tượng của Đỗ Chung hoàn toàn nhường chỗ cho sự tự do khám phá, cảm nhận của người thưởng thức nghệ thuật thông qua những cách điệu về đường nét, hình khối, màu sắc... Họa sĩ Lê Ngọc Hân nhận định: “Những tác phẩm tranh trừu tượng được trưng bày tại triển lãm “Mây ngàn”, nhất là các tác phẩm tranh khổ lớn của họa sĩ Đỗ Chung cho thấy nỗ lực làm việc, sự kiên trì, sức sáng tạo đáng khâm phục, ngưỡng mộ mà không phải người nghệ sĩ nào cũng có thể làm được, nhất là khi ông đang phải chống chọi lại với bệnh tật hiểm nghèo”.

Trong những câu chuyện của mình, họa sĩ Đỗ Chung nhắc nhiều đến khái niệm “cuộc chơi”. Đối với ông, sống trên đời là một cuộc chơi, và hội họa cũng vậy. Vì là “cuộc chơi” nên mỗi ngày, ông luôn cố gắng làm sao để được vui hết mình, sống trọn vẹn với nó. Chẳng ai vui chơi để nhận lấy nỗi buồn, lẽ đời là thế! Họa sĩ Đỗ Chung đã dấn thân và cống hiến hết mình cho nghệ thuật với tâm niệm và chấp niệm như vậy.

Nguyên Linh


Nguyên Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]