(Baothanhhoa.vn) - Giữa bức tranh nhộn nhịp, phong phú được dệt nên từ sự phát triển của các câu lạc bộ (CLB) yêu thơ trên mảnh đất xứ Thanh này, CLB Di sản thơ truyền thống và Hán Nôm Thanh Hóa tuy vẫn còn non trẻ nhưng đang nỗ lực hoàn thiện và khẳng định mình trong một sắc màu rất riêng khi hướng tới việc lưu giữ và phát huy giá trị thơ truyền thống và Hán Nôm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lưu giữ giá trị thơ truyền thống và Hán Nôm

Lưu giữ giá trị thơ truyền thống và Hán Nôm

Ban Chủ nhiệm và đông đảo hội viên CLB Di sản thơ truyền thống và Hán Nôm Thanh Hóa tại lễ ra mắt tập thơ Hồn thơ xứ Thanh 1.

Giữa bức tranh nhộn nhịp, phong phú được dệt nên từ sự phát triển của các câu lạc bộ (CLB) yêu thơ trên mảnh đất xứ Thanh này, CLB Di sản thơ truyền thống và Hán Nôm Thanh Hóa tuy vẫn còn non trẻ nhưng đang nỗ lực hoàn thiện và khẳng định mình trong một sắc màu rất riêng khi hướng tới việc lưu giữ và phát huy giá trị thơ truyền thống và Hán Nôm.

Xứ Thanh là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng và kích thích bung nở những cá tính sáng tạo nghệ thuật. Trong các loại hình sáng tạo nghệ thuật ấy, có lẽ thi ca là mạch nguồn mạnh mẽ nhất. Bên cạnh các hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật, người yêu thơ xứ Thanh mở rộng sân chơi cho mình thông qua hình thức sinh hoạt CLB. Giữa bức tranh nhộn nhịp, phong phú được dệt nên từ sự phát triển của các CLB này, CLB Di sản thơ truyền thống và Hán Nôm Thanh Hóa tuy vẫn còn non trẻ nhưng đang nỗ lực hoàn thiện và khẳng định mình trong một sắc màu rất riêng khi hướng tới việc lưu giữ và phát huy giá trị thơ truyền thống và Hán Nôm.

Trực thuộc CLB Di sản thơ văn truyền thống và Hán Nôm Việt Nam, xuất phát từ nguyện vọng của những người có sự quan tâm, yêu thích dành cho thể loại thơ truyền thống và Hán Nôm trên khắp địa bàn tỉnh Thanh Hóa, CLB Di sản thơ truyền thống và Hán Nôm Thanh Hóa được thành lập vào tháng 10-2017. Nói về lý do thôi thúc bản thân đi đến quyết định thành lập CLB, chị Lê Thị Hòa – Chủ nhiệm CLB, Phó Chủ tịch Hội thơ Đường luật TP Thanh Hóa, Phó Chủ nhiệm CLB thơ Đường luật Hạc Thành (TP Thanh Hóa) thân tình chia sẻ: “Là một người yêu thơ và có kinh nghiệm tổ chức CLB, tôi nhận thấy rằng, tuy xứ Thanh chúng ta có rất nhiều người tâm huyết, gắn bó với hoạt động sáng tác thơ truyền thống, Hán Nôm; thậm chí có những cây viết đã bước đầu được công chúng nhiệt tình đón nhận nhưng lại rất tản mạn, thiếu sự kết nối, thiếu sân chơi chung”. Từ thực tế đó, cùng với trăn trở làm sao để có thể lưu giữ và phát triển hơn nữa giá trị, ý nghĩa sâu sắc của thơ truyền thống trong đời sống xã hội, chị Hòa đã cất công tìm kiếm các cây viết nổi bật từ khắp các trang thơ, CLB thơ đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, mạnh dạn giới thiệu về ý tưởng thành lập CLB Di sản thơ truyền thống và Hán Nôm Thanh Hóa, nhiệt tình gửi lời mời tham gia. Ngồi nghĩ lại sự “táo bạo” của mình khi đó, chị Hòa cười tươi cho biết: “Việc lựa chọn và gửi lời mời tham dự có lẽ là điều chiếm nhiều tâm tư, suy nghĩ của tôi nhất vào thời điểm đó. Bởi người yêu thơ và làm thơ truyền thống, Hán Nôm thì nhiều nhưng để tìm được những “cây viết cứng”, có sự nhiệt tình, quảng giao lại không phải chuyện đơn giản. Hơn nữa, tìm được rồi liệu rằng họ có hứng thú với CLB của mình hay không?”. Nhưng sự chân thành, thẳng thắn của chị Hòa được đền đáp xứng đáng: “Dù trước đó chúng tôi là những người hoàn toàn xa lạ nhưng khi nhận được lời mời tham gia CLB Di sản thơ truyền thống và Hán Nôm Thanh Hóa, mọi người đều vui vẻ nhận lời” – chị Hòa nói.

