(Baothanhhoa.vn) - Đó là lớp Văn và lớp Toán, khóa học 1972-1975. Lớp đặc biệt, thì đúng rồi. Hồi đó Ty Giáo dục “định danh” như thế. Nhưng, khóa đặc biệt, thì... Như thế này...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lớp đặc biệt của khóa... đặc biệt

Đó là lớp Văn và lớp Toán, khóa học 1972-1975. Lớp đặc biệt, thì đúng rồi. Hồi đó Ty Giáo dục “định danh” như thế. Nhưng, khóa đặc biệt, thì... Như thế này...

Lớp đặc biệt của khóa... đặc biệt

Cựu học sinh hai lớp Văn - Toán khóa 1972-1975, chụp ảnh lưu niệm tại Thành Nhà Hồ, nhân lần trở về tìm cảnh cũ, người xưa...

Khởi đầu - vùng quê sơ tán

Cuối thu 1972. Đồng quê đang vào vụ mười. Lứa học trò được gọi vào lớp đặc biệt của tỉnh Thanh Hóa, không phải tập trung về thị xã, mà là một địa điểm bên dòng sông Mã, cạnh Thành Nhà Hồ. Nơi đó là xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc. Khối chuyên Toán đã hình thành từ nhiều năm trước, đầy đủ 3 lớp: 10, 9 và 8. Khối chuyên Văn năm ấy, lớp chúng tôi là lứa đầu tiên. Cả 3 lớp khối Toán trọ nhà dân ở làng Phú Lĩnh. Lớp Văn ở làng Thổ Phụ. Hai làng nằm dọc bờ đê, trải ra mạn đường cái quan hướng Bắc - Nam nối cổng Thành Tây Đô với núi Đốn Sơn nơi có Đàn tế Nam Giao triều Hồ.

Những ngày tháng cuối năm 1972. Cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của không lực Hoa Kỳ đang vào giai đoạn cao điểm. Đêm đêm, từ phía thị xã Thanh Hóa vun vút, nhập nhòa những quầng lửa. Nhiều đêm chúng tôi giật mình thức giấc vì tiếng bom ầm ì, rung rền. Bác chủ nhà bảo, bom B52 rải mạn Thọ Xuân(?)

Lớp học là lán tranh nép vào lưng chừng thân đê, nửa chìm nửa nổi, bốn bên lũy đất, có hào giao thông dẫn ra hầm trú ẩn. Từ lớp học nhìn hướng Tây là dòng Mã giang đang vào mùa cạn, lạnh lẽo mà hiền hòa. Bờ bên kia, thuộc về Yên Định ngút ngát làng mạc đồng bãi với ngô khoai, mía đậu, bầu bí, phô diễn tất thảy gam màu đậm nhạt, xanh mướt, mịn màng, anh ánh nắng chiều...

Hồi đó lũ học trò lít nhít chúng tôi đâu nhận ra tầm nhìn của lãnh đạo tỉnh khi chọn địa điểm sơ tán là làng quê cổ xưa bên dòng sông Mã này. Nép mình bên dòng sông hùng vĩ nhất dải đất Bắc Trung bộ, bên tòa thành đá di sản kỳ bí bao bọc kinh đô một triều đại, cùng những ngôi chùa làng cổ xưa, ngọn tháp chuông nhà thờ cao vút... chúng tôi được một - vùng - văn - hóa bao bọc, chở che trọn vẹn bình yên suốt tháng ngày quê hương bom đạn!

Cái làng quê đón nhận, chở che chúng tôi từ cái ngày khởi đầu sơ tán để lại rất nhiều kỷ niệm. Vài chục năm lại đây, có dịp gặp gỡ là chúng tôi lại cùng nhau trở về...

Sau khóa chúng tôi, không khóa nào phải nhập học nơi vùng quê sơ tán.

Một chốn bốn nơi

Đời người một chốn đôi nơi, lẽ thường tình. Lũ học trò Văn, Toán chúng tôi, chỉ 3 năm học mà một chốn tới bốn nơi.

Khởi đầu ngày nhập học nơi sơ tán Vĩnh Tiến, bắt đầu cuộc sống xa nhà tự lập, trọn vẹn một học kỳ mà đầy ắp kỷ niệm.

Những ngày hết cảnh đạn bom, hòa bình trở lại, chúng tôi về Trường cấp 3 Vĩnh Lộc, cùng chung mái trường, phòng học với những người bạn vùng quê từng là kinh đô một triều đại.

