(Baothanhhoa.vn) - Bên cạnh Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa hoạt động như một đơn vị trung tâm, các bảo tàng, nhà truyền thống tại các địa phương đều đảm nhận chức năng, nhiệm vụ chính là sưu tầm, lưu giữ, trưng bày các hiện vật, tư liệu, hình ảnh thuộc các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, của ngành qua các thời kỳ lịch sử và giới thiệu chúng đến đông đảo quần chúng Nhân dân. Không nằm ngoài vai trò, chức năng ấy, Nhà truyền thống huyện Hoằng Hóa đóng góp quan trọng trong việc bảo tồn, lưu giữ và lan tỏa hình ảnh đẹp về đất và người nơi đây thông qua hệ thống tư liệu, hiện vật được trưng bày.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhà truyền thống huyện Hoằng Hóa: Nơi lưu giữ giá trị văn hóa - lịch sử

Nhà truyền thống huyện Hoằng Hóa: Nơi lưu giữ giá trị văn hóa - lịch sử

Một số hiện vật trưng bày tại Nhà truyền thống huyện Hoằng Hóa.

Bên cạnh Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa hoạt động như một đơn vị trung tâm, các bảo tàng, nhà truyền thống tại các địa phương đều đảm nhận chức năng, nhiệm vụ chính là sưu tầm, lưu giữ, trưng bày các hiện vật, tư liệu, hình ảnh thuộc các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, của ngành qua các thời kỳ lịch sử và giới thiệu chúng đến đông đảo quần chúng Nhân dân. Không nằm ngoài vai trò, chức năng ấy, Nhà truyền thống huyện Hoằng Hóa đóng góp quan trọng trong việc bảo tồn, lưu giữ và lan tỏa hình ảnh đẹp về đất và người nơi đây thông qua hệ thống tư liệu, hiện vật được trưng bày.

Nhà truyền thống huyện Hoằng Hóa được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị vốn có của Bảo tàng huyện Hoằng Hóa. Sự tồn tại của Bảo tàng huyện Hoằng Hóa xuyên suốt nhiều giai đoạn lịch sử được xem như một dấu ấn, nét riêng biệt, danh giá của vùng đất cổ giàu truyền thống văn hóa - lịch sử. Bởi lẽ, lúc bấy giờ, trên phạm vi cả nước, Hoằng Hóa là một trong những địa phương hiếm hoi có bảo tàng cấp huyện. Tuy nhiên, do được xây dựng từ lâu đời, theo thời gian, cơ sở vật chất của bảo tàng ngày càng xuống cấp, không còn đáp ứng được vai trò, chức năng thiết chế văn hóa và phục vụ đông đảo quần chúng Nhân dân. Công tác lưu trữ, trưng bày tư liệu, hiện vật tại bảo tàng gặp nhiều khó khăn.

Đầu năm 2020, huyện Hoằng Hóa đã quan tâm, đầu tư xây dựng, cải tạo bảo tàng thành nhà truyền thống với cơ sở vật chất khang trang, cảnh quan đẹp, bày trí khoa học. Công trình có tổng diện tích hơn 6.000m2 gồm các hạng mục: Xây dựng mới khu nhà truyền thống, nhà bia, khuôn viên, cải tạo Nhà tưởng niệm Bác Hồ. Riêng khu nhà truyền thống có 3 tầng, có không gian trưng bày, phòng đón tiếp khách, thư viện, phòng kỹ thuật, các phòng làm việc của đài truyền thanh huyện. Đây là công trình chào mừng huyện Hoằng Hóa đạt chuẩn nông thôn mới và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.

So với bảo tàng, không gian trưng bày của nhà truyền thống tương đối đa dạng, phong phú, bao quát được các lĩnh vực với khoảng 1.000 hiện vật, chia thành 5 phân khu. Phân khu 1 (tầng 1) trưng bày các tư liệu, hiện vật: dụng cụ sản xuất nông nghiệp truyền thống, các sản phẩm tái hiện nghề và làng nghề truyền thống, một số sản phẩm của công ty, doanh nghiệp, sản phẩm OCOP tiêu biểu và đa dạng, phong phú hình ảnh ghi lại nét đẹp trong lao động sản xuất... Tất cả cho thấy hành trình và nét nổi bật trong sự phát triển kinh tế của huyện Hoằng Hóa qua các thời kỳ, trên các lĩnh vực: nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, thương mại. Đặc biệt, phần lớn du khách khi đến phân khu 1 của nhà truyền thống đều bị thu hút bởi giá trị nội dung và nghệ thuật được truyền tải qua bức phù điêu khổ lớn, thiết kế nổi bật ở vị trí trung tâm. Với chất liệu thạch cao phun nhũ đồng, từng đường nét trên bức phù điêu được khắc chạm tỉ mỉ, tinh tế. Một bên là cảnh cây đa, bến nước, sân đình - đại diện cho nét đẹp văn hóa truyền thống của huyện Hoằng Hóa nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung. Một bên là nhịp sống hiện đại, phát triển. Tượng lão quân Hoằng Trường đứng giữa, như dấu gạch nối, liên kết, xóa nhòa khoảng cách giữa quá khứ và hiện tại.

