(Baothanhhoa.vn) - Nếu nhịp sống tấp nập, hối hả ban ngày mang đến cho TP Thanh Hóa một diện mạo trẻ trung, tiêu biểu của “thành phố tuổi đôi mươi” thì khi màn đêm dần buông xuống, TP Thanh Hóa lại khoác lên mình một nét đẹp sâu lắng, ngọt ngào rất riêng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những góc phố ta qua

Nếu nhịp sống tấp nập, hối hả ban ngày mang đến cho TP Thanh Hóa một diện mạo trẻ trung, tiêu biểu của “thành phố tuổi đôi mươi” thì khi màn đêm dần buông xuống, TP Thanh Hóa lại khoác lên mình một nét đẹp sâu lắng, ngọt ngào rất riêng.

Một góc TP Thanh Hóa về đêm.

Thành phố về đêm đẹp không phải ở những ngôi nhà khang trang mọc lên san sát, cũng không phải bởi sự diễm lệ của ánh sáng, cờ và hoa; lại càng không nằm ở tốc độ đô thị hóa chóng mặt với những guồng xe xuôi ngược, những dự án khoanh vòng bên trong những tấm tôn, tấm bạt khô cứng, tẻ nhạt. Kẻ lãng du như tôi yêu thành phố cuồng nhiệt từ những điều giản đơn, chân thật nhất. Cũng có cả những điều mà cho đến tận bây giờ chỉ có thể gọi tên trong một miền vô thức nào đó, trong những giấc mơ xa ngái ngọt vị yêu đương. Phố lên đèn, những tâm hồn ưa thích sự lãng du lại bắt đầu cuộc hành trình của mình – hành trình kiếm tìm đâu đó trên từng góc phố quen hoặc lạ đôi lời tự tình khe khẽ ngân rung.

Tôi cũng là kẻ ưa lãng du trong vô vàn những kẻ lãng du khác ngược về với phố. Chỉ khác một điều, tôi là kẻ lãng du không quen độc hành. Tại sao phải độc hành khi thành phố ta thương đẹp đến thế? Tôi đi cùng bạn để bạn kể tôi nghe về những kỷ niệm gắn liền với phố, để ta có thể yên bình tận hưởng, hít hà hơi thở của thành phố lúc về đêm.

- Bạn hỏi: Muốn đi đâu hay muốn đi trọn một vòng thành phố?

- Tôi bảo bạn: Tùy thôi, cứ đi là sẽ đến, thế mới gọi là rong chơi.

Hãy cứ đi để lắng nghe màn đêm ngày càng sâu lắng, nghe phố buông lời thì thầm kể chuyện. Bạn gật đầu im lặng, nhưng tôi biết bạn sẽ đưa tôi đến những nơi tôi thực sự muốn đến vì bạn hiểu tôi và hiểu thành phố quê hương mình. Cho dù, cả hai chúng tôi chỉ là những đứa con nuôi của thành phố, cũng như bao người con khác từ một vùng quê nào đó ngày ngày lên phố “kiếm cơm” rồi lại lầm lũi trở về.

8 giờ tối. Thành phố thu hút tôi từ những con đường quen thuộc nhất. Đại lộ Lê Lợi ngày nào tôi chẳng đi qua mà sao mãi đến tận bây giờ, sự nhộn nhịp của nó lại khiến tôi ngạc nhiên quá đỗi. Những nhà hàng, những quán ăn này có từ bao giờ mà đông đúc, san sát nhau vẫy chào thực khách. Quán hàng nào cũng đông đúc những gương mặt người, đủ mọi thành phần và đủ mọi tầng lớp.

- Tôi hỏi bạn: Chỉ vừa mới qua giờ cơm tối, sao các quán hàng ăn đã đông khách thế nhỉ?

- Bạn cười, từ tốn trả lời tôi bằng chất giọng trầm ấm: Không phải ai cũng có nhu cầu ăn một bữa tối đúng giờ.

- Không cần đúng giờ cũng được, nhưng hãy về nhà ăn cùng gia đình của mình một bữa cơm quây quần, đầm ấm – tôi hững hờ buông một câu với thái độ như dò xét.

Bạn vẫn điềm đạm trả lời: Bên cạnh gia đình của mình, họ cũng cần có những mối quan hệ hoặc xã giao hoặc thân tình khác.

- Có lẽ vậy!, câu trả lời nghe có vẻ hời hợt bởi chính tôi cũng đang chìm đắm vào những ý nghĩ vẩn vơ, không đầu không cuối.

