(Baothanhhoa.vn) - Lại một mùa xuân nữa, cùng với cả nước, tỉnh Thanh Hóa tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội. Chúng ta tạm dừng một mùa lễ hội để bảo vệ sức khỏe bản thân, cộng đồng xã hội, để lại cùng nhau hân hoan trong mạch nguồn văn hóa, niềm vui lễ hội của những mùa xuân sau này, đó là điều cần thiết.

Mùa xuân... không lễ hội

Lại một mùa xuân nữa, cùng với cả nước, tỉnh Thanh Hóa tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội. Chúng ta tạm dừng một mùa lễ hội để bảo vệ sức khỏe bản thân, cộng đồng xã hội, để lại cùng nhau hân hoan trong mạch nguồn văn hóa, niềm vui lễ hội của những mùa xuân sau này, đó là điều cần thiết.

Mùa xuân... không lễ hội

Trong những năm gần đây, khu di tích lịch sử văn hóa – thắng cảnh Cửa Đặt (Thường Xuân) là một trong những địa điểm du xuân vãn cảnh được du khách yêu thích. Ảnh tư liệu của H.T

Mùa xuân – mùa lễ hội! Chẳng biết tự bao giờ, mùa xuân và lễ hội lại quấn quýt sóng đôi bên nhau như thế. Chỉ biết một điều, trên khắp các miền quê Thanh, tự vùng đồng bằng, ven biển cho đến non ngàn, khi xuân sang năm mới đến, người người nhà nhà lại nô nức du xuân trẩy hội để được hòa mình vào sự tươi mới, thanh tân, sức sống căng tràn, niềm vui phơi phới của đất trời, vạn vật... Sự đa dạng, phong phú, mang đậm sắc thái văn hóa bản địa của những lễ hội ấy đã góp phần dệt nên bức tranh mùa xuân trên quê hương xứ Thanh thêm phần độc đáo, hấp dẫn.

Theo quan niệm dân gian, chuyến khởi hành du xuân thường diễn ra theo lịch trình tín ngưỡng “lên rừng xuống biển”. Bước chân du khách nương theo niềm tin giản đơn ấy mà đến với Khu di tích lịch sử văn hóa - thắng cảnh Cửa Đặt (Thường Xuân). Đây là một trong những điểm đến lý tưởng, được đông đảo du khách thập phương tìm về mỗi dịp tết đến xuân về. Tại đây, du khách vừa mê mải đắm chìm trước sự kỳ vĩ, tầm vóc của Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên vừa được ghé thăm hai ngôi đền thiêng tọa lạc dưới chân núi Róc – nơi hợp lưu giữa sông Chu và sông Đặt nằm trong khu di tích. Theo các tài liệu cổ, một trong hai ngôi đền ở đây thờ Bà chúa thượng ngàn (thường gọi là Mẫu Đệ Nhị) – vị thần cai quản vùng rừng núi theo tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Ngôi đền thứ hai thờ người anh hùng Cầm Bá Thước – một trong những thủ lĩnh của Phong trào Cần vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX. Không chỉ nổi tiếng là một vùng thắng tích với cảnh sắc thiên nhiên tựa như một bức tranh sơn thủy hữu tình mà còn là địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh với không gian lễ hội đặc sắc diễn ra từ mùng 5 tháng Giêng đến đầu tháng 2 âm lịch.

Cũng trên vùng đất Châu Thường lắng đọng chiều sâu lịch sử - văn hóa ấy, những ai sinh ra và lớn lên trên đất Lùm Nưa, xã Vạn Xuân (Thường Xuân), dẫu bước chân có đi đến góc bể chân trời cũng mãi khắc sâu trong tâm trí câu chuyện nàng Han – người con gái đã dũng cảm chiến đấu với quân giặc bảo vệ bình yên cho bản Mường, cho người dân Lùm Nưa. Nhằm tỏ lòng tri ân sâu sắc tới người con gái ấy, từ ngày mùng 3 đến ngày mùng 5 tháng Giêng hằng năm, người dân khắp bản Mường Lùm Nưa tổ chức lễ hội Nàng Han gồm phần lễ và phần hội với nhiều hoạt động tín ngưỡng, văn hóa dân gian độc đáo. Sau khi các nghi thức tế lễ diễn ra trang trọng, thành kính trong hang Mường, người dân Lùm Nưa trong trang phục Thái truyền thống cùng hòa mình vào không gian lễ hội. Cùng với nhịp khua luống, trống chiêng vang vang, trong hơi men rượu cần..., những chàng trai, cô gái Thái khéo léo, uyển chuyển, duyên dáng cùng nhau múa hát dưới cây hoa, nhảy sạp, tung còn...

Nếu ví mùa xuân quê Thanh tựa hồ như một sân khấu trình diễn lớn thì mỗi một lễ hội diễn ra vào thời gian, không gian ấy chính là những nét chấm phá cầu kỳ, riêng nhất. Tựa như lễ hội đền Nưa – Am Tiên (Triệu Sơn) trải qua biến thiên của thời gian, xoay vần của lịch sử vẫn là mạch nguồn linh thiêng, nhánh phù sa văn hóa mà xung quanh nó là biết bao điều bí ẩn, hấp dẫn.

