(Baothanhhoa.vn) - Nhặt lại tuổi xuân nhặt thì con gái

Nhặt lại tuổi xuân nhặt thì con gái

Em nhặt lại em là tập thơ đầu tay của Trịnh Lan Oanh với 61 bài thơ xinh xắn, vừa vặn. Người đọc có thể nhận thấy Em nhặt lại em là tập thơ sâu đậm tình quê, tình yêu - tình vợ chồng son sắt thủy chung theo cách thể hiện rất riêng của chị.

Nhặt lại tuổi xuân nhặt thì con gáiTập thơ “Em nhặt lại em” của tác giả Trịnh Lan Oanh. Ảnh: Hương Thảo

1.Trịnh Lan Oanh là người con gái kinh Bắc lấy chồng xứ Thanh như chị tâm sự: Chọn quê Thanh Hóa làm dâu/ Nguyện xây tổ ấm bền lâu trọn đời... Rồi chị gắn bó với đất và người xứ Thanh từ ấy. Một Hàm Rồng - Nam Ngạn đi vào lịch sử. Một điệu dô huầy trên dòng sông Mã làm náo nức lòng người. Một vùng đồi dứa thơm giữa thị xã Bỉm Sơn. Một nhành “rau má làng ta”... cũng ấm lòng người con gái đi lấy chồng xa:

Em là rau má quê mình

Cứ canh cánh thức để dành cho ai...

...Em là rau má làng ta

Bắc cầu chưa thấy anh qua bao giờ...

(Rau má bắc cầu)

Trịnh Lan Oanh càng yêu những con người xứ Thanh qua hình ảnh những người mẹ năm xưa trên chiến địa Hàm Rồng:

Ngoảnh lại nhìn ngày ấy mẹ thanh xuân

Vai bết máu, trận Hàm Rồng thắng giặc...

...Hết giặc trời mẹ mòn tuổi đôi mươi

Đò không bến, mẹ về nuôi dạy trẻ...

(Lòng mẹ mãi thanh xuân)

Và đây là cựu chiến binh Trịnh Xuân Lâm khi rời quân ngũ với Gia tài lưng đáy ba lô/ Về quê vịn tiếng huầy dô đổi đời... Nhưng với niềm tin theo Đảng và khát vọng làm giàu Đảng cho đôi mắt sáng ngời/ Rời làng bám giọt mồ hôi neo mình, Trịnh Xuân Lâm đã trăn trở để khởi nghiệp bắt đầu từ việc thành lập Công ty Tiên Sơn. Khi công ty ăn nên làm ra, giám đốc Trịnh Xuân Lâm vừa hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước vừa hăng hái làm từ thiện để nâng đỡ những mảnh đời còn khốn khó.

Thảo thơm chia sẻ bạn bè

Mảnh đời nào rách anh về nâng niu...

(Gửi Tiên Sơn)

Khi miền Trung ngập tràn trong bão lũ giữa những ngày thu năm 2020, những trận sạt lở đất đã vùi lấp hàng chục cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta ở Rào Trăng, ở Hướng Hóa. Chị đã có thơ kịp thời đăng tải như một sự chia sẻ: Gửi Rào Trăng 3, Nắng ấm tặng miền Trung, Dặn con đi chống lũ, Khóc giữa mùa thu. Những câu thơ như xé gào trời đất mà giận mà thương:

Rào Trăng Ba mộ cỏ chưa xanh

Lại Hướng Hóa đau thương tràn mặt đất

Khăn tang trắng chưa vấn lên đã ngất

Khóc trong mưa, quằn quại trái tim người...

(Khóc giữa mùa thu)

Lời thơ giản dị mà cứ đi vào lòng người một cách tự nhiên. Những câu thơ như được chắt ra từ trong nước mắt của người phụ nữ đa cảm Trịnh Lan Oanh.

Trong chuyến du lịch về nguồn (11-2020), chị có một chùm thơ Về Đá Chông, Về Pắc Bó, Rạng ngời bản Giốc. Cảm hứng về lịch sử dân tộc, về Bác Hồ kính yêu để Trịnh Lan Oanh có những câu thơ tha thiết, tự hào, trong trẻo mà cũng rất giàu hình tượng:

Chúng con về Đá Chông tìm lại hình bóng Bác...

...Cho con nâng hòn đá cuội thân thương

Đọng hơi ấm bàn chân Người sớm tối.

