(Baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, với nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc gắn với từng vùng, miền trong tỉnh đã và đang được bảo tồn và phát huy hiệu quả. Góp phần giữ gìn những nét văn hóa đặc trưng ấy có sự đóng góp không nhỏ của các nghệ nhân văn hóa dân gian. Họ là những “kho tư liệu sống” đã và đang “tiếp lửa” tình yêu di sản cho thế hệ sau.

Nghệ nhân văn hóa dân gian: Người “tiếp lửa” tình yêu di sản

Thanh Hóa là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, với nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc gắn với từng vùng, miền trong tỉnh đã và đang được bảo tồn và phát huy hiệu quả. Góp phần giữ gìn những nét văn hóa đặc trưng ấy có sự đóng góp không nhỏ của các nghệ nhân văn hóa dân gian. Họ là những “kho tư liệu sống” đã và đang “tiếp lửa” tình yêu di sản cho thế hệ sau.

Nghệ nhân văn hóa dân gian: Người “tiếp lửa” tình yêu di sản

Trò diễn Pôồn Pôông (Ngọc Lặc) tại Liên hoan văn hóa các dân tộc lần thứ XIX và trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Thanh Hóa năm 2022.

Chúng tôi có dịp thưởng thức trích đoạn trò diễn Pôồn Pôông do Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Tắng và các nghệ sĩ, diễn viên đến từ huyện Ngọc Lặc biểu diễn tại Liên hoan Văn hóa dân tộc lần thứ XIX và trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Thanh Hóa năm 2022 được tổ chức ở TP Sầm Sơn. Dưới gốc cây bông, khi tiếng trống, tiếng cồng chiêng nổi lên cũng là lúc nghệ nhân Tắng hóa thân thành bà Máy, cùng các diễn viên trong trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu của người Mường vừa đi, vừa nhảy múa, vừa hát xung quanh cây bông. Những âm thanh trong trẻo, nhộn nhịp của tiếng cồng chiêng hòa cùng lời hát của Máy Tắng, từng động tác linh hoạt, uyển chuyển của các diễn viên khiến cả hội trường sôi động hẳn lên. Từ xưa đến nay, trò diễn Pôồn Pôông gắn liền với lễ hội Pôồn Pôông, vốn là loại hình văn hóa truyền thống đặc sắc đã thấm sâu vào đời sống của người dân ở vùng đất xứ Mường ở Ngọc Lặc. Theo chia sẻ của Máy Tắng thì lễ hội Pôồn Pôông của người Mường được tổ chức hằng năm vào ngày rằm tháng Giêng, rằm tháng Ba và rằm tháng Bảy. “Pôồn” có nghĩa là múa, là hát, “Pôông” có nghĩa là bông hoa. Hai chữ ấy ghép lại thành tên của một loại hình vừa hát, vừa múa bên cây bông để cầu cho bản Mường no ấm, ngô lúa đầy bồ, con người hạnh phúc. Năm 2016, Lễ hội Pôồn Pôông đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Và Máy Tắng cũng chính là người có công lao to lớn trong việc gìn giữ và phát triển lễ hội này. Hiện nay, dù tuổi đã cao thế nhưng nhìn những động tác điêu luyện của Máy Tắng khi biểu diễn trên sân khấu mới cảm nhận hết được sự đam mê, nhiệt huyết của bà Phạm Thị Tắng đối với những giá trị văn hóa dân gian mà cha ông truyền lại. Cũng chính vì vậy, hàng ngày bà vẫn tận tụy truyền dạy lại trò diễn Pôồn Pôông cho lớp trẻ trên địa bàn huyện và cũng tích cực mang Pôồn Poông đi biểu diễn ở các sự kiện cả trong và ngoài tỉnh với mong muốn quảng bá và giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình đến đông đảo bạn bè, khán giả. Qua đó, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát triển di sản văn hóa của dân tộc Mường.

