(Baothanhhoa.vn) - Hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong những năm qua đã có những chuyển biến tích cực, ngày càng thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia. Qua đó, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nâng cao chất và lượng trong phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng

Hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong những năm qua đã có những chuyển biến tích cực, ngày càng thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia. Qua đó, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở.

Nâng cao chất và lượng trong phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng ngày càng phục vụ tốt hơn đời sống tinh thần của người dân.

Từ sức sống của phong trào

Thị xã Bỉm Sơn được biết đến là một trong những địa phương tiêu biểu của tỉnh trong xây dựng và triển khai các phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng. Thị xã hiện có nhiều câu lạc bộ (CLB) và các tổ, đội văn nghệ tại các xã, phường hoạt động có hiệu quả, điển hình là CLB “Đàn hát dân ca” phường Bắc Sơn. CLB có 36 thành viên tham gia sinh hoạt. Vào các buổi chiều thứ 5 hàng tuần, các thành viên CLB lại cùng nhau tập luyện các bài hát dân ca như: chèo, quan họ Bắc Ninh, hát ống Hà Nam, chầu văn... Ngoài việc tập luyện, sinh hoạt văn nghệ thường xuyên tại nhà văn hóa và phục vụ Nhân dân những dịp đầu xuân năm mới, các ngày lễ; CLB còn tham dự liên hoan, hội diễn do tỉnh và thị xã tổ chức. Những tiết mục của CLB đều tự dàn dựng và biểu diễn. Nội dung các tiết mục phong phú, đa dạng và lồng ghép tuyên truyền về việc chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ; xây dựng đời sống văn hóa gắn với nông thôn mới. Một số bài hát do thành viên CLB tự sáng tác như “Bỉm Sơn bừng sáng mùa xuân”, “Bỉm Sơn đổi mới”... đang được biết đến ngày càng rộng rãi.

Nhờ thực hiện tốt việc tuyên truyền, chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan, đơn vị chuyên môn, đến nay, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn phát triển khá mạnh mẽ, với 100% các xã, phường có đội văn nghệ và các CLB hoạt động thường xuyên. Qua đó góp phần không nhỏ trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân, tạo sự đoàn kết, gắn bó và thấu hiểu lẫn nhau trong cộng đồng.

Tại huyện Hà Trung, cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách, hàng năm huyện cũng chú trọng làm tốt công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Hiện nay huyện có 65 CLB, đội, nhóm văn nghệ quần chúng hoạt động dưới hình thức xã hội hóa. Tiêu biểu là hoạt động văn hóa, văn nghệ ở các xã: Hà Sơn, Lĩnh Toại, Hà Bắc, Hà Lai. Công tác xã hội hóa đã và đang từng bước tạo động lực để duy trì thường xuyên và thúc đẩy các phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng tại huyện Hà Trung ngày càng phát triển. Từ đó, đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo tinh thần của Nhân dân địa phương.

Có thể nói, hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng đã và đang khẳng định chỗ đứng quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân trên địa bàn tỉnh. Đến nay toàn tỉnh có 4.650 đội văn nghệ quần chúng, mỗi tổ, đội quần chúng có từ 20 đến 30 hạt nhân văn nghệ là các diễn viên không chuyên, cán bộ nghỉ hưu, đoàn viên, thanh niên, người lao động. Mỗi năm có hàng trăm buổi biểu diễn và các hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ được tổ chức đều đặn từ tỉnh xuống cơ sở, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân.

Đến những cơ chế cần thiết

Có thể nói, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn, hạn chế, làm ảnh hưởng nhất định đến quy mô, chất lượng và hiệu quả của các hoạt động.

Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh, khẳng định: Ở đâu các cấp, chính quyền địa phương quan tâm đến hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng thì ở đó phong trào phát triển mạnh. Ngược lại, ở một số địa phương do thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với công tác văn hóa, văn nghệ; hiệu quả triển khai, cụ thể hóa một số chương trình về phát triển văn hóa, văn nghệ chưa cao, chưa đồng đều giữa lĩnh vực văn hóa và văn học - nghệ thuật... dẫn đến hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng chưa phát huy hiệu quả.

Thực tế hiện nay, kinh phí dành cho hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng nhìn chung còn hạn hẹp so với nhu cầu. Chủ yếu các CLB, tổ, đội nhóm hoạt động dựa trên nguồn xã hội hóa, tập hợp những người cùng sở thích, cùng đóng góp, cùng sinh hoạt và cùng thưởng thức. Trong khi đó, đời sống của người dân ở nhiều nơi vẫn còn gặp nhiều khó khăn... Do đó, việc phát triển cả về số lượng và chất lượng văn hóa, văn nghệ ở nhiều địa phương vẫn chưa được như kỳ vọng.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Mai Hương, để nâng cao cả chất và lượng các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng, trước hết cần tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với công tác văn hóa, văn nghệ ở mỗi địa phương, thông qua việc ban hành các nghị quyết chuyên đề, chỉ thị hoặc kết luận của cấp ủy về công tác văn hóa, văn nghệ. Đồng thời thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về công tác văn hóa, văn nghệ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và nghiên cứu cơ chế khuyến khích để các CLB, tổ, đội nhóm văn hóa, văn nghệ hoạt động ngày càng hiệu quả. Đặc biệt, có cơ chế khuyến khích các nghệ nhân dân gian để họ tham gia truyền dạy và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Ngoài ra, để duy trì, phát triển các CLB thì ban chủ nhiệm các CLB hoặc đại diện các tổ, đội nhóm cần có định hướng cụ thể, xây dựng được chương trình hoạt động phù hợp với nhu cầu hội viên và đặc thù địa phương.

Cần khẳng định rằng, việc nâng cao cả về chất và lượng các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng, có ý nghĩa quan trọng trong việc gìn giữ thuần phong mỹ tục, hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ. Muốn vậy, thay vì để các phong trào phát triển một cách tự phát và các CLB hoạt động theo kiểu “tự bơi”, thiết nghĩ cấp ủy, chính quyền các địa phương cần có sự quan tâm thỏa đáng, để các phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng có được chỗ đứng vững chắc trong đời sống.

Bài và ảnh: Hoài Anh


Bài và ảnh: Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]