(Baothanhhoa.vn) - Cách đây mấy tháng nhà văn, nhà báo Trần Hiệp có nhắn cho tôi rằng: “Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh tổ chức nhiều hoạt động mà bác chưa đóng góp được gì”. Tôi xúc động lắm. Vì ông nói khiêm tốn vậy nhưng luôn là cộng tác viên tiêu biểu của tạp chí.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhà văn, nhà báo Trần Hiệp mà tôi biết...

Nhà văn, nhà báo Trần Hiệp mà tôi biết...

Nhà văn, nhà báo Trần Hiệp trao tặng tổng tập văn xuôi cho Thư viện tỉnh (năm 2019). Ảnh: Tư Liệu

Cách đây mấy tháng nhà văn, nhà báo Trần Hiệp có nhắn cho tôi rằng: “Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh tổ chức nhiều hoạt động mà bác chưa đóng góp được gì”. Tôi xúc động lắm. Vì ông nói khiêm tốn vậy nhưng luôn là cộng tác viên tiêu biểu của tạp chí.

Lần trước đó, ông còn trò chuyện với tôi về việc in tổng tập và có mời tôi về tham dự lễ trao tặng sách cho làng của bác ấy. Ông sống ở cái tuổi “xưa nay hiếm” mà lòng vẫn đau đáu với “chữ”, với sự nghiệp báo chí, văn học nghệ thuật, với quê hương. Ông còn dành dụm tiền bạc, gom góp tinh thần chỉ để làm cái việc: giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc và chăm lo cho sự nghiệp học tập cho con cháu lâu dài. Càng cảm kích bác ấy bao nhiêu, tôi càng quý trọng sự nghiệp văn chương, báo chí mà thế hệ cùng thời với ông nói chung và riêng nhà văn Trần Hiệp đã để lại.

Nhà văn, nhà báo Trần Hiệp sinh ngày 25-2-1936, từ trần vào lúc 13h48 ngày 26-2-2021, tại Hà Nội, hưởng thọ 86 tuổi. Như có gì đó thôi thúc, tôi cầm bút viết đôi điều thương nhớ về ông, một người đáng khâm phục và mến mộ không chỉ về tài năng mà về cả nhân cách, đặc biệt là một thái độ làm việc, cống hiến cho văn học miệt mài đến những ngày cuối cùng của đời mình.

Nhà văn, nhà báo Trần Hiệp quê ở làng Chính Đa, xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Bố mất sớm khi ông mới 11 tuổi, nhà có ba anh em, anh cả, chị hai đã lập gia đình ra ở riêng, hai mẹ con sống với nhau, 12 tuổi phải tự kiếm sống để giúp mẹ và nuôi bản thân đi học (học một buổi, một buổi đi làm). Năm 16 tuổi được bầu làm bí thư chi đoàn xã, năm 17 tuổi khai tăng một tuổi (1935) để đi bộ đội. Chính trong hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt ấy, đã hình thành nên sức sống bền bỉ, vươn lên mạnh mẽ, xây dựng và phát triển cá nhân cũng như làng quê để rồi chúng ta có một Trần Hiệp mạnh mẽ, không ngại khó, không ngại khổ, kinh qua nhiều công việc sự vụ. Đến năm 1957 tham gia bảo vệ khi Bác Hồ về thăm Thanh Hóa, phụ trách tiểu đội ở trong cơ quan Tỉnh ủy nơi Bác nghỉ lại. Có lẽ đó là bước ngoặt, là dấu mốc quan trọng hay nói theo cách nói của nhà Phật rằng đó là lúc “duyên nghiệp” làm phu chữ đã đến với Trần Hiệp. Năm 1962 báo Thanh Hóa ra đời, Trần Hiệp là một trong những cán bộ, phóng viên đầu tiên của báo. 36 năm công tác tại báo Thanh Hóa ông đã giữ các chức vụ: tổ trưởng, trưởng phòng, trưởng ban, không chỉ làm công tác quản lý mà trực tiếp làm phóng viên, biên tập bài vở anh em trong ban và của cộng tác viên gửi đến.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhà văn, nhà báo Trần Hiệp chuyên viết về công cuộc kháng chiến của dân tộc, nhất là quê hương xứ Thanh, ông hầu như có mặt ở tất cả các trọng điểm địch đánh phá như Hàm Rồng, bến phà Ghép, cầu Lèn... đi theo các đoàn vận tải thuyền nan, thuyền gỗ, xe đạp thồ, xe ô tô tải... ông viết được khá nhiều bài ký đăng các báo Trung ương và phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Cũng trong thời kỳ này ông đã xuất bản tập ký sự “Người bến Thép” (1967) và tiểu thuyết đầu tay “Mặt trận đường sông” (1971), đây cũng là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của các cây bút văn xuôi Thanh Hóa. Sau Hiệp định Paris 1973, hòa bình lập lại ở miền Bắc, là điều kiện để một cây bút sắc sảo trong thể loại ký như Trần Hiệp có nhiều đất diễn hơn, thời gian này ông chuyên viết về điều tra kinh tế công nghiệp, xây dựng, thương nghiệp, giáo dục, y tế... Đặc biệt, ông có một loạt bài điều tra đăng nhiều kỳ về tệ tham nhũng trong các xí nghiệp, ngành lương thực, ngân hàng, tình trạng cướp giật trên các chuyến tàu Bắc - Nam, Nhà xuất bản Thanh Hóa đã tập hợp và in thành tập ký sự “Sa lưới”.

