(Baothanhhoa.vn) - Sinh ra trên vùng đất “giàu có” về những làn điệu truyền thống, Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Đới (Câu lạc bộ Tuồng cổ xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc) nhiều năm liền gắn bó với bộ môn nghệ thuật tuồng, đam mê và nhiệt thành đem những vở diễn phục vụ Nhân dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nghệ nhân tuồng Trần Thị Đới

Sinh ra trên vùng đất “giàu có” về những làn điệu truyền thống, Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Đới (Câu lạc bộ Tuồng cổ xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc) nhiều năm liền gắn bó với bộ môn nghệ thuật tuồng, đam mê và nhiệt thành đem những vở diễn phục vụ Nhân dân.

Nghệ nhân tuồng Trần Thị Đới

Nghệ nhân Trần Thị Đới (người bên trái) cùng Chủ nhiệm CLB Tuồng cổ xã Vĩnh Long Lê Thị Tròn bảo dưỡng đạo cụ tập luyện.

Gác lại những bận rộn ngày mùa, nghệ nhân Trần Thị Đới dành thời gian chia sẻ với chúng tôi về cơ duyên với nghệ thuật tuồng. Bà cho biết làng Bèo quê bà có truyền thống hát tuồng. Các thế hệ trong làng truyền dạy cho nhau và từ đó đến nay chung tay gìn giữ nét đẹp này trong đời sống văn hóa. Nghệ nhân Trần Thị Đới tự hào nói rằng: “Cả làng hầu như ai cũng biết hát tuồng”.

Được sống trong cái “nôi nghệ thuật” đó, bà Đới biết hát tuồng từ nhỏ và tham gia diễn tuồng cùng mọi người từ năm 16 tuổi. Năm 2005, Câu lạc bộ Tuồng cổ xã Vĩnh Long được thành lập với tiền thân là Đoàn tuồng làng Bèo, bà Trần Thị Đới vừa là diễn viên vừa là đạo diễn giữ vai trò truyền dạy làn điệu tuồng cho lớp kế cận của câu lạc bộ. Những thành viên của câu lạc bộ dù không học qua trường lớp đào tạo chuyên nghiệp nào, chỉ qua sự chỉ dẫn của những diễn viên kinh nghiệm như bà Đới mà biết hát, biết diễn tuồng.

Nhớ lại những ngày đầu khi câu lạc bộ mới ra đời, nghệ nhân Trần Thị Đới kể: “Rất nhiều khó khăn, từ kinh phí, con người, đến trang phục, đạo cụ. Trong buổi lễ trao quyết định thành lập câu lạc bộ, tôi đảm nhận vai chính vở Trần Quốc Toản vốn là vở diễn đòi hỏi số lượng lớn diễn viên. Để vở diễn ra mắt được thành công, tôi cùng với chủ nhiệm câu lạc bộ là bà Lê Thị Tròn đã tìm mọi cách để khắc phục. Vừa vận động con người tham gia, vừa đi xin kinh phí, xin trang phục và nhờ một số diễn viên chuyên nghiệp về hướng dẫn, tập luyện cho anh chị em trong câu lạc bộ”.

Từ những khó khăn ngày đó, đến nay đã 16 năm, câu lạc bộ không ngừng trưởng thành, là hạt nhân tích cực trong các phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở địa phương. Còn nghệ nhân Trần Thị Đới ở tuổi 68 vẫn đầy nhiệt huyết khi kể về những vai diễn, những cuộc thi. Trên sân khấu, bà không chỉ tạo ấn tượng riêng trong lòng người xem bởi khả năng nhập vai, sự biến hóa qua mỗi vở diễn mà còn được ghi nhận bằng hàng loạt giải thưởng. Đó là Huy chương Vàng Liên hoan Đàn hát dân ca toàn tỉnh với vai chính Trần Bình Trọng trong vở Trần Bình Trọng; danh hiệu diễn viên xuất sắc với vai Trưng Trắc trong vở Trưng Trắc - Trưng Nhị tại cuộc thi thông tin cổ động toàn tỉnh; Huy chương Bạc Liên hoan tác phẩm sân khấu của tác giả Tống Phước Phổ tại Đà Nẵng với vai nữ chúa trong vở Ngọn lửa Hồng Sơn. Ngoài ra, nhiều lần được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa và huyện Vĩnh Lộc khen thưởng.

Nhưng niềm vinh dự lớn nhất, bà chia sẻ, đó là danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú do Nhà nước phong tặng năm 2015 và tiếp tục được lựa chọn đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể lần thứ ba, năm 2021. Để xứng đáng, bà luôn làm tốt vai trò, trách nhiệm của một nghệ nhân, chấp hành tốt mọi đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước; gương mẫu trong cuộc sống; tận tụy với bộ môn tuồng cổ, cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể và từ đó tạo nên sự tin tưởng, mến mộ trong Nhân dân. Bà chia sẻ: “Với tôi đó là vinh dự lớn lao, là động lực để bản thân cùng các thành viên trong câu lạc bộ tiếp tục mang lời ca tiếng hát đến với mọi người. Trong đó có nhiệm vụ mà tôi cũng như các thành viên khác luôn trăn trở đó là tìm kiếm, đào tạo lớp trẻ kế cận thực sự đam mê với bộ môn nghệ thuật tuồng để duy trì và phát triển câu lạc bộ, giữ gìn nét đẹp văn hóa của quê hương”.

Ngoài làm tốt vai trò của một người nghệ nhân, bà Trần Thị Đới còn tích cực tham gia hoạt động của hội phụ nữ, hội người cao tuổi ở nơi sinh sống, cùng các hội viên hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước do các cấp, các ngành phát động. Với bà, những thành tích đạt được đến hôm nay, chính một phần nhờ vào những phong trào thi đua sôi nổi trong câu lạc bộ cũng như ở địa phương; trong đó có việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”... Sự lan tỏa của các phong trào thi đua đã hình thành nên mục tiêu phấn đấu, rèn luyện cho người nghệ nhân nỗ lực cống hiến, làm tốt vai trò của bản thân trong quá trình gìn giữ, phát huy nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Bài và ảnh: Nguyễn Mai


Bài và ảnh: Nguyễn Mai

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]