(Baothanhhoa.vn) - Tết Nguyên đán đã về dưới làn mưa xuân nhè nhẹ, trên cành đào thắm đầy chồi non lộc biếc... Với mong muốn lưu giữ lại nét  văn hóa truyền thống trong ngày tết cổ truyền, nhiều bạn trẻ đã và đang có những cách làm thiết thực, sáng tạo để lưu giữ hương vị tết và lan tỏa trong cộng đồng.

Người trẻ lưu giữ hương vị tết xưa

Tết Nguyên đán đã về dưới làn mưa xuân nhè nhẹ, trên cành đào thắm đầy chồi non lộc biếc... Với mong muốn lưu giữ lại nét văn hóa truyền thống trong ngày tết cổ truyền, nhiều bạn trẻ đã và đang có những cách làm thiết thực, sáng tạo để lưu giữ hương vị tết và lan tỏa trong cộng đồng.

Người trẻ lưu giữ hương vị tết xưaAnh Dương Văn Giang, Giám đốc Công ty TNHH Đức Giang TX xã Phú Xuân (Thọ Xuân) khởi nghiệp làm kẹo lạc từ ước mơ giữ gìn hương vị truyền thống của quê hương.

Từ lâu, thú chơi thư pháp đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống trong những ngày đầu xuân. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, những tưởng nét đẹp văn hóa này sẽ dần chìm vào quên lãng. Thế nhưng, dưới ngòi bút tài hoa, khéo léo, sáng tạo của nhiều bạn trẻ hiện nay, thư pháp đã dần “sống lại”. Chúng tôi tìm gặp chị Dương Thị Thu Dung, phường Ngọc Trạo (TP Thanh Hóa), người viết thư pháp trẻ tại chợ nhỏ an lành (TP Thanh Hóa) khi chị cùng nhóm bạn đang viết chữ thư pháp, trang trí lên những quả dưa hấu, quả bưởi, hay những bức tranh xinh xắn. Qua bàn tay điêu luyện, những nét chữ uyển chuyển, mềm mại, màu sắc rực rỡ dần hiện lên. Nói về cơ duyên đến với thư pháp, chị Dung trải lòng: Thư pháp có thể xem là một loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Bởi vậy, với một người trẻ như tôi, để theo đuổi nghệ thuật thư pháp ngoài niềm đam mê, thì phải có sự kiên nhẫn, chịu khó. Để cho ra đời được một tác phẩm thư pháp đẹp, người viết thư pháp phải nắm được tiêu chí cơ bản về đường nét, bố cục. Chữ viết thể hiện tâm tính con người. Vì thế, mỗi nét chữ là cả một nghệ thuật mang phong cách, hồn cốt riêng mà chỉ người viết mới có được. Và quan trọng hơn, bức thư pháp phải chuyển tải được cảm hứng, giá trị văn hóa của nó đến với người chơi. Điều đáng mừng là trong những năm gần đây, người tìm đến thư pháp ngày càng nhiều. Đó là động lực để những người trẻ như tôi tiếp tục duy trì niềm đam mê và lưu giữ lại nét văn hóa truyền thống của cha ông trong mỗi dịp tết về.

Với anh Dương Văn Giang, Giám đốc Công ty TNHH Đức Giang TX, xã Phú Xuân (Thọ Xuân) thì lại coi việc sản xuất kẹo lạc như cách để giữ gìn nét văn hóa truyền thống. Anh tâm sự: “Làm kẹo lạc vốn là nghề truyền thống của người dân địa phương. Trước đây, mỗi dịp tết đến, xuân về gia đình nào trong làng cũng có đĩa kẹo lạc thơm ngon mời khách, khách ở xa đến cũng đều có gói kẹo lạc làm quà mang về. Thế nhưng, sau này vì nhiều lý do nên các hộ sản xuất trong xã cũng dần bỏ nghề để chuyển sang nghề khác, hương vị đặc sản của quê hương mỗi dịp tết đến cũng dần mất đi. Là người con sinh ra và lớn lên ở địa phương, tôi cũng từng rất băn khoăn, trăn trở làm sao để “vực dậy” nghề truyền thống quê mình. Sau nhiều năm bươn chải, học hỏi kinh nghiệm, tôi quyết tâm thử sức với sản phẩm này, từ số vốn ít ỏi vay mượn của bạn bè, người thân. Để cho ra đời một sản phẩm kẹo lạc ngon, tôi cẩn trọng ngay từ khâu chọn lựa nguyên liệu. Ví như, lạc được lựa chọn kỹ, hạt to, chắc, bóc bằng tay để giữ được độ thơm; đường nấu cùng mạch nha không sử dụng chất hóa học, tất cả nguyên liệu quyện vào nhau tạo thành mùi thơm thanh ngọt, ăn vào cảm nhận được vị bùi, béo đặc trưng... Đặc biệt, tôi cố gắng lưu giữ các giá trị truyền thống qua từng sản phẩm, đóng gói chỉn chu, cẩn thận và chú trọng đến bao bì nhãn mác...” Với sự đầu tư bài bản, năm 2019, kẹo lạc Đức Giang đã được công nhận là sản phẩm OCOP. Giờ đây, sản phẩm truyền thống kẹo lạc Đức Giang không chỉ góp mặt trong những ngày tết cổ truyền của người dân địa phương, mà còn vươn xa tới nhiều địa phương khác trong và ngoài tỉnh. Càng vui hơn, khi nhờ phát triển sản phẩm truyền thống, cơ sở của anh Giang đã tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương, với thu nhập ổn định từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng...

Với đam mê, tâm huyết, nhiều người trẻ đang có những cách lưu giữ vị tết của riêng mình. Qua đó, góp phần “giữ lửa” các giá trị văn hóa truyền thống ngày tết. Để rồi, những phong tục ấy vẫn được lưu truyền, kết tinh tạo thành nét đẹp trong đời sống tinh thần của người dân Việt.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]