(Baothanhhoa.vn) - “Bước chân không mỏi” – tên tập thơ nghe quen như lời bài hát hành quân. Nguyên cái tên tập thơ đã nói thật rành rõ ý chí, quyết tâm không bỏ cuộc trên đường đời và đường thơ của Vũ Duy Hòa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ngoảnh lại... đi...

“Bước chân không mỏi” – tên tập thơ nghe quen như lời bài hát hành quân. Nguyên cái tên tập thơ đã nói thật rành rõ ý chí, quyết tâm không bỏ cuộc trên đường đời và đường thơ của Vũ Duy Hòa.

Ngoảnh lại ... đi ...

Ngoảnh lại mới năm, sáu năm gần đây, anh đã cho xuất bản tám tập thơ: Ký ức, Giai điệu tháng năm, Những cung bậc nghĩa tình, Tiếng Sóng, Thương nhớ ngày nao, Chiều nhớ, Giọt nhớ và Bước chân không mỏi – tràn đầy tình cảm tâm hồn người lính. Anh đã ném vào những tâm hồn trễ nải một sự hào hứng sống giống như một lãng tử chịu chơi; anh đã đi qua những nẻo đường trận mạc ác liệt dọc Trường Sơn, áp vào cuối con đường nóng bỏng giải phóng Sài Gòn, ra với đảo Trường Sa sóng gió rồi mới trở về làm người học viên, người cán bộ, người lãnh đạo một cơ quan pháp luật. Anh đã có cả một kho kỷ niệm và anh đào bới, nuôi trồng nó thành thơ. Anh tự bạch khiêm tốn như thế này:

“Những lúc xa quê, xa nhà đi công tác, những khi nhớ về đồng đội, bạn bè, có khi cảm nhận qua cuộc sống, tôi ghi lại những cảm xúc bằng những dòng văn xuôi viết gọn như một dòng nhật ký cho riêng mình”.

Đây là những câu thơ nhật ký thật sự đáng nhớ:

“... Chúng tôi chung nhau một căn hầm dã chiến

Cùng chia đôi cơn sốt rét giữa rừng”

“... Đêm pháo sáng rừng cao su lá đ

Võng bạt đung đưa trong tiếng bom thù”.

Trong chất chồng bao nhiêu sự kiện, sự cố, sự việc hàng ngày của người lính mà tìm ra, chọn lấy những phút giây xúc động nhất “cơn sốt rét trong hầm”, “nằm võng trong tiếng bom thù” thì chính là thơ đấy và cũng là nhật ký đấy. Lại có những câu ghi thật như nhật ký nhưng đã chuốt ngôn từ tinh tế và lắng nghe nó bằng chính cảm xúc, tưởng tượng bay bổng:

“Hội làng lất phất mưa đan

Giọt mưa như thể giọt đàn tìm nhau”.

Giọt mưa không phải là giọt mưa nhìn bằng mắt thật nữa mà bằng con mắt bên trong tâm hồn gợi cảm và tinh tế, “Giọt mưa đan” biết đi “tìm nhau”.

Thời trẻ trai hăng hái, hồn nhiên giữa những ngày gian khổ, ác liệt đã cho anh những câu thơ xanh, xanh rười rượi như “cánh buồm”, như “lộc biếc”.

“... Anh xa em nên ra vào ngơ ngẩn

Tựa cánh buồm không gió đứng lặng yên”

“... Anh vượt thời gian tìm về mơ ước

Khát khao xanh như lộc biếc đâm chồi

Bỏ mặc thời gian tìm về nông nổi

Để ngược dòng mãi mãi với riêng em”.

Sau nhiều năm thấy như anh không làm thơ, tập trung viết văn xuôi. Năm 2019, anh cho in tập “Bước chân không mỏi”, tập thơ như một lời công bố và khẳng định con đường thơ của mình. Bài “Thơ ơi!” đã bộc lộ nỗi niềm thiết tha ấy:

“Lâu rồi quên chẳng làm thơ

Để cho con chữ bơ vơ đi tìm

Nỗi buồn sao lại không tên

Mà lang thang gió dát lên ráng chiều

Cung đàn cứ mãi phiêu diêu

Nghe câu thơ hát những điều ước mong”.

“Con chữ bơ vơ” hay là anh bơ vơ. Anh tự lấy cái bơ vơ của mình mà gói vào câu chữ để anh phiêu diêu trong chiều “nghe câu thơ hát những điều ước mong”.

Trong số sáu mươi bài thơ trong tập “Bước chân không mỏi”, ta gặp lại khá nhiều bài theo giọng điệu cũ ngọt ngào, kể lể tình cảm, sa vào sự việc khô khan cứ như níu kéo anh không chịu rời bỏ. Nhưng quả thực sau nhiều năm tìm lại mình, ngẫm ngợi về thơ, anh đã bắt đầu làm mới thơ mình.

“Từ tâm” là một bài thơ tự thanh lọc mình chân thật, dẫn dắt qua nhiều tâm trạng “có một thời sống trong ánh hào quang... ngồi quên trên chức vị...” đến lúc về quê mới vỡ ra cái lẽ ở đời, bài thơ khái quát:

“Đến một ngày chợt nhớ mình là ai

Thế mới biết cuộc đời là dâu b

Ngồi vắng lặng trong ngôi nhà hoang vắng

Ngộ ra rằng mọi sự phải từ tâm”.

Bài “Về” vẫn là giọng điệu lục bát ngọt ngào nhưng không còn xúc cảm đơn giản bề nổi mà ngẫm ngợi, lắng sâu:

“Tháng năm vẫn cứ miệt mài

Mùa xuân lại vẫn giêng hai dập dìu”.

Nhiều bài thơ mỏng mảnh thả theo nỗi nhớ, lời ít mà tình thì thăm thẳm:

“Chiều đông chuyến đò sang muộn

Bến sông ai đợi ai chờ”

ợi một mùa hoa)

“Anh đi về phía ấy

Theo cả chiều nhớ mong”.

(Ánh mắt)

Bài “Cơn mưa thảng thốt” chỉ nói về mưa mà bao nhiêu tâm trạng trào lên buồn vui lẫn lộn. Thơ có một tiếng gọi thầm trong tâm tưởng...

Lại có một số bài cấu tứ theo kiểu tự sự trữ tình, câu chữ như lời nói thường, không lan man, tập trung vào một sự kiện, một cảnh ngộ. Tác giả không bộc lộ cảm xúc mà chỉ diễn tả một sự việc để người đọc tự cảm. Vũ Duy Hòa mở ra lối viết này sẽ là cơ hội để anh tự do phóng bút. Thơ gần với văn xuôi, đó là những bài: “Lèn Hà”, “Bản mồ côi”...

Lại có những bài ý tưởng kín đáo, nhiều màu sắc tâm sự riêng không nói ra, phải chấp nhận hiện thực.

“Ôi, dẫu biết sao vẫn buồn đến thế

Có những ngày thiên hạ họ chúc nhau”

(Sự đời)

“Mặc hoài niệm trôi theo vào dĩ vãng

Kỷ niệm về cô quạnh một mình thôi”.

(Ngày kỷ niệm)

Bây giờ qua thời hồn nhiên, anh đã tạo cho mình một tâm thế tự chủ, tự tin ngợi ca và phán xét. Anh tìm đến với những cảnh đời, thân phận, những chiêm nghiệm từng trải, những tâm sự riêng tây để tự trò chuyện với mình, sẻ chia cùng bè bạn.

VĂN ĐẮC


VĂN ĐẮC

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]