Đó là thiên sử ca về Vua Bà - Bà Triệu – Nhụy Kiều tướng quân (vị tướng yêu kiều như nhụy hoa), gương mặt tiêu biểu đại diện cho khí chất, tinh thần quả cảm, sự bất khuất, kiên trung của phụ nữ Việt trong những đêm trường Bắc thuộc. Năm 248, căm thù quân xâm lược giày xéo non sông, Bà Triệu đã cùng người anh của mình là Triệu Quốc Đạt tại vùng núi Nưa lau lách hoang sơ, địa hình hiểm trở ngày đêm tập hợp lực lượng, phất cờ khởi nghĩa. Hay là sự xuất hiện của giếng Tiên không bao giờ vơi cạn nước. Đặc biệt, núi Nưa – Am Tiên được biết đến là nơi có huyệt khí thiêng, điểm hội tụ giao thoa của khí đất và trời, một trong bốn huyệt đạo lớn của quốc gia. Lễ hội đền Nưa - Am Tiên chính thức được tổ chức vào ngày 18 - 20 tháng Giêng hằng năm, còn ngày 9 tháng Giêng âm lịch là ngày “mở cửa trời”. Bởi sự linh thiêng của nơi này nên ngay từ những ngày đầu xuân năm mới, hàng vạn du khách thập phương đến với núi Nưa – Am Tiên cầu may mắn, bình an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, mọi sự hanh thông...

Mừng vui, rộn ràng, đa sắc, đa thanh là thế nhưng trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch COVID–19, lại thêm một mùa xuân nữa, cùng với cả nước, quê Thanh phải tạm dừng các hoạt động lễ hội. Nếu ai đó hỏi: Lòng người có cảm thấy trống vắng, nhớ nhung, mong chờ không? Có lẽ phần lớn câu trả lời là có. Tuy nhiên, thực tế diễn ra, đối diện với quyết tâm, sự vào cuộc quyết liệt từ cả hệ thống chính trị để mỗi người nhận thức sâu sắc về vai trò, trách nhiệm của mình. Trước những nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ, có cả những hy sinh, mất mát trong hành trình khốc liệt chiến đấu với đại dịch COVID–19, bất kỳ ai cũng tâm niệm một điều rằng: Xuân này, mỗi người không chỉ biết nhắc đến niềm vui sướng, hân hoan, hưởng thụ mà quan trọng hơn, đó là mùa xuân của ý thức, trách nhiệm.

Tạm dừng các hoạt động lễ hội có làm cho mùa xuân tẻ nhạt đi, có khiến cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống bị chững lại? Một số ý kiến băn khoăn được đặt ra. Bà Trịnh Thị Minh, Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, cho biết: Các chỉ thị, công điện, công văn từ Trung ương đến địa phương về việc tăng cường biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đều nhấn mạnh trên tinh thần vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Theo đó, trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID–19, cùng với các địa phương khác trong cả nước, tỉnh Thanh Hóa tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và hoạt động bắn pháo hoa nổ trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Các hoạt động tín ngưỡng tại các khu di tích, cơ sở thờ tự vẫn được diễn ra.

Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID–19 khi diễn ra các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã có văn bản hướng dẫn cụ thể gửi đến các huyện, thị xã, thành phố. Theo đó, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân biết, cập nhật tình hình diễn biến dịch COVID–19 và việc tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội. Đối với hoạt động tín ngưỡng, thờ tự tại các điểm di tích, địa phương nơi có di tích xây dựng phương án tổ chức cho Nhân dân và du khách đến tham quan, thực hiện nhu cầu tín ngưỡng đầu xuân thực hiện nghiêm các quy định tại Kế hoạch số 289/KH-UBND ngày 23–12–2021 của Chủ tịch UBND tỉnh, đảm bảo nguyên tắc: Không tập trung quá 20 người trong cùng một thời điểm và không gian thờ tự, tuân thủ nghiêm thông điệp 5K; đảm bảo 100% du khách đến thực hành tín ngưỡng đã được tiêm đủ liều vắc-xin từ 14 ngày trở lên hoặc đã khỏi bệnh COVID–19 và có kết quả xét nghiệm SARS–CoV-2 âm tính trong vòng 72 giờ; những người thuộc diện cách ly theo dõi sức khỏe hoặc có triệu chứng nghi ngờ nhiễm COVID–19 không tiếp nhận tham gia hoạt động tín ngưỡng thờ tự tại di tích. Trường hợp đặc biệt, nếu địa phương tổ chức các hoạt động thực hành tín ngưỡng dịp đầu xuân năm mới tại các di tích với số lượng tập trung trong cùng thời điểm và không gian trên 20 người thì phải báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh quyết định.

Cùng với đó, các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch (phun thuốc khử trùng, chuẩn bị nước sát khuẩn, khẩu trang y tế,...); kịp thời chấn chỉnh, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch tại các điểm di tích, danh thắng trên địa bàn.

Tại các điểm di tích, danh thắng cần có bảng biển hướng dẫn về nội dung khuyến cáo của Bộ Y tế, Sở Y tế trong công tác phòng, chống dịch COVID–19; thông báo số điện thoại đường dây nóng khi du khách cần được hỗ trợ; báo cáo tình hình dịch bệnh theo quy định...

Những lễ hội diễn ra vào dịp mùa xuân trên mảnh đất xứ Thanh, điểm sao cho hết sắc màu, thanh âm, dư vị... Đó không chỉ là nét đẹp, minh chứng sinh động về bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng quê hương. Hơn hết, những lễ hội ấy là biểu tượng cho tinh thần cố kết cộng đồng, là bến đỗ tâm hồn, nẻo về nguồn cội... Và việc tạm dừng các loại hình lễ hội chỉ là giải pháp tình thế, mang tính tạm thời nhưng phù hợp khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Phù sa văn hóa, dòng chảy lễ hội là vô biên, vô lượng... nhưng mỗi người chỉ có một cơ hội để sống trên đời – sống khỏe, sống vui, sống có ích. Trong bối cảnh “bình thường mới”, tạm gác lại niềm vui sướng trẩy hội, người người, nhà nhà vui tết đón xuân với nhiều “món ăn tinh thần” hấp dẫn khác mà vẫn đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Hương Thảo



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]