Sau ngày ký kết Hiệp định Paris một thời gian, thầy trò toàn khối được Ty Giáo dục đón về thị xã Thanh Hóa, chung mái Trường cấp 3 Lam Sơn. Khi ấy thị xã Thanh Hóa tơ tướp vì bom đạn, mà ngôi trường danh tiếng một vùng thì ngói xô, tường vỡ, hội trường chỉ còn lại cái nền, sân trường chi chít hố bom. Khu nhà ăn dựng tạm bên cạnh mấy hố bom sâu hoắm... Cảnh tượng ấy in đậm trong mấy câu thơ ngày đầu về trường: “Thị xã ta ơi,/ Mặt đường nhựa mảnh bom băm lỗ chỗ/ Máy nước ăn đạn phạt mất vòi/ Sân trường ta chi chít bom rơi...”.

Khoảng học kỳ 2 năm lớp 9, toàn khối lại “thiên đô” một lần nữa. Lần này là một phần cơ sở tu viện nằm phía sau Tòa Giám mục Thanh Hóa, với tòa nhà 2 tầng bị bom Mỹ phạt một góc, một mảng sàn bê tông chưa đứt hẳn vẫn lung lay đung đưa khi có cơn gió mạnh. Chúng tôi học ở tầng trệt trong căn nhà 2 tầng tường lở lói mảnh bom đó. Mảnh sân rộng xanh um cỏ gà, vấn vít nho dại là nơi chúng tôi đá bóng. Nhà ăn là dãy nhà ngói thấp tè vốn là chuồng nuôi gà, vịt, dê, ngỗng nằm ở phía sau...

Một thời gian, nơi đây chuyển thành phân hiệu 2 của Trường cấp 3 Lam Sơn. Sau khi chúng tôi ra trường, trở thành Trường cấp 3 Hàm Rồng.

Một chốn bốn nơi, ấy là nơi học. Nơi trọ học thì hơn thế. Không kể 2 lần ở Vĩnh Lộc, về thị xã Thanh Hóa, thuở ngày đầu là làng Quảng Xá bên sông Bố Vệ, nơi có Thái Miếu Nhà hậu Lê... Rồi phố Trường Thi, xóm Đông Lân...

Thật sự đó là những không gian đầy ắp chi tiết cuộc sống lý thú, cho chúng tôi nhiều nếm trải và trải nghiệm bổ ích.

Thêm chi tiết, để khóa chúng tôi càng là khóa đặc biệt: Khởi đầu năm lớp 8 là sự kiện ký kết Hiệp định Paris, hòa bình trở lại trên toàn miền Bắc. Năm lớp 10 là sự kiện ngày chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, giang sơn thống nhất, Bắc - Nam liền một dải!

Cuộc đi bộ... lịch sử

Sau tháng 12-1972, tạm yên bom đạn, chúng tôi rời lán tranh bên bờ đê sông Mã về Trường cấp 3 Vĩnh Lộc, nằm trên đất Vĩnh Thành. Học trò được bố trí ở trọ nhà dân làng Bái Xuân, xã Vĩnh Phúc, cạnh trường. Ngôi trường khá khang trang, rợp tán xà cừ, may mắn chưa từng bị bom đạn “va quệt”. Mấy tháng đầu ở Vĩnh Tiến học trò được chia gạo, phát tiền, 15 ký gạo và 9 đồng 6, dựa vào chủ nhà trọ, tự lo khoản chợ búa ăn uống. Về Trường cấp 3 Vĩnh Lộc bắt đầu được ăn tập thể. Có cả một tổ, đủ bộ lệ, từ hành chính, cấp dưỡng, thủ quỹ, tiếp phẩm đến y tá được Ty Giáo dục điều động từ thị xã lên phục vụ gần 100 thầy trò. Cảm giác những ngày đầu ăn cơm tập thể là đói, cái đói thường trực. Cái cảm giác ấy vương vất đến tận bây giờ! Cứ hau háu chờ đến giờ ăn cơm. Tranh nhau xin bác nhà bếp miếng cháy đáy chảo. Nhặt cùi bắp cải, gọt lớp vỏ, thái mỏng ngâm qua chút nước chấm, thế là thành món “chèn” cái dạ dày của cái lũ đang tuổi ăn, tuổi lớn, lại xa nhà...

Rồi một ngày...

Sáng đó, thứ 3, ngày 24-1-1973... chúng tôi vừa đến lớp thì được các thầy thông báo, hòa bình rồi, cho học trò nghỉ học về quê ăn tết... Không gì vui hơn! Bây giờ thì mọi người hay dùng từ vỡ òa. Vỡ òa thật! Hóa ra hôm trước, 23-1-1973, tại thủ đô Paris của nước Pháp xa xôi, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình đã được 4 bên ký tắt. Cả lũ ùa về nhà trọ, vội xếp ba lô, túi xách, chào qua chủ nhà rồi chạy ào ra bến xe.

Ngày ấy, từ thị trấn Vĩnh Lộc về thị xã Thanh Hóa mỗi ngày có 1 chuyến xe khách. Khi lũ chúng tôi ra đến nơi thì chiếc xe ca đã chật khách. Mấy anh lớp 9, lớp 10 chuyên Toán nhanh chân, lại khỏe hơn đã yên vị trên xe. Xe chạy, bỏ lại bên đường hầu hết lũ lớp 8 Văn và Toán lít nhít mặt buồn như mất sổ gạo.