Qua ngã tư Lê Hoàn này là quán kem Nguyên Sinh đấy. Có muốn ghé vào ăn gì đó không? – bạn hỏi, cắt ngang dòng suy nghĩ mơ hồ trong tôi. Phải rồi, đã bao nhiêu năm không ghé qua quán kem này. Một quán kem nhỏ thôi, có thể là vô danh với rất nhiều người nhưng lại đặc biệt có ý nghĩa với tôi. Một quán kem có lịch sử và có đủ đầy những câu chuyện làm nên một phần ký ức của đời người. Quán kem này đã sống cùng thành phố mấy chục năm, đã gắn liền với ký ức của biết bao nhiêu người, từ thời bố mẹ tôi rồi đến tôi của những năm sau đó. Nghe bố mẹ kể lại: “Hồi bố mẹ còn yêu nhau đã đôi ba lần đèo nhau trên chiếc xe đạp hiệu Thống Nhất “vang bóng một thời” đến đây ăn chè. Chè ở đây ngon lắm, cứ nhắc đến TP Thanh Hóa, cho đến tận bây giờ mẹ cũng chỉ nhớ có mỗi chè Nguyên Sinh”. Rồi tôi của những năm sau đó, mỗi lần lóc cóc đạp xe lên phố mua sách ở Hiệu sách Nhân dân, kiểu gì cũng phải sang bên kia đường, thưởng thức một cốc chè Nguyên Sinh rồi mới về. Một năm cũng đếm trên đầu ngón tay số lần lên phố bởi đường sá xa xôi, xe đạp lặn lội chứ đâu có xe máy như bây giờ. Quán chè ấy nay bỗng chốc vừa lạ vừa quen với cái tên Kem Nguyên Sinh. Vẫn nằm trên trục đường quen thuộc, nhưng hương vị thì đã chẳng còn như xưa. Những que kem cao cấp với những cái tên xu hướng như: “Kem cây tôi yêu”, “kem cây ngọt ngào”, “kem cây vui vẻ”, “kem cây yêu thương”, “kem cây salala” hay những que kem cá Hàn Quốc dễ thương, kem nhập khẩu được mua – bán rôm rả hơn hẳn. Cốc chè thập cẩm im lìm nằm trong một góc, thoảng hoặc mới có người hỏi mua. Thoáng chút buồn, quay qua bạn cười nhạt, định bụng bảo bạn quay ra vì điều muốn tìm lại đã không còn tìm thấy nữa. Phải rồi, chừng ấy năm, thành phố đã trải qua biết bao nhiêu lần “thay da đổi thịt” huống chi chỉ là một hàng quán nhỏ ven đường ta đi.

Mang theo tâm trạng vừa như tiếc nuối vừa như chấp nhận một thực tế rằng, để có được diện mạo như TP Thanh Hóa đã có hôm nay, việc mất đi một vài khuôn hình, một vài cái tên, một vài địa chỉ trong quá khứ là một điều rất đỗi thường tình. Nhưng tôi tin, sự mất đi ấy hoàn toàn xứng đáng. Cuộc hành trình của chúng tôi lại tiếp tục. Chúng tôi rong ruổi qua những con đường, ngõ phố, men theo lời tự tình của phố mà đến với Quảng trường Lam Sơn tự lúc nào chính tôi cũng không hề hay biết. Đối với tôi, Quảng trường Lam Sơn giống như linh hồn của TP Thanh Hóa. Nó phản ánh một cách chân thực, sinh động nhất đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Tôi thích thú quan sát những gương mặt, những hoạt động đang diễn ra xung quanh. Ngay cạnh bàn chúng tôi ngồi uống nước, 2 người đàn ông với 2 dáng vẻ đối lập nhau đang nói cho nhau nghe về sự đời, sự nghề. Câu chuyện cứ thế vô thưởng vô phạt trong khói thuốc. Nếu đã là thói quen, chỉ cần nhìn cách họ hút thuốc cũng có thể nói lên một phần tính cách con người. Nếu người đàn ông có vẻ ngoài lịch lãm chậm rãi rít từng hơi thuốc một cách đều đặn rồi nhẹ nhàng nhả từng làn khói trắng mờ nhạt thì người đàn ông ở phía đối diện rít thuốc theo từng hơi dài, thở phào mặc cho khói thuốc không hình không dạng rồi vứt toẹt luôn tàn thuốc xuống đất. Ngay phía sau lưng tôi là một bàn đông khách, áng chừng 15 bạn trẻ. Mỗi người một phong cách, gu thời trang, gu ẩm thực khác nhau. Chúng trêu ghẹo nhau những câu rất bạo. Chúng còn hờn dỗi, trách mắng nhau “sao không nhắn tin lại cho anh?”. Tôi khẽ mỉm cười. Ừ thì tuổi trẻ là như thế, trong bất kỳ cuộc nói chuyện nào mà thiếu được bóng dáng của tình yêu. Càng về khuya, quảng trường càng đông người lui tới. Có những cặp gia đình đưa con cái đến đây chỉ đơn giản để thay đổi không khí, cho con trẻ có một chỗ vui chơi. Có những người đến đây chỉ xếp ghế ngồi bên nhau im lặng. Mỗi người nhìn chăm chăm vào chiếc điện thoại thông minh trên tay mình, chốc chốc liếc nhìn nhau, định nói câu gì đó rồi lại thôi. Câu chuyện của họ vì thế mà trở nên ngắt quãng, rời rạc. Và đâu phải tất cả những người lui tới quảng trường chỉ để vui chơi, để gặp bạn gặp bè, để thay đổi không khí... Có nhiều người tìm đến đây mỗi đêm để mưu sinh, thu nhập chẳng quá mấy chục nghìn lẻ nhưng công việc ấy đôi khi là cả nguồn sống.

TP Thanh Hóa về đêm! Từng con đường, góc phố đều cất lên lời tự tình riêng của mình. Để rồi, trong một khoảnh khắc nào đó, tất cả những lời tự tình ấy lại cùng nhau hòa quyện lại làm nên một bản nhạc da diết, thân thương. Ai đã từng dụng tâm mà lắng nghe bản nhạc ấy một lần hẳn sẽ nhớ mãi trong lòng như một kỷ niệm khó phai.


Bài và ảnh: Hương Thảo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]