Trò Xuân Phả (Thọ Xuân) cũng là một trong những tiết mục xuất sắc tại Liên hoan Văn hóa dân tộc lần thứ XIX và trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Thanh Hóa năm 2022. Nghệ nhân Ưu tú Bùi Văn Hùng, xã Xuân Trường, người có công lớn nhất trong việc khôi phục trò Xuân Phả chia sẻ: Xuân Phả không chỉ là trò diễn dân gian đặc sắc của xứ Thanh mà còn là nét văn hóa độc đáo trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, trước đây vì nhiều nguyên nhân khác nhau trò diễn đã bị mai một, các điệu múa bị thất truyền. Với mong muốn khôi phục lại trò diễn dân gian đặc sắc mà cha ông để lại, chúng tôi đã tập hợp những nghệ nhân am hiểu về trò diễn này để cùng nhau dày công nghiên cứu, tìm hiểu phục dựng lại các tích trò. Và đến năm 1993, đã cơ bản phục dựng thành công trò diễn Xuân Phả với các điệu trò Hoa Lang, Tú Huần, Ai Lao, Ngô Quốc, Chiêm Thành (còn gọi là Ngũ quốc lân bang đồ tiến cống)... mô tả cảnh các quốc gia đến chầu, đem những tiết mục múa hát đặc sắc chúc mừng vua nước Việt. Sau khi phục dựng, trò Xuân Phả không chỉ gắn liền với các lễ hội trên địa bàn huyện, mà còn được mang đi biểu diễn ở khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh. Đến tháng 9-2016, trò Xuân Phả được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là bước tiến mới và cũng là động lực to lớn để lớp nghệ nhân chúng tôi tiếp tục giữ gìn và phát huy trò diễn độc đáo này. Hiện nay, với mong muốn giữ gìn và ngày càng phát huy giá trị của trò Xuân Phả hầu hết những người am hiểu trò diễn Xuân Phả ở địa phương đều đang tích cực truyền dạy lại trò này cho người dân cho lớp trẻ trên địa bàn.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Kiều Anh, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thọ Xuân cho biết: Thọ Xuân vốn là vùng đất “địa linh nhân kiệt” nơi sản sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt, văn nhân xuất chúng. Từ đó, đã hình thành nên một hệ thống các trò chơi, trò diễn dân gian độc đáo như trò Xuân Phả.. Trải qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau đến nay các trò chơi, trò diễn vẫn được đông đảo người dân quan tâm, giữ gìn và ngày càng phát huy giá trị, Qua đó, đóng góp rất lớn trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Và người có vai trò to lớn trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa đó chính là các nghệ nhân. Họ được ví như là linh hồn, là người “giữ lửa” trực tiếp tham gia lưu giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hiện nay, toàn huyện có 13 nghệ nhân được lập hồ sơ đề nghị công nhận Nghệ nhân Ưu tú, trong đó có 7 nghệ nhân đã được cấp có thẩm quyền công nhận và tôn vinh là Nghệ nhân Ưu tú; huyện đang tiếp tục trình các cấp có thẩm quyền công nhận 1 Nghệ nhân Nhân dân và 5 Nghệ nhân Ưu tú. Để tạo điều kiện cho các nghệ nhân tham gia luyện tập, biểu diễn và trao truyền lại các giá trị văn hóa cho lớp trẻ, huyện luôn quan tâm đến chế độ, chính sách đãi ngộ các nghệ nhân. Giai đoạn 2017-2022, huyện đã phân bổ kinh phí cho công tác bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể là 1 tỷ 320 triệu đồng.

Phải khẳng định rằng, những giá trị văn hóa dân gian đặc sắc của các dân tộc anh em cùng sinh sống trên mảnh đất xứ Thanh đã và đang được lưu giữ và ngày càng phát huy là nhờ công sức của lớp nghệ nhân. Họ chính là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại với tương lai thông qua bản sắc văn hóa các dân tộc mà họ được kế thừa, phát triển. Cùng với đó, họ có vai trò quan trọng trong việc tiếp lửa, truyền dạy các giá trị văn hóa phi vật thể của các dân tộc có sức lan tỏa trong cộng đồng, đặc biệt là cho thế hệ trẻ - đội ngũ sẽ kế thừa và bảo tồn những giá trị đó trong tương lai.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt


Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]