Tôi không còn nhớ ai trong đám lít nhít ấy cất lên cái khẩu lệnh ngắn gọn: Đi bộ! Đang háo hức với vỡ òa, cả lũ hưởng ứng, từng nhóm, cả con trai con gái cất bước! Thời điểm “mang tính lịch sử” là hơn 9h sáng, ngày 24-1-1973, nhằm ngày 21 tháng Chạp năm Nhâm Tý!

Bây giờ thì đoạn đường từ thị trấn Vĩnh Lộc về Nga Sơn, Hà Trung, Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) hay Quảng Xương sáu, bảy chục cây số, mất vài ba tiếng đồng hồ xe ô tô, không thành vấn đề. Thế nhưng ngày ấy, với lũ học trò mười bốn, mười lăm phần lớn còi cọc, thấp bé nhẹ cân, háo hức bươn bả khiến đôi bàn chân phồng rộp, thì là một kỳ tích!

Hôm đó, những bạn đường về khoảng dưới bốn chục cây số thì chiều tối đến nhà. Đa số ở huyện xa, lại thêm nửa ngày tiếp cuộc hành trình cuốc bộ.

Chúng tôi gọi đó là cuộc đi bộ lịch sử!

Lũ quỷ thành danh

Hồi ấy lớp Văn được định danh là lớp “Ăn”, còn lớp Toán, là lớp “Tán”.

Quỷ sứ thì thôi rồi. Chọc ác cả bác Hinh, quản trị trưởng. Một lần, khu nhà ăn tranh tre nứa lá dựng tạm bên hố bom. Bạn nào đó buộc cục gạch phía trên cánh cửa. Bác Hinh đẩy cửa bước ra, cục gạch rơi xuống. May, không trúng đầu!

Trêu chọc cả cô giáo. Cô H., mới ra trường, người thấp, có mái tóc dài đến khoeo chân. Hôm đó 2 lớp học ghép... Mấy bạn nam trêu thế nào khiến cô giận đỏ mặt, chực khóc, rồi bỏ giờ!

Mong có dịp gặp lại cô, hai lớp sẽ khoanh tay, thưa cô, cô cho chúng em xin lỗi...

Sau mấy chục năm rời xa mái trường Lam Sơn, gặp lại nhau, thật kỳ lạ, tính cách mỗi người vẫn vậy, không khác xưa bao nhiêu. Quả là giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời.

Đọng lại là hơn bốn chục con người đều trưởng thành, nhiều người thành danh. Có hai ông tướng và nhiều ông tá, 4 phó giáo sư, gần hai chục kỹ sư, bác sĩ, vài nhà báo. Còn lại là ông giáo, bà giáo... Thú vị nữa, mỗi người đều có bạn bè ở khắp nơi. Những cuộc xê dịch dọc đường thiên lý, alo ới nhau là có mặt.

Đọng lại, hai lớp Văn và Toán ngày càng hòa hợp, như cùng một lớp và đã thành một lớp...

Lớp đặc biệt của khóa đặc biệt

Chúng tôi mang ơn lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, ngày chiến tranh nghèo khó vẫn không quên chắt chiu đồng tiền, bát gạo khuyến học, khuyến tài, dạy dỗ nuôi nấng lứa học trò chúng tôi...

Chúng tôi mang ơn người dân đã cưu mang, đùm bọc, thương lũ trẻ xa nhà như con... Mang ơn các bác, các cô lo cho chúng tôi những bữa cơm thời bao cấp với bao trăn trở đầy vơi...

Chúng tôi biết ơn các thầy, cô nơi mái trường mà chúng tôi đã qua, kỹ càng mỗi tiết lên lớp, trìu mến và thân thương nhiều hơn...

Và vô cùng biết ơn hai người thầy theo suốt quãng đường 3 năm học: Thầy Nguyễn Ngọc Liễn và Mỵ Duy Thọ. Không chỉ truyền cảm hứng, niềm đam mê toán học và văn học, mà còn rèn dạy nhân cách, qua tâm thế người thầy, qua cách ứng xử của bậc trí thức.

Nhớ mãi mái trường Lam Sơn

Những khi nhớ về, lại ngân lên lời ca, tiếng hát: Lam Sơn đây mái trường của bao thế hệ/ Lớp lớp lên đường tung cánh muôn phương... - Lời trong ca khúc của Thầy Trần Lê Chức.

Ngày 20 tháng 10 năm 2021.

Bài và ảnh: Uông Ngọc Dậu

(Cựu học trò chuyên Văn Lam Sơn khóa 1972-1975).


Bài và ảnh: Uông Ngọc Dậu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]