(Về Đá Chông)

Và đây, bản Giốc Nơi địa đầu biên cương/ Nước buông tơ chiều dọc/ Dệt tình yêu thắm nồng/ ...Cho tôi đem bản Giốc/ Đi khắp bốn phương trời...

Tình quê, tình đất nước trong thơ Trịnh Lan Oanh là những gì gần gũi quen thuộc, hồn nhiên chân chất như chính cuộc sống. Không tô vẽ màu mè mà vẫn cứ ánh lên vẻ đẹp của tình đất, tình người, tình quê.

2.Nhưng, khi mà Trịnh Lan Oanh thật sự hướng nội, trải lòng mình với bạn đọc về những tình cảm riêng tư... thì thơ chị càng hấp dẫn, cuốn hút. Mảng thơ này chính là “bức chân dung tự họa” đời sống tâm hồn của Trịnh Lan Oanh, với những gì riêng nhất, sâu kín nhất, trữ tình nhất! Bởi với chị, “người đàn bà tuổi năm mươi” đã từng hạnh phúc, mất mát, khổ đau, chống chọi, giữ mình... để đứng dậy. Em nhặt lại em, tên tập thơ, phải chăng với ý nghĩa ấy? Đây chính là phần tinh túy nhất, hay nhất của tập thơ.

Bỏ thuyền bỏ nón ba tầm của những ngày lễ hội cầu Lim vùng quan họ kinh Bắc tao nhã, thanh lịch để về làm dâu Thanh Hóa bởi chị đã yêu say đắm mãnh liệt người con trai xứ Thanh:

Say từng ánh mắt trao nhau

Say hương cây quế, say trầu đỏ môi...

... Say cho lốc xoáy lũ trôi

Thuyền tình ta vẫn chẳng rời dòng sông

Say cho gái nghiện hơi chồng

Sấm rền chớp giật thủy chung trọn đời.

(Say)

Những câu thơ về tình yêu của chị bao giờ cũng dữ dội, dữ dội đến chân thật, dữ dội đến tận cùng:

Khi vành môi đến độ chín rung môi

Suốt mùa nắng gió Lào bỏng rát

Bỗng đón nhận mưa giông tuôn dào dạt

Hai đứa thành thác lũ xoáy cuộn nhau

(Tháng Tư)

Thế rồi hạnh phúc đã không tròn đầy với chị. Người bạn đời của chị đã ra đi, để lại cho chị một nỗi buồn cô phụ không gì bù đắp nổi. Khổ đau, xót xa, cay đắng cho số phận mình:

Tình sâu như giếng anh ơi

Tháng năm không múc cạn lời yêu thương...

...Ngờ đâu gánh gãy quang lìa

Đắng cay chua ngọt trăm bề mình em...

(Khấn anh ngày giỗ)

Khấn anh ngày giỗ được viết theo thể thơ lục bát với ngôn từ giản dị, lời thơ chân tình, nhịp thơ chậm rãi, sử dụng các ẩn dụ tu từ hợp lý... là tiếng khóc nấc nghẹn, thương tâm của người vợ góa phải chấp nhận một sự thật phũ phàng.

Mất mát, đau thương này là một khoảng trống quá lớn. Hiện tại với chị là một sự hụt hẫng. Trịnh Lan Oanh tìm về với quá khứ, hoài niệm với những ngọt ngào yêu thương của tình yêu, tình chồng vợ, nghĩa phu thê:

Được trở về thuở ăm ắp vầng trăng

Đêm hò hẹn hai chúng mình sánh bước

Một nhịp tim đập trong hai lồng ngực

Cuối con đường vẫn ấm mãi trong nhau.

(Ngày mai)

Dẫu biết là “trẻ chưa qua, già chưa đến”, cái tuổi đang hừng hực những khát khao mà giữa đường đứt gánh, đêm lại rất dài... Có nghĩ hết được như thế mới thông cảm và chia sẻ phần nào những khổ đau, bất hạnh, côi cút của thân phận người phụ nữ trong hoàn cảnh ấy:

Cứ phập phồng chờ đợi ngát hơi men

Mơ như thật vòng tay đan chằng chịt

Mau lên đi đừng bao giờ lỡ nhịp

Chuyến đò này trói chặt bóng hình anh...