Toàn bộ không gian tầng 2 chia thành 4 phân khu. Trong đó, phân khu 2 dành để trưng bày tư liệu, hiện vật phản ánh đời sống sinh hoạt thường ngày cả thời xưa đến nay và các thành tựu về giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội của huyện Hoằng Hóa. Dạo bước vào phân khu 3, du khách càng thêm thấu hiểu, trân trọng, cảm phục trước truyền thống cách mạng và đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc, giữ vững quốc phòng - an ninh của các thế hệ người dân nơi này. Vẫn còn đó âm vang của tiếng trống lệnh trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trên quê hương Hoằng Hóa. Đó là âm vang của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí chiến đấu kiên cường, mưu trí, dũng cảm. Cuộc khởi nghĩa đã trở thành một sự kiện lịch sử đáng nhớ, niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Hoằng Hóa. Đây là thắng lợi mở đầu cho các cao trào khởi nghĩa giành chính quyền và đưa phong trào cách mạng toàn tỉnh phát triển đến đỉnh cao, góp phần cùng cả nước làm nên thành công của cuộc Cách mạng Tháng 8 năm 1945. Cùng với âm vang trống lệnh, từng hiện vật, tư liệu như những thước phim quay chậm từ quá khứ hiển hiện trước mắt người xem, thì thầm kể chuyện đất và người Hoằng Hóa kiên trung, anh hùng. Nhà truyền thống dành phân khu 4 - không gian trang trọng để giới thiệu ảnh chân dung các đồng chí lãnh đạo huyện và các tướng lĩnh, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Nhà giáo Nhân dân, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng qua các thời kỳ. Những con người ấy chính là niềm tự hào, là đại diện, minh chứng thuyết phục nhất về vùng đất học xứ Thanh.

Điểm độc đáo, khác biệt của Nhà truyền thống huyện Hoằng Hóa là sự xuất hiện của phân khu 5 - nơi trưng bày các tư liệu, hiện vật của nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Ngôn - Phó Giám đốc Nhà xuất bản Thanh Hóa - người con luôn nặng lòng với công tác bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống của quê hương Hoằng Hóa nói riêng, Thanh Hóa nói chung. Vốn là người am tường tri thức văn hóa - lịch sử, bản tính “hoài cổ” cùng với nhiều năm công tác trong lĩnh vực văn hóa của huyện đã giúp ông có điều kiện thuận lợi để theo đuổi và hiện thực hóa đam mê sưu tập các tư liệu, hiện vật. Từ những chiếc đồng hồ quả lắc bé xinh, xe máy cổ, bộ sưu tập tem hay những cuốn sách, hình ảnh mà ông Ngôn dày công lưu giữ qua năm tháng hiện diện trong một không gian trưng bày độc đáo, ý nghĩa.

Nhắc đến bảo tàng và các nhà truyền thống là nhắc đến thiết chế văn hóa đặc biệt. Đó không đơn thuần chỉ là nơi trưng bày các tư liệu, hiện vật mà vượt lên trên tất cả, bảo tàng, các nhà truyền thống được xem như chiếc cầu nối xóa nhòa ranh giới giữa quá khứ và hiện tại nhằm mang lại cho người xem cái nhìn tổng quát nhất về lịch sử hình thành, phát triển cũng như những đặc trưng tiêu biểu nhất của vùng đất đó qua các thời kỳ, các giai đoạn lịch sử. Hơn hết, Nhà truyền thống huyện Hoằng Hóa trở thành điểm kết nối quan trọng giữa du lịch biển với du lịch văn hóa lịch sử cách mạng, du lịch tâm linh trên địa bàn huyện như: Từ khu văn hóa du lịch tâm linh Lạch Trường - Hoằng Trường, du khách có thể tới tham quan khu đền thờ Tô Hiến Thành - Hoằng Tiến, nhà truyền thống huyện, tới Khu Di tích quốc gia Hoằng Lộc và các điểm di tích khác của huyện.

Với ý nghĩa như thế, bảo tàng và các nhà truyền thống thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nhất là đối với vùng đất cổ với bề dày văn hóa - lịch sử, năng động, phát triển như huyện Hoằng Hóa. Nhà truyền thống huyện được xây dựng không chỉ là địa điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao mà còn trở thành một trong những điểm đến của du khách trong hành trình khám phá đời sống sinh hoạt của người dân Hoằng Hóa. Tuy nhiên, hiện nay các bảo tàng, nhà truyền thống đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, cả về nguồn nhân lực và vật lực. Để có thể phát huy hơn nữa vai trò, giá trị của những thiết chế văn hóa này, nhất là trong việc kết nối, thúc đẩy du lịch cần có sự quan tâm, đầu tư hơn nữa của các cấp, các ngành và sự nỗ lực, sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm từ chính đội ngũ làm công tác văn hóa, bảo tàng.

Thảo Linh


Thảo Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]