Từ những ngày đầu thành lập ấy, đến nay, CLB Di sản thơ truyền thống và Hán Nôm Thanh Hóa đã thu hút được 37 hội viên tích cực tham gia. Không chỉ là nơi thường xuyên giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm sáng tác; tích cực tham gia thử sức mình trong các hoạt động văn học – nghệ thuật của tỉnh và cả nước, CLB còn tổ chức lớp học Hán – Nôm do cố vấn Hán – Nôm của CLB trực tiếp giảng dạy và cử đại diện hội viên luân phiên tham dự. Sau đó, những hội viên được CLB cử đi học có trách nhiệm phổ biến nội dung mà mình tiếp thu được cho đông đảo các hội viên khác. Ngoài ra, đối với những người không phải là hội viên của CLB nhưng có sự yêu thích, muốn được học hỏi, trau dồi kiến thức Hán – Nôm vẫn có thể đăng ký theo học. Nội dung được phổ biến tại lớp học chủ yếu là kiến thức nền tảng về Hán – Nôm, học cách phiên âm, viết chữ Hán, dịch thơ từ nguyên tác chữ Hán... Giải thích về cách học luân phiên này, chị Hòa phân trần: “Do điều kiện cá nhân của các hội viên trong CLB không cho phép họ thường xuyên tham gia lớp học được. Nhưng chúng tôi luôn muốn đảm bảo quyền lợi cho các hội viên, mong muốn ai cũng có thể tiếp cận với kiến thức mới được giảng dạy trong buổi học nên mới linh động đề xuất cách học này. Các hội viên rất tán thành vì chính họ cũng không muốn bỏ lỡ những bài học bổ ích từ lớp học”.

CLB Di sản thơ truyền thống và Hán Nôm Thanh Hóa đã để lại dấu ấn trong lòng độc giả bằng sự ra mắt của hai tập thơ với tên gọi chung là “Hồn thơ xứ Thanh”. Đúng như tên gọi, tất cả các tác phẩm được giới thiệu trong tập thơ đều là tiếng thơ được cất lên từ sâu thẳm tâm hồn của những người con xứ Thanh.