(Trói chặt)

Cứ đau đáu bóng hình người ấy, lúc tỉnh cũng như lúc mơ để trái tim luôn rộn ràng trong lồng ngực. Cho nên trong tập thơ ta gặp những cụm từ như vòm ngực, ngực áo, ngực căng tròn, trong ngực nhau... tượng trưng cho hạnh phúc và khát khao: Ngực say vòm ngực đập lời thiết tha/ Bỗng dưng thấy ngực mình căng chật / Trao ngày xuân trong cúc áo dậy thì... Rồi hình ảnh bờ vai cũng xuất hiện đến 8 lần: Bờ vai xa chỉ còn lại trong mơ/ Thèm hương thơm khác dấu một bờ vai... Bờ vai ấy, điểm tựa ấy giờ cũng chỉ là vô hình, biết làm sao được?

Nhớ nhung, đợi chờ đến mỏi mòn se sắt. Đây là những câu thơ hay, với cách dùng từ độc đáo và sắc sảo:

Trăng soi qua cửa không cài

Lỏng then cái nhớ chờ người rỗng đêm.

(Rau má bắc cầu)

“Chờ người rỗng đêm” là cách diễn đạt mà tác giả đã đem đến cho câu thơ một lượng ngữ nghĩa mới, tạo nên sức biểu cảm lớn của câu thơ. Ở bài thơ Từng cánh hoa chờ đợi vầng trăng tác giả lại viết:

Lột đêm ra nỗi nhớ dệt vào thơ

Từng chữ viết bằng mùi hương miên dại...

Thì “lột đêm” lại là một sự táo bạo đến bất ngờ nhưng hợp lý. Có nhiều cách nói về đêm:Thức khuya mới biết đêm dài (tục ngữ), Đêm rộng đêm dài là đêm không ngủ (Phạm Tiến Duật), đến Trịnh Lan Oanh đã qua nhiều đêm không ngủ, để chị hiểu rõ về đêm. Đêm với chị có khi là người bạn đồng hành để những nỗi niềm được trú ngụ, có khi đêm lại là sự hành hạ, giày vò người thiếu phụ cô đơn! Cứ thế, triền miên trong cô tịch để đêm bủa vây, đêm xâm lấn... Phải thức cùng đêm, thi gan cùng đêm, đánh vật cùng đêm thì Trịnh Lan Oanh mới “lột đêm” ra được.

Biết là bất hạnh, biết là phận mình như thế: Em là người đơn chiếc đã nhiều năm/ Chiếc lá mỏng giữa màn đêm lạnh cóng. Nhưng chị quyết không chấp nhận số phận. Bởi chị còn con cái, gia đình, bạn bè, người thân và công việc. Chị phải sống, sống mạnh mẽ, không ngã gục. Và phải đẹp, đẹp cho mình và đẹp cho đời. Đây là những câu thơ rất thật, đầy bản lĩnh, tự tin:

Cô đơn rồi, giờ đến lúc phải xinh

Phòng gym, bể bơi, cầu lông, dạo biển

Cho đôi môi gọi ngọt ngào nắng đến

Thơm cho ai, khó nói được nên lời...

(Cúc áo dậy thì)

Thơ phát khởi từ trong lòng. Đây cũng là những câu thơ hay bởi nó là tiếng nói của trái tim Trịnh Lan Oanh:

Người đàn bà bước qua tuổi năm mươi

Vờ mạnh mẽ để vượt qua yếu đuối

Giả vô tư mà không hề tiếc nuối

Giấu trong lòng khao khát một niềm yêu.

(Người đàn bà tuổi năm mươi)

Có thể thấy, tập thơ Em nhặt lại em là tâm hồn của một người phụ nữ từng đi qua những ngập tràn hạnh phúc và nỗi đau thân phận. Cho dù trong hoàn cảnh nào, thơ Trịnh Lan Oanh vẫn thể hiện một tinh thần trách nhiệm với cuộc sống, với tình yêu bằng một thái độ mạnh mẽ nhưng cũng đầy nữ tính. Chính vì vậy mà Em nhặt lại em đã có giọng điệu riêng và cách sử dụng các biện pháp tu từ mang lại hiệu quả nghệ thuật nhất định.

(Đọc tập thơ Em nhặt lại em của Trịnh Lan Oanh - NXB Hội Nhà văn-2021)

LÊ XUÂN SOAN (Hội VHNT Thanh Hóa)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]