Nhà văn Trần Hiệp đã xuất bản 31 đầu sách gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, tiêu biểu như: Mặt trận đường sông (tiểu thuyết, 1971); Sa lưới (truyện ký, 1984); Gặp lại đối thủ (tiểu thuyết tình báo, 1994), Đám cưới kỳ lạ (tập truyện, 1994); Chuyện văn thời hậu chiến (tiểu thuyết, 1995); Thời chưa xa (tiểu thuyết, 1995); Vũ khúc thời gian (bút ký, 1999); Huyền thoại một dòng sông (tiểu thuyết, 2000); Những mảnh vỡ đời người... ông cũng đã nhận được nhiều giải thưởng: Giải thưởng báo Văn Nghệ năm 1974-1975 cho truyện ngắn “Ông giám đốc mới được đề bạt”; tặng thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Việt Nam năm 2004; Giải thưởng Liên hiệp VHNT Việt Nam cho tập truyện “Đám cưới kỳ lạ”, năm 1994; tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và các cơ quan Trung ương cho truyện ngắn “Sảo Phìn” viết về nước bạn Lào; Giải thưởng VHNT Thanh Hóa của UBND tỉnh Thanh Hóa 5 năm 1990-1995 và 1996-2000; Giải thưởng Lê Thánh Tông cho các tập: “Kho báu một dòng họ”, “Đám cưới kỳ lạ”, “Chuyện văn thời hậu chiến”, “Huyền thoại một dòng sông”, “Thời chưa xa”,... Năm 2019, tất cả tác phẩm đã được ông gom lại trong chín cuốn Tổng tập gồm nhiều thể loại. Đây là dấu mốc cuối cùng khép lại nghiệp văn và vòng đời của ông. Đối với một “người phu chữ” thì thành tựu mà nhà văn Trần Hiệp có được là cả một gia sản lớn không ít người mong muốn làm được như ông. Nhìn nhận về sức viết, sức sáng tạo, Nhà văn Từ Nguyên Tĩnh - nguyên Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh đã nhận định về Trần Hiệp: “Có người chỉ là tác giả, với cá nhân tôi Trần Hiệp là một tấm gương lao động phi thường”.

Nhà văn Trần Hiệp mà tôi biết lạ lắm, ông đến với cuộc đời này bằng hai bàn tay trắng và khi ra đi ông cũng đi thanh thản, nhẹ nhàng. Với một nhà văn, nhà báo, một người phu chữ thì tài sản lớn nhất là sách, ấy vậy là ông đã kỳ công lên kế hoạch cho sự ra đi của mình từ vài năm trước. Trao tặng 9 cuốn Tổng tập bao gồm bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết, ký sự, truyện ký... cho Thư viện tỉnh Thanh Hóa. Chín tổng tập với gần chín nghìn trang sách mà ông để lại như một món quà vô giá, có ý nghĩa lớn lao về mặt tư tưởng, đồng thời góp phần làm giàu thêm cho phòng dư địa chí nơi tập hợp các tác phẩm của các tác giả là người Thanh Hóa, đang được lưu giữ và phục vụ bạn đọc tại thư viện. Trao xong tinh hoa cả một đời cầm bút vào đúng nơi mong muốn, ông chỉ chia sẻ vài điều gan ruột: “Từ tình yêu thương, biết ơn đến quê hương, việc làm nho nhỏ này như một nghĩa cử tri ân đến đất và người xứ Thanh. Tôi hy vọng những quyển sách này sẽ được đọc, được sử dụng bởi nhiều thế hệ học giả và bạn đọc trong tương lai. Đồng thời sẽ tạo được động lực, niềm tin và cơ sở cho những người trẻ sẵn sàng dấn thân vào con đường sáng tác văn học nhọc nhằn nhưng rất đỗi vinh quang này”.

Với bài viết nhỏ này như một nén tâm nhang, tôi xin gửi tiễn biệt nhà báo, nhà văn Trần Hiệp về nơi an nghỉ cuối cùng. Cảm ơn nhà văn Từ Nguyên Tĩnh đã cung cấp một số tư liệu để tôi hoàn thành bài viết này, xem như một vài nét phác họa về một nhà văn thế hệ đi trước, để thế hệ trẻ đọc và hiểu hơn về một nhà văn có nhiều đóng góp cho văn nghệ, báo chí xứ Thanh và cả nước. Xin mượn lời của cố nhà văn Nguyễn Ngọc Liễn trong bài Tiểu thuyết Thanh Hóa để thay cho lời kết “Nhà văn Trần Hiệp đã luôn đứng về phía chân chính đấu tranh không khoan nhượng với cái ác. Những lúc như thế ngòi bút của anh rạch ròi... lòng Trần Hiệp trong sáng nên anh không khoan nhượng trước cái ác... Tất cả những gì Trần Hiệp viết, dù có nhiều khía cạnh cần bàn luận, nhưng tựu chung, anh là nhà văn trung thực, trung thực với chính mình, trung thực với Nhân dân”.

Thanh Hóa ngày 3-3-2021

Thy Lan


Thy Lan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]