(Baothanhhoa.vn) - Nhà sàn được xem là nét đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc miền núi. Nó không chỉ là không gian sinh hoạt chung của các gia đình, dân tộc mà còn là không gian chứa đựng nhiều giá trị truyền thống.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhà sàn – nét đặc trưng văn hóa của mỗi dân tộc

Nhà sàn được xem là nét đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc miền núi. Nó không chỉ là không gian sinh hoạt chung của các gia đình, dân tộc mà còn là không gian chứa đựng nhiều giá trị truyền thống.

Nhà sàn – nét đặc trưng văn hóa của mỗi dân tộc

Nhà sàn của người Thái tại bản Năng Cát, xã Trí Nang (Lang Chánh).

Tìm đến bản Năng Cát (xã Trí Nang, Lang Chánh) – nơi 100% người Thái sinh sống chúng ta có thể nhìn thấy những ngôi nhà sàn của người Thái đen ngay từ đầu bản. Được biết, tất cả các hộ dân ở đây vẫn còn gìn giữ, sống và sinh hoạt trên nhà sàn. Từ xa xưa, trong nhận thức của người Thái là phải làm một kiểu nhà an toàn, chịu đựng được những điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên. Vì thế, những ngôi nhà truyền thống ra đời gắn với đồng bào người Thái từ đời này sang đời khác, giúp họ tồn tại, phát triển. Dừng chân tại một trong những ngôi nhà sàn cổ tại bản và trò chuyện với ông Ngân Văn Nháp – một trong những người uy tín tại bản chúng tôi được biết, để có được ngôi nhà sàn vừa ý, người Thái xưa kia phải chọn những loại gỗ tốt làm khung nhà. Nhà sàn thường cao hơn mặt đất ít nhất 1 mét, mặt sàn được lát bằng những cây tre, vầu hoặc gỗ. Cột nhà sàn được chôn trực tiếp xuống dưới đất. Nhà sàn cổ của người Thái bao giờ cũng làm số gian lẻ, hai đầu khum khum như mai rùa, gắn với truyền thuyết về thuở khai thiên lập địa, thần rùa dạy cho người Thái biết cách làm nhà theo hình rùa đứng để tránh được lũ lụt và thú dữ. Có hai điểm đặc trưng trong nhà sàn người Thái khác với tộc người khác đó là cầu thang và “Khau cút”. Nhà sàn của người Thái đen luôn có hai cầu thang và bậc cầu thang bao giờ cũng mang số lẻ. Thang ở cuối nhà, dành cho phụ nữ lên xuống, thường là 9 bậc, ứng với 9 vía. Cầu thang trước dành riêng cho nam giới, ở đầu nhà, thường có 7 bậc ứng với 7 vía. Theo quan niệm của người Thái đó là lối đi của linh hồn các bậc tổ tiên. Hiện nay, nhà sàn người Thái vẫn còn hai cầu thang nhưng không còn tục phụ nữ phải đi thang cuối nhà nữa.

Đặc sắc của ngôi nhà sàn người Thái đó chính là biểu tượng “Khau cút”. Đây là biểu tượng riêng chỉ những ngôi nhà của người Thái đen mới có. “Khau cút” là hai thanh gỗ đặt chéo nhau hình chữ X lồng vào hình trăng khuyết trên đòn nóc, dùng để chắn gió cho mái tranh hai đầu hồi nhà. Theo những cụ già trong bản, “Khau cút” gắn liền với những cuộc thiên di của người Thái đen. Xưa kia, quá trình di dân, chia tách bản của người Thái chủ yếu vào ban đêm. Biểu tượng “Khau cút” bằng gỗ trên đầu nóc nhà để tạo sự chắc chắn cho mái nhà sàn, đồng thời để nhắc nhở con cháu về quá trình hình thành bản làng, giúp con cháu dễ dàng phân biệt, nhận ra bản làng, nhà của tộc mình. Biểu tượng “Khau cút” chứa đựng văn hóa và những góc nhìn nhân sinh quan, thế giới quan rất phong phú của người Thái từ xa xưa.

Đến với xã Thạch Lập (Ngọc Lặc) nơi có hơn 700 ngôi nhà sàn cổ để tìm hiểu về nhà sàn của người Mường, chúng tôi có dịp hiểu thêm về văn hóa, phong tục tập quán của người Mường. Tương tự người Thái, nhà sàn của người Mường cũng được thiết kế theo hình con rùa theo truyền thuyết từ thuở xưa để tạo sự chắc chắn cho ngôi nhà. Đặc biệt, trong truyền thống văn hoá của dân tộc Mường thì không cho phép dựng nhà thành hàng, lối, nhưng bao giờ nhà sàn cũng đều ở vị trí dựa lưng vào thế đất cao như sườn đồi, sườn núi để đón nhận tiết trời trong lành và tiện cho việc sinh hoạt, săn bắn, đi rừng. Nhà sàn của người Mường cũng như nhà sàn của những dân tộc khác gồm có hai cầu thang. Cầu thang ngoài gần ngõ, gần lối đi dành cho đàn ông và khách. Còn cầu thang trong dành cho phụ nữ gắn liền với việc bếp núc, khâu vá... Nhà sàn của người Mường thường cấu trúc một gian hai chái, hai gian hai chái, ba gian hai chái. Giữa các gian thường không có cửa một cách chắc chắn, chỉ có sự phân biệt mang tính tượng trưng. Riêng buồng con dâu, con gái lớn, mặc dù không có cửa nhưng những quy ước bất thành văn rất chặt chẽ, được tuân thủ nghiêm ngặt, ai, khi nào, được vào và ai, khi nào, không được vào.

Trò chuyện với bác Phạm Văn Thanh, Bí thư chi bộ thôn Lập Thắng chúng tôi được biết, điều thú vị và khác biệt nhất trong nhà sàn của người Mường nơi đây chính là mỗi ngôi nhà sàn thường bố trí những chum nước nhỏ, gáo nước nhỏ được làm bằng tre, nứa ở trước nhà, gần lối đi chính, gần cầu thang hoặc gốc cây gần nhà để khách rửa chân mỗi khi lên nhà. Khi có khách đến nhà, chủ nhà thường rửa chân sạch sẽ, lên nhà trước và đứng ở cửa đón khách. Điều này thể hiện nét đẹp trong văn hóa ứng xử, sự mến khách, tôn trọng khách của người Mường xứ Thanh.

Có thể thấy, nhà sàn thể hiện nét văn hóa riêng, tập quán sinh hoạt riêng của mỗi dân tộc. Mỗi người Thái hay Mường từ khi sinh ra đến khi mất đi mọi lễ tục, sinh hoạt đều gắn liền với nhà sàn. Được biết, hiện nay một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã có những chính sách hỗ trợ cho các gia đình xây dựng, khôi phục nhà sàn. Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thì việc bảo tồn những mái nhà sàn là một trong những việc quan trọng cần được cấp ủy, chính quyền và nhân dân quan tâm thực hiện.

Bài và ảnh: Thùy Linh


Bài Và Ảnh: Thùy Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]