Tập thơ “Hồn thơ xứ Thanh 1” tập hợp sáng tác của 31 hội viên CLB với phong phú, đa dạng thể loại, đề tài. Tiến sĩ Đinh Công Vỹ - Chủ tịch CLB Di sản thơ văn truyền thống và Hán Nôm Việt Nam đã có những nhận định, đánh giá chân thực về tập thơ: Lục bát là thể thơ truyền thống của dân tộc, được sáng tác phổ biến ở tập thơ này như: “Mùa xuân nhớ Bác” của Nguyễn Thị Dinh; “Anh em nhà gà nói chuyện” của Lê Thị Hòa thật cảm động, da diết, tình cảm, thể hiện sự quan tâm của tác giả với hiện tình của quê hương, đất nước; “Tình quê” của KCẩm Mạnh Hùng cũng rất ấn tượng và lắng đọng; “Mặt trái cuộc đời” của Nguyễn Văn Kênh là sự phản biện với những gì bị che khuất, thi vị hóa của cuộc đời; “Kỷ niệm một thời” của Nguyễn Chí Đức không những nói lên tình yêu lứa đôi mà còn nói lên được tình yêu quê hương, đất nước: “Anh đi gìn giữ nước non/ Giảng đường em đợi, lòng son em chờ”... Đối với thể thơ Đường luật khó nhất là đối bởi nó có “vần điệu, nhạc họa phong phú, niêm luật chặt chẽ, hàm súc, “ý tại ngôn ngoại”. Nhiều tác giả của CLB đối rất đạt: “Gió cũng âm thầm giăng nỗi nhớ/ Mây hoài lặng lẽ gợi niềm thương”. (“Hẹn” – Trường Giang)... “Song thất lục bát” là một thể thơ không thể thiếu của thi nhân xưa. Thấp thoáng trong tập thơ đầu tay của CLB – Hồn thơ xứ Thanh 1 đã có những cây viết đang kế thừa và phát huy vốn cũ của cha ông như: “Nhớ và mong” của Lê Thị Hòa, “Đắng cay” của Lê Thanh Toàn...

Tập “Hồn thơ xứ Thanh 2” đã hoàn thiện bản in và sẽ sớm ra mắt bạn đọc vào đầu tháng 12–2019. Chị Hòa hào hứng giới thiệu: “Tiếp nối sự ra đời của Hồn thơ xứ Thanh 1”, “Hồn thơ xứ Thanh 2” dày 148 trang gồm 161 bài thơ được sáng tác ở đa dạng các thể thơ: Lục bát, song thất lục bát, đường luật... với sự góp bút của 30 tác giả. Các tác giả đều tuân thủ chặt chẽ niêm luật của thể thơ và cố gắng chọn lọc câu từ thật sắc”. Bạn đọc có thể nhận thấy điều đó khi đọc những vần thơ như: “Ta muốn” của Lê Thị Hòa; “Nỗi niềm tháng giêng” của Nguyễn Thanh Xuyết; “Bình minh cửa biển” của Đặng Đình Tưởng; “Đêm mơ lạc bến Tầm Dương” của Nguyễn Đức Quyền; “Xứ Thanh – Mảnh đất tình người” của Trần Quốc Hiệu...

“Là mái nhà chung của những tâm hồn thơ cùng nhịp thở”, CLB Di sản thơ truyền thống và Hán Nôm Thanh Hóa đang phát triển từng ngày cùng với tình yêu dành cho thơ truyền thống và Hán Nôm. “CLB chỉ đang chập chững bước đi trên con đường dài rộng thênh thang của thi ca nên không thể tránh khỏi những non nớt, thiếu sót, lúng túng thuở ban đầu. Tuy nhiên, ban chủ nhiệm và các hội viên luôn động viên nhau cố gắng, nhiệt tình, không ngừng sáng tạo để có thể chứng tỏ năng lực và sức sống của CLB thông qua các tác phẩm của mình” – chị Hòa nhấn mạnh. Trong thời gian tới, CLB sẽ tiếp tục phát triển hội viên; tổ chức thêm nhiều hoạt động có ý nghĩa; trau dồi thêm kiến thức, kinh nghiệm để ngày càng có nhiều tác phẩm chất lượng, mang tính nghệ thuật cao, ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đây là những tác phẩm được viết bằng cả tấm lòng và sự say mê của hội viên CLB Di sản thơ truyền thống và Hán Nôm Thanh Hóa nhằm đưa tiếng thơ, tiếng lòng của người xứ Thanh vươn tới mọi miền Tổ quốc và chạm tới tâm hồn của độc giả.

Nguyên Linh


